Tin tức HPU

  Thứ hai, 25/11/2013 - 15:11:09

Hội nghị những người góp vốn trường ĐHDL HP thảo luận và quyết định việc Bảo toàn vốn góp và Tài sản tích lũy chung không chia

Chuyến đổi mô hình trường Đại học Dân lập sang tư thục là tất yếu khách quan, đáp ứng đổi mới giáo dục đào tạo trong nền kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW2 khóa VIII về phương hướng phát triển GDĐT nước nhà. Chuyển đổi sang tư thục là thực hiện Quyết định 122, Quyết định 61 của TTg chính phủ, và Thông tư 20 của Bộ GDĐT.

 

Hội đồng quản trị lâm thời trường Đại học Dân Lập Hải Phòng tổ chức Hội nghị những người góp vốn (ngày 7/8/2010) tập trung bàn 2 vấn đề : Bảo toàn vốn góp và Tài sản tích lũy chung không chia.
Đây là một nội dung được hội nghị quan tâm, tập trung thảo luận.
      Có người quan niệm bảo toàn giá trị vốn nghĩa là bây giờ giá trị vốn góp được ghi tăng lên theo giá vàng hiện tại, có ý kiến  lấy giá đất hiện tại làm căn cứ. Có ý kiến nhất trí không chia tài sản chung, nhưng phải ghi tăng giá trị vốn góp theo giá trị tài sản chung tăng thêm trong quá trình hoạt động của trường.
      Có người đặt ra câu hỏi: Nhà trường đã bảo toàn giá trị và sử dụng vốn góp của các thành viên như thế nào, tính toán  thế nào về vốn góp của các thành viên khi chuyển đổi sang tư thục.
      Sau khi thảo luận hội nghị đã thống nhất đánh giá : 13 năm qua đồng vốn góp của các tổ chức và cá nhân vào việc xây dựng và hoạt động của trường không những được bảo toàn giá trị mà còn được huy động tăng thêm, được đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả rất cao
      Minh chứng cụ thể:
      13 năm hoạt động, với số vốn ban đầu rất khiêm tốn 200 triệu đồng, năm 1997, thì đến nay đã phát triển lên tới 125 tỷ đồng, trong đó 24 tỷ đồng là tiền góp của cán bộ, giảng viên, nhân viên vẫn còn đầy đủ, được giữ nguyên giá trị, còn lại tài sản được qui ra Việt Nam Đồng. Đây chính là giá trị cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đã trở thành tài sản chung của trường, tài sản này có được từ hiệu quả hoạt động lao động, quản lý, được tích lũy, tăng lên trong quá trình hoạt động của trường. Đương nhiên vốn tài sản chung này không chia cho từng thành viên góp vốn (theo qui định của pháp luật) mà là của xã hội, của nhân dân, nhân dân được thụ hưởng do chính thành quả từ xã hội hóa giáo dục mang lại. Tập thể người lao đông của trường có trách nhiệm quản lý, sử dụng chung, bảo toàn và tiếp tục phát triển đồng vốn này.
     13 năm qua, bằng tiền vốn của trường, đội ngũ lao động cơ hữu được đào tạo, bồi dưỡng, tăng nhanh cả về số lượng, cả về chất lượng, đặc biệt đội ngũ giảng viên từ 7 người ngày đầu thành lập trường, nay lên tới 220 người, 82% là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ,  trở thành một bộ phận trong đội ngũ trí thức thành phố góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế trí thức của đất nước. Trên 300 lao động cơ hữu có công việc làm, có thu nhập cao,  ổn định, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, được đào tạo học tập, được thưởng tiền theo mức độ năng suất, hiệu quả, chất lượng công tác hàng tháng, hàng năm. Được tham quan nghỉ mát, được quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện. Tất cả lao động cơ hữu đều tham gia góp vốn theo qui định, đã được nhà trường bảo toàn giá trị vốn góp và được trả lãi vốn hàng tháng có mức cao hơn mức lãi suất tiền gửi vào ngân hàng và được chuyển thành cổ phần khi chuyển đổi sang trường tư thục.
     13 năm qua, từ chỗ trường có một chi bộ, 6 đảng viên nay đã có đảng bộ, 12 chi bộ với 111 đảng viên, thực hiện tốt chức năng lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, phối hợp tốt với Hội đồng quản trị lâm thời nhà trường thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát động các phong trào  thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của trường.
     13 năm nhà trường đã và đang đào tạo trên 18.000 sinh viên, gần 12.000 cử nhân, kỹ sư đã tốt nghiệp ra trường, bổ sung vào lực lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước. Nhà trường chi gần 10 tỷ đồng từ tiền vốn của trường để khen thưởng, cấp học bổng, tặng quà cho hàng nghìn sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện tốt, con em gia đình chính sách,  có công lao cách mạng, đóng góp bảo đảm an sinh xã hội.
     Tất cả mọi công việc của trường đều có sự tham gia bàn bạc, biểu quyết chủ trương, biện pháp quản lý hoạt động, các qui chế qui định, thông qua báo cáo thu chi tài chính...của lao động cơ hữu trong các hội nghị toàn thể hàng tháng, hội nghị dân chủ cơ sở hàng năm của trường tổ chức.
Kết quả lao động hết mình của toàn trường trong 13 năm qua đã tạo lên thương hiệu Đại học Dân Lập HP - một trong 20 trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia.
Hội nghị đã viện dẫn nhiều điều khoản cụ thể được ghi trong một số văn bản Pháp luật của Nhà nước có liên quan, như:
    Mục 6 chương III, Qui chế 86 /2000 của TTg chính phủ ghi: ...Tài sản của trường đại học dân lập sau khi trừ phần vốn góp của tập thể cá nhân và phần chi phí cho các hoạt động của trường kể cả phần trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể của trường, được nhà nước bảo vệ theo qui định của pháp luật, không ai được chiếm đoạt.
    Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tại Chương II, Điều 134 mục 4 Ghi: “ Trường hợp cơ sở dân lập chuyển đổi thành cơ sở tư  thục trong đó số tài sản được tích lũy từ kết quả hoạt động của cơ sở dân lập là thuộc sở hữu  tập thể, được xác định và chuyển giao cho cơ sở tư thục quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển, không được chia cho cá nhân và được Nhà nước bảo hộ theo qui định của pháp luật’
    Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT Điều 5, Chương II,  Mục 1- Phần tiền vốn hình thành từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân được bảo toàn giá trị tại thời điểm đóng góp, được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa Hội đồng quản trị với các thành viên góp vốn và được chuyển thành cổ phần. Mục 2- Phần tiền vốn được biếu, tặng hoặc cấp phát và phần tiền vốn được hình thành từ nguồn thu hợp pháp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập là tài sản thuộc sở hữu chung, không chia
Điều 38, điều 40, điều 41, Chương 3, Qui chế tổ chức và hoạt động của Trường đại học Dân lập Hải Phòng, ban hành kèm theo Quyết định số 284, ngày 26/12/2006 của Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời nhà trường ghi: " ...Tài sản của trường sau khi trừ phần vốn góp của tập thể cá nhân và phần chi phí cho các hoạt động của trường kể cả phần trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể của trường“
Rõ ràng, không có một văn bản pháp lý nào đề cập phân chia lợi nhuận, ghi tăng vốn góp cho riêng đối tượng thành viên hội đồng quản trị, hội đồng sáng lập;  không có văn bản pháp lý nào cho phép chia tài sản được tích lũy từ kết quả hoạt động của cơ sở dân lập khi chuyển sang tư thục dưới bất cứ hình thức nào, cũng không có văn bản pháp lý nào đề cập tăng giá trị vốn góp lên bao nhiêu lần theo giá vàng hay giá đôla hay giá đất cát tại thời điểm....

Hội nghị khẳng định: 13 năm hoạt động theo mô hình Dân lập, trường đã thực hiện rất đầy đủ, đúng đắn các quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước: Đã trả lãi vốn 12% /năm, trả công, lương, thưởng, bảo hiểm, đào tạo, phúc lợi... đã làm đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng trường...tích lũy tài sản phát triển rất tốt,  rất dân chủ, công khai; không xâm hại của ai, không nợ nần ai, tất cả mọi người đều tự nguyện, cùng nhau làm việc, cùng nhau chịu, cùng nhau hưởng và có trách nhiệm với sinh viên, với xã hội với nhân dân và với chính bản thân mình.

Hội nghị đã biểu quyết với 98,2% tổng số thành viên góp vốn có mặt nhất trí với phương án bảo toàn vốn góp của các thành viên tính theo tỷ lệ lạm phát trung bình 8% năm; nhất trí không chia tài sản tích lũy chung; nhất trí chuyển đổi trường sang mô hình tư thục theo qui định của Nhà nước

    Hội đồng quản trị lâm thời nhà trường đã triển khai thực hiện kịp thời Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trường chuyển đổi sang tư thục.  Đây là bước ngoặt lịch sử thúc đẩy trường phát triển trong cơ chế mới, hoàn cảnh  mới.
    Các thế hê người lao động và sinh viên của trường mãi mãi biết ơn, tôn trọng công lao đóng góp của những người sáng lập, thành lập xây dựng và phát triển trường./.

 

Trần Bá Kim

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn