TIN TỨC

  Thứ hai, 18/11/2013 - 09:11:12

Bài trích Tạp chí Kinh tế và phát triển số 197 năm 2013

Kính mời độc giả tìm đọc tại Phòng đọc NCKH - Trung tâm Thông tin - Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

1. Quản trị đại học là một nội dung cơ bản để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập/ Nguyễn Đình Hương// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 3-7
Gần 30 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, nền giáo dục nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, Quốc hội khóa XIII đã ban hành luật giáo dục Đại học. Để sớm đưa Luật giáo dục đại học vào cuộc sống, bài viết này bài viết này, tập trung nêu lên một số nội dung quản trị đại học trong các trường công lập đang chiếm đa số trong hệ thống cơ sở đại học, nhằm thực hiện quyền tự chủ đại học mà hiện tại các cơ sở giáo dục đại học đang gặp khó khăn trên con đường phát triển.
Từ khóa: Quản trị đại học, giáo dục đại học.

2. Phát triển nguồn nhân lực giảng viên của trường đại học Kinh tế Quốc dân hướng tới mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu/ Nguyễn Đức Hiển// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 8-19
Bài viết khái quát một số nội dung lý thuyết liên quan đến mô hình đại học nghiên cứu và thông qua phân tích kết quả khảo sát 691 giảng viên của Trường Đại học KTQD để đưa ra các khuyến nghị đổi mới chính sách phát triển nguồn nhân lực giảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân thành đại học định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Từ khóa: Đại học nghiên cứu, nguồn nhân lực giảng viên

3. Vai trò của bộ môn trong hợp tác nghiên cứu khoa học: Thực tiễn tại trường đại học Kinh tế Quốc dân/ Phan Thị Thục Anh// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 20-26
Bài viết bàn về vai trò của bộ môn trong hợp tác nghiên cứu khoa học tại các trường đại học với ví dụ thực tiễn từ đại học Kinh tế Quốc dân. Trên cơ sở tổng quan các công trình trước đây về hợp tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học trên thế giới cùng với phân tích thực trạng vai trò của bộ môn trong hợp tác nghiên cứu tại đại học Kinh tế Quốc dân và các nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, tồn tại hiện nay, bài viết đã đưa ra một số giải pháp đề xuất đối với nhà trường nhằm nâng cao vai trò chủ động, sáng tạo của các bộ môn trong hợp tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra các gợi ý đối với các trường đại học khác ở Việt Nam, đặc biệt là các trường đang phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu.
Từ khóa: Bộ môn, hợp tác nghiên cứu Khoa học

4. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 2011-2013: Thực trạng và khuyến nghị/ Nguyễn Đình Luận// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 27 - 35
Từ năm 2011 đến giữa 2013, là nửa chặng đường có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Bài viết này tổng quát về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ năm 2011 đến giữa năm 2013, từ đó đưa ra những khuyến nghị để góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và phát triển bền vững hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 và những năm tiếp theo.
Từ khóa: Xuất nhập khẩu, kinh tế Việt Nam năm 2011- 2012, triển vọng xuất nhập khẩu 2013

5. Các yếu tố tác động đến chính sách cổ tức bằng tiền mặt/ Võ Xuân Vinh// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 36 - 43 
Nghiên cứu này xem xét các yếu tố tác động đến mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt trên thị trường chứng khoán Việt nam sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến năm 2012. Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như tỷ lệ nợ, quy mô doanh nghiệp, tài sản cố định hữu hình, mức tăng trưởng và rủi ro kinh doanh có tác động có ý nghĩa thống kê đến mức cổ tức bằng tiền của doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra khả năng sinh lợi và tính thanh khoản không có tác động đến mức cổ tức bằng tiền của doanh nghiệp.
Từ khóa: Cổ tức, dữ liệu bảng, mô hình cổ tức

6. Sự tác động của nhận biết thương hiệu đến chất lượng cảm nhận, yêu thích thương hiệu và dự định mua: Khảo sát tại thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam/ Trương Bá Thanh, Trần Trung Vinh// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 44 - 50
Bài viết với mục tiêu nghiên cứu mô hình cấu trúc tuyến tính giữa nhận biết thương hiệu (BAW), chất lượng cảm nhận (PQ), yêu thích thương hiệu (BP) và dự định mua (PI). Mẫu được thu thập từ 329 khách hàng là chủ sở hữu các loại máy tính xách tay tại thị trường Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng: (1) nhận biết thương hiệu có sự tác động trực tiếp, tích cực đến chất lượng cảm nhận, yêu thích thương hiệu và dự định mua; (2) chất lượng cảm nhận có sự tác động trực tiếp, tích cực đến yêu thích thương hiệu và dự định mua; (3) yêu thích thương hiệu cũng có sự tác động thuận chiều và trực tiếp đến dự định mua. Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả gợi ý một số hàm ý chính sách cho các nhà sản xuất và kinh doanh máy tính xách tay tại thị trường Việt Nam.
Từ khóa: Nhận biết thương hiệu, chất lượng cảm nhận, yêu thích thương hiệu, dự định mua

7. Thách thức quản trị và marketing trong xây dựng thương hiệu tập thể dựa trên xuất xứ đối với sản phẩm nông nghiệp/ Phạm Thị Lan Hương// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 51 - 57
Xuất xứ địa lý được xem như một thương hiệu gắn cho sản phẩm nhằm tạo sự khác biệt. Đây cũng chính là thương hiệu tập thể vì được sở hữu và sử dụng chung bởi nhiều nhà sản xuất. Xây dựng thương hiệu tập thể, xét về mặt lí thuyết và phương pháp luận, phức tạp hơn nhiều so với xây dựng thương hiệu đơn lẻ (được sở hữu và sử dụng bởi một nhà sản xuất). Các nhà quản trị thương hiệu cần nắm vững những thách thức liên quan đến việc xây dựng thương hiệu xuất xứ dựa trên góc độ tiếp cận tập thể để có chiến lược thương hiệu tương thích. Bài báo xem xét những thách thức quản trị và marketing trong xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp nói chung. Từ đó, nghiên cứu mở ra định hướng cho các nghiên cứu thực tiễn trong xây dựng thương hiệu xuất xứ cho sản phẩm nông nghiệp ở các vùng địa lí cụ thể.
Từ khóa: Xây dựng thương hiệu tập thể; xây dựng thương hiệu xuất xứ; nơi xuất xứ; chỉ dẫn địa lí; sản phẩm nông nghiệp

8. Tác động của hiệu quả truyền thông lên lời nói truyền miệng- Nghiên cứu trường hợp khách hàng là thuê bao điện thoại di động/ Hoàng Lệ Chi, Nguyễn Thị Minh An// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 58-66
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích khám phá và đo lường hiệu quả hoạt động truyền thông mà doanh nghiệp thông tin di động triển khai có ảnh hưởng như thế nào lên truyền thông truyền miệng. Thuê bao của các mạng thông tin di động là những khách thể điều tra trong chương trình nghiên cứu. Có 257 phiếu điều tra hợp lệ đã được xử lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hài lòng về truyền thông qua bán hàng cá nhân và sự hài lòng về truyền thông tương tác có tác động trực tiếp và cùng chiều lên truyền thông truyền miệng. Trong đó, truyền thông tương tác có ảnh hưởng lên truyền thông truyền miệng mạnh hơn so với nhân tố còn lại. Nghiên cứu cũng cho thấy sự hài lòng về truyền thông đại chúng có ảnh huởng không đáng kể lên truyền thông truyền miệng.
Từ khóa: Truyền thông truyền miệng; truyền thông qua bán hàng cá nhân; truyền thông đại chúng; truyền thông tương tác

9. Logistics- Một hình thức dịch vụ cần được đẩy mạnh ở Việt Nam/ Nguyễn Quốc Luật, Nguyễn Thị Bích Ngọc// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 67 - 72
Logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh của các quốc gia. Năm 1997, Việt Nam mới có văn bản pháp luật đầu tiên định nghĩa hoạt động này tại Luật Thương mại. Tuy nhiên hoạt động này vẫn chưa được các doanh nghiệp trong nước khai thác hết tiềm năng; chưa có sự chuẩn bị tốt về tiềm lực, nhân lực và kinh nghiệm. Mấy năm gần đây, thị trường logistics đã có bước phát triển nhanh với hơn 900 doanh nghiệp đang hoạt động, đã có nhiều khởi sắc và kỳ vọng. Bài viết tập trung phân tích những tiềm năng, dẫn chứng những khởi sắc và gợi ý một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động này ở Việt Nam.
Từ khóa: Logistics, Luật Thương mại, Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), chuỗi giá trị gia tăng

10. Xác định nhu cầu để định hướng đào tạo lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội/ Phan Hồng Mai, Nguyễn Thùy Linh, Bùi Phúc Hải// Tạp chí Kinh tế và phát triển .- Số 197 .- 11/2013 .- Tr. 73 - 80

Nội dung bài viết này giới thiệu kết quả điều tra về nhu cầu sử dụng lao động giúp việc gia đình của hơn 1000 người Việt Nam và nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như thực trạng đào tạo lao động giúp việc tại các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm. Đây là một trong những nghiên cứu tiên phong nhằm bổ sung cơ sở dữ liệu về chủ đề này tại thị trường Việt Nam, theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế. Đồng thời, với phương pháp phỏng vấn sâu và điều tra bảng hỏi, nhóm nghiên cứu đã phát hiện nhiều điểm mới về nhu cầu thực sự và khả năng chi trả của 2 nhóm đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài đối với hoạt động đào tạo lao động giúp việc gia đình, làm định hướng cho việc tổ chức thực hiện và ban hành các chính sách liên quan.
Từ khóa: Giúp việc gia đình, kĩ năng giúp việc gia đình, đào tạo

Trung tâm Thông tin - Thư viện

 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Tin nổi bật

Tin mới nhất

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn