Nói về chúng tôi

  Thứ sáu, 21/03/2014 - 09:06:16

Người phụ nữ mảnh mai

Tới dự lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, tôi gặp Tiến sĩ Trần Thị Mai - vợ Giáo sư Tiến sĩ Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị ở Phòng tiếp đón, tôi thân mật nói với chị, giọng chân tình:
 
- Tôi đọc chưa đủ các văn bản kỷ niệm, nhưng cảm giác của tôi là có một khoảng trống.
- Anh muốn nói đến khoảng trống gì?
- Chưa có dòng nào nói đến đóng góp của chị trong sự phát triển của nhà trường.
Chị cười khiêm nhường, giọng thoải mái:
- Chuyện ấy thì có gì đáng nói đâu hở anh!
- Hôm nào tôi đến trường phỏng vấn chị. Chị vui lòng chứ?
Chị từ chối và khéo léo cử người đưa tôi vào hội trường.
 
 
Một thời gian sau, tôi đến Trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Chị Mai đang dự họp, nghe Văn phòng báo có tôi đến xin gặp, chị xin nghỉ họp để tiếp tôi. Sở dĩ như vậy vì cả con gái Trần Đức Nga và con trai Trần Hữu Trung của ông bà đều học ở Trường chuyên Trần Phú ngày tôi là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Tôi biết Giáo sư Tiến sĩ Trần Hữu Nghị từ ngày ấy. Sau này ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ông bà thường dành tình cảm đằm thắm với các thầy giáo của các con mình. Tôi còn nhớ vào tháng 9 đầu thập niên 90, hôm đó ông được mời dự họp để bàn về kế hoạch xây dựng quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Giáo sư Trần Hữu Nghị phát biểu hoan nghênh chủ trương và hứa sẽ nhiệt tình tham gia. Ba ngày sau, ông đến gặp bà Hiệu trưởng Trần Mai Hương trao cho bà 1 triệu đồng và nói rằng ông vừa nhận được hơn 2 triệu đồng tiền nhuận bút cuốn sách về động lực tàu thủy, ông trích ra 1 triệu đồng, tặng 2 suất học bổng cho 1 học sinh ngoại thành và 1 học sinh nội thành, mỗi suất 500 nghìn đồng (tương đương 1 chỉ vàng). Tôi viết một bài báo vừa để biểu dương nghĩa cử đẹp của ông, đồng thời muốn khích lệ nhiều tấm lòng hảo tâm khác. Báo Hải Phòng đã đăng bài báo này, tôi cũng gửi biếu Giáo sư một tờ báo. Từ nghĩa cử này, nhiều phụ huynh đã góp phần đáng kể vào quỹ học bổng của nhà trường.
Tôi hỏi thăm về các học trò của mình. Tiến sĩ Trần Thị Mai vui vẻ kể:
- Cháu Trần Đức Nga và chồng cháu, Nguyễn Tiến Thanh đều đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ ở Australia, hiện đang công tác tại trường. Cháu Trần Hữu Trung cũng sắp bảo vệ luận văn tiến sĩ. Cả hai vợ chồng cháu đều làm việc tại trường.
- Anh chị thật là những người hạnh phúc. Trong 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng vẫn là trường duy nhất trong cả nước chỉ có Hiệu trưởng và không có Hiệu phó. Tôi nghĩ rằng chị chính là Hiệu phó không chức danh của trường. Hôm nay tôi muốn nghe chị nói về những đóng góp của chị.
Tiến sĩ Trần Thị Mai ngồi trầm ngâm. Trên khuôn mặt chị hiện lên nét trí tuệ, bao dung, đằm thắm, khiêm nhường. Chị rót nước mời tôi, giây lát sau chị mới nói với giọng rành rọt, tự tin:
- Tôi cảm nhận được anh Nghị có một năng lực định hướng thật tuyệt vời. Đặc biệt anh rất tin ở tập thể Đảng bộ, rất tin ở quần chúng. Sau khi suy nghĩ bao giờ anh cũng đưa ra thảo luận trong Đảng ủy, tham khảo ý kiến, anh có những quyết định mang tầm chiến lược. Chính nhờ khả năng định hướng đúng đắn đó mà Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã đứng vững trong nhữngngày đầu, và càng ngày càng vững vàng phát triển.
- Đã vượt qua 15 năm, “chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường” đã thực sự là khẩu hiệu đầy sức thuyết phục.
- Khi có quyết định thành lập Trường, anh Nghị nghĩ ngay đến việc phải mau chóng xây dựng một cơ sở vật chất khang trang. Đồng thời anh Nghị cũng đặt kế hoạch xây dựng một đội ngũ cán bộ của trường để tránh lệ thuộc vào việc mất chủ động trong việc mời giảng viên thỉnh giảng. Mười lăm năm nhìn lại, chúng tôi rất tự hào đã xây dựng một đội ngũ 178 giảng viên trong đó có tới 30 Tiến sĩ, người nào đi học nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí, người có thành tích xuất sắc trong học tập được khen thưởng.
- Thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồ thực” (trăm câu vạn chữ không bằng sự thật). Ngày hôm nay nhìn cơ ngơi nhà trường, tôi nghĩ rằng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là một trong số ít trường dân lập của cả nước có một cơ ngơi khang trang như thế.
- Nhưng tôi nói vậy không có nghĩa là nhà trường đóng cửa trong việc mời các giáo sư đầu ngành về làm việc đâu. Như GS. TSKH Thân Ngọc Hoàn, hiện là Chủ nhiệm Khoa Điện – Điện tử của nhà trường.
Tôi xin phép ngắt lời:
- Trước đây hơn 10 năm, tôi được phân công viết về một nhân vật, tôi đến gặp GS. TSKH Thân Ngọc Hoàn để tìm hiểu. Ông gạt đi và nói: Anh nên viết về Giáo sư Trần Hữu Nghị. Con người ấy có nhiều điều đáng viết, đáng học tập.
Chị Mai tiếp tục:
- Cái định hướng quan trọng nhất, đó là tính trung thực trong nhà trường. “Dạy thật, học thật, thi thật để ra đời làm thật”.
- Thưa chị, tôi đã viết một bài, trong đó có câu: “Dạy dỗ con người để khi bước vào đời họ làm việc với chính khối óc của mình, làm việc bằng chính đôi tay của mình, yêu quý cuộc đời bằng chính trái tim của mình, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã đem đến cho sinh viên của mình một tình yêu đích thực”.
- Nhưng thời kỳ đầu không đơn giản đâu anh ạ. Thánh 9 năm 1997, năm đầu tiên, khi nhà trường tuyển sinh, các trường Đại học trong cả nước đã tuyển sinh xong rồi. Nhà trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp nhận những học sinh thi trượt đại học nhưng đạt 15 điểm trở lên vào học. Có chừng 650 em đến nộp giấy báo điểm và đương nhiên các em được vào học. Anh Nghị chỉ đạo xác minh sự chính xác của các phiếu báo điểm. Cũng có người nói rằng nên lờ đi, vì nhà trường đang cần có sinh viên. Nhưng anh Nghị vẫn cho đi thẩm tra. Kết quả là có 31 em đã chữa phiếu báo điểm, ngày ấy phiếu điểm làm còn sơ sài, vả lại khi mang phiếu đến trường thì Phòng tuyển sinh người ta sẽ kiểm tra ngay. Lúc này trong trường có ý kiến đề nghị cứ cho các em học. Nhưng anh Nghị kiên quyết cho 31 người thôi học. Thời gian ấy vấn nạn quay cóp trong các trường còn nặng nề lắm. Là một trường mới thành lập, lại là Trường Dân lập, quan điểm của giáo viên, sinh viên coi việc quay cóp là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Rất nhức nhối về việc đó, anh Nghị kiên quyết “tuyên chiến” với việc gian dối này. Được cán bộ, giảng viên ủng hộ, nên trong các kỳ thi năm thứ nhất có 834 sinh viên bị mời ra khỏi phòng thi và nhận điểm KHÔNG vì sử dụng tài liệu. Cuối năm học Phòng Giáo vụ báo lên Hiệu trưởng có 600 sinh viên thuộc diện phải lưu ban. Anh Nghị đưa vấn đề này ra bàn trong tập thể. Có ý kiến cho rằng, năm đầu tiên nhà trường đang cần có sinh viên, có ý kiến cho rằng nếu hụt đi 600 sinh viên ngân quỹ nhà trường sẽ hụt một khoản thu nhập đáng kể. Sau một đêm suy nghĩ, Giáo sư Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị quyết định 600 sinh viên lưu ban. Nghe quyết định đó, toàn trường thấy con người mình lớn lên, toàn trường hiểu rằng mình sẽ phải làm việc tốt hơn và các sinh viên hiểu rằng phải học thật. Cũng bởi việc làm quyết tâm ấy, các em sinh viên hiểu mình hơn và 590 sinh viên đã trở lại trường làm thủ nhập học. Lúc này khẩu hiệu “Học thật, thi thật để ra đời làm thật” bắt đầu sống một cuộc sống thực sự trong sinh viên.
Tôi chuyển sang chuyện khác:
- Trường ta đã trải qua một đợt thanh tra nội bộ của Hội đồng quản trị khá căng thẳng. Thời gian đã đi qua hơn 10 năm, cái tâm trong sáng của Giáo sư Tiến sĩ Hiệu trưởng càng được mọi người khâm phục. Chị có thể kể lại những ngày ấy, chị đã có những đóng góp gì.
- Ba năm mười một tháng thanh tra. Đây là công việc nội bộ. Hội đồng quản trị tiến hành tranh tra, Hiệu trưởng phải chấp hành chứ. Thật là căng thẳng. Vậy mà chỉ một thời gian, tôi thấy anh Nghị có sự điềm tĩnh đáng khâm phục. Anh vẫn chỉ đạo các công việc nhà trường, vẫn tiếp các đoàn khách trong nước, đoàn khách nước ngoài. Đoàn nào khi ra về cũng bày tỏ sự khâm phục về các bước phát triển của nhà trường. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến trường và nói: “Tôi rất xúc động và khâm phục các đồng chí”.
- Vâng, thưa chị, một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị nói như vậy có nghĩa là ông đã có những căn cứ xác đáng của mình.
Chị tiếp tục:
- Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đến thăm trường cũng khẳng định: “Tôi tán thành cách quản lý một Hiệu trưởng và các trợ lý, vấn đề là làm thế nào để quản lý tốt”.
- Ngay từ ngày ấy, tôi hiểu rằng Hội đồng quản trị muốn ép Giáo sư Hiệu trưởng phân quyền chỉ đạo nhà trường.
- Chuyện đó tôi không bàn đến.
- Khi về nhà, anh chị và các cháu có bị lôi cuốn vào các công việc của trường không?
- Các cháu đã trưởng thành nên các cháu có những ý kiến rất thẳng, rất mạnh bạo. Còn tôi sau các cuộc họp về nhà, tôi luôn là người phản biện. Có những lúc gau gắt, nhưng từ đó anh Nghị càng vững tin vào các quyết định của mình.
- Tôi đã theo dõi đợt thanh tra ấy và tôi hiểu rằng Đoàn thanh tra đã mắc sai lầm. Toàn bộ thời kỳ thanh tra, bà Bùi Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố không có phát biểu nào ủng hộ Đoàn thanh tra. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, báo Hải Phòng, báo An ninh Hải Phòng vẫn nói về các thành tích của nhà trường. Tôi thấy thái độ đó của các phương tiện thông tin thành phố rất sáng suốt. Một ngôi trường do dân dựng lên giúp cho 7.000 sinh viên có chỗ học tập. Hàng ngàn sinh viên ra trường đã có công ăn việc làm thì làm sao lại cản trở việc làm đầy ý nghĩa nhân hậu đó.
- Cảm ơn anh đã dành tình cảm đẹp đẽ đó cho nhà trường. Từ báo cáo thanh tra nội bộ của Hội đồng quản trị, Bộ đã cử bà Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai trực tiếp chỉ đạo việc thanh tra nhà trường. Rất băn khoăn về một ông Hiệu trưởng “chuyên quyền”, “độc đoán”, “gia đình trị”, bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT đã đột ngột đến trường lấy phiếu tín nhiệm Hiệu trưởng trong toàn thể CB, GV, NV. Tất cả công việc từ làm phiếu, hòm phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu đều do ông Trần Bá Giao, Phó tránh thanh tra và Đoàn cán bộ của Bộ trực tiếp thực hiện. Hôm đó có 178 người dự họp. Trong lúc chờ kiểm phiếu rất nhiều giáo viên, cán bộ đã lên sân khấu hát trong sự cổ vũ nhiệt tình của cả hội trường. Nhìn không khí đó, bà Đặng Huỳnh Mai đã nói với bà Bùi Thị Sinh (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng): Với không khí vui tươi, trẻ trung như thế này, tôi thấy không có dấu hiệu của sự mất đoàn kết. Ông Trần Bá Giao thay mặt Ban kiểm phiếu công bố : 97,3% cán bộ, giảng viên nhà trường tín nhiệm Giáo sư Tiến sĩ Trần Hữu Nghị là Hiệu trưởng. Chỉ có 5 lá phiếu để trắng hoặc không ủng hộ.
Đến lúc này tôi mới nhớ ra mục đích tới đây là hỏi về công việc của Tiến sĩ Trần Thị Mai, còn bà lại nói về chồng và các con. Tôi vội trở lại chủ đề:
- Chị Mai ạ, chị chưa nói gì về công việc của chị.
- Hiện giờ tôi là Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường.
Tôi ngắt lời chị:
- Chị là một mẫu người phụ nữ Phương Đông. Khi thấy sự nghiệp của chồng lớn hơn mình, chị đã dồn hết tâm sức giúp chồng xây dựng sự nghiệp cũng là sự nghiệp của cả gia đình. Có nhiều việc chị đã làm nhưng chị không muốn nói sợ có sự hiểu nhầm. Nhưng có một số việc chị không từ chối được. Đó là thời kỳ Giáo sư Trần Hữu Nghị cùng Hội đồng sáng lập lo các thủ tục trên Hà Nội thì ở nhà chị là người soạn thảo các văn bản, tham gia tổ chức các cuộc họp Hội đồng sáng lập để kịp trình lên Thủ tướng. Lúc này Quốc hội mới được bầu lại, nếu các văn bản không hoàn thành kịp thời có thể bị lỡ 1 năm học. Khi trường được thành lập, chị là người chỉ đạo việc ra đề thi. Chị có thể kể cho chúng tôi nghe về nhiệm vụ ấy.
- Khi phân công tôi tổ chức ra đề thi, anh Nghị dặn tôi ba điều. Một là đề thi phải đảm bảo tính khoa học đồng thời phải vừa sức sinh viên. Thứ hai, việc in đề thi phải chính xác. Và thứ ba, không để đề thi lọt ra ngoài.Trước đây, tôi có 5 năm tham gia Hội đồng ra đề thi, tôi đã nhận thức tầm quan trọng của việc ra đề thi tuyển sinh. Trước hết tôi lên một danh sách thành viên mời tham gia Hội đồng để Hiệu trưởng duyệt. Chúng tôi đã cộng tác với nhau nhiều năm, nên các thành viên được mời đều là những cán bộ khoa học có uy tín, trách nhiệm. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối khâu ra đề thi, chúng tôi đã chọn mượn địa điểm là Trường Trung cấp Lương thực, Thực phẩm ở Đồ Sơn để làm đề thi. Tôi trực tiếp duyệt đề, trực tiếp tổ chức in đề, niêm phong, tổ chức hậu cần lo việc sinh hoạt cho các thành viên, trực tiếp tổ chức chuyển đề thi tới các phòng thi. Từng buổi thi, tôi ngồi bên máy điện thoại hồi hộp, lo lắng chờ đợi xem có ai phản ảnh gì về sai sót của đề thi. Không một cú điện thoại nào rung lên, Kỳ thi lần thứ nhất của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng diễn ra an toàn, được đánh giá là thành công tốt đẹp, đảm bảo yêu cầu. Đoàn thanh tra thi tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Vụ trưởng Vụ Đại học Giáo sư Đỗ Văn Chừng về kiểm tra đã đánh giá tốt về sự chính xác và an toàn của cuộc thi.
Tôi biết Tiến sĩ Trần Thị Mai còn được giao nhiều công việc, nhưng chắc bà sẽ không nói. Bởi bà vốn là phụ nữ phương Đông, được rèn luyện trong môi trường lấy sự cống hiến của xã hội là mục đích của cuộc đời. Thân phụ của bà, cụ Trần Duy Hương là một nhà giáo có tư tưởng tiến bộ. Năm 1936, đang dạy học ở Nam Định, cụ bị đổi lên Hòa Bình chỉ vì cụ đọc cuốn “Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bà có ba người anh vào bộ đội, có người được phong hàm Trung tướng. Bà sống khiêm nhường, độ lượng, có lòng bao dung nên ở đâu bà cũng được mọi người quý nể. Dáng người bà mảnh mai, nhưng là cái mảnh mai của tia nắng sớm, mang theo niềm hy vọng cho gia đình, cái mảnh mai của ngọn lửa trong ngọn đèn đêm đông mang theo vẻ đầm ấm cho cuộc sống, và là cái mảnh mai của chiếc neo con tàu sự nghiệp của Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, người luôn giữ được niềm tin khi gặp bão tố.
Với những đóng góp thầm lặng nhưng đầy sức thuyết phục cho sự phát triển Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, cũng là đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục thành phố Hải Phòng, tháng 11 năm 2012, Tiến sĩ Trần Thị Mai đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Vũ Hoàng Lâm, Tạp chí Khuyến học Hải Phòng số 5/2013
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn