Tin tức HPU

  Thứ năm, 28/11/2013 - 08:18:26

Kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2008-2009

Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 2 khoá 8 và Nghị quyết 04 Thành uỷ Hải Phòng về xã hội hoá giáo dục, trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã được ra đời với thời gian ngắn nhất và nhận được sự đón mừng của đông đảo người dân Hải Phòng.


Từ con số không ban đầu, đến nay Đại học Dân lập Hải Phòng đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của khối các trường ngoài công lập, với một cơ sở vật chất khang trang, với trang thiết bị phục vụ học tập hiện đại, với văn hóa phục vụ hết mình, với kỷ cương học đường nghiêm túc, với quan hệ thầy trò trong sáng, dân chủ cởi mở đã tạo được niềm tin trong xã hội, là minh chứng cho chủ trương đúng đắn về xã hội hóa giáo dục của Đảng.

Năm học 2008-2009 đánh dấu một bước tiến quan trọng về mọi mặt của nhà trường, cũng là một năm phấn đấu hết mình của đội ngũ cán bộ giảng viên nhân viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của ngành giáo dục đào tạo.

Công tác giáo dục chính trị đạo đức trong nhà trường


Hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhà trường đã kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ giảng viên, sinh viên.

Nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của thầy cô giáo trong giáo dục đạo đức cho sinh viên nhà trường, ban chấp hành Đảng ủy đã rất quan tâm đến công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi giảng viên. Đội ngũ giảng viên có tuổi đời còn rất trẻ, trung bình 33,2 tuổi, lứa tuổi hăng hái, nhiệt huyêt, hăng say hoạt động sáng tạo. Để các hoạt động đúng hướng, Đảng bộ nhà trường, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống, tổ chức phong trào: Uống nước nhớ nguồn, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, Phong trào: Học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ.

Được nhà trường tạo điều kiện, mọi giảng viên đều tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng nâng cao năng lực của mình. Từ các cử nhân, kỹ sư khi vào trường, sau 3 đến 5 năm các giảng viên đã có trình độ thạc sĩ, được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Các thầy cô giáo của trường thực sự là những tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Điển hình của những tấm gương đó là cô giáo Đồng Thị Nga, nạn nhân chất độc da cam, người đã đem đến cho sinh viên một niềm tin, một nghị lực vượt qua mặc cảm, vượt qua khó khăn để đứng vững, để học tập, để cống hiến.

Khẩu hiệu: “Học thật, thi thật để ra đời làm thật”, không chỉ là lời kêu gọi mà là cuộc chiến đấu thật sự trong công tác đào tạo của nhà trường. Muốn cho sinh viên học thật, thì thầy giáo phải dạy thật. Muốn cho sinh viên học thật thì phải thi thật. Thầy muốn dạy thật thì phải giỏi chuyên môn, phải tâm huyết, phải nghiêm túc, phải trách nhiệm. Để sinh viên thi thật và có kết quả thật là cả một quá trình gian nan kết hợp giữa biện pháp giáo dục và biện pháp quản lý. Chính từ thực tế vật lộn giữa cái được và cái mất của việc lập lại kỷ cương học tập trong trường đã xuất hiện khẩu hiệu: “Sẽ không có công bằng nếu vẫn còn hiện tượng thi không nghiêm túc”.

Hai khẩu hiệu trên ra đời đã được 11 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự và đã để lại dấu ấn đậm nét trong sinh viên. Khi được hỏi về ấn tượng sâu đậm nhất trong thời gian học tập ở trường, các cựu sinh viên đã đồng loạt trả lời: “Thi  nghiêm túc” với  96,4% cựu sinh viên được hỏi theo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về cựu sinh viên được báo cáo tháng 6/2009.

2. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ

Trong 12 năm qua, đội ngũ cán bộ nhân viên nhà trường đã tăng lên đáng kể. Cùng với sự phát triển về số lượng là sự thay đổi về chất lượng. Tháng 8-2009, nhà trường đã bổ sung thêm vào đội ngũ của mình gần 40 cán bộ nhân viên, giảng viên, chuẩn bị lực lượng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Nếu như khi thành lập trường, chỉ có 7 cán bộ thì hiện nay nhà trường có 323 cán bộ giảng viên, nhân viên với 2 giáo sư, 5 tiến sĩ, 20 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 152 thạc sĩ. Nhà trường đặc biệt quan tâm đảm báo chế độ chính sách cho cán bộ.Hiện nay mức lương trung bình của cán bộ, giảng viên là 5,9 triệu đồng.

3. Công tác đào tạo

3.1 Công tác tuyển sinh


Năm học 2008-2009, nhà trường không tổ chức thi tuyển mà tiếp tục tuyển sinh theo hình thức xét tuyển NV1, NV2, với 2064 sinh viên mới tăng 3,2% so với chỉ tiêu được giao.

 Sinh viên mới được học quy chế, các quy định của trường, được học về an toàn giao thông, được hướng dẫn kê khai vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn về công tác đoàn, hội, sử dụng thư việc điện tử, được làm thẻ ATM.

Công tác tuyển sinh của trường luôn thực hiện đúng theo các quy định của Bộ. Kết quả thanh ra công tác tuyển sinh được đánh giá: Thực hiện đúng các quy định của Bộ giáo dục và đào tạo.

3.2 Tổ chức và quản lý đào tạo

Trong năm học 2008-2009, nhà trường triển khai công tác đào tạo theo 2 hình thức:

Tổ chức đào tạo theo niên chế cho sinh viên tuyển sinh năm 2005, 2006, 2007 (khóa 9, khóa 10, khóa 11).

Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cho sinh viên tuyển sinh năm 2008( khóa 12).

*Chương trình đào tạo

 Nhà trường đã tổ chức rà soát lại 14 chương trình đào tạo và xây dựng mới 2 chương trình tiếng Trung, Kiến trúc.

Trên cơ sở tham khảo tài liệu, lấy ý kiến đóng góp của các nhà tuyển dụng, các chuyên gia, nhà trường đã tổ chức chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, nâng cao phần thực hành, thực tế, kỹ năng, tay nghề và bổ sung các môn tự chọn tiệm cận với chương trình đào tạo theo tín chỉ, làm cho chương trình đào tạo mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn, phù hợp hơn với yêu cầu xã hội.

* Tổ chức đào tạo theo niên chế cho sinh viên khóa 9,10,11

Từ đầu năm học, sinh viên được cung cấp đầy đủ thông tin về năm học, kế hoạch học lý thuyết, thực hành, thực tế, đồ án ....từ đó mỗi sinh viên đều nắm vững kế hoạch nhằm tổ chức học tập tốt cho bản thân.

Các sinh viên còn nợ môn, được phép đăng ký học ghép với các lớp dưới để hoàn thiện môn học.

* Công tác tổ chức thi

Nhà trường đã lên quy trình tổ chức thi và chấm thi cụ thể. Công tác thi và đánh giá kết quả học tập được tập trung về Ban Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo. Đề thi quản lý theo quy trình khép kín.

Tất cả các bài thi đều được rọc phách, chấm thi tại phòng chấm thi, tuyệt đối không giáo viên nào đem bài thi về nhà. 37,8% môn thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy. Chấm trực tiếp, trả kết quả ngay. Những trường hợp sinh viên có khiếu nại đều được giải quyết kịp thời.

Ngoài cán bộ coi thi, nhà trường còn có hệ thống camera theo dõi mọi diễn biến trong phòng thi, vì vậy công tác tổ chức thi của nhà trường luôn nghiêm túc, kết quả thi đánh giá đúng thực chất năng lực của sinh viên. Tỷ lệ sinh viên phạm quy là 0,19%.

Đây là công tác phức tạp, không thể buông lơi bất kể lúc nào, vì vậy, mặc dù sau gần 12 năm nhà trường đã tổ chức thi rất nghiêm túc, tuy nhiên, trước mọi kỳ thi, và sau mỗi kỳ thi, cán bộ giảng viên vẫn được họp, nghe lại quy định, rút kinh nghiệm những việc chưa tốt. Vì vậy, mọi giảng viên đều ý thức được việc làm của mình, tuyệt đối không có hiện tượng can thiệp của cán bộ coi thi, chấm thi vào kết quả bài thi của sinh viên.

*Công tác tốt nghiệp

Nhà trường duy trì 2 hình thức làm tốt nghiệp:

+ Làm đồ án hoặc khóa luận giành cho các sinh viên có kết quả học tập khá trở lên.

+ Thi tốt nghiệp và làm tiểu luận đối với sinh viên trung bình.

Chính việc thực hiện 2 hình thức làm tốt nghiệp đã làm cho sinh viên có ý thức ngay từ ban đầu, phấn đấu để được làm đồ án, khóa luận. Việc này đã làm cho phong trào học tập của sinh viên có chiều sâu.

Sinh viên tốt nghiệp năm 2009 đạt 78% so với sinh viên năm cuối.

* Tổ chức đào tạo khóa 12 theo hệ thống tín chỉ

Thực hiện kế hoạch đã được đề ra từ năm 2006, sau 3 năm chuẩn bị, trong năm học 2008-2009 nhà trường chính thức chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đây là một bước thay đổi quan trọng trong  nhận thức, về phương pháp, về công tác quản lý, triển khai đào tạo.

Nhận thức rõ, sự thành bại ở triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, do đó lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo rất sát sao từng bước triển khai, để đưa công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ vào hoạt động.

Quy trình đăng ký học tập và tổ chức lớp môn học đã được nghiên cứu rất kĩ và triển khai đồng bộ.

Trong thời khóa biểu dự kiến có toàn bộ thông tin về ngày, giờ lên lớp, số tín chỉ, hội trường, giảng viên sẽ đảm nhiệm môn học, từ đó sinh viên có thể: Lựa chọn đăng ký số tín chỉ phù hợp với điều kiện bản thân (năng lực, điều kiện kinh tế, nguyện vọng...). Lựa chọn thời khóa biểu thuận tiện, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Lựa chọn giáo viên mà mình muốn học.

Việc sinh viên được tự do lựa chọn kế hoạch, thời gian, môn học và đặc biệt là chọn người dạy là một sức ép rất lớn đối với giảng viên nhưng đồng thời đây cũng là động lực thúc đẩy giảng viên phấn đấu không ngừng.

Từ 40 lớp khóa ngành khi tuyển sinh, nhà trường đã mở  251 lớp môn học.

Toàn bộ công tác đăng ký học tập của sinh viên đều được thực hiện trực tuyến trên phần mềm qua mạng internet. Sinh viên ở bất kỳ đâu, ở trường hay ở nhà đều đăng nhập, kết nối được để đăng ký học tập. Điều đó giúp sinh viên thuận lợi trong việc đăng ký học tập.

Sau 1 năm đào tạo, có thể nói công tác tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ của nhà trường đã thành công. Nguyên nhân của những thành công đó là có sự chỉ đạo kiên quyết và sát sao của lãnh đạo nhà trường, có sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật lực, nghiên cứu kỹ về quy chế, các quy định. Có sự tìm hiểu kỹ về học chế tín chỉ, có hệ thống mạng, có cơ sở vật chất đủ mạnh, có đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, đội ngũ cố vấn học tập nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu biết.

  * Đổi mới phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu bức thiết mà mỗi giảng viên phải thực hiện. Để giúp các giảng viên, nhà trường đã thay toàn bộ thiết bị overhead bằng projector, lắp cố định tại các phòng học, tổ chức các lớp học kỹ năng thuyết trình cho giảng viên, đồng thời yêu  cầu các bộ môn thảo luận, dự giờ, rút kinh nghiệm, tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm. Hiện nay tất cả giảng viên đều có máy tính xách tay, được mua từ tiền nhà trường cho vay tiền không tính lãi.

Có 13 đề tài NCKH về đổi mới phương pháp giảng dạy được triển khai.

Hầu hết giảng viên đều đã có những thay đổi cơ bản về nhận thức, về phương pháp. Các giảng viên đã kết hợp nhiều biện pháp : thuyết giảng, thảo luận, bài tập tình huống, trò chơi....làm cho chất lượng truyền thụ kiến thức tốt hơn, sinh viên học tập hào hứng hơn.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

*Liên kết đào tạo


Để công tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhà trường đã tổ chức các hội thảo của nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng đã nêu lên những yêu cầu, đề nghị với nhà trường về chương trình đào tạo, về đào tạo kỹ năng, tay nghề.... Từ đó các ngành đã tiến hành xem xét chỉnh sửa chương trình đào tạo, đồng thời bổ sung thêm nhiều môn tự chọn, các môn kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc đồng đội, kỹ năng thuyết trình thuyết phục, kỹ năng giao tiếp .....

Trong năm 2008-2009, ban Công tác sinh viên đã triển khai đề tài NCKH về điều tra nhu cầu việc làm và năng lực của sinh viên ra trường. Đề tài này đã cho một cái nhìn khá toàn diện về kết quả đào tạo sinh viên. Từ đó đã có những tác động vào việc đổi mới trong đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Nhà trường đã liên kết với công ty thiết kế và giám định xây dựng Sao Việt trong việc bồi dưỡng tay nghề cho sinh viên, Công ty SHINEC thuộc tập đoàn VINASHIN và Hội doanh nghiệp trẻ Hải phòng tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho 48 sinh viên được công ty tuyển dụng.

Nhà trường đã kết hợp với một số công ty đã tổ chức các Ngày hội tuyển dụng nhằm giới thiệu với sinh viên những yêu cầu về các vị trí công tác để sinh viên có cơ hội tìm hiểu, hoàn thiện kỹ năng cho bản thân. Trên 500 sinh viên đã tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

*Đào tạo tiếng Anh theo chuẩn TOEIC

Thực hiện chủ trương của Bộ, nhà trường đã tiến hành kiểm tra cho 7025 sinh viên toàn trường theo đề thi TOEIC để phân loại trình độ, nhằm tổ chức lớp học tiếng Anh phù hợp với khả năng của sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh theo chuẩn TOEIC toàn bộ giảng viên, nhân viên có trình độ từ đại học trở lên để có kế hoạch bồi dưỡng.

Trên  cơ sở kết quả kiểm tra đầu vào, kế hoạch giảng dạy theo chuẩn TOEIC đã được triển khai, đồng thời ban hành Quy định về yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu ra của sinh viên đối với khóa 12. Cụ thể:

- Các ngành công nghệ kỹ thuật       : 500 điểm

- Các ngành văn hóa xã hội, kinh tế  : 600 điểm

*Khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm khảo thí ICDL.

Đây là trung tâm khỏa thí ICDL duy nhất của tập đoàn Spring Board 4Asia tại Hải phòng để tổ chức khảo thí, đánh giá và cấp chứng nhận kỹ năng máy tính.

*Hoạt động của Trung tâm RV


Trung tâm RV thuộc Đại học Dân lập Hải Phòng là đại diện duy nhất của các trường đại học hàng đầu Singapore tại Hải phòng, hoạt động với mục đích giúp học sinh, sinh viên tìm cơ hội học bổng của Chính phủ ingapore tại các trường đại học quốc lập.

Năm 2007 và 2008 trung tâm 23 em học sinh giành được  học bổng đi học tại các trường Đại học Quốc lập Singapore trị giá trên 11 tỷ  đồng Việt nam.

Tháng 7 năm 2009 có 4 em học sinh của trung tâm giành được học bổng Nhà Nghiên Cứu Trẻ Châu Á (A Star) của Bộ giáo dục Singapore, mỗi học bổng trị giá 1 tỉ đồng.

Sau 3 năm hoạt động trung tâm RV thuộc trường ĐHDLHP đã trở thành một trung tâm uy tín, được nhiều người biết và gửi con em đến học tập.

4. Kiểm định chất lượng giáo dục

Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là một trong 20 trường đại học đầu tiên của cả nước được Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt chất lượng kiểm định và đang đề nghị Bộ chính thức công nhận.  

5. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

Năm học 2008-2009 nhà trường tổ chức đăng ký và triển khai nghiên cứu 97 đề tài khoa học, tăng 10 đề tài so với năm học 2007-2008, có 169 cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia. Đã nghiệm thu được 57 đề tài.

Có 5 đề tài NCKH của sinh viên đã được Bộ khen. 2 đề tài  được tặng giải thưởng Loa thành.

Tổng kinh phí nhà trường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học là 1,7 tỷ đồng, tăng 570 triệu đồng so với năm học 2007-2008.

Nhà trường tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục Hội thảo, Hội nghị khoa học quốc tế, làm việc với các chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức giáo dục Anh, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đan Mạch, và nhiều trường đại học cao đẳng trong nước và nước ngoài về phát triển khoa học công nghệ và hợp tác đào tạo. Xuất bản Bản tin Khoa học và Đào tạo trường Đại học Dân lập Hải Phòng.

Sau nhiều năm xây dựng, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm, năm học 2008-2009, Website đã trở thành bản tin quan trọng, giúp cho bạn đọc nắm bắt được tình hình hoạt động của trường, đồng thời Website cũng là nơi thông tin, thông báo, giao lưu, chia sẻ, giải đáp...Có thể nói Website của trường đã hoạt động rất “nhộn nhịp” với trên 3000 lượt truy cập mỗi ngày, là cầu nối giữa cán bộ giảng viên, nhân viên, sinh viên, và xã hội với nhà trường.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin


Mọi hoạt động của trường đều được tin học hóa. Các thông tin thông báo về kế hoach học tập, thời khóa biểu, làm tốt nghiệp, điểm thi.....đều được thông báo qua mạng nội bộ và mạng internet. Năm 2008-2009 nhà trường đã tiến thêm một bước trong việc nâng cấp hệ thống thông tin. Cụ thể:

Khai trương Trung tâm khảo thí ICDL tại Hải Phòng

Triển khai thư viện điện tử đầu tiên tại Hải Phòng: Phối hợp với Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Ứng dụng các phần mềm xếp thời khóa biểu UTT, quản lý đào tạo EDU, thi trắc nghiệm Exam

Triển khai phần mềm quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ FU.

Xây dựng và triển khai hệ thống Website cổng thông tin mới .

Thiết kế và xây dựng mạng không dây wifi  phủ sóng toàn bộ khu giảng đường và khu khách sạn sinh viên, hỗ trợ sinh viên truy cập internet miễn phí.

Cấp email cho giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường, cấp email cho toàn bộ sinh viên trong trường theo giải pháp Live@edu.

Nối mạng cáp quang giữa khu giảng đường và khu Khách sạn sinh viên, tạo hệ thống mạng thống nhất giữa Giảng đường và KSSV.

Đài phát thanh Tiếng nói Việt nam đã đánh giá: Đại học Dân lập Hải Phòng là đơn vị dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo.

7. Công tác hợp tác quốc tế

 Nhà trường đã đăng ký tham gia trở thành thành viên của khối Học viện Microsoft, MITA, nhân đó đã được Microsoft cấp phần mềm có bản quyền cho hệ thống máy tính trong trường.

- Tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của diễn giả Patrick Hafenstein từ nhà xuất bản Macmilan.

- Trung tâm RV Haiphong thuộc trường Đại học Dân lập Hải Phòng là một trung tâm nằm trong hệ thống RV Quốc tế, là đại diện cung cấp học bổng của chính phủ Singapore tại Việt Nam.

- Liên kết với trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến - Trung quốc  đào tạo theo “chương trình 2+2”. Theo chương trình này, trường ĐHDLHP đã cử được 50 sinh viên sang học đại học miễn phí tại  Đại học Phúc kiến. Các sinh viên đều học rất tốt. Có  23 sinh viên học giỏi được xét cấp học bổng tiếp tục học Cao học.

- Liên kết đào tạo với các trường Đại học Khoa học Kĩ thuật Điện tử Quế Lâm, Trường Đại học Bách khoa Quế Lâm,  Học viện Y Quế Lâm tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc trong chương trình 1+3 do các trường nước bạn cấp bằng.

Liên kết với các tổ chức Fullbrigt, Jica, GAP, tổ chức Tình nguyện viên Châu Á...tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên, giảng viên học tập và nghiên cứu khoa học.  

8. Công tác sinh viên:

8.1 Tôn trọng sinh viên, lắng nghe ý kiến sinh viên


* Lấy ý kiến của sinh viên về công tác giảng dạy của giảng viên

Một nét văn hóa của trường ĐH dân lập Hải Phòng đã được thực hiện suốt 12 năm vừa qua là lắng nghe ý kiến của sinh viên. Năm học 2008-2009 nhà trường tiếp tục lấy ý kiến của sinh viên về công tác giảng dạy của giảng viên nhưng không bằng phiếu viết tay mà bắt đầu được thực hiện thông qua hệ thống mạng. Hầu hết các ý kiến của sinh viên chính xác, trung thực với thực tế, giúp cho lãnh đạo nhà trường cũng như các thầy cô giáo có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình giảng dạy.

Các phiếu thăm dò được làm đồng loạt và không ghi tên, không ký tên, nhưng sinh viên hiểu trách nhiệm và biết tự tôn trọng khi mình viết vào đó những ý kiến nhận xét.

* Họp với cán bộ lớp, cán bộ đoàn, Hội sinh viên

Năm học 2008-2009 đã tổ chức 4 cuộc họp đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ sinh viên: gồm cán bộ lớp, cán bộ đoàn, cán bộ hội sinh viên, trưởng các phòng ở tại khách sạn sinh viên với thầy Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị về việc thực hiện các quy định, quy chế học tập và  giải quyết những bức xúc của sinh viên.

* Họp với toàn thể sinh viên


Cùng cuộc họp với cán bộ sinh viên, nhà trường đã tiến hành 3cuộc họp với toàn thể sinh viên. Những cuộc họp đã đem đến cho các em những thông tin mới nhất về trường, những nhiệm vụ quan trọng cần phải làm. Nhưng nội dung quan trọng nhất của những cuộc họp này là đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của sinh viên, nhằm kịp thời tuyên dương khen thưởng những gương tốt và phê bình những hiện tượng xấu. Việc làm tốt được khen thưởng công khai, việc làm chưa tốt được rút kinh nghiệm công khai làm cho sinh viên cảm thấy được đánh giá đúng mức và mỗi em tự rút kinh nghiệm cho bản thân.

Ngoài cuộc họp trên, sinh viên còn có thể nói lên nguyện vọng của mình thông qua diễn đàn trên website.

Chính những việc làm dân chủ, công khai, minh bạch đó đã làm cho sinh viên yên tâm học tập, rèn luyện, không bức xúc, vì có vấn đề gì đã được giải quyết ngay.

* Thông báo đến gia đình kết quả học tập hàng năm của sinh viên

Hàng năm trường ĐHDLHP đều gửi thư về gia đình sinh viên, thông báo kết quả học tập, rèn luyện của các em, đồng thời công khai toàn bộ các khoản đóng góp của sinh viên. Việc làm này đã tạo nên một mối quan hệ  tốt, có tính giáo dục cao đối với sinh viên. Nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ với Nhà trường những trường hợp con em khó dạy hoặc là có những đặc điểm khác biệt của họ, và mong muốn Nhà trường quan tâm. Chính việc này đã góp phần không nhỏ làm cho sản phẩm được hoàn thiện hơn.

      8.2  Xây dựng Văn hóa học đường

Để giáo dục một nếp sống lành mạnh không có khói thuốc lá, ngày từ năm 2000 nhà trường đã vận động mọi người không hút thuốc lá và đưa ra khẩu hiệu: “Thầy không hút thuốc lá. Trò không hút thuốc lá. Chúng ta không hút thuốc lá. Cả trường không hút thuốc lá”.  Hiện nay hầu như không còn cán bộ giảng viên hút thuốc lá và cùng đồng lòng xây dựng một môi trường Xanh-Sạch-Đẹp.

 Để đóng góp một phần vào việc hình thành những đức tính tốt đẹp trong sinh viên, nhà trường đã đi từ những việc rất nhỏ. Trước hết là xây dựng một ngôi trường thật sạch sẽ, từ nhà vệ sinh đến chỗ đựng rác, từ đó có sơ sở để loại trừ thói quen xấu, thí dụ: thói quen viết bậy, vẽ bậy ở những chỗ vắng, một tật rất xấu trong sinh viên tuyệt đối không có ở trường ĐHDLHP.

Trong trường, từ giáo sư, đến các giảng viên, các cán bộ phục vụ, các cô làm vệ sinh, bác bảo vệ, tuy khác nhau về vị trí, khác nhau về nhiệm vụ cụ thể, nhưng mọi người đều được đối xử bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau trong một môi trường văn hóa, hiểu biết, thân thiện.

8.3 Khen thưởng sinh viên


Để động viên, khuyến khích sinh viên học giỏi, rèn luyện tốt hàng năm nhà trường đều tổ chức khen thưởng sinh viên. Năm học 2008-2009 nhà trường đã tổ chức biểu dương và khen thưởng 1014 sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi, sinh viên tiên tiến.

Tổng số tiền chi cho học bổng và khen sinh viên học tốt: 389 triệu đồng.

8.4 Chăm sóc y tế, sinh viên nghèo

Nhân dịp Xuân Kỷ Sửu-2009, nhà trường đã chi gần 900 triệu đồng tặng quà cho

272 sinh viên gia đình chính sách, sinh viên nghèo.

135 đơn vị, cơ sở có sinh viên của trường đến thực tập.

57 trường Trung học phổ thông tại Hải phòng.

187 người nghèo ở địa phương nơi trường đóng.

- Có 846 sinh viên được vay tín dụng gần 700 triệu đồng làm kinh phí học tập.

- Ngay từ năm học 1999, nhà trường đã tổ chức tự bảo hiểm y tế cho sinh viên. Để tham gia bảo hiểm y tế của trường, sinh viên chỉ phải đóng số tiền bằng 2/3 số tiền theo quy định, nhưng được chi trả toàn bộ dịch vụ y tế mà sinh viên đã sử dụng. Có những sinh viên bị những căn bệnh hiểm nghèo đã được nhà trường chi hỗ trợ tới  9 đến 10 triệu đồng.

Sau nhiều năm tổ chức hiến máu nhân đạo, cán bộ nhân viên cũng như sinh viên nhà trường luôn sẵn sàng hiến dòng máu nóng của mình để cứu người và hiện nay trường Đại học Dân lập Hải Phòng trở thành ngân hàng máu sống của trung tâm huyết học truyền máu thành phố Hải phòng.     

9. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học

Năm học 2008-2009, nhà trường đã đầu tư trên 6,8 tỷ đồng xây mới 22 phòng ở cho sinh viên, 13 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 104 phòng. Trang bị projector cho tất cả các phòng học. Xây dựng thư viện điện tử, đầu tư xây dựng hệ thống wifi, mua các phần mềm phục vụ quản lý đào tạo.

Sau 3 năm triển khai dự án Khu II tại xã Minh tân huyện Kiến thụy, ngày 28/8 nhà trường đã thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng với một tốc độ chưa từng thấy. Chỉ trong 3 giờ, từ 15h00 đến 18h00 hơn 13 tỷ đồng đã được trao cho 216 gia đình có đất thu hồi cho dự án của trường. Đây có thể nói là một kỷ lục về thời gian giải ngân đền bù giải phóng mặt bằng. Việc này thể hiện sự đồng lòng nhất trí cao của nhân dân xã Minh tân, sự ủng hộ hết lòng của huyện Kiến Thụy, của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Minh Tân và các xóm Cốc liễn 1, Cốc liễn 2 và Thấp Linh.

10. Công tác soạn thảo văn bản

Năm 2008-2009 Hội đồng Quản trị lâm thời chủ trì soạn thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của  trường Đại học tư thục, Quy chế tài chính, Quy chế chi tiêu nội bộ, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để chuyển đổi trường sang loại trường tư thục.

 Nhà trường tiếp tục duy trì vận hành mọi hoạt động của trường theo quy trình ISO. Hàng năm tổ chức Tiêu chuẩn hóa TUNORD đều tổ chức kiểm tra để công nhận sự phù hợp của ISO.

Mọi hoạt động đều được các qui trình soi dọi đã đem lại hiệu quả rất lớn về quản lý. Năm 2005 trường được công nhận ISO. Ngày 20/1/2009 được tái chứng nhận ISO với phiên bản mới nhất ISO 9001:2008.

Đánh giá cao việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong công tác quản lý, Bộ Khoa học & công nghệ đã trao Cúp vàng ISO cho trường ĐHDLHP 3 năm liền: 2006, 2007, 2008.

11.  Công tác thanh tra, kiểm tra


Công tác thanh tra đã duy trì hoạt động thường xuyên, đóng góp không nhỏ vào việc phát hiện lỗi trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời thông qua công tác thanh tra đã khẳng định những cái được trong hoạt động nhà trường, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những khâu chưa tốt. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đánh giá cao việc chấp hành tốt qui chế tuyển sinh của trường Đại học Dân lập Hải Phòng.

Qua báo cáo của thanh tra trong Hội nghị Dân chủ cơ sở cho thấy, trong năm học 2008-2009, nhà trường không có những vụ việc nổi cộm, khó giải quyết, mà chủ yếu là một số thiếu sót và đã được chấn chỉnh kịp thời.

Kết luận

Mười hai năm đã trôi qua, Trường ĐHDLHP đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên mọi mặt họat động. Có được những thành tích đó là nhờ sự đồng lòng nhất trí, lao động hết mình của tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên cùng với lòng quyết tâm học tập để trở thành người có tri thức, biết lao động sáng tạo của mỗi sinh viên. Những thành tích đó cũng gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ, của Hội đồng quản trị lâm thời.

Nhân dịp này, xin cảm ơn Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng và Đảng ủy khối các cơ quan dân chính Đảng đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để trường Đại học Dân lập Hải Phòng phát triển, vững mạnh, thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng.

Cũng nhân dịp này xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo huyện Kiến thụy, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Minh tân và nhân dân các xóm Cốc Liễn 1, Cốc Liễn 2, Thấp Linh đã ủng hộ và tạo điều kiện để nhà trường giải phóng mặt bằng nhanh, chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở 2 thành công./.


    GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng sáng lập - Hiệu trưởng

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn