Nói về chúng tôi

  Thứ ba, 26/11/2013 - 10:47:32

Đại học Dân lập Hải Phòng 15 năm xây dựng và phát triển

Sách báo 15 năm qua viết nhiều về mô hình phát triển giáo dục này, về GS. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị.

 

Trường Đại học Dân lập Hải Phòng năm 1998

Tôi biết rất ít và không thân quen với GS. Nghị, thậm chí còn nghe nhiều ý kiến về anh. Nhưng cứ nhìn vào việc làm và hiệu quả của ĐH Dân lập Hải Phòng, qua 15 năm thử thách, có một sự xúc động tự nhiên, khiến tôi phải viết một các gì về Trường, về anh.

Tôi không muốn kể nhiều về khu Giảng đường, về Khách sạn sinh viên, khu thể thao đa năng, về Thư viện điện tử hiện đại. Tôi cũng không quan tâm quá nhiều về bằng khen, những chứng chỉ chất lượng quốc gia, quốc tế, những “ai-zô”, cúp vàng…vì tất cả việc đó ai cũng biết.

Vậy tôi phải tìm kiếm một điểm nhấn để nói về việc khởi dậy thành công SỨC DÂN gắn với GIÁO DỤC LẼ SỐNG để tạo ra SỨC SỐNG mới cho mô hình này.

15 năm qua, ĐHDLHP đã huy động được số vốn khổng lồ gần 500 tỷ trong dân để xây dựng cơ sởvật chất, tạo nền tảng đào tạo có chất lượng gần 16.000 sinh viên, trong do tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 93,6%.

Sinh viên ĐHDLHP được coi là chủ thể, là nhân vật trung tâm. Họ được tôn trọng, được yêu thương, như chính vì yêu thương bao nhiêu lại phải yêu cầu cao bấy nhiêu. “Học thật - Thi thật - Ra đời làm việc thật” là yêu cầu cao và nghiêm ngặt. Ba cái “Thật” đó dần xóa bỏ sự dối trá, xuất phát từ sự thật lòng mong mỏi sinh viên tu thân, lập nghiêp, vì tính nhân văn và hạnh phúc dài lâu của chính mình.

Công bằng xã hội là một thành tố của mục tiêu cách mạng XHCN. “Sẽ không công bằng nếu thi cử không nghiêm túc” không còn là khẩu hiệu suông, từ lý thuyết nó tạo ra cơ chế để hiện thực hóa thành những con số “cách mạng” thi cử có tiếng vang trên phạm vi cả nước: Từ 25% lượt sinh viên vi phạm thi cử thời kỳ đầu, nay hạ xuống còn 0,18%. Sinh viên nghèo rớt, cả đời không biết đến khách sạn, nay đã có 1.400 sinh viên được ở “khách sạn” mang tên sinh viên, được cấp nước nóng mùa đông tháng giá, có nước uống tinh khiết, được dùng Wifi miễn phí 24/24h. Sinh viên ĐHDLHP hiểu được rằng họ được “tôn vinh” như thế không chỉ vì đời sống cá thể của họ mà cao hơn là để họ biết yêu quý và quan tâm đến con người, ngay khi còn sống trong nhà trường đến khi ra đời lập nghiệp. Sinh viên tuy còn “bé nhỏ” nhưng nếu được đối xử như một con người, được giáo dục LẼ SỐNG ĐÚNG và ĐẸP thì họ sẽ có SỨC SỐNG MỚI mạnh mẽ. Họ đã tìm thấy “tự do trong kỉ luật”, từ đó sống tự giác hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và xã hội. Thành tích học tập, kiến thức khoa học kỹ thuật đáng trân trọng và tự hào, song sản phẩm tinh thần về LẼ SỐNG, SỨC SỐNG, được học tập ở đây mới là điều đáng quý hơn cả.

Có lần trong một hội nghị, GS. Nghị đã kể về những ngày đi tìm đất xây dựng Trường năm 1997, anh đã “tranh chấp” với tôi khi tôi cũng về đây tìm đất để mở Trường Tiểu học dân lập chất lượng cao. Nhưng tôi là người thua cuộc trong lần “tranh chấp” đó. Sau thành công mở trường Đại học, thừa thắng anh xây nhà 5 tầng, mở trường mầm non và xin mở tiếp lớp 1 chất lượng cao, liên thông Tiểu học, Trung học, Đại học, để chiến lược “học thật, thi thật”, “công bằng trong thi cử”, để lẽ sống đẹp, sức sống mới được xuyên suốt quá trình giáo dục 20 năm, mà lớp 1 – cấp 1 là móng là nền. Từ thực tiễn ĐHDLHP lập 15 năm qua, tôi có cơ sở tin rằng ý tưởng táo bạo đó là khả thi, và tôi đã nhận lời mời của anh làm chuyên gia tư vấn khoa học cho tiểu học, mở đầu là lớp 1…


Trường Mầm non Hữu Nghị Quốc tế - Trường Phổ thông đa cấp

Từ thua cuộc trong lần tìm đất mở trường năm 1997, lần này tôi đã “thắng cuộc” vì nhờ vào anh mà tôi có thể góp được chút ít công sức trong việc đổ móng xây nền cho tòa nhà giáo dục liên thông 20 năm sắp tới.

Tôi được biết vào năm 2017, một khu giáo dục mới sẽ hình thành ở Minh Tân, Kiến Thụy với tổng vốn đầu tư là 700 tỷ. Tiếp tục chủ trương xã hội hóa giáo dục, ĐHDLHP sẽ có một Trung tâm văn hóa giáo dục mới ở cửa ngõ Đông Nam thành phố, góp phần thực hiện chiến lược “tam nông” của Đảng. Tôitin rằng tên gọi của Trung tâm văn hóa giáo dục này không thể thiếu hai chữ “DÂN LẬP” và cũng có thể có làng mang tên “LÀNG DÂN LẬP”. Viết đến đây tôi càng hiểu vì sao Giáo sư Trần Hữu Nghị không muốn chuyển đổi Trường sang Tư thục vì nhân dân đã nuôi dưỡng anh, đã góp công sức tiền của để tạo lập Trường Đại học cho DÂN, cho anh, thì lẽ nào anh lại không tri ân họ để theo đuổi đến cùng, đến mức đắm đuối với dân, với lớp lớp học trò của mình.

 

 

Nguyễn Trung Chính – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí - Giáo dục Hải Phòng

Theo Tạp chí Tâm lý giáo dục ứng dụng, số 6/2012
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn