Đào tạo

  Thứ năm, 02/04/2015 - 09:46:50

Thực tế Miền Trung - Chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên của tôi

Được sự cho phép và hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường, các Phòng, Ban công tác và Khoa Du Lịch - Trường Đại học Dân Lập Hải Phòng, từ ngày 22/3 đến 28/3/2015, sinh viên ba lớp VH1601, VH1701 và VHC1001 chúng tôi đã có cơ hội tham gia vào chương trình tham quan và học tập với chủ đề “Hành trình di sản Miền Trung”. Đây là chuyến đi nằm trong chương trình đào tạo của ngành Văn hóa du lịch để giúp các sinh viên vận dụng kiến thức từ bài giảng trên lớp vào thực tế.


        Đây là lần thứ hai chúng tôi đi thực tế, lần rời xa Hải Phòng thân yêu lâu nhất, xa khỏi vòng tay của cha mẹ để thực hiện hành trình về Miền Trung mặn mùi nắng gió, để tự lập, để học hỏi và để trưởng thành. Có thể nói chuyến đi dài 6 ngày 6 đêm đã để lại trong trái tim 76 sinh viên chúng tôi bao nhiêu nghĩ suy và kỷ niệm. Gần kề chuyến đi, tôi có thể nhận thấy những niềm vui, háo hức xen lẫn lo lắng, hồi hộp trên gương mặt của các bạn và tất nhiên… cả tôi nữa, mọi người ai cũng mong đợi ngày xe lăn bánh. Và rồi ngày ấy đã đến. 8h tối ngày 22/3/2015 chúng tôi tập trung tại Khách sạn sinh viên trường Đại học Dân Lập Hải Phòng và xuất phát. Cứ thế hành trình của 76 sinh viên và 4 thầy cô giáo chúng tôi bắt đầu.


 

Ảnh tập thể của 2 lớp chụp tại Kỳ Đài - Huế


        Miền Trung! Nhắc đến Miền Trung, trong tôi lại dâng lên những xúc cảm khó tả. Hình ảnh hiện lên trong tôi trước đây chỉ là những cơn bão, những cơn đại hồng thủy, thiên tai mà dải đất này phải gồng mình lên chống chọi;  Miền Trung -  mảnh đất anh hùng, con người tình cảm thân thiện, thương yêu chân thành. Đúng là “đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn”. Miền Trung trong tôi lớn dần lên. Không còn là những gì tôi biết qua sách vở hay những bài báo năm nào nữa. Không hiểu sao bây giờ về đến nhà chăn ấm đệm êm rồi mà nhìn thứ gì cũng có cảm giác liên quan đến nơi đây. Nhớ cảm giác cả ngày ngồi trên xe đến cả người ê ẩm, nhớ những phút hồi hộp và run sợ khi chơi trò “đồng chí”, nhớ những bài hát từ hiện đại cho đến thời kháng chiến, nhớ mảnh đất mà con người với giọng nói ngọt như bát chè sen, nhớ những bát cơm hến, chè Hẻm, Cao lầu, mỳ Quảng, bún bò giò heo.... những thứ quà đặc trưng của vùng. Nhớ cả những bài học về lịch sử, nhớ lúc du thuyền vào động Phong Nha, nhớ những màn đêm sáng rực ánh đèn ở Đà Nẵng, nhớ khu phố cổ đèn lồng với những mái ngói rêu phong ở Hội An, nhớ những khối gạch đá vững chắc đứng hiên ngang qua hàng thế kỷ ở Thánh địa Mỹ Sơn, nhớ Lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định - những công trình của các vua Nguyễn xưa khiến ta phải giật mình đến ngỡ ngàng. Nhớ đến những đêm yên bình ở Huế, cả sự hụt hẫng, tiếc thương khi đứng trước Ngã ba Đồng Lộc, sự - cần - kiệm - liêm - chính của người cha già kính yêu của dân tộc khi đứng trước ngôi nhà năm xưa tại Quê Bác. Có 1 sự buồn lòng hay xấu hổ khi gần hết năm học thứ 3, đi hơn nửa quãng đường đại học mới có cảm giác thân quen, cảm giác mình thuộc về khoa, ngành mình đã chọn cách đây 3 năm. Những bài học thật khó có thể quên được và giờ đây trong tôi đang dâng đầy hoài niệm về từng phút giây trong cuộc hành trình đáng nhớ này.


        Hai chiếc xe từ từ lăn bánh xuyên màn đêm rời khỏi thành phố. Suốt 12 tiếng ở trên xe, tiếng cười đùa như xé tan màn đêm, ai nấy đều vui sướng.  Đêm hôm đó, chúng tôi có người ngủ được, có người không ngủ được, có thể do không quen nhưng phần nhiều là sự háo hức.


 

Háo hức ngồi trên thuyền xuôi dòng sông Son vào thăm động Phong Nha


        7h sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại động Phong Nha - Di sản văn hóa thế giới nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng tại huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi ngược dòng sông Son đi thuyền vào trong động. Sự kỳ ảo của động Phong Nha khiến tôi cảm thấy như mình bị lạc vào thế giới thần tiên của đá, của nước. Những nhũ thạch, những kiến tạo địa chất, sự xâm thực đã ăn mòn, rửa trôi đá vôi trong hàng triệu năm đã dần hình thành nên 1 hang động ăn sâu vào núi đá vôi tuyệt đẹp.



Thầy và trò cùng chụp ảnh kỷ niệm tại động Phong Nha

                                                 

        Sau khi đã ăn trưa cả đoàn lại tiếp tục hành trình đến Đà Nẵng. Trên đường đi, để tạo không khí vui nhộn và đập tan sự mệt mỏi của mọi người, thầy cô và các bạn đã đóng vai người hướng dẫn viên làm hoạt náo trên xe. Những trò chơi, những bài hát, những tiếng cười, những tiếng hò hét, cổ vũ như thức tỉnh mọi người và kéo mọi người gần nhau hơn. Về đến Đà Nẵng là khi thành phố đã lên đèn. Những ánh đèn đường, đèn xe, đèn từ những công trình, đèn từ cầu Rồng, cầu quay Sông Hàn, vòng quay mặt trời Sun Wheel,... tất cả đều rực rỡ, nguy nga tráng lệ như 1 cung điện khiến ai ai cũng phải trầm trồ thán phục. Tối đến, mọi người có khoảng thời gian tự do để đi tham quan, ngắm cảnh, hay ăn uống, vui chơi tại đây.



Toàn cảnh Đà Nẵng về đêm nhìn từ trên cao


       Rời Đà Nẵng chúng tôi đi đến Thánh địa Mỹ Sơn - quần thể kiến trúc nổi tiếng của người Chăm-pa xưa. Nhìn những viên gạch nung chắc chắn ta mường tượng như nước da ngăm, xương cốt cứng cáp của người xứ Quảng. Những viên gạch vẫn đứng đó hàng trăm năm với sương gió, mưa nắng và cát bụi mà ko cần bất kỳ chất kết dính nào.



Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn


        Buổi chiều chúng tôi đến với Phố cổ Hội An. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống những mái hiên cổ kính ngay sau khi kết thúc các hoạt động tham quan khiến cho phố cổ Hội An nhỏ nhắn dường như co mình lại. Những mái ngói rêu phong cũ kĩ, căn nhà gỗ từ xa xưa, Chùa Cầu, Hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông,… những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trước hiên, những món ăn dân dã bình dị, những hàng quán bán đồ lưu niệm khiến cho khu phố nhỏ này trở nên hoài cổ và sâu lắng hơn.


Lớp VH1601 chụp ảnh kỷ niệm tại Chùa Cầu - Hội An


        Tạm biệt Quảng Nam và Đà Nẵng, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình ra Huế, trên đường đi có ghé qua Chùa Linh Ứng và Bãi biển Mỹ Khê.  Về đến Huế - thành phố mộng mơ, chúng tôi có 1 buổi chiều đi tham quan tự do. Nếu như ở Đà Nẵng ồn ào tấp nập, căng tràn sức sống, thì ở Huế lại yên bình đến lạ lùng. Cái cảm giác muốn hòa mình vào thiên nhiên, thanh thản là cảm giác chung của hầu hết mọi người khi đặt chân đến nơi đây. Nếu như ở Hải Phòng có chợ Sắt, Hà Nội có chợ Đồng Xuân, thì nhắc đến Huế phải nhắc đến chợ Đông Ba - khu chợ nổi tiếng, bán vô vàn thứ quà Huế, đặc sản Huế nằm bên kia cầu Trường Tiền. Ngày 26/3 đoàn di chuyển đi thăm các điểm nổi tiếng tại Huế như Lăng Minh Mạng, Khải Định, Tự Đức, Đại Nội, Chùa Thiên Mụ.



Các bạn sinh viên chăm chú nghe giới thiệu về Đại Nội - Kinh Thành Huế...



và chụp ảnh tại Chùa Thiên Mụ


        Lăng Tự Đức rộng lớn mang đậm chất phương Đông, phong cảnh thơ mộng và lãng mạn như chính tính cách của nhà vua; lăng Khải Định tuy nhỏ nhưng lộng lẫy, bề thế và kết hợp hài hòa với kiến trúc phương Tây, Lăng Minh Mạng uy nghiêm, cổ kính. Tất cả các lăng đều mô tả rõ tâm hồn và tính cách của các vị vua. Những công trình nguy nga tráng lệ đó đều xây bằng mồ hôi xương máu của nhân dân ta, khi đó có thể coi là tội ác, nhưng ngày nay, các lăng này đã trở thành địa điểm thu hút không ít du khách cả trong và ngoài nước đến thăm quan và trở thành linh hồn của xứ Huế. Công hay tội thì phải đứng trên từng phương diện để mà nhìn nhận.



Lăng vua Tự Đức



Lăng vua Khải Định


        Cũng giống như vậy, chuyến đi ngày hôm đó đoàn phải đi nhiều địa điểm trong khoảng thời gian rất ngắn nên trên những gương mặt tươi vui cũng đã bắt đầu thấm mệt. Nhưng bù lại mọi người đều học hỏi thêm được rất nhiều điều bổ ích, thấu hiểu được những điều thú vị trong cảnh vật và con người xung quanh từ bài học thực tiễn cho đến cách ứng xử mà các thầy cô chỉ bảo. Những câu chuyện, những trò đùa khiến cho mọi người thoải mái hơn, không khí trở nên vui vẻ, ấm áp hơn.

 

        Có lẽ năm nay, chuyến đi của chúng tôi may mắn và thuận lợi hơn các năm trước. Ngày 26/3 năm nay là ngày kỷ niệm tròn 40 năm Giải phóng Thừa Thiên - Huế. 2 bên bờ sông Hương, mọi người nô nức, phấn khởi chờ xem pháo hoa. Chưa bao giờ tôi thấy Huế đông vui và nhộn nhịp như vậy. Khi những đốm lửa hoa nổ tung rực rỡ trên bầu trời đêm bên dòng Hương giang thơ mộng cũng là lúc những tiếng hò reo, vỗ tay, huýt sáo không ngừng vang lên rộn rã, khiến lòng người như mê như say.



Pháo hoa  kỷ niệm 40 năm Giải phóng Thừa Thiên - Huế


       Sáng ngày 27/3, chúng tôi tiếp tục hành trình về Cửa Lò và trên đường về ghé thăm Ngã 3 Đồng Lộc - có thể nói đây là nơi đã để lại nhiều cảm xúc nhất đối với mỗi sinh viên chúng tôi. Được nghe Anh Tuân - Phó Giám đốc Khu di tích kể chuyện về cuộc đời của 10 nữ thanh niên xung phong, về cuộc chiến đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng những chiến sĩ, tất cả đã hi sinh và nằm lại trên mảnh đất này, máu và xương các anh, các chị đã hòa vào lòng đất... Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng vẫn làm rung động trái tim mọi người, những giọt nước mắt lăn trên má, những tiếng khóc chưa kịp thành tiếng…. tất cả đều rất đỗi thiêng liêng. Đó chính là những giọt nước mắt tiếc thương xuất phát từ lòng biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay khi nghĩ về những người anh hùng đã hy sinh thầm lặng để bảo vệ Tổ quốc.



Cả thầy và trò đề chăm chú nghe thuyết minh tại Ngã ba Đồng Lộc



và thành kính dâng hương tưởng niệm tại Mộ của 10 nữ Thanh niên xung phong


        Tối về đến Cửa Lò, sau khi ăn tối, cả 3 lớp đã tổ chức chương trình liên hoan giao lưu giữa các thầy cô giáo và thành viên các thành viên trong đoàn. Có lẽ đây là khoảng thời gian thực sự gắn bó, vui đùa thoải mái. Các tiết mục văn nghệ sôi động, các trò chơi thú vị đã được các bạn sinh viên thể hiện hết mình. 



Thi ăn sữa chua



Dập lửa



Chuyền kẹo



Chương trình liên hoan  khép lại để lại trên gương mặt các bạn sinh viên những nụ cười rạng rỡ


       Ngày 28/3 cũng là ngày cuối của cuộc hành trình. Trên đường về Hải Phòng, chúng tôi vào thăm Quê nội và Quê ngoại Bác. Qua những lời thuyết minh của hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi càng thấu hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác - vị cha già kính yêu của dân tộc.



Các sinh viên chăm chú lắng nghe thuyết minh tại Quê Bác



Màu áo cờ đỏ sao vàng đã phần nào thể hiện niềm yêu quê hương, tinh thần hướng về Tổ quốc

cũng như sự đoàn kết, gắn bó keo sơn của các bạn sinh viên.


       Rời Quê Bác trở về Hải Phòng, kết thúc tốt đẹp chuyến đi thực tế dài ngày nhất và có ý nghĩa quan trọng trong chương trình đào tạo của ngành Văn hóa du lịch. Có thể nói, nhờ chuyến đi này tôi đã biết thêm được rất nhiều điều, trưởng thành hơn, tôi chợt nhận ra có một sợi dây vô hình đã kéo gần sinh viên chúng tôi với nhau và với các thầy cô, đặc biệt là tôi đã có thể xác định được hướng đi tương lai cho ngành học của mình… Một lần nữa cho phép em xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám Hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo đã tạo điều kiện để chúng em có được một chuyến đi vô cùng ý nghĩa này.


        Một số hình ảnh khác của chuyến đi:



Thực hành tác nghiệp...



...và tổ chức các hoạt động hoạt náo trên xe




Luôn theo sát và chăm chú nghe các chị thuyết minh viên giới thiệu để học hỏi kinh nghiệm



Ăn sáng theo phong cách buffet



và ăn tối tại Nhà vườn ở Huế



Háo hức khi đi chơi tại Vòng quay mặt trời Sun Wheel - Đà Nẵng



Các bạn nắm tay nhau nô đùa với sóng biển Mỹ Khê - Đà Nẵng


Hà Tý - VH1601
 
 
 
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn