Góc trao đổi

  Thứ hai, 21/08/2017 - 14:48:06

Giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa chủ trì hội nghị tuyển chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam”. Trên cơ sở báo cáo thuyết minh của 4 nhóm nghiên cứu, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã được lựa chọn chủ trì, thực hiện nhiệm vụ này. PGS.TS.Trần Quang Quý chịu trách nhiệm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Sau nghị quyết TW2 khóa 8 về giáo dục, đặc biệt sau Nghị quyết 90/CP của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa giáo dục tháng 3/1997,  một loạt các trường NCL được thành lập.
Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 30% - 40 % sinh viên học trong các cơ sở giáo dục đại học NCL.
Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng sinh viên ĐH NCL của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được con số 13,16 %. Vai trò, vị thế của ĐH NCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng từ đó chưa tạo được động lực và đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về bản chất không có sự khác biệt giữa ĐH công lập và NCL. Nhiệm vụ của tất cả các trường ĐH là nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức theo sứ mệnh.Các cơ sở GD ĐH chỉ khác nhau về sở hữu. Vướng mắc về sở hữu chính là nút thắt tạo ra những bất cập về quan niệm, chính sách, cơ chế, dẫn đến nhận thức chưa đúng, quy định chưa hợp lý về ĐH NCL trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì vậy, câu hỏi nghiên cứu quan trọng nhất của nhiệm vụ KH&CN này là phải chỉ ra vướng mắc về chủ sở hữu, về huy động, giải phóng nguồn lực phát triển ĐH ngoài công lập.
Nhìn ra thế giới, ta thấy các trường NCL ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục đại học, mỗi trường có sứ mạng riêng, cung cấp nguồn nhân lực theo các phân khúc thị trường khác nhau, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐH ngoài công lập  ở một số nước lên đến 86% như ở Philippines, 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Brazil, Indonesia, Bangladesh và Columbia. Ở Mỹ, trong 10 trường hàng đầu  thì  có 9 trường là ngoài công lập như Harvard, MIT, chỉ có 1 trường đại học công lập.
Trong 10 trường ĐH hàng đầu thế giới có 8 trường tư thục và 2 trường công lập. Điều đó phản ánh vai trò rất lớn của các trường ĐH ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trên thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu nhóm nghiên cứu đề xuất kiến nghị chính sách, tạo hành lang pháp lý để xây dựng môi trường tích cực, bình đẳng cho ĐH ngoài công lập phát triển bền vững:
Giải quyết được những khúc mắc xung quanh bài toán sở hữu sẽ đồng thời tìm được lời giải cho câu chuyện ĐH lợi nhuận, phi lợi nhuận. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào các luận lý khoa học này để sửa đổi, điều chỉnh những nút thắt trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã và đang ràng buộc, cản trở sự phát triển của ĐH ngoài công lập".
Hy vọng với sự vào cuộc thật sự, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, những khó khăn cho sự phát triển của các trường ĐH NCL sẽ được tháo gỡ.
(Bài viết có tham khảo tư liệu của các báo khác)
TS. NGƯT. Trần Thị Mai
 


♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn