TIN TỨC HPU

  Thứ ba, 26/12/2017 - 14:13:25

Thư mục Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán số 5 năm 2017

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán số 5 năm 2017.
 
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới chính sách về khoa học và công nghệ nhằm phát triển thị trường khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập/ Nguyễn Xuân Điền// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 5 – 8
Tóm tắt: Vai trò của Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày càng được coi trọng. Phát triển KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đến nay, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã và đang thực hiện và đã được những kết quả nhất định. Với các đóng góp thiết thực của KH&CN, nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhiều kết quả thực hiện đã và đang đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Có được kết quả đó chính là sự đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách KH&CN.
Từ khóa: Khoa học công nghệ; Hệ thống pháp luật; Chính sách khoa học và công nghệ
 
2. Giải pháp chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang mô hình doanh nghiệp/ Phạm Quang Khánh// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 9 – 11
Tóm tắt: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là một khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây tại Việt Nam, nhưng đang được đặc biệt khuyến khích phát triển. Song song với các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp KH&CN, Nhà nước đã chủ trương giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả R&D sử dụng ngân sách nhà nước nhằm làm cơ sở để hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Qua nghiên cứu thấy rằng, hầu hết các tổ chức KH&CN công lập sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN đều vẫn còn đang rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Nhà nước vẫn phải hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên. Bài viết sẽ phân tích một số thực trạng của quá trình chuyển đổi tổ chức KH&CN sang mô hình doanh nghiệp từ đó đưa ra một vài giải pháp góp phần đẩy mạnh mô hình chuyển đổi này.
Từ khóa: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chuyển giao công nghệ; Mô hình doanh nghiệp
 
3. Việt Nam – 30 năm thu hút và sử dụng FDI/ Vũ Duy Vĩnh, Vũ Hoàng Yến// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 12 – 14
Tóm tắt: Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987), với rất nhiều đổi thay trong dòng chảy cốn FDI, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. FDI hiện nay đã đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Bên cạnh những thành công ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và sự phát triển bền vững, chúng ta cần nhìn nhận rằng còn tồn tại không ít những hạn chế cần giải quyết. Bài báo tập trung phân tích thực trạng thu hút và sử dụng FDI ở Việt Nam những năm qua và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trong những năm tới.
Từ khóa: Thu hút FDI; Sử dụng FDI; Đầu tư trực tiếp nước ngoài; Việt Nam
 
4. Vấn đề phát triển thị trường dịch vụ công – Thực trạng và giải pháp, kiến nghị/ Đoàn Ngọc Xuân// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 15 – 19
Tóm tắt: Từ năm 2007, Việt Nam cam kết gia nhập WTO, trong đó có cam kết mở cửa thị trường dịch vụ. Trong số các loại thị trường dịch vụ, dịch vụ công gắn với vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội thông qua việc thiết lập cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, cấp phép hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở cung cấp dịch vụ (gồm cả công và ngoài công lập); tham gia cung ứng dịch vụ công thông qua hoạt động của hệ thống các đơn vị sự nghiệp do nhà nước thành lập; hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động cung ứng hoặc cho người thụ hưởng. Việc kiến nghị các giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước cũng như sự sẵn sàng vào cuộc của các bên tham gia thị trường, chắc chắn thị trường dịch vụ công của nước ta ngày càng có vị trí, đóng góp ngày càng lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu phúc lợi ngày càng cao của nhân dân.
Từ khóa: Dịch vụ; Dịch vụ công; Dịch vụ công thiết yếu; Hàng hóa dịch vụ công; Thị trường dịch vụ công
 
5. Rủi ro hệ thống và giám sát rủi ro trong giai đoạn hiện nay/ Phan Hữu Nghị// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 20 – 22
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, hệ thống tài chính Việt Nam phát triển nhanh chóng, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi kinh tế vĩ mô bất ổn, hệ thống tài chính đã bộc lộ rủi ro, yếu kém như chất lượng tài sản giảm sút nghiêm trọng, nợ xấu, mất nìm tin giữa các định chế tài chính và với doanh nghiệp, tình trạng căng thẳng thanh toán của không ít TCTD,… dẫn đến những bất ổn hệ thồng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do vậy, việc đánh giá đúng mức rủi ro hệ thống tồn tại trong nội tại thị trường tài chính của Việt Nam, qua đó xây dựng một chính sách, phương thức giám sát hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung là rất cần thiết.
Từ khóa: Rủi ro hệ thống; Chính sách vĩ mô an toàn; Hệ thống giám sát
 
6. Chuyển nợ xâu thành vốn góp – Biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và những vướng mắc về pháp lý/ Trần Thị Lan// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 23 – 25
Tóm tắt: Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Chuyển nợ xấu thành vốn góp được coi là một trong những biện pháp cần thiết bên cạnh nhiều biện pháp khác để xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam. Việc chuyển đổi nợ thành vốn góp ở Việt Nam đã được thực hiện theo cơ chế khác nhau. Hành lang pháp lý liên quan đến chuyển nợ xấu thành vốn góp mới đang trong quá trình xây dựng. Bài viết này đề cập đến thực trạng và phân tích các rào cản trong quá trình triển khai biện pháp này trên thực tế và một số khuyến nghị.
Từ khóa: Xử lý nợ xấu; Chuyển nợ thành vốn góp; Giới hạn góp vốn
 
7. Hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm đẩy mạnh hoạt động môi giới bảo hiểm ở Việt Nam/ Hoàng Mạnh Cừ, Hoàng Ngọc Thảo Uyên// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 26 – 29
Tóm tắt: Từ việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động môi giới bảo hiểm (MGBH) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bảo hiểm (TTBH). Nhằm đáp ứng các yêu cầu, xu hướng mới trong điều kiện nước ta hiện nay, cần thiết phải phát triển TTBH hơn nữa. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động MGBH. Muốn vậy, cần hoàn thiện các quy phạm pháp lý, có sự tác động tích cực của cơ quan quản lý và những nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp MGBH. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, phức tạp nên bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi hoàn thiện các quy phạm pháp lý đối với hoạt động của MGBH trên TTBH Việt Nam.
Từ khóa: Môi giới bảo hiểm; Hoạt động môi giới bảo hiểm; Quy định về môi giới bảo hiểm
 
8. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước/ Trần Thị Việt Thạch// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 30 – 33
Tóm tắt: Quản trị công ty (QTCT – Corporate Govermance) là thuật ngữ ngày càng trở nên thông dụng, được coi là yếu tố không thể tách rời với sự thành công của mỗi doanh nghiệp. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam có vốn nhà nước, QTCT còn bộc lộ rất nhiều bất cập, đặc biệt là hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT). Để các NHTMCP có vốn nhà nước thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT tại nhóm ngân hàng này thực sự đã trở thành vấn đề hết sức cần thiết.
Từ khóa: Hiệu quả hoạt động; Ngân hàng thương mại cổ phần; Vốn nhà nước
 
9. Một số điểm mới về chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo thông tư số 133/2016TT-BTC/ Phạm Vũ Hà Thanh// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 34 – 36
Tóm tắt: Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 133/2016TT-BTC về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 thay thế cho quyết định 48/2006/QĐ-BTC. Theo đó, thông tư này hướng dẫn nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với Ngân sách Nhà nước (NSNN). Việc tìm hiểu các nội dung của Thông tư 133, cũng như so sánh và chỉ ra được các điểm mới về chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều bắt buộc không chỉ đối với kế toán các doanh nghiệp mà còn đối với giảng viên giảng dạy, sinh viên chuyên ngành kế toán, kinh tế tại các trường đại học. Trên cơ sở đó, bài viết đề cập đến các vấn đề sau: Trình bày tổng quan, nguyên tắc chung về chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133/2016TT-BTC; Trình bày nội dung những điểm mới của Thông tư 133 so với chế độ kế toán cũ theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC.
Từ khóa: Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Bộ Tài chính; Chế độ kế toán
 
10. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp xây dựng có vốn nhà nước/ Trần Thị Tuyết// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 37 – 40
Tóm tắt: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong ba trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Kết quả của quá trình tái cơ cấu các DNNN và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 05/02/2017, đã hình thành một loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù là doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Chính sự thay đổi này tác động đến hai yếu tố quan trọng (I) đặc thù hoạt động của doanh nghiệp và (II) môi trường pháp lý ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nói chung, trong đó có các doanh nghiệp xây dựng có vốn của Nhà nước. Vì vậy, cần nghiên cứu đổi mới tổ chức công tác kế toán cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng; Tổ chức công tác kế toán; Doanh nghiệp có vốn Nhà nước
 
11. Bàn về vai trò của kế toán trong việc lập báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp/ Phan Thị Thu Hà// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 41 – 43
Tóm tắt: Ở Việt Nam hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp quyết định công bố báo cáo bền vững một cách độc lập hoặc công bố báo cáo tài chính thường niên và trên website. Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp ngày càng có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cải thiện kết quả kinh doanh, xác định rủi ro, nắm bắt cơ hội và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Bài viết này nghiên cứu vai trò của kế toán trong trách nhiệm giải trình về các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường dựa trên việc xem xét quan điểm của chuyên ngành trong việc lập báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp trên thế giới và từ đó rút ra một số kiến nghị cho Việt Nam.
Từ khóa: Vai trò của kế toán; Phát triển bền vững; Báo cáo phát triển bền vững
 
12. Đánh giá khả năng sinh lời của các công ty cổ phần xây dựng niêm yết ở Việt Nam/ Lưu Hữu Đức// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 44 – 46
Tóm tắt: Khả năng sinh lời là mối quan tâm của nhiều chủ thể khi theo dõi, đánh giá về tình hình tài chính của một doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thông tin về khả năng sinh lời của doanh nghiệp tác động khá lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư qua đó tác động tới biến động giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Do vậy cần thiết nghiên cứu, đánh giá về khả năng sinh lời, các nhân tố tác động khả năng sinh lời của doanh nghiệp nói chung, các CTCP xây dựng niêm yết nói riêng.
Từ khóa: CTCP xây dựng niêm yết; Khả năng sinh lời; Nhân tố tác động
 
13. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp/ Bạch Thị Thanh Hà// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 47 – 49
Tóm tắt: Trong thời gian qua, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ. Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này tiếp cận vốn, đổi mới khoa học công nghệ… Từ những năm 2004-2005 đã xuất hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp, đến 2016 số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã lên tới 1.500 doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hướng tới quốc gia khởi nghiệp với 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì cần thêm nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa đối với nhóm doanh nghiệp này. Bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ khóa: Doanh nghiệp khởi nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Tín dụng; Quỹ đầu tư mạo hiểm; Vốn
 
14. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ tại sở giao dịch ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam/ Nguyễn Diệu Linh// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 50 – 51
Tóm tắt: Với định hướng chiến lược đưa thẻ trở thành sản phẩm cơ bản trong việc thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, Sở giao dịch Agribank đã triển khai dịch vụ thẻ từ năm 1999 nhưng chủ yếu mang tính thử nghiệm. Từ năm 2003 đến nay, Sở giao dịch Agribank đã quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ thẻ, từ hoàn thiện mô hình tổ chức đến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ tin học, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh thẻ… Quá trình hoạt động đén nay dịch vụ thẻ đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, dịch vụ thẻ của Sở giao dịch Agribank vẫn chưa có một tỷ lệ tương xứng trong mối tương quan với các loại hình dịch vụ mà ngân hàng hiện đang cung cấp, chưa tương xứng với tiềm lực mà Sở giao dịch Agribank hiện có. Bài viết tập trung vào phân tích đánh giá những khó khăn vướng mắc về chất lượng dịch vụ mà Sở giao dịch Agribank đang trải qua, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ tại Sở giao dịch Agribank.
Từ khóa: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở giao dịch; Ngân hàng Nhà nước
 
15. Tác động của thuế, phí đến hoạt động khai thác khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Bất cập và đề xuất/ Lưu Thi Thu Hà// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 52 – 54
Tóm tắt: Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam liên tục tăng, từ 41-44 triệu tấn vào năm 2016 lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, trong bối cảnh khai thác ngày càng khó khăn; lợi nhuận có xu hướng giảm mạnh, thu nhập của người lao động chậm được cải thiện… trong khi các loại thuế, phí liên tục tăng đang đẩy tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Bài báo đề cập tác động của thế, phí đến hoạt động khai thác khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng như đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần tháo gỡ những khó khắn của Tập đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Tác động của thuế; Phí; Hoạt động khai thác; Tập đoàn Công nghiệp Than
 
16. Thị trường bất động sản Việt Nam: Thực trạng và giải pháp/ Phạm Thanh Bình// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 55 – 56
Tóm tắt: Thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân bởi nó có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trườngvật liệu xây dựng, thị trường lao dộng… Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Từ khóa: Thị trường bất động sản; Vốn đầu tư; Kinh tế - xã hội
 
17. Kinh nghiệm quốc tế về sử dụng các công cụ tài chính thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và những bài học rút ra cho Việt Nam/ Phạm Thị Hà// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 57 – 60
Tóm tắt: Các công cụ tài chính như: Chi ngân sách nhà nước, Thuế, Tín dụng và các Quỹ KH&CN là những công cụ tài chính cơ bản tác động mạnh mẽ đến việc hình thành, phát triển các yếu tố của thị trường công nghệ. Mức độ và cách thức tác động của từng công cụ đến việc phát triển từng yếu tố của thị trường công nghệ có khác nhau và tùy thuộc vào chính sách sử dụng các công cụ đó trong từng điều kiện cụ thể nhất định. Bài viết này tập trung nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong việc sử dụng các công cụ tài chính thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ của các quốc gia. Từ đó, rút ra một số bài học có thể xem xét vận dụng để sử dụng hợp lý các công cụ tài chính thúc đẩy phát triển các yếu tố của thị trường công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Công cụ tài chính; Thị trường công nghệ; Kinh nghiệm
 
18. Hoàn thiện mô hình và cơ chế xử lý nợ xấu cho VAMC – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam/ Nguyễn Thị Việt Nga// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 61 – 64
Tóm tắt: Cuộc khủng hoảng tài chính là tiền đề cho vấn đề xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp ở nhiều quốc gia. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khủng hoảng hoặc trì trệ do xử lý nợ xấu tăng nhanh thì việc hình thành một công ty mua bán nợ (AMC) tầm cỡ quốc gia để xử lý nhanh nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) qua AMC quốc gia được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, áp dụng và dần trở thành khung lý thuyết chung để các nước tham khảo khi thành lập và vận hành AMC. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế xã hội, hệ thống tài chính, pháp luật và điều kiện lịch sử của các quốc gia khác nhau nên mỗi nước đều có mô hình, cơ chế hoạt động và xử lý nợ xấu thông qua AMC riêng. Do vậy, nghiên cứu xây dựng mô hình, cơ chế hoạt động xử lý nợ xấu của một sô nước trên thế giới nhằm rút ra những bài học để hoàn thiện mô hình xử lý nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) là hết sức cần thiết.
Từ khóa: Nợ xấu; Tổ chức tín dụng; Công ty mua bán nợ
 
19. Bàn về lịch sử kế toán quản trị thế giới và xu hướng của kế toán quản trị Việt Nam trong thời gian tới/ Nguyễn Minh Thành// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 65 – 68
Tóm tắt: IFAC thống kê lịch sử KTQT thế giới qua 4 giai đoạn với những kỹ thuật/phương pháp cụ thể trong từng giai đoạn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh yếu tố kinh tế có ảnh hưởng tới nhu cầu thông tin của nhà quản trị, qua đó ảnh hưởng tới KTQT – công cụ hỗ trợ nhà quản trị trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam đang chỉ ra những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của KTQT. Xu hướng mới của KTQT Việt Nam đang dần hình thành.
Từ khóa: Kế toán quản trị; Kiểm soát tài chính; Thông tin và kiểm soát tài chính
 
20. Xây dựng tiêu chí cơ bản đánh giá hiệu quả thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam/ Nguyễn Thị Minh Hòa// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 69 – 71
Tóm tắt: Hiện đại hóa hải quan được coi là quá trình tất yếu của hoạt động quản lý hải quan hiện đại, với vai trò là “người gác cửa nền kinh tế đất nước, lực lượng biên phòng trên mặt trận kinh tế”, cơ quan hải quan cần thiết phải tiến hành hiện đại hóa hải quan để đảm bảo quyền lợi của quốc gia trong quá trình hội nhập.Trước yêu cầu đó, lựa chọn thủ tục hải quan điện tử được coi là một sự phát triển khách quan trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan của cơ quan hải quan, bởi những thuận tiện và những lợi ích cụ thể, rõ ràng mà nó mang lại. Thủ tục hải quan điện tử là một hoạt động, do đó nhất thiết phải đánh giá đối với hoạt động này để thấy được hiệu quả trong quá trình hoạt động, từ đánh giá hiệu quả mới phát huy được thế mạnh của thủ tục hải quan điện tử mang lại, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm hạn chế những yếu kém còn tồn tại.
Từ khóa: Tiêu chí đánh giá; Hiệu quả; Thủ tục hải quan điện tử
 
21. Phát triển sản phẩm dịch vụ phi tín dụng tại Agribank/ Nguyễn Thị Thanh Hà// Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán .- Số 5/2017 .- Tr. 72 – 74
Tóm tắt: Xu hướng sáp nhập các tổ chức tài chính – ngân hàng đang diễn ra phổ biến, đặt việc kinh doanh của Ngân hàng vào sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Việc tăng tỷ trọng phí dịch vụ phi tín dụng trên tổng doanh thu sẽ giúp cho các ngân hàng phát triển ổn định, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh vì hoạt động thu phí về bản chất là có mức độ an toàn cao so với thu nhập từ hoạt động cấp tín dụng, đồng thời đây cũng là nguồn thu ổn định cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập từ các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng của các NHTM Việt Nam còn khá thấp so với hệ thống các NHTM của các nước khác. Để có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay, các NHTM phải tìm ra các chiến lược và giải pháp nhằm nâng tỷ lệ phí dịch vụ trên tổng doanh thu, đem lại sự phát triển bền vững cho chính các NHTM Việt Nam trong đó có Agribank. Bài viết giới hạn nghiên cứu tại Agribank trên địa bàn Đà Nẵng.
Từ khóa: Dịch vụ ngân hàng; Phi tín dụng; Thẻ ngân hàng
 
 
Trung tâm Thông tin Thư viện
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn