TIN TỨC HPU

  Thứ tư, 24/01/2018 - 08:25:34

Thư mục Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 239 tháng 5 năm 2017

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 239 tháng 5 năm 2017.
 
1. Phân tách bất bình đẳng hạnh phúc bằng hồi quy: Bằng chứng thực nghiệm mới từ 126 quốc gia/ Trần Quang Tuyến// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 2 – 9
Tóm tắt: Sử dụng dữ liệu hạnh phúc từ 126 nước trong giai đoạn 2009-2016, nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tách bất bình đẳng hồi quy để xem xét đóng góp của các nhân tố tới bất bình đẳng hạnh phúc trên thế giới. Kết quả cho thấy mô hình phân tích giải thích được khoảng 70% biến động của bất bình đẳng hạnh phúc trong thời gian nêu trên. Trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người có đóng góp nhiều nhất, chiếm tới 40% tổng bất bình đẳng. Các nhân tố xã hội khác như hỗ trợ xã hội (khả năng nhận hỗ trợ từ bạn bè hay người thân khi gặp khó khăn), mức độ tự do lựa chọn cuộc sống và sự hào phóng (cho tiền từ thiện) lần lượt đóng góp khoảng 17%, 8% và 3% tới tổng bất bình đẳng hạnh phúc. Tham nhũng và bất bình đẳng thu nhập cũng có đóng góp nhỏ tới bất bình đẳng hạnh phúc (4% và 2%). Bài viết đưa ra hàm ý chính sách góp phần gia tăng hạnh phúc cho các nước ít hạnh phúc hơn và qua đó giảm thiểu bất bình đẳng về hạnh phúc giữ các nước trên thế giới.
Từ khóa: Tham nhũng; Hào phóng; Bất bình đẳng hạnh phúc; Bất bình đẳng thu nhập; Hỗ trợ
 
2. Tác động của quyền sở hữu trí tuệ đến tăng trưởng kinh tế ở Châu Á và định hướng tăng trưởng ở Việt Nam/ Hà Công Anh Bảo// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 10 – 18
Tóm tắt: Bài viết phân tích tác động của quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đối với sự tăng trưởng kinh tế của 14 nước Châu Á dựa trên dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, đây là những quốc gia có chỉ số và quyền sở hữu trí tuệ tại Châu Á. Kết quả nghiên cứu từ mô hình hồi quy bằng phương pháp bình phương tối thiểu (OLS) và dường như không liên quan (cross-section SUR) cho thấy quyền sở hữu trí tuệ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước này, trong đó có Việt Nam. Kết quả này phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, khi các dòng vốn tự do lưu thông giữa các quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố khuyến khích đầu tư, phát minh và chuyển giao công nghệ, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bài viết đưa ra kiến nghị về Quyền sở hữu trí tuệ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Từ khóa: Quyền sở hữu trí tuệ; Tăng trưởng kinh tế; Nước đang phát triển
 
3. Ước lượng chuyển dịch biến động của tỷ giá hối đoái đến các mức giá nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc giai đoạn 2005-2015/ Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Cẩm Nhung// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 19 – 28
Tóm tắt: Bài viết này tìm hiểu mức độ chuyển dịch biến động của tỷ giá hối đoái đến các mức giá nhập khẩu của Việt Nam, sử dụng số liệu thương mại song phương hàng tháng từ tháng 01/2005 đến tháng 12/2015. Nhóm tác giả sử dụng 310 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chi tiết ở mức độ HS-6 chữ số sau đó gộp vào 70 nhóm hàng chi tiết ở mức độ HS-4 chữ số thuộc 6 nhóm ngành hàng là “bông”; “quần áo, hàng may mặc phụ trợ”; “sắt thép”; “máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng”; “sản phẩm điện tử” và “phụ tùng vận tải, máy kéo”. Kết quả thu được từ mô hình hồi quy dữ liệu mảng tác động cố định cho thấy đồng Nhân dân tệ (CNY) đã được sử dụng phổ biến trong thanh toán đối với nhóm ngành hàng “quần áo, hàng may mặc phụ trợ” và “phụ tùng vận tải, máy kéo”. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá VND/CNY gây ra. Đối với những nhóm ngành hàng còn lại, đồng đô la Mỹ (USD) được sử dụng phổ biến là đồng tiền thanh toán. Mức độ chuyển dịch biến động tỷ giá đến giá nhập khẩu của Việt Nam là tương đối cao với một số mặt hàng cụ thể. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá giữa VND/USD khi nhập khẩu những mặt hàng này.
Từ khóa: Chuyển dịch; Tỷ giá hối đoái; Nhập khẩu; Việt Nam; Trung Quốc
 
4. Thuyết lây lan: Từ văn hóa tổ chức và lãnh đạo đến hành vi của nhân viên với tổ chức và thái độ với khách hàng/ Võ Thị Ngọc Thúy, Mai Thu Phương, Hoàng Đoàn Phương Thảo// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 29 – 36
Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét tác động của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa người lãnh đạo đến sự gắn kết và hài lòng của nhân viên với tổ chức và công việc, từ đó tác động đến thái độ của nhân viên với khách hàng. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với 203 nhân viên tín dụng ngành ngân hàng và 203 khách hàng (mỗi nhân viên được đánh giá bởi một khách hàng bất kỳ có quan hệ giao dịch từ 1-2 năm) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy văn hóa của tổ chức và của người lãnh đạo có tác động mạnh mẽ đến sự gắn kết và sự hài lòng của nhân viên với tổ chức và công việc. Điều thú vị là hai yếu tố văn hóa này không tác động trực tiếp đến thái độ của nhân viên với khách hàng mà thông qua sự hài lòng của nhân viên với tổ chức và công việc.
Từ khóa: Thuyết lây lan; Văn hóa doanh nghiệp và người lãnh đạo; Sự gắn kết của nhân viên; sự hài lòng của nhân viên; Thái độ của nhân viên với khách hàng
 
5. Mở rộng lý thuyết hành vi dự định để giải thích ý định sử dụng M-commerce tại Khánh Hòa/ Nguyễn Hữu Khôi, Hồ Huy Tựu// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 37 – 46
Tóm tắt: M-commerce đã và đang trở thành một hiện tượng toàn cầu thay thế cho E- commerce. Dù vậy, các nhà quản trị tại Việt Nam vẫn thiếu một tầm nhìn và công cụ để phát triển M-commerce. Điều này làm nảy sinh yêu cầu thực hiện các nghiên cứu về M-commerce. Một nội dung quan trọng là xác định các nhân tố có tác động đến ý định sử dụng M-commerce của người tiêu dùng. Nghiên cứu này sử dụng mô hình lý thuyết hành vi dự định (TPB) làm nền tảng lý thuyết để xây dựng một mô hình nghiên cứu với ba biến số mở rộng: sự tin tưởng, nguy cơ và chi phí cảm nhận. Phương pháp mô hình phương trình cấu trúc (SEM) được áp dụng trên mẫu gồm 205 khách hàng VNPT Khánh Hòa để kiểm định các đo lường và giả thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy các đo lường đều tin cậy, đạt độ giá trị và các giả thuyết đều được ủng hộ bởi dữ liệu. Do đó, nghiên cứu có những đóng góp bổ sung quan trọng cả mặt học thuật cũng như thực tiễn.
Từ khóa: M-commerce; Ý định sử dụng; TPB; Sự tin tưởng; Nguy cơ; Chi phí
 
6. Một số tiền tố và hậu tố của hành vi tham gia của khách hàng/ Nguyễn Mạnh Tuân, Huỳnh Thị Minh Châu// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 47 – 55
Tóm tắt: Sự tham gia của khách hàng là chủ đề được quan tâm của lĩnh vực dịch vụ. Dưới góc độ nguồn lực xã hội, bài viết này xem xét mức độ tác động của các tiền tố là vốn xã hội và trao đổi xã hội lên hành vi tham gia của khách hàng và từ đó lên sự hài lòng, truyền miệng tích cực và giá trị khách hàng. Phân tích cấu trúc tuyến tính được thực hiện ở dịch vụ đào tạo với 258 mẫu dữ liệu học viên trên địa bàn TP. HCM đã ủng hộ 8 trên tổng số 10 giả thuyết nghiên cứu đề nghị. Kết quả cho thấy hai thành phần vốn nhận thức và vốn quan hệ (của tiền tố vốn xã hội) và hai thành phần cảm nhận hỗ trợ từ nhân viên giao dịch và cảm nhận hỗ trợ từ khách hàng (của tiền tố trao đổi xã hội) có tác động thuận chiều lên hành vi tham gia và cả hai tiền tố này có thể giải thích đến 68,8% biến thiên của hành vi tham gia.
Từ khóa: Hành vi tham gia của khách hàng; Vốn xã hội; Trao đổi xã hội; Giá trị khách hàng; Giáo dục
 
7. Sử dụng mô hình Dupont phân tích tài chính các doanh nghiệp ngành dầu khí được niêm yết trên thị trường chứng khoán/ Nguyễn Tuyết Khanh/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 56 – 64
Tóm tắt: Bài viết đi sâu nghiên cứu hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp ngành dầu khí được niêm yết trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2013-2015 bằng cách sử dụng mô hình phân tích tài chính Dupont để phân tích tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) và tỷ tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở ữu (ROE). Mô hình Dupont chia ROA thành 2 phần: tỷ suất sinh lời của doanh thu (ROS) và số vòng quay của tổng tài sản (TAT); ROE được chia thành 3 phần: ROS, TAT và đòn bẩy tài chính. Nghiên cứu đã chỉ ra trong từng giai đoạn, những nhân tố khác nhau đã tác động đến chỉ tiêu cần phân tích. Năm 2014, ROA giảm là do tỷ suất sinh lời của doanh thu giảm, năm 2015, ROA và ROE giảm là do hiệu suất sử dụng của tài sản giảm. Từ nững kết luận trên, nhà quản lý tài chính có thể đưa ra những phương án khắc phục để nâng cao hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp này.
Từ khóa: Dầu khí; Doanh nghiệp; Mô hình Dupont; Phân tích; Tài chính
 
8. Chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế: Nghiên cứu tại các công ty niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam/ Trương Thùy Vân/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 65 – 74
Tóm tắt: Nghiên cứu này cung cấp kết quả phân tích về tỷ suất thuế thực tế (effective tax rates – ETRs) của 185 công ty niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam để đo lường chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế nảy sinh do chênh lệch vĩnh viễn (permanent differences). Kết quả cho thấy các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, thương mại (bán sỉ), thương mại (bán lẻ), Tài chính và bảo hiểm là các ngành có lợi nhuận kế toán cao hơn thu nhập chịu thế và các doanh nghiệp lớn có chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế rộng hơn các doanh nghiệp nhỏ. Kết quả này cung cấp bằng chứng cho quan điểm lệch pha giữa hai hệ thống kế toán và thế ở Việt Nam.
Từ khóa: Lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế; Tỷ suất thuế thực tế; Chênh lệch vĩnh viễn; Chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế
 
9. Ý định sử dụng thương mại điện tử trên điện toán đám mây/ Nguyễn Duy Thanh, Huỳnh Thị Thu Thảo/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 75 – 83
Tóm tắt: Thương mại điện tử trên điện toán đám mây là xu thế rất mới đang được sự quan tâm của cả các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, nhờ nhiều ứng dụng hỗ trợ kinh doanh, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu của nghiên cứu này là đề xuất và kiểm định một mô hình ý định sử dụng thương mại điện tử trên điện toán đám mây. Các mối liên hệ trong mô hình nghiên cứu được phân tích bằng kỹ thuật mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả cho thấy 9 trong 15 giả thuyết đặt ra được ủng hộ. Mô hình giải thích được khoảng 36,7% ý định sử dụng thương mại điện tử trên điện toán đám mây.
Từ khóa: Điện toán đám mây; Thương mại điện tử; Ý định sử dụng
 
10. Ảnh hưởng của việc bồi dưỡng nghiệp vụ đến sự thay đổi năng lực làm việc: Nghiên cứu trường hợp tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam/ Trần Quang Tiến/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 84 – 91
Tóm tắt: Vận dụng lý thuyết đánh giá chương trình đào tạo của Kirkpatrick, và phương pháp nghiên cứu định lượng, nghiên cứu này đo lường mức độ ảnh hưởng của các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đến sự thay đổi kết quả và năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sử dụng số liệu khảo sát hơn 200 cán bộ làm việc tại cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đang tham gia khóa học, kết hợp với thông tin kiểm tra chéo từ các cán bộ quản lý trực tiếp, bài viết sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính chuẩn hóa phát hiện cả ba nhóm yếu tố cơ bản: Cơ quan (môi trường làm việc); cá nhân và gia đình; và sự tham gia vào các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đều tác động tích cực; có ý nghĩa thống kê đến sự thay đổi kết quả, năng lực làm việc của công chức. Trong đó, ảnh hưởng của các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ là rất rõ ràng, với mức độ lớn hơn ảnh hưởng của các nhóm yếu tố khác.
Từ khóa: Điện toán đám mây; Thương mại điện tử; Ý định sử dụng
 
11. Phân tích hành vi ứng phó trong điều kiện không chắc chắn về việc làm của nhân viên ngân hàng tại thành phố Cần Thơ/ Huỳnh Trường Huy, Hồ Hoàng Trúc Phương/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 92 – 99
Tóm tắt: Nghiên cứu này phân tích hành vi ứng phó trong điều kiện không chắc chắn về việc làm của 217 nhân viên được khảo sát từ 23 chi nhánh ngân hàng thương mại tại thành phố Cần Thơ. Kết quả phân tích chỉ ra rằng nhân viên nữ thể hiện chiếm ưu thế hơn so với đồng nghiệp nam về số lượng nhân viên do đặc điểm công việc, nhưng họ lại ít thể hiện dự định chuyển đổi việc làm mới trong điều kiện không chắc chắn về việc làm. Đáng chú ý, chi phí cơ hội và cơ hội phát triển nhân lực là những yếu tố tác động đến dự định chuyển việc hay không. Đối với nhóm nhân viên có dự định chuyển việc ra khỏi ngành ngân hàng, các yếu tố như áp lực công việc, sự cam kết với ngân hàng, và giới tính được nhân viên quan tâm nhất. Hơn nữa, mối quan hệ xã hội và kinh nghiệm địa bàn có đóng góp tích cực dự định chuyển việc.
Từ khóa: Hành vi ứng phó; Điều kiện không chắc chắn về việc làm; Nhân viên ngân hàng; Thành phố Cần Thơ
 
12. Nghiên cứu các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của giảng viên trong trường đại học/ Bùi Thị Ngọc, Lê Thị Tú Oanh/ Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 239 tháng 5/2017 .- Tr. 100 – 108
Tóm tắt: Hiện nay, chất lượng giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trang này bắt nguồn từ việc giảng viên chưa hài lòng so với kỳ vọng của họ. Bài viết này nghiên cứu các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của giảng viên trong trường đại học, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm thu hút các giảng viên giỏi. Dữ liệu khảo sát thu thập tử 313 giảng viên của các trường đại học tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của giảng viên gồm các quy định liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thu nhập và chính sách phúc lợi; cơ sở vật chất của trường đại học, trong đó, các quy định về giảng dạy và nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng lớn nhất. Đây là cơ sở cho các giải pháp đề xuất nhằm gia tăng mức độ hài lòng của giảng viên trong công việc.
Từ khóa: Mức độ hài lòng; Giảng viên: Đại học
 
 
Trung tâm Thông tin Thư viện
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn