Đội ngũ giảng viên

  Thứ hai, 23/05/2016 - 15:45:33

Những bài học sâu sắc trong đời tôi

Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài, nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lỗi lạc,…Rất nhiều tên gọi mà nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới yêu mến đặt cho Người. Riêng tôi, Bác Hồ như một người cha già gần gụi, đầy yêu thương. Tư tưởng, nhân cách và cả những câu nói bất hủ của Bác chứa đựng trong đó những bài học vô giá về cuộc sống, đã tiếp thêm động lực, ý chí và niềm tin cho tôi vượt qua nhiều thử thách, vững bước trên con đường giáo dục tôi đã chọn lựa.
(Những thanh niên xung phong năm xưa - Ảnh: T.L - Nguồn: thanhnien.vn)
Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền
Tuổi trẻ của tôi là những tháng ngày vô cùng sôi nổi và ý nghĩa.
Sau Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ năm 1954, tôi được tập kết ra Bắc trên con tàu Ba Lan đi từ cảng Qui Nhơn ra Sầm Sơn. Được đồng bào Thanh Hóa đón tiếp rất chân tình như anh em ruột thịt, nhưng chúng tôi không dừng chân ở đó mà ra Bắc để tiếp tục học tập. Sau đó, tôi và anh em học sinh Miền Nam tham gia Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) C446, trên công trường sửa chữa Cầu Họ trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa.
Tuy không trực tiếp vào tuyến lửa (vì sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thanh Hóa đã hòa bình), nhưng công việc sửa chữa, phục hồi cầu Họ cũng rất vất vả. Gánh đất đá nặng nhọc, ăn uống khem khổ, thiếu thốn trăm bề. Những lúc mệt mỏi, tôi lại nhớ đến Bác, nhớ đến anh Ba phụ bếp trên tàu sang Pháp, nhớ đồng chí Nguyễn Ái Quốc với “viên gạch hồng sưởi ấm cả mùa đông băng giá” Mat-xcơ-va để tìm Đường Kách mệnh, nhớ đến thi nhân Hồ Chí Minh làm thơ trong tù, nhớ đến câu nói “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” của Người để vượt qua. Nhờ vậy, người khác gánh mỗi lần 2 sọt, còn tôi mỗi lần gánh luôn 1 nèo 4 sọt đất chạy băng băng, lại còn xung phong gác đêm và dạy chữ xóa mù cho thanh niên trong đội nữa.
Đúng là ‘không có việc gì khó” nếu ta thực sự quyết tâm. Lao động trên công trường cầu Họ đã giúp tôi hiểu hết ý nghĩa của hai chữ hòa bình, ý nghĩa của lao động chân chính trong thời chiến cũng như thời bình, và đặc biệt là ý thức rất rõ giá trị của việc học. Nếu không được hướng dẫn, làm sao bạn có thể lắp chuẩn một thanh tà vẹt vào đường ray? Chỉ có học tập, có kiến thức mới giúp mỗi người tiến bộ lên, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, như lời Bác dạy:
Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu
 
Tôi còn nhớ ngày bé, làng tôi nghèo lắm. Nghèo cái ăn, cái mặc và cả cái chữ nữa. Bà con dân chài hầu hết đều mù chữ, ra chợ mua bán con tôm con cá mà tính tiền rất vất vả.
Làng tôi nằm giữa cù lao, sông Trà Bồng bao quanh. Đấy cũng chính là ngôi làng “cách biển nửa ngày sông” trong thơ Tế Hanh ấy.
Nhà tôi cũng nghèo lắm, nhưng ba mẹ tôi vẫn cố gắng chắt chiu, lo cho tôi đi học. Thấm thía nỗi vất vả cơ cực của làng chài nghèo khó quê mình, được đi học là niềm vinh dự của cả gia đình, làng xóm nên tôi quyết tâm học thật tốt.
Lúc ấy phong trào “bình dân học vụ” , diệt giặc dốt do Bác Hồ phát động lan tỏa khắp nơi. Theo lời Bác dạy, ngoài giờ học và ra biển phụ giúp ba mẹ, buổi tối tôi dạy lớp xóa mù cho các bé lớp vỡ lòng và bà con dân chài trong xóm.
Năm 1954, sau khi học gần xong lớp 5 trường làng, tôi được tập kết ra Bắc, tham gia TNXP và lại tiếp tục dạy chữ cho anh em trong đơn vị, vì hầu như anh em đều chưa biết chữ.
Nhiều khi nhớ nhà, muốn quay lại quê hương, trong tôi lại văng vẳng lời dạy của Người. Một dân tộc dốt không thể là một dân tộc giàu mạnh được. Một người không có kiến thức không thể đổi đời được, làm sao giúp được quê hương mình đây? Thế là sau khi về Bộ giao thông năm 1956, tôi quyết tâm lao vào tự học, hăng say và miệt mài.
Sau 2 năm tự hoàn thành chương trình học phổ thông, tôi thi vào trường Trung cấp Giao thông công chính, tiền thân của trường Giao thông vận tải cho thỏa nỗi khát khao vùng vẫy đại dương.
Với kết quả học tập tốt, năm 1960, tôi được Nhà nước cử sang Liên Xô học Đại học. Ở nước bạn, nhiều lúc quá khó khăn, tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng hình ảnh quê hương chìm trong bom đạn và ánh mắt hiền từ nhưng cũng đầy cương nghị của Bác đã thôi thúc tôi vượt qua tất cả. Và tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1968. 
Trong suốt 10 năm học tập để từ trình độ lớp 5 trường làng trở thành Tiến sĩ tại Liên Xô (nếu học đúng quy định, tôi phải mất 14 năm, nhưng tôi đã tự học chương trình phổ thông và rút ngắn được thời gian học tới 4 năm), hình ảnh Bác luôn theo sát bên tôi, giúp tôi thêm nghị lực và quyết tâm phải đạt được mục tiêu nâng cao trình độ cho bản thân, và chia sẻ lại những kiến thức đã thâu góp được cho các thế hệ sau.
Sau này nữa, mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều nghĩ đến những điều Bác dạy và tìm được những bài học quý, những hướng đi cho riêng mình.
Cam Thảo
(Viết theo lời kể của GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị)
 
 
 
 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn