Hội nghị - Hội thảo

  Thứ năm, 16/10/2014 - 03:39:02

Nữ cán bộ, giảng viên, nhân viên với văn hoá ứng xử

Trong buổi toạ đàm về “Nữ CBGVNV với văn hoá trường học”, TS.NGƯT.Trần Thị Mai, Trưởng ban Nữ công đã có một phát biểu đề dẫn rất xúc tích. Xin giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu này.
 
Văn hoá là gì?
Văn hoá ứng xử là gì?
Vì sao trong ứng xử cần có văn hoá?
Nếu không có văn hóa thì sao?
Theo từ điển Việt ngữ thì: văn hóa là cách sống, bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và được tiếp nhận... Vì thế chúng ta nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa.
 Theo cách định nghĩa này thì chúng ta thử hỏi ta là người có văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa.
Có một lúc nào đó ta tự đặt câu hỏi ấy cho bản thân không?, và có lúc nào ta trầm ngâm tự hỏi:
- Trong cư xử với đồng nghiệp, với sinh viên, với khách hàng, với gia đình ta đã ứng xử có văn hoá chưa?
 Và có một lúc nào đó trong một không gian tĩnh lặng, ta tự trải lòng và giật mình:
- Phải chăng, trong việc đó…., ta đã cư xử thiếu văn hoá?
Với chúng ta, những nữ cán bộ giảng viên, nhân viên, bên cạnh những hỷ nộ ái ố thường nhật trong gia đình, là niềm vui nỗi buồn nơi công sở, nơi mà 1/2 thời gian thức của chúng ta gắn bó, nơi ta đóng góp, nơi ta thể hiện mình, nơi ta cống hiến, chắc là phải có văn hoá rồi!
Vậy trong gia đình, ta có cần cư xử có văn hóa không? Chắc chị em đồng ý với tôi là chắc chắn phải cần có văn hóa.
Bởi vì, trong gia đình, đó là nơi những người thân yêu nhất của ta đang hiện hữu. Nhưng có phải những người thân yêu nhất ấy lúc nào cũng làm cho ta vui, và không lúc nào làm ta phiền lòng? Không! Chắc tất cả chị em đều nói, làm gì có chuyện ấy, và nhiều lúc đã tức điên lên ấy chứ, mà vì chuyện gì?, chỉ vì những chuyện cỏn con. Vậy lúc ấy ta cư xử thế nào? Tôi nghĩ rằng, nếu cư xử không có VĂN HOÁ, nhiều khi chỉ vì những chuyện cỏn con ấy mà thành trì của sự yêu thương, của niềm tin ấy cũng bị lung lay.
Vậy thì ở công sở, mà công sở của chúng ta là trường học, thì cư xử lại càng cần phải có VĂN HOÁ.
Phải cư xử có VĂN HOÁ với đồng nghiệp. Đúng! Nhưng cư xử có văn hóa có phải là đối xử lịch sự bề ngoài nhưng dửng dưng hay không? Cư xử có văn hóa có phải là khơi gợi, chăm chú lắng nghe lời chia sẻ của đồng nghiệp, rồi lại “thân tình” chia sẻ lại với người khác không?. Cư xử có văn hóa có phải lúc nào cũng phải nói: Chui choa, hôm nay bạn xinh quá!, bạn có bộ tóc đẹp quá!…..Câu trả lời xin dành lại cho chị em.
Trong trường học, ta không chỉ tiếp cận với đồng nghiệp, chúng ta còn có khách hàng, những người mua dịch vụ của chúng ta. Họ là ai? Họ là bố mẹ sinh viên, họ là tất cả những người ở bên ngoài đến với chúng ta vì bất kể lý do gì. Chắc không ai phản đối khi tôi nói: Chúng ta phải đối xử có văn hóa với đối tượng này. 
Vậy sinh viên là ai? Trước hết phải nói rằng, sinh viên cũng là khách hàng, vì sinh viên mua dịch vụ của chúng ta. Có sinh viên mới có thầy, có cô, có cán bộ phòng đào tạo, cán bộ thư viện, cán bộ quản lý sinh viên…Nhưng sinh viên cũng là đối tượng giáo dục của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là giáo dục các em trí thức, đạo đức, tình cảm, nếp sống… Do đó sinh viên là một loại khách hàng đặc biệt. Nếu sinh viên nào không chấp nhận sự giáo dục của chúng ta thông qua việc thực hiện  nội quy, quy định, biết tôn sư trong đạo, chúng ta có quyền từ chối phục vụ.
Nhưng, vậy thì khách hàng đặc biệt này có được quyền phàn nàn về sự không hài lòng của họ không ? Và khi họ phàn nàn thì chúng ta phải cư xử thế nào ? Ta có nên đem các em ra mạt sát trước lớp không ? Ta có nên tỉa tót theo kiểu đe nẹt, dùng vị trí người thầy của mình để mà áp đảo không ? Câu trả lời xin dành cho tất cả chúng ta, những giảng viên, những cán bộ ở các đơn vị.
Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là ngôi trường đã 2 lần được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng bảng vàng danh dự “Doanh nghiệp văn hóa UNESCO Việt Nam” và Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng bằng danh dự “Cơ sở văn hóa”.
Phải khẳng định rằng, với 54% cán bộ giảng viên nhân viên là nữ, chị em đã đóng góp nhiều vào thành tích chung đó. Nhưng hình như ở đâu đó, vẫn còn có những lúc đồng nghiệp chưa hài lòng, khách hàng chưa hài lòng, sinh viên chưa hài lòng. Và vì vậy, Ban Nữ công tổ chức tọa đàm về chủ đề: "Nữ Cán bộ giảng viên, nhân viên với văn hoá trường học", với mong muốn thông qua buổi toạ đàm hôm nay được nghe những chia sẻ của chị em  về:
- Văn hoá về trang phục trong trường học,
- Văn hoá trong ứng xử với đồng nghiệp,
- Văn hoá trong ứng xử với sinh viên,
- Văn hoá trong ứng xử với việc tiếp nhận những thay đổi về chế độ, chính sách của nhà trường,
- Văn hoá ứng xử khi tiếp nhận phê bình.
Mong muốn rằng, chị em không phải buồn lòng vì những ứng xử không có văn hoá của người khác, và cũng hy vọng rằng, chị em không phải áy náy vì trong một lúc nào đó, ta đã ứng xử thiếu văn hoá với người thân, với đồng nghiệp, với sinh viên.
Chúc chị em thành công và nhớ VĂN HOÁ LÀ CHÌA KHOÁ CỦA TÂM HỒN!
TS. NGƯT.Trần Thị Mai  - Trưởng Ban Nữ công
 
 
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn