Nói về chúng tôi

  Thứ ba, 26/11/2013 - 14:38:49

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị với sự nghiệp trồng người

Có những người con của Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 1954 sau này gắn bó mãi với miền Bắc: Nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và giáo sư Trần Hữu Nghị. Hãy thử tưởng tượng, nếu thơ ca miền Bắc những năm đấu tranh thống nhất đất nước vắng bóng Tế Hanh và riêng Hải Phòng thiếu Nguyễn Viết Lãm thì sẽ như thế nào; hãy thử tưởng tượng những người đi biển được đào tạo từ Hải Phòng những năm trứng nước của ngành hàng hải Việt Nam và những sinh viên trưởng thành từ Trường Đại học Dân lập Hải Phòng không được học giáo sư Trần Hữu Nghị, người thầy tận tụy dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người thì sẽ như thế nào? Đương nhiên tất cả vẫn tồn tại nhưng trong nhận thức, trong ký ức, trong tâm hồn mỗi người sẽ thiếu đi một mảnh đời sinh động.

GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng nhà trường

 

Chỉ xin nói đến điều đơn giản nhất nhiều người còn chưa biết: Giáo sư Trần Hữu Nghị và nhà thơ Tế Hanh quê cùng huyện Bình Sơn, huyện địa đầu của Quảng Ngãi. Bình Sơn có sông Trà Bồng chia nhánh lạ lùng: quanh tròn một đoạn trước khi đổ ra biển. “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” - Tế Hanh viết vậy về xã Bình Dương của mình trong bài Quê hương, thi phẩm đã được Hoài Thanh - Hoài Chân đưa vào Thi nhân Việt Nam. Làng Bình Chánh của giáo sư Trần Hữu Nghị cũng vậy. Sinh năm 1938 và là con thứ 9 trong gia đình làm nghề chài lưới đông tới 10 anh chị em, Trần Hữu Nghị có một tuổi thơ nghèo khó. Nếu rau má là nhân sâm của người xứ Thanh thì người Quảng Ngãi cũng có nhân sâm của mình, đấy là khoai lang! Trong một bài phỏng vấn, có người hỏi giáo sư Trần Hữu Nghị sẽ ước gì khi chỉ có một điều ước, câu trả lời thật bất ngờ, dí dỏm và đầy tâm trạng: Ước được ăn khoai lang Bình Sơn, bởi suốt những năm tháng tuổi thơ ông đã sống và lớn lên nhờ những củ khoai lang trên đất cát quê ông. Một lần khác, trong câu chuyện thân tình cởi mở ông kể, nhà ông nghèo đến mức thuở bé muốn đến lớp có lần ông đã phải năn nỉ đứa cháu gái cho mượn quần để mặc, chiều về trả!

Mỗi người chỉ một mẹ sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn cũng vậy, dù đó là người mẹ nghèo và quê hương nuôi mình bằng khoai sắn. Bình Sơn là rốn bão miền Trung! Cứ mỗi khi đài báo đưa tin một nơi nào đó bị bão lụt là giáo sư Trần Hữu Nghị lại quặn thắt nỗi nhớ quê và ông lại phát động cán bộ giáo viên công nhân viên trong trường quyên góp ủng hộ đồng bào gặp nạn. Sau cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi năm 2009 mà nơi thiệt hại nhất chính là Bình Chánh quê ông, gia đình ông cùng sự ủng hộ của cán bộ giáo viên công nhân viên và sinh viên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã chuyển tới đồng bào Bình Sơn, Quảng Ngãi 3,2 tấn gạo, hơn 100 triệu đồng và nhiều quần áo, chăn màn. Lần khác, trong một chuyến về quê ông đã mua sách giáo khoa tổng trị giá 45 triệu đồng tặng Trường THCS Vạn Tường cùng 20 suất học bổng cho học sinh.

Còn điều nữa, về những năm tuổi thơ của mình giáo sư Trần Hữu Nghị ít kể bởi nó âm thầm trong ông, đấy là những sớm mai tiễn cha anh theo thuyền ra khơi, những chiều hôm đón thuyền cá trở về, chính nó đã thôi thúc trong ông khát vọng chinh phục biển. Nên phải chăng vì vậy, dù bước vào đời bằng nghề đường sắt những năm đầu tập kết ra Bắc, khi được thi vào Trường Trung cấp Giao thông công chính (tiền thân của Trường Đại học Giao thông vận tải), Trần Hữu Nghị đã chọn học ngành đường thủy. Điều đó cũng vô tình thành cơ duyên để sau khi sang Liên Xô học đại học rồi làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 30 tuổi, ông đã về Hải Phòng.

Về Hải Phòng, tiến sĩ Trần Hữu Nghị nhận công tác ở Trường Đại học Đường thủy (tiền thân của Trường Đại học Hàng hải). Từ giảng viên ông trở thành Chủ nhiệm bộ môn Cơ khí thủy. Năm 1973 ông được điều lên Hà Nội làm Trưởng phòng Thiết kế máy tàu thủy Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải. Công tác trên Bộ và được ở Hà Nội là ước mơ của nhiều người nhưng Trần Hữu Nghị lại không nghĩ như vậy hoặc cái duyên của đời ông không là như vậy, ông chỉ ở Viện có ba năm rồi lại  trở về Trường Đại học Hàng hải, làm Chủ nhiệm Khoa Máy sử dụng. Từ đó ông gắn bó hẳn với sự nghiệp đào tạo.

Cái duyên của Trần Hữu Nghị là duyên dạy học, duyên làm thầy, duyên đem nghề nghiệp đến cho người học. Ông làm thầy rất sớm, ngay từ năm 1954, 1955 khi mới 16 tuổi và mới trải qua lớp 4 trên công trường xây dựng đường sắt Hà Nội- Thanh Hóa: Ban ngày cuốc đất, gánh đá, vác  tà vẹt, tối đến tham gia thanh toán nạn mù chữ cho anh em trong đội; vừa dạy học vừa tự học tới lớp 7.

Năm 1979 tiến sĩ Trần Hữu Nghị làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải, phụ trách nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy cho sinh viên vừa tham gia đào tạo sau đại học và trên đại học; đồng thời giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kiêm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên gửi dự thi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị tàu thủy, ủy viên Hội đồng khoa học của Bộ Giao thông vận tải và giữ chức vụ này cho đến ngày nghỉ hưu (1997). Rất bận với nhiệm vụ giảng dạy và giữ nhiều trọng trách Trần Hữu Nghị vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học, ông có tới 17 đầu sách được xuất bản, gồm các giáo trình, 60 công trình nghiên cứu, hàng chục bài báo đăng trong và ngoài nước, cùng nhiều đề tài sáng kiến, cải tiến. Nhiều công trình trở thành sách gối đầu giường cho những ai theo ngành máy thủy, nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế, đem lại cho ông và nhà trường những hợp đồng có giá trị.

Đóng góp không ngừng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tiến sĩ Trần Hữu Nghị đã đưa ông nhận được các danh hiệu cao quý: Phó giáo sư (1983), Giáo sư (1991), Nhà giáo ưu tú (1994).

Học trò của Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị không chỉ có mặt trên các con tàu, các nhà máy mà nhiều người sau này trở thành cán bộ cao cấp một số tỉnh và các Cục, Vụ, Viện, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa, Hiệu trưởng trường Đại học, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú… Tiến sĩ Nguyễn Đại An, Chủ nhiệm khoa Máy sử dụng Trường Đại học Hàng hải nói: “Cho đến nay hầu hết giảng viên Khoa Máy chúng tôi đều là học trò của giáo sư Trần Hữu Nghị - người thầy mẫu mực suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, dìu dắt họ trên con đường khoa học”.

Năm 1997 Giáo sư Trần Hữu Nghị được nghỉ hưu. Những người như ông thời gian này thường đứng trước hai lựa chọn: Một là nghỉ ngơi hoàn toàn. Hai là nhận dạy một số giờ ở trường đại học với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Không như vậy, ông đã chọn con đường thứ ba: Sáng lập Trường Đại học Dân lập. Từ đây ông mới thực sự bộc lộ hết phẩm chất và năng lực của mình, ở ông xuất hiện những năng lực mới bên cạnh tâm huyết với sự nghiệp trồng người: Năng lực thuyết phục, vận động, quy tụ; năng lực quản lý; năng lực của một doanh nhân. Gọi là thế, tách bạch thì như vậy, thực ra những năng lực ấy không tách rời nhau, nó nằm tổng thể trong con người ông.

Giáo sư Trần Hữu Nghị gây ấn tượng và chinh phục tình cảm của bất cứ ai ngay từ lần gặp đầu tiên. Ông có vẻ nghệ sĩ với vầng trán rộng, mái tóc dài lãng tử, cử chỉ thân mật, hồ hởi và sôi nổi; một con người đầy nghị lực, thể hiện ở đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, cả quyết, hùng biện. Có cảm tưởng những ai lạnh lùng được gần ông cũng sẽ ấm nóng, những ai yếu đuối ở bên ông cũng trở nên mạnh mẽ. Ông dám mạo hiểm, dấn thân, không quản ngại lo toan vất vả. Việc thành lập Trường Đại học Dân lập và đưa trường được như ngày nay chứng tỏ điều đó.

Nhưng điều đau đáu ban đầu ở giáo sư Trần Hữu Nghị lại rất đơn giản mà đáng ra những người có địa vị hơn ông phải đau đáu trước ông: Ông nghĩ và cũng là lý lẽ để thuyết phục các cấp chính quyền: Một thành phố lớn như Hải Phòng không thể chỉ có mỗi trường đại học là Trường Hàng hải! Và ông đi hết nơi này nơi khác học tập những người đi trước, những trường đại học dân lập thành lập trước, tìm gặp những người cùng tâm huyết, có địa vị nhất định trong xã hội và khả năng kinh tế để mời vào Hội đồng sáng lập. Tờ trình và dự án thành lập Trường Đại học Dân lập của ông mang sức thuyết phục đến mức nhanh chóng được Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng chấp nhận. Rồi Bộ Giáo dục Đào tạo ký quyết định công nhận Hội đồng sáng lập nhà trường; Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép thành lập. Tất cả chỉ mất hơn 5 tháng, từ 4/1997 đến 9/1997, trong khi các trường trước đó thường phải mất tới hai năm - hai năm với biết bao trầy trật, vật vã.

Ngay sau khi nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lập tức giáo sư Trần Hữu Nghị chuyển 200 triệu tiền của cá nhân vào Ngân hàng làm vốn pháp định xây dựng trường. Việc làm quả  quyết đó tác động mạnh, có tác dụng lôi cuốn đặc biệt, giúp ông huy động nhanh chóng vốn từ các thành viên sáng lập, các cán bộ, giảng viên nhà trường.

Kể ra giáo sư Trần Hữu Nghị cũng có phần gặp may: “May” là có một xí nghiệp dệt thảm phá sản phải giải thể và ông đã mua được cơ ngơi của họ, cho dù chỉ là mấy căn nhà cấp 4 lụp xụp, sân cỏ nham nhở, xung quanh đầy những ao bèo, đường vào khi mưa lầy lội như đường tới xóm chài. Cái được nhất của đám đất là nó rộng 6.303 m2 - với giáo sư Trần Hữu Nghị tất cả không thể chung chung, đại khái. Nó đủ để xây dựng khu hiệu bộ và giảng đường.


Khu Giảng đường khi trường mới thành lập

Có những bức ảnh khi chụp người ta không nghĩ sau này sẽ trở thành bằng chứng lịch sử, điều đó có thể đúng với ai đó chứ không đúng ở giáo sư Trần Hữu Nghị. Ông luôn có ý thức trong việc lưu giữ hình ảnh những chặng đường mình đã trải qua. Đây là ảnh chụp ngày 24/5/1997 ghi lại việc giáo sư báo cáo Đề án thành lập Trường Đại học Dân lập Hải Phòng với lãnh đạo thành phố; ngày ấy tóc ông đã để dài nhưng còn xanh mướt. ảnh đám đất thôn 1 xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải với dãy nhà cấp 4 và đám cỏ hoang dại, nơi sau này trở thành giảng đường 6 tầng của Trường. ảnh cuộc họp cán bộ, giáo viên, ảnh lãnh đạo nhà trường với sinh viên, bàn ghế tuềnh toàng, người ngồi chen chúc…

Năm 2000 Trường phát triển thêm địa điểm thứ hai, đó là Liên hợp thể thao - Khách sạn Sinh viên tại khu Quán Nam, phường Kênh Dương, nâng tổng diện tích mặt bằng của Trường ở cả hai khu   lên 33.000 m2. Công trình được khánh thành ngày 4/1/2003; năm 2009 tại đây lại thêm một công trình mới, đó là Trường Mầm non Hữu nghị Quốc tế. Những bức ảnh thời kỳ này đậm một màu tươi sáng với những gương mặt sáng trong, sinh viên ngày khai giảng áo dài tha thướt, ngày tốt nghiệp trong trang phục cử nhân trang trọng. Chỉ giáo sư Trần Hữu Nghị có phần khác trước, 15 năm với biết bao vất vả đã làm mái đầu ông nhuộm bạc, đã lấy đi của ông rất nhiều sợi tóc, đã hằn trên gương mặt ông tuổi tác cùng những lo toan vì công việc.

Giờ đây với giảng đường gồm 140 phòng học trang bị hiện đại; Khách sạn Sinh viên gồm 240 phòng ở, nhà luyện tập chức năng chứa được 2500 người, sân vận động đủ tổ chức những trận đá bóng, bể bơi thông minh nước lúc nào cũng trong nhìn thấy từng viên gạch dưới đáy, nhà ăn hiện đại, có máy sấy khay đồ ăn, trường mẫu giáo và nơi ăn dành riêng cho các cháu… tất cả có thể nói Trường Đại học Dân lập Hải Phòng sánh ngang với bất kỳ trường đại học lớn nào trên toàn quốc.


Khu Giảng đường hôm nay

Hiện nay nhà trường đang triển khai dự án cơ sở 2 ở Minh Tân, Kiến Thụy với diện tích 12 ha.

Song song với việc xây dựng trường sở là tạo lập đội ngũ cán bộ, giáo viên, hình thành các khoa, các ngành đào tạo. Cán bộ công nhân viên giáo viên cơ hữu từ chỗ chỉ có 7 người hiện đã là 338 người, đảm nhận 70% khối lượng giảng dạy.

Cùng với đó là việc quản lý đội ngũ. Người ta nói nhiều đến việc ông giao cho sinh viên tự quản lý nơi ăn chốn ở của mình, nơi ấy lại là Khách sạn Sinh viên, không có giường tầng, mỗi người một giường, một bàn học, một tủ treo, một ổ điện, mỗi phòng một khu vệ sinh, một côngtơ điện, một đồng hồ đo nước; người đến ở chỉ cần mang theo quần áo, còn chiếu và chăn màn là của trường; đến nhà ăn, mỗi người một khay, chiều chiều nếu không tới sân tập thể thao thì dạo chơi ở vườn hoa ngay giữa khách sạn… Có người nói đã gọi là khách sạn thì phải có người phục vụ, không thể để khách tự phục vụ. Điều đó đúng, nhưng họ là sinh viên đóng hai vai: vừa là chủ nhân khách sạn vừa là đối tượng cần được giáo dục, cần được rèn luyện về mọi mặt. Sinh viên không chỉ đến trường để học nghề học chữ mà phải được rèn luyện ý thức tự chủ và tính kỷ luật để ra đời trở thành những người toàn diện. Việc giao cho sinh viên tự quản nơi họ ở chứng tỏ lòng tin vào con người của giáo sư Trần Hữu Nghị và đấy chính là năng lực quản lý đặc biệt ở ông.

Có người cho rằng các trường tư thục và dân lập chính là một doanh nghiệp do có sự hùn vốn và có Hội đồng quản trị. Giáo sư Trần Hữu Nghị đồng ý như vậy nhưng ông thêm: Đó là loại doanh nghiệp đặc thù bởi lẽ sản phẩm của nó là sản phẩm đặc biệt: là con người, là những kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tương lai. Chúng ta vẫn nói đầu tư vào giáo dục là đầu tư có lợi nhất. Vậy thì về bản chất nó cũng không khác các trường công lập.

Coi trường tư thục và dân lập là doanh nghiệp đặc thù nên có người muốn gọi giáo sư Trần Hữu Nghị là doanh nhân. Ông không từ chối mà còn coi đó là một vinh dự vì được đánh giá cao, bởi theo ông doanh nhân là người không chỉ biết lo làm giàu cho mình - làm giàu một cách chính đáng mà phải biết lo tạo công ăn việc làm cho người lao động, đã lo cái trước mắt, lại lo cho mai sau, lo góp phần làm giàu cho Tổ quốc. Có thể nói không ai phải lo nghĩ nhiều như doanh nhân, càng là doanh nhân ngoài quốc doanh càng lắm lo toan.

Riêng giáo sư Trần Hữu Nghị, bao giờ ông cũng coi mình là một nhà sư phạm và ông là hiệu trưởng một cơ sở giáo dục và đào tạo. Ông luôn luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường”, là triết lý của ông. Mọi suy nghĩ, lo toan, vun đắp của ông cũng như mọi năng lực, từ năng lực thuyết phục, vận động, quy tụ, năng lực quản lý và năng lực của một doanh nhân ở ông đều nhằm vào triết lý ấy và cho triết lý ấy. Giáo sư rất coi trọng chất lượng của đội ngũ giảng dạy nên không tiếc công sức và tiền của để giúp họ trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, đó là  tiến sĩ Hồ Thị Hương Thơm, thạc sĩ Đồng Thị Nga - các cựu sinh viên của trường.

Cũng với cái lý các trường tư thục và dân lập là một doanh nghiệp, hoặc coi đó là một cái cớ, nhiều trường ít chú ý đến công tác Đảng. Giáo sư Trần Hữu Nghị không vậy, người đảng viên 50 năm tuổi Đảng ấy hiểu do đâu mà mình từ người chỉ học hết lớp 4, từ anh công nhân cuốc đất, đắp đường tàu hỏa lại trở thành giáo sư đại học, trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải và nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Nên từ chỗ Trường Đại học Dân lập chỉ 13 đảng viên ngày mới thành lập Chi bộ, nay đã có một Đảng bộ với hơn hai trăm đảng viên, có năm như năm 2010 trường phát triển thêm tới 36 đảng viên mới.


 

Giáo sư Trần Hữu Nghị là con người mạnh mẽ nhưng nhân hậu. Ông rất dễ xúc động trước những hoàn cảnh ngặt nghèo. Ông đã nhiều lần giúp đỡ và kêu gọi mọi người giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đồng Thị Nga (sinh 1980) bị nhiễm chất độc màu da cam do nghị lực phấn đấu và được sự quan tâm của ông đã từ sinh viên trở thành thạc sĩ giảng viên của trường. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (sinh 1981) cũng vậy, từ một cô gái tật nguyền ở chân trở thành sinh viên và thạc sĩ giảng viên tiếng Anh của trường, “thủ lĩnh” nhóm Tình thân SOS gồm các sinh viên ở Hải Phòng…

Với cái tâm như thế vậy mà con đường của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng và giáo sư Trần Hữu Nghị không phải lúc nào cũng trải toàn thảm đỏ. Ông coi cán bộ nhân viên giáo viên của trường như những người làm chủ. Không ngờ điều đó lại làm cho ông điêu đứng, bởi một số thành viên trong Hội đồng quản trị lại quan niệm đấy là những người làm thuê! Vậy là diễn ra  cuộc chiến dường như không cân sức giữa ông và một số thành viên trong Hội đồng quản trị. Sau 3 năm 9 tháng 11 ngày cuộc chiến ngã ngũ và thắng lợi về phía ông. Ông giành thắng lợi vì đã đứng về phía quyền lợi của cán bộ giảng viên cơ hữu, đảm bảo vị thế của một trường học xã hội chủ nghĩa. Chỉ tiếc, nếu không xảy ra cuộc chiến ấy, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng còn tiến xa hơn nữa.

15 năm chỉ là khoảng thời gian ngắn, vậy mà Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã tiến một bước dài, trở thành 1 trong 20 trường Đại học đầu tiên được Hội đồng kiểm định quốc gia công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục toàn quốc; 1 trong 100 Thương hiệu Việt bền vững năm 2012; Hệ thống Webometric - “Bảng xếp hạng trang web các trường đại học trên toàn thế giới” đánh giá hệ thống HPU Net xếp hạng thứ 22 so với các trường Đại học trong cả nước vào tháng 7/2012 và đứng đầu trong các khối trường tại Hải Phòng. “Sản phẩm” của Trường được xã hội chấp nhận cao, hơn 93% sinh viên tìm được việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường…

Báo chí viết nhiều về giáo sư Trần Hữu Nghị, họ gọi ông là “Vị thuyền trưởng của những giấc mơ”, là “gạch nối tương lai”, là “một trí tuệ, một tâm hồn, một tầm nhìn, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục đại học”, là “nhà chiến lược giáo dục tầm vóc lớn”… Tất cả đều không thể nói hết về Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị.

Theo Lưu Văn Khuê, Tạp chí Cửa biển, số 126/2012
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn