TIN TỨC HPU

  Thứ hai, 22/01/2018 - 15:31:05

Thư mục Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 5 năm 2017

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 5 năm 2017.
 
1. John Locke và quan niệm của ông về sự phân quyền nhà nước/ Nguyễn Thị Tươi, Cao Thị Phương Thúy// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 3 – 11
Tóm tắt: John Locke (1632-1704) là nhà triết học cận đại người Anh, theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh trong lĩnh vực nhận thức luận. Ông được xem là một trong những cội nguồn của tri thức của phong trào Khai sáng châu Âu và là người đã làm được nhiều hơn bất cứ triết gia nào trong việc cung cấp những cơ sở lý luận cho chế độ dân chủ tự do. Bài viết trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của John Locke, phân tích quan niệm của ông về sự phân quyền nhà nước, trong đó nhấn mạnh quyền lập pháp. Đồng thời nêu lên những giá trị trong quan điểm phân quyền nhà nước của John Locke và sự vận dụng quan điểm này vào thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Nhà nước pháp quyền; Quyền con người; Quyền tự nhiên; Quyền liên hiệp
 
2. Nhà nước kiến tạo phát triển: Một số vấn đề về nội hàm khái niệm và việc xây dựng ở Việt Nam/ Nguyễn Thị Thanh Dung// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 12 – 21
Tóm tắt: Ở Việt Nam gần đây, chủ đề “Nhà nước kiến tạo phát triển” trở thành vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn cả người dân nói chung. Bài viết tập trung làm rõ bản chất, nội hàm của khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển” – một nô hình, một kiểu nhà nước mới hay chỉ là một sự thay đổi về vai trò, chức năng của nhà nước  trong bối cảnh mới; mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với Chính phủ kiến tạo, Nhà nước pháp quyền và Quản trị nhà nước; từ đó luận giải Nhà nước kiến tạo phát triển có phải là mô hình phổ biến cho tất cả các quốc gia vận dụng trong quá trình phát triển không? Việt Nam cần học hỏi gì từ kinh nghiệm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển của các nước trên thế giới.
Từ khóa: Nhà nước kiến tạo phát triển; Chính phủ kiến tạo; Quản trị nhà nước
 
3. Khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách bình đẳng giới (Nghiên cứu trường hợp phụ nữ tham gia quản lý công)/ Đặng Thị Ánh Tuyết, Phan Thuận, Lê Thị Nga// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 22 – 28
Tóm tắt: Mục đích của bài viết là phân tích khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách bình đẳng giới trong quản lý công. Bằng phương pháp tổng quan nghiên cứu tài liệu, bài viết chỉ rõ rằng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc ban hành các chính sách và văn bản hướng dẫn thực thi chính sách; nhờ đó, đã tạo ra một khung pháp lý khá vững chắc đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia quản lý công. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách bình đẳng giới trong lĩnh vực này, đó là khoảng trống về chính sách và thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm. Sở dĩ như vậy là vì, trong quá trình thực thi, chính sách vẫn còn chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Từ khóa: Chính sách; Thực thi chính sách; Bình đẳng giới; Phụ nữ tham gia quản lý công
 
4. Vài nét về tình hình nghiên cứu về trẻ em lang thang ở Việt Nam hiện nay/ Bùi Thị Hồng// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 29 – 36
Tóm tắt: Trẻ em lang thang là một hiện tượng xã hội không chỉ diễn ra ở một khu vực nhất định mà nó có quy mô toàn cầu và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, vấn đề trẻ em lang thang được các nhà nghiên cứu bàn đến nhiều. Tuy nhiên xét về mặt quy mô, vẫn chưa có công trình độc lập nào bao quát được toàn bộ vấn đề trẻ em lang thang trên bình diện cả nước. Ngoài trẻ em của Việt Nam lang thang thì những năm gần đây cũng xuất hiện khá nhiều trẻ em nước ngoài lang thang xin ăn tại Việt Nam như trẻ em Lào, Campuchia… Đây là vấn đề không nhỏ đối với xã hội khi mà chúng ta đang đi tìm biện pháp và xây dựng các mô hình khắc phục tình trạng trẻ em lang thang trong thời gian tới. Bài viết tổng quan các công trình nghiên cứu, bài viết tạp chí, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ liên quan đến trẻ em lang thang tại ba thư viện lớn: Thư viện Khoa học xã hội; Thư viện Quốc gia; Thư viện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia trong mốc thời gian từ năm 2000 trở lại đây theo ba nội dung chính: khái niệm, cách tiếp cận; thực trạng, nguyên nhân, hậu quả; kinh nghiệm và các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trẻ em lang thang ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: Việt Nam; Trẻ em; Trẻ em lang thang
 
5. Một số kết quả nghiên cứu chính từ Hội thảo khoa học quốc tế: Tư tưởng của C. Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó/ Lê Hường, Hoàng Minh Quân// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 37 – 44
Tóm tắt: Tư tưởng về công bằng phân phối của K. Marx là một thành tựu trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Nó đấu tranh với bất công xã hội và bảo vệ quyền con người với những nhu cầu, những điều kiện và cơ hội đẻ phát triển trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, khi mà sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của các quốc gia đôi khi lại đi kèm với những bất công, chênh lệch trong xã hội, thì vấn đề công bằng xã hội nói chung, công bằng phân phối nói riêng một lần nữa cần phải được đặt lại một cách nghiêm túc. Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng của c. Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó” do Viện Triết học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp với Viện Friedric Ebert Stiftung (Văn phòng Việt Nam) và Viện Rosa Luxemburg Stiftung (Văn phòng Đông Nam Á) tổ chức ngày 17-18/5/2017, tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lăk, nhằm khẳng định giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn về tư tưởng công bằng phân phối của K. Marx, kiến giải những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn thực hiện công bằng phân phối ở các nước trên thế giới và Việt Nam, đồng thời tìm ra giải pháp tích cực phù hợp với tình hình nước ta. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản của Hội thảo.
Từ khóa: K. Marx; Tư tưởng; Công bằng xã hội; Công bằng phân phối
 
6. Trần Văn Giàu – Cây đại thụ trong giới trí thức Việt Nam thời hiện đại/ Hồ Bá Thâm// Tạp chí Thông tin khoa học xã hội .- Số 5/2017 .- Tr. 44 – 51
Tóm tắt: “Nam bộ thành đồng” – vùng đất anh hùng đã sinh ra và rèn luyện những chiến sĩ cộng sản kiên trung, những nhà lãnh đạo tài năng, những nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam. Trong số đó có GS. Trần Văn Giàu (6/9/1911-16/12/2010), một tấm gương đức độ, tài năng, cùng những cống hiến và cuộc đời thăng trầm của mình, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào cả nước nói chung và đồng bào Nam bộ nói riêng. Bài viết khái quát về đặc điểm, phẩm chất, năng lực và những lĩnh vực nghiên cứu chính, những cống hiến của GS. Trần Văn Giàu, đồng thời chỉ ra những nhân tố khách quan, chủ quan có ảnh hưởng đến phẩm chất, khí phách, tài năng của ông – một trong những sử gia vĩ đại nhất của nền sử học Việt Nam hiện đại.
Từ khóa: Việt Nam; Trần Văn Giàu; Trí thức
 
 
Trung tâm Thông tin Thư viện
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn