Chương trình đào tạo

  Thứ năm, 21/05/2015 - 16:35:25

Về với không gian văn hóa Mường

Nằm trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên năm thứ nhất ngành Văn hóa du lịch, trong hai ngày 9 - 10/5/2015 vừa qua, sinh viên hai lớp VH1801 và VH1802 đã có chuyến đi thực tế Dân tộc học tìm hiểu về đời sống và không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Xuất phát từ 6h sáng tại Khách sạn sinh viên, trường Đại học Dân lập Hải Phòng, khoảng 12h trưa đoàn thực tế đã có mặt tại điểm dừng chân đầu tiên là Bảo tàng không gian văn hóa Mường - đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình.
Bảo tàng không gian văn hóa Mường là bảo tàng tư nhân do họa sĩ Vũ Đức Hiếu, nay là Giám đốc bảo tàng, thành lập năm 2007, với gần 15 năm sưu tầm tư liệu và hiện vật, với niềm đam mê và khát khao tạo dựng một không gian để lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường trên khắp cả nước. Dưới sự hướng dẫn của hai nữ hướng dẫn viên xinh đẹp trong trang phục truyền thống của người Mường, các bạn sinh viên đã lần lượt được khám phá ba khu vực chính của Bảo tàng là: Khu tái hiện, Khu trưng bày và Không gian nghệ thuật MuongStudio (nơi tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh, gốm, đặc biệt là Triển lãm về đoàn quân Tây Tiến). Khu trưng bày là nơi trưng bày theo chủ đề những hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư, Ninh đồng hay những hiện vật về đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Mường như dụng cụ đánh bắt cá, công cụ dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình
Tái hiện lại đám ma cổ truyền của người Mường
Những dụng cụ sinh hoạt, sản xuất thường ngày
          Các bạn sinh viên thực sự bị thu hút khi được nhìn ngắm tận mắt những ngôi nhà sàn có gần trăm năm tuổi cùng các hiện vật phản chiếu đời sống sinh hoạt của người Mường trong Khu tái hiện. Đây là một quần thể xã hội Mường thu nhỏ trước năm 1945 với bốn khu nhà sàn tương ứng với bốn tầng lớp xã hội khác nhau: nhà Lang (nhà của quan Lang – giai cấp thống trị có địa vị cao nhất trong xã hội Mường); nhà Ậu (nhà của những người giúp việc cho nhà Lang); nhà Noóc (nhà của tầng lớp bình dân trong xã hội Mường) và nhà Noóc Trọi (nhà của tầng lớp bần cùng nhất).Theo thứ bậc, quyền uy và sự giàu có những ngôi nhà cũng có kích thước và quy mô tương tự. Có một nỗi ngậm ngùi và đau xót không hề nhỏ khi trong chuyến thực tế lần này, các bạn sinh viên không có cơ hội chiêm ngưỡng ngôi nhà Lang với tuổi thọ hơn trăm năm tuổi, ngôi nhà có qui mô lớn nhất, bề thế nhất với nhiều hiện vật có giá trị nhất. Nguyên nhân là vào tháng 10/2013, ngôi nhà Lang đã bị cháy do sự vô ý thức của 4 du khách tham quan tại đây, khi không có mặt nhân viên bảo tàng họ đã tự ý đốt lửa nướng ngô và bỏ chạy ngay khi ngọn lửa bùng lên thiêu rụi căn nhà. Vụ hỏa hoạn đã gióng lên hồi chuông báo động về hành vi ứng xử thiếu văn hóa với các công trình di sản văn hóa có giá trị của một bộ phận du khách Việt Nam hiện nay.
Ngôi nhà Lang bị cháy chỉ còn trơ lại khung cột chịu lực
          Chia tay với Bảo tàng văn hóa Mường, đoàn sinh viên thực tế lại đến với bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong để được trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận các giá trị văn hóa Mường, được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con và được xem cách bà con tham gia làm du lịch cộng đồng. Sau khi nghe bác trưởng bản giới thiệu về tình hình chung của địa phương, các phong tục của đồng bào và đặc biệt là sự hình thành, phát triển và tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây, các bạn được chia thành các nhóm nhỏ về ở tại các gia đình khác nhau để tiếp tục tìm hiểu các phong tục tập quán, cách chế biến các món ăn và đời sống của đồng bào Mường. Lần đầu tiên các bạn được chứng kiến và thưởng thức những đặc sản văn hóa từ lâu đã trở thành “thương hiệu văn hóa” của người Mường như “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”.
Và cũng lần đầu tiên, trong ngôi nhà sàn sinh hoạt chung của cả bản, các bạn sinh viên được đắm mình trong tiếng cồng chiêng, say sưa trong các điệu múa xòe, múa quạt của các cô gái Mường xinh đẹp, được uống rượu cần, được nắm tay nhảy múa cùng đồng bào và tham gia nhảy sạp… Tiếng ca, tiếng hát, tiếng cười đùa như vang vọng lẩn quất mãi trong từng nếp nhà sàn, từng lũy tre, từng con suối trong suốt thời gian ngắn ngủi một ngày một đêm các bạn sinh viên được ở cùng với đồng bào Mường nơi đây. Chia tay rồi, mà trên gương mặt ai cũng như in đậm sự nuối tiếc, ai cũng ước giá mà thời gian thực tế được kéo dài hơn, để các bạn có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn, được ở bên nhau và ở bên đồng bào nhiều hơn… Từng bình rượu cần xách về, từng chiếc túi thổ cẩm đeo trên vai, từng chiếc vòng thắt trên tay, và cả từng bó mía khệ nệ mang theo về Hải Phòng như chở theo cả tấm lòng của bà con. Tạm biệt khung cảnh thanh bình của xóm Giang Mỗ, và xin hẹn gặp lại một ngày không xa, cùng với đoàn sinh viên của K19!
Một số hình ảnh khác của chuyến thực tế:
Nghe thuyết minh tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường
Xót xa nhìn ngắm lại những hiện vật trong ngôi nhà Lang bị tàn phá bởi trận hỏa hoạn (hiện được trưng bày tạm trong không gian mở)
Chăm chú nghe bác trưởng bản giới thiệu về địa phương
Nào mình cùng múa ca
Mê mẩn với vũ điệu xòe
Thưởng thức rượu cần
Lần đầu tập nấu ăn bên bếp lửa nhà sàn mà khéo ghê
Duyên dáng trong trang phục truyền thống Mường
ThS. Phạm Thị Hoàng Điệp - Khoa Du lịch
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn