Tuyển sinh

  Thứ hai, 25/11/2013 - 10:13:33

Bàn về điểm sàn vào Đại học, Cao Đẳng

Sau hơn 11 năm thực hiện kỳ thi ba chung, chúng tôi thấy “ba chung” có nhiều ưu việt: Giảm tải cho các trường, tạo nên một sân chơi chung cho tất cả các trường, sinh viên có nhiều lựa chọn phù hợp, không phải đi thi ở nhiều trường khác nhau, giảm đáng kể kinh phí làm đề thi, độ chính xác, tính khoa học của đề thi được đảm bảo.


Tuy nhiên một nội dung quan trọng trong “ba chung” là dùng chung kết quả thi, và điểm sàn là mức tối thiểu vào ĐH, CĐ còn gây nhiều bàn cãi trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011 và 2012.

Một câu hỏi được đặt ra là: điểm sàn trong mấy năm vừa qua là cao hay thấp, và điểm sàn phản ảnh trình độ của học sinh tới mức độ nào? Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét điểm thi của một thí sinh thì có thể nói điểm đó là cao hay thấp so với phổ điểm chung, học sinh đó giỏi hay kém, nhưng nói đến điểm sàn cao hơn hay thấp hơn so với năm trước, so với năm sau thì không hoàn toàn hợp lý bởi nó không cùng thước đo, vì đề thi mỗi năm một khác, nó khó hơn hay dễ hơn năm trước? Trình độ học lực kiến thức của học sinh mỗi năm khác nhau, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.

Điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là rất quan trọng, bởi vì khi tổ chức kỳ thi các trường đều mong muốn có một kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác. Nhưng thí sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và các tường ĐH, CĐ sẽ “nín thở” chờ điểm sàn do Bộ công bố.

Điểm sàn phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố như đề thi, khối thi với mức độ khó dễ khác nhau, số lượng thí sinh đăng ký và mức độ ảo, do thí sinh được thi 3 lần, sự phân bố thí sinh....Nhưng đặc biệt, điểm sàn phụ thuộc rất nhiều vào tổng chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà nước giao cho các trường. Đúng như vậy, bởi vì nếu tổng chỉ tiêu giao cho các trường là 500.000 sinh viên, thì tổng số thí sinh có điểm trên điểm sàn năm đó phải lớn hơn 500.000 thí sinh.

Rõ ràng xác định tương đối chính xác và hợp lý “điểm sàn” không phải đơn giản.

Nhìn lại 2 mùa tuyển sinh vừa qua, chúng ta thấy rõ hơn bức tranh tuyển sinh ĐH & CĐ.

Năm 2011 các trường ĐH & CĐ trong cả nước mới tuyển được 88% chỉ tiêu được giao, thiếu 12% (tức là thiếu khoảng 60.000 thí sinh).

Năm 2012, chỉ tiêu Bộ giao cho các trường là 556.918, các trường tuyển được 462.163 sinh viên, đạt 83%, thiếu 17% chỉ tiêu, bằng 94.755 thí sinh.

Nguyên nhân vì sao?

Có người cho rằng: “sinh viên thường thi lại năm sau còn hơn là vào trường ngoài công lập, vì vậy các trường ngoài công lập không tuyển được”. Có đúng như vậy không? Thử hỏi có bao nhiêu thí sinh có điểm trên sàn mà đi thi lại? Chúng ta đã có thông kê chưa? Hay là chỉ phỏng đoán? Con số đó có lên đến 90.000 thí sinh đi thi lại trong một năm hay không?

Nếu đúng là thí sinh thích thi lại vì không muốn vào trường ngoài công lập, thì vì sao có những trường đại học công lập có bề dày 50-60 năm, với những thành tích đáng nể vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, phải lấy hệ cao đẳng, hoặc hệ liên thông để bù?

Như vậy không thể đơn giản nói rằng: vì sinh viên không muốn vào trường ngoài công lập.

Một vấn đề nữa có liên quan đến điểm sàn là vấn đề xét tuyển NV2, NV3.

Từ 2011 trở về trước, điểm xét tuyển NV2 bằng hoặc cao hơn NV1, và NV3 bằng hoặc cao hơn NV2.

Năm 2012 thì Bộ quy định trường ĐH nào lấy NV1 chưa đủ thì lấy đến NV2, NV3 với điểm có thể thấp hơn NV1. Quyết định này dẫn đến sự mất ổn định lớn đối với các trường. Sinh viên nộp vào, rút ra, nộp vào, rút ra... điều đó dẫn đến hiện tượng, người ăn không hết, kẻ lần không ra, vì có trường tuyển vượt 200% (Bởi vì sinh viên chỉ muốn học ở trường của chúng tôi!). Rất mừng là trong tuyển sinh năm 2013, Bộ đã bỏ quy định này.

Những “cải tiến” của Bộ trong mùa tuyển sinh 2012 như: thí sinh có thể dùng phiếu phô tô để xét tuyển, hoặc kéo dài thời gian xét tuyển đến 30/11 đã bộc lộ nhiều bất cập và cũng đã được Bộ chỉnh sửa cho mùa tuyển sinh 2013.

Như vậy, trong mùa tuyển sinh 2013, việc tiếp tục có điểm sàn chung cũng là hợp lý, tuy nhiên điểm sàn phải là điểm để các trường tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng

Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn