Đoàn hội

  Thứ tư, 27/11/2013 - 14:09:20

Tình nguyện ở Mảy Nháu

Biết tôi có ý định vào Mảy Nháu, một trong những bản xa xôi, khó khăn nhất của xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), anh Phạm Văn Nam, cán bộ Đoàn Thanh niên huyện ban đầu hơi ái ngại, nhưng rồi thấy tôi quyết tâm, nên anh đã đồng ý đi cùng.

Anh Nam bảo: "Từ đây vào đó chỉ khoảng hơn hai chục cây số, nhưng đường đèo dốc, trơn, khá khó đi. Hiện có đội sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đang về giúp dân bản xây dựng nông thôn mới...".


Đội sinh viên tình nguyện Trường Ðại học Dân lập Hải Phòng làm đường dân sinh ở bản Mảy Nháu.

Để không cảm thấy đường xa, trên đường đi, anh Nam kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Chuyện về những việc làm thiết thực giúp nhân dân các thôn, bản trong xã của các bạn sinh viên khi về địa phương. Chuyện về sự háo hức của thiếu nhi trong xã khi được các anh, chị sinh viên tình nguyện về tổ chức sinh hoạt hè. Chuyện về đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc các thôn, bản; những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền xã trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân...

Quảng Sơn hiện là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xã có 12 thôn, bản, trên 710 hộ dân với gần 4.000 khẩu, trong đó trên 90% là dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, xã đã có nhiều giải pháp, như đưa giống mới năng suất cao vào canh tác; giao đất, giao rừng cho nhân dân... Nhưng, cái khó, cái nghèo vẫn đeo bám bà con nơi đây, nhất là người dân bản Mảy Nháu, mà nguyên nhân chủ yếu là do đường sá quá khó khăn. Anh Nam dẫn chứng: "Cây keo rất hợp đất này, nhưng trồng được mà không bán được. Giá mỗi cây keo ngoài xã là 10 ngàn đồng, thì chỉ công vận chuyển từ bản ra đã là 15 ngàn đồng. Lương thực, thực phẩm nhà nào có dư thừa cũng chỉ để chăn nuôi, chứ không thành hàng hoá được. Mà chăn nuôi được gà, lợn, thì cũng khó bán lắm".

Sau hơn một tiếng đồng hồ vừa đi vừa nói chuyện, chúng tôi đến Mảy Nháu. Gia đình đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà bác Vòm Sán Cao. Vừa đến cổng nhà, chúng tôi đã gặp các bạn sinh viên tình nguyện đang bốc, xúc đất đá để làm con đường vào nhà giúp bác Cao. Một bạn sinh viên cho biết: Đội có 25 thành viên, chia làm một số nhóm đi làm các công việc khác nhau để giúp bà con, như tham gia sửa chữa đường dân sinh, đắp đập làm đường dẫn nước, hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi không hợp vệ sinh ra xa nơi ăn ở, tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi trong bản...

Chúng tôi đến "đại bản doanh" của Đội đặt ở điểm trường Sán Cáu (Phân hiệu của Trường Tiểu học Quảng Sơn). Lúc này trời đã giữa trưa, dưới cái nắng gay gắt của những ngày hè cuối tháng 7, những áo xanh tình nguyện ướt đẫm mồ hôi, nhưng các bạn vẫn miệt mài đào đất, phá đá, san sửa lại đường vào trường học. Vũ Sơn Tùng, sinh viên năm thứ 2 Khoa Quản trị - Kinh doanh cho biết, nhóm của các bạn phải tranh thủ làm cho xong việc hôm nay để ngày mai cả Đội cùng bắt tay vào giúp một số hộ dân trong thôn di dời chuồng trại chăn nuôi không hợp vệ sinh ra xa nơi ăn ở, làm mương thoát nước cho đường thôn, khơi thông kênh mương dẫn nước cho cánh đồng.

Đến gần 12 giờ, các bạn mới nghỉ tay. Bữa cơm trưa của sinh viên tình nguyện tuy đạm bạc, nhưng ai cũng ăn rất ngon lành. Các bạn kể cho nhau nghe những gì đã làm, những bỡ ngỡ ban đầu, những khó khăn phải vượt qua, rồi cười như ngô rang. Nguyễn Thuý Nga, Khoa Tài chính - Ngân hàng, lần đầu tiên đi tình nguyện hè, ấn tượng mãi về công việc ngày đầu đi vận động người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ăn ở. Nga kể: Nhiều bà con, khi vận động thì đồng tình, nhưng khi sinh viên "kéo quân" đến thì lại từ chối, không cho di chuyển. Lại phải kiên trì tuyên truyền, giải thích, khó khăn lắm người dân mới nghe theo. Phạm Văn Hưng, Khoa Xây dựng, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện ở đây, lần thứ 2 đi tình nguyện hè, tâm sự: "Đồng bào ở đây nghèo nhưng thật tình cảm. Thế nên, làm được việc gì là bọn em cố gắng hết sức để giúp bà con". Đó cũng là suy nghĩ chung của tất cả các sinh viên trong Đội "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".

Ban ngày lao động vất vả, tối ăn vội vàng bữa cơm, các bạn ai lại vào việc nấy, dọn dẹp lấy chỗ tổ chức sinh hoạt hè, dạy múa, dạy hát, trò chơi cho các em thiếu nhi trong bản. Ban đầu, các em thiếu nhi còn rụt rè, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của các anh, chị sinh viên, chẳng mấy chốc các em đã hăng hái tham gia. Trong 20 ngày Đội sinh viên tình nguyện ở đây, tối nào các em thiếu nhi của bản cũng kéo đến đòi các anh, chị sinh viên tình nguyện dạy múa, hát.

Chia tay các bạn sinh viên tình nguyện, trên đường về, chúng tôi không còn thấy ngại khi phải tiếp tục vượt qua hàng chục km đường đèo. Bởi so với các bạn, những khó nhọc của chúng tôi chẳng thấm tháp gì. Chuyến đi đã giúp tôi hiểu thêm về tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của các bạn trẻ.

 

-Theo baoquangninh.com.vn
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn