Đội ngũ giảng viên

  Thứ ba, 26/11/2013 - 09:56:08

Câu chuyện cổ tích có hậu của “cô bé lọ lem” Đồng Thị Nga

Sinh ra trong hoàn cảnh toàn thân bị phủ đầy một lớp vảy do di chứng chất độc da cam từ người cha truyền lại nhưng Đồng Thị Nga đã vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, bước chân vào cổng trường đại học rồi trở thành giảng viên của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Với nỗ lực phi thường của bản thân và sự yêu thương của những người thân xung quanh, cuối cùng cuộc đời đã nở hoa trên đôi tay rỉ máu của “cô bé lọ lem”.

Sau chiến tranh, cha chị trở về lành lặn đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng không ai biết rằng người chiến sỹ trên chiến trường Quảng Trị năm ấy đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Mẹ chị mang thai, năm lần sinh nhưng 3 lần những đứa con sinh ra hình hài không trọn vẹn nên đã mất ngay sau đó. Chị là đứa trẻ may mắn còn sống sót nhưng chẳng lành lặn chút nào. Cha không biết vì sao con mình như vậy. Không chịu nổi sự dị nghị của gia đình và xã hội, người chiến sỹ năm xưa ấy đã không còn nổi nghị lực để vượt qua nỗi đau này. Cha mẹ chị chia tay nhau.

Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày dài đầy đau khổ. Không những ngày đêm phải gánh chịu nỗi đau thể xác, chị còn bị bạn bè xa lánh, bị người đời hắt hủi. Nhưng đối với chị tất cả những điều đó không thấm gì so với nỗi đau tinh thần khi gia đình phải chia ly. Mẹ chị một mình nuôi anh em chị khôn lớn trong sự thiếu thốn về vật chất, sự dằn vặt về tinh thần khi chứng kiến nỗi đau đớn bệnh tật của con cái, sự ghẻ lạnh của gia đình và xã hội. “Mỗi khi nhìn ánh mắt thương hại và xa lánh của mọi người đối với mẹ tôi, nhiều đêm tôi đã khóc một mình vì thương mẹ.” - Chị tâm sự.

Khi chị học lớp 1, vì sợ bệnh tật của chị ảnh hưởng đến các bạn nên cô hiệu trưởng đã yêu cầu chị nghỉ học. Hình ảnh người mẹ đứng giữa sân trường để xin cho con được tiếp tục theo học cứ ám ảnh mãi trong tâm trí chị cho tới tận bây giờ. “Cô ơi cuộc đời của con tôi đã quá bất hạnh, vì khi sinh ra đã không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Xin cô hãy cho cháu được tiếp tục theo học để cuộc đời cháu sau này đỡ khổ” - Đó là lời mẹ chị đã cầu xin cô hiệu trưởng, nhưng lời cầu xin đó không được chấp nhận. May mắn thay, nhờ sự bao dung của cô giáo chủ nhiệm, chị vẫn được theo học. Chị sống lặng lẽ như một cái bóng giữa sự ghê sợ và xa lánh của bạn bè. Tuy vậy, chị vẫn giữ niềm lạc quan, yêu đời, chị bảo được đi học với chị đã là một niềm vui mà chị phải tận dụng. Những kiến thức, những bài học cho chị thêm niềm tin và hi vọng. Chị chỉ mong làm cho mẹ vui bằng những kết quả học tập của mình. Chị chia sẻ: “Suốt những năm tháng đó, ước mơ của tôi là được mọi người coi tôi như một người bình thường. Thật đơn giản, nhưng đó là điều tôi chưa bao giờ cảm nhận được trong suốt những năm tuổi thơ và những năm tháng học phổ thông.”

Chị Đồng Thị Nga tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mô côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 4/2013 tại Hà Nội

Rời mái trường cấp 3 năng khiếu Trần Phú Hải Phòng, chị cũng như bao sỹ tử khác ước mơ được vào đại học. Chiều theo ước nguyện của con, mẹ chị đã cho chị lên Hà Nội để dự thi. Đó là những ngày hè nắng nóng oi ả và bệnh của chị vì thế càng nặng thêm. Toàn thân chảy máu và nứt nẻ nhưng chị không muốn bỏ cuộc. Chị muốn biến ước mơ của đời mình thành sự thật, muốn là niềm tự hào của mẹ, muốn được một lần nhìn thấy nụ cười của thật sự của mẹ sau bao đau khổ và nhọc nhằn mà mẹ đã phải trải qua khi sinh ra những đứa con tật nguyền. Niềm vui vỡ òa khi chị đỗ 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Công đoàn. Nhưng vì sức khỏe quá yếu, không thể sống xa mẹ, chị lựa chọn học tại Hải Phòng để được mẹ chăm sóc, và chị may mắn được nhận vào học tại trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Chỉ sau một tháng vào học, từ một bức thư nặc danh của một bạn sinh viên gửi thầy hiệu trưởng về một bạn “da cóc” trong lớp, thầy hiệu trưởng đã tìm ra chị. Trong buổi chào cờ ngày hôm ấy, thầy hiệu trưởng, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Trần Hữu Nghị đã nói: “Tôi lập ra trường này để đào tạo ra những ông cử, bà cử, nhưng trước hết sinh viên của tôi phải được đào tạo làm người. Bố bạn Nga đã vì Tổ quốc mà ra chiến trường vì vậy bạn bị mang di chứng của chiến tranh, chúng ta cần chăm sóc bạn ấy. Ai đối xử tệ với Đồng Thị Nga, người đó sẽ không phải là cộng sự của tôi”. Lời của thầy không những lay động đến sự nhân ái trong mỗi sinh viên của trường và tập thể giáo viên mà còn thắp sáng niềm tin và hi vọng cho chị. Từ ngày đó, cuộc đời chị như được mở sang một trang khác. Mọi người nhìn chị tuy vẫn còn dè dặt nhưng thân thương hơn. Chị được nhà trường miễn toàn bộ học phí trong suốt 4 năm học. Nhưng quan trọng hơn, chị đã bắt đầu được nhìn nhận như một người bình thường. Chị cố gắng học thật giỏi và tích cực phấn đấu. Chị đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và năm nào cũng được nhận học bổng cao nhất. Chị mang học bổng mình có được đi làm từ thiện để chia sẻ với những số phận bất hạnh như mình.

Năm 2002, kết thúc khóa học, chị được giữ lại trường làm giảng viên và được nhà trường cử đi học thạc sỹ tại Malaisia. Sau bao nhiêu đau buồn lặng lẽ giấu vào lòng, chị lại khóc, nhưng giờ đây là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Từ một cô bé mang đầy bất hạnh, chị đã tự tin đứng trên bục giảng với sự yêu quý, trân trọng của nhiều sinh viên. Hạnh phúc lại tiếp tục đến với chị khi chị có một gia đình nhỏ bên người chồng yêu thương mình và hai đứa con khỏe mạnh. Chị cười: “Đây có lẽ là điều kỳ diệu nhất mà cuộc sống đã dành tặng cho tôi. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi muốn làm một điều gì đó để vơi đi nỗi đau cho những số phận không may mắn như tôi. Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn tồn tại. Những số phận không may mắn như tôi vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái. Nếu không được sống trong sự yêu thương vô bờ bến của mẹ, lòng nhân ái của thầy cô và bạn bè thì chưa chắc tôi đã có ngày hôm nay.”

Trang Lê

Theo thiduakhenthuongvn.org.vn, ngày 16/4/2013
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn