Nghiên cứu khoa học

Chủ nhật, 19/05/2024 - 09:32:36

Bài trích tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 4/2013

Kính mời độc giả tìm đọc tại Phòng đọc NCKH - Trung tâm Thông tin - Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

 


Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 4 gồm những nội dung chính sau:

1. Từ ngữ chỉ thực vật trong các phương ngữ xét về mặt âm và nghĩa/ Đặng Ngọc Lệ, Lê Hồng Nhiên// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 1 - 8

    Việt Nam có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình có sự phân hóa đa dạng. Do đó, giới thực vật ở đây đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng và có giá trị về chất lượng. Mỗi loại có những thuộc tính công dụng khác nhau. Khi định danh, người Việt Nam thường dựa vào một hoặc một số thuộc tính của chúng làm căn cứ để hiểu, phân biệt. Tuy nhiên, ngôn ngữ không chỉ phản ánh trực tiếp thế giới bên ngoài mà còn cho thấy cái cách thức riêng của mỗi cộng đồng trong việc nhận thức thế giới. Vì vậy, nghiên cứu từ ngữ chỉ thực vật trong các phương ngữ tiếng Việt xét về mặt ngữ âm - ngữ nghĩa là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, nhằm chỉ ra quy luật tri nhận mang đậm đặc điểm tâm lí của người dân từng vùng.
Từ khóa: Ngôn ngữ, tiếng Việt, phương ngữ, thực vật, ngữ âm, ngữ nghĩa.

2. Tìm hiểu thêm về phân tích diễn ngôn/ Nguyễn Văn Hải// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 9 - 15
    Diễn ngôn là để chỉ ngôn ngữ trong hoạt động, ngôn ngữ được sử dụng trong hoàn cảnh văn hóa - xã hội cụ thể. Cũng cần nói rõ thêm là chúng ta dùng tên gọi diễn ngôn để chỉ ngôn ngữ trong tính sinh động của nó, chứ không phải đề cập đến ngôn ngữ đã tách khỏi ngữ cảnh phát ngôn, hoặc những mẫu văn bản đã được trừu tượng hóa, cái văn bản tách khỏi tư duy của chủ thể phát ngôn, của hệ tư tưởng và hoàn cảnh xã hội.
Từ khóa: Ngôn ngữ, diễn ngôn, phân tích.

3. Hiện tượng danh hóa tính từ trong tiếng Việt và tiếng Anh/ Nguyễn Thị Bích Ngoan// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 16 - 19
    Bài báo trình bày những điểm giống nhau và khác nhau của hiện tượng danh hóa tính từ giữa hai ngôn ngữ Anh - Việt. Cũng như danh hóa động từ, danh hóa tính từ tạo ra một tiểu loại danh từ mới, tiểu loại này định danh cho những loại thực thể đặc biệt, những thực thể sinh ra do năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa. Kết quả của hiện tượng danh hóa tính từ cả hai ngôn ngữ thường tạo ra những khái niệm trừu tượng, vì vậy, những tính từ có những đặc trưng cụ thể mà con người có thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan thì không thể danh hóa. Trong tiếng Việt, danh hóa tính từ chủ yếu bằng cách kết hợp tính từ đó với một yếu tố danh hóa. Trong tiếng Anh, danh hóa tính từ được thực hiện thông qua phương thức biến tố nên một tính từ và một danh từ được phái sinh từ tính từ luôn phân biệt nhau về hình thức. Việc sử dụng danh hóa tính từ nhằm giúp câu văn trang trọng hơn, và cũng có thể tăng mật độ thông tin mà không cần tăng mật độ từ trong câu.
Từ khóa: Ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh, danh hóa tính từ.

4. So sánh ẩn dụ của từ "mắt" trong tiếng Hán và tiếng Việt/ Mai Thị Ngọc Anh// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 20 - 25
    Trong một thời gian dài, ẩn dụ luôn được coi là đặc trưng cho văn học hay cho ngôn ngữ nghệ thuật. Ngày càng nhiều các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu ẩn dụ kết hợp với ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học tâm lý, khiến cho việc nghiên cứu ẩn dụ ngày càng trở lên sâu sắc hơn. Bài báo này căn cứ vào khái niệm ẩn dụ của Lakoft và Johnson từ ba phương diện: "mắt" ánh xạ sang phi bộ phận cơ thể người, ẩn dụ màu sắc, ẩn dụ thời gian, tiến hành so sánh đối chiếu ẩn dụ của "mắt" trong tiếng Hán và tiếng Việt, từ đó chỉ ra sự khác biệt văn hóa giữa hai ngôn ngữ.
Từ khóa: Ngôn ngữ, ẩn dụ, tiếng Việt, tiếng Hán, so sánh

5. Ảnh hưởng của yếu tố văn hóa tới việc học tiếng Anh của người Việt: tính chủ quan, tính khách quan/ Phương Thị Thanh Huyền// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 26 - 29
    Ngày nay, nhu cầu học ngoại ngữ càng tăng lên thì nhận thức về yếu tố giao văn hóa trong dạy và học ngoại ngữ nói chung và trong dạy và học tiếng Anh nói riêng càng thu hút được nhiều sự quan tâm rộng rãi và sâu sắc. Trong một thế giới hội nhập, nơi mà sốc văn hóa và xung đột văn hóa đang là một thực tế diễn ra hàng ngày, việc nâng cao nhận thức cho người học về sự tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa sẽ là một yêu cầu bức thiết để giúp người học tiếp nhận ngôn ngữ mới chính xác hơn và có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả, tăng cường tính tương tác và hợp tác trong giao tiếp. Từ việc quan sát lớp học trong suốt 15 năm làm việc với tư cách một giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường đại học ở Hà Nội và thông qua dữ liệu thu thập từ một số câu hỏi điều tra, tác giả nhận thấy quá trình học tiếng Anh như một ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam gặp một số trở ngại do ảnh hưởng của một số phạm trù giao văn hóa Anh - Việt nhất định. Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến cặp phạm trù là tính Chủ quan - tính Khách quan.
Từ khóa: Ngôn ngữ, ngoại ngữ, tiếng Anh, sinh viên, Việt Nam, nghiên cứu.

6. Tổ chức đề ngữ trong một ngôn bản tường thuật bóng đá trực tiếp trên truyền hình/ Nguyễn Thị Hồng Vân// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 30 - 36
    Phân tích đề ngữ của cú trong ngôn bản nói và viết có thể bộc lộ cách thức cú được tổ chức với tư cách một thông điệp. Trong kho tàng nghiên cứu về đề ngữ, đã có nhiều công trình nghiên cứu về khái niệm này lấy ngôn ngữ viết là thí dữ liệu minh họa. Bài viết này dự định thử khảo sát Đề ngữ trong văn nói tiếng Việt. Dữ liệu dùng để minh họa trong bài viết này được ghi âm từ buổi tường thuật trực tiếp trận đấu bóng đá trên truyền hình giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia lúc 19h00, thứ bảy ngày 3/11/2012 và được chuyển tự để phân tích. Dữ liệu minh họa bao gồm những đoạn trích từ bài tường thuật bóng đá tại chỗ này.
Từ khóa: Ngôn ngữ, đề ngữ, bản tường thuật bóng đá trực tiếp, truyền hình.

7. Liên kết văn bản trong truyện cười hiện đại Việt Nam/ Trần Kim Phượng, Nguyễn Thị Minh Hà// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 37 - 43
    Giữa cuộc sống bộn bề với hàng đống công việc cao chất ngất, truyện cười trở thành một liều thuốc hữu hiệu xua bớt những mệt mỏi, căng thẳng, chữa trị căn bệnh stress của con người. Tiếng cười bật lên từ những cái nhìn, cách lí giải bất ngờ nhưng có lí bởi nghệ thuật hài hước vốn là nghệ thuật của trí tuệ. Đã có không ít công trình nghiên cứu cơ chế gây cười trong truyện cười từ góc độ hàm ý hội thoại, dụng học, logic học... Bài viết này xin đề cập tới thủ pháp gây cười trong truyện cười hiện đại Việt Nam từ góc độ liên kết văn bản, mà cụ thể là từ các phương thức liên kết.
Từ khóa: Ngôn ngữ, truyện cười hiện đại, Việt Nam.

8. Hành vi hỏi - than trách trong ca dao với văn hóa ứng xử của người Việt/ Hà Thị Hồng Mai// Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 44 - 48
    Trong hội thoại, văn hóa ứng xử chi phối thể diện của người nói và người nghe. Trong văn hóa ứng xử, phép lịch sự là quy tắc mang tính phổ quát đối với mọi xã hội trong tương tác. Tuy nhiên, đối với mỗi một dân tộc, mỗi nền văn hóa lại có những tiêu chuẩn khác nhau về văn hóa ứng xử, hay nói khác đi, tùy từng nền văn hóa mà nội hàm của khái niệm này được thể hiện phù hợp với phong tục, tập quán và thói quen giao tiếp. Hành vi hỏi của người Việt nói chung và hành vi hỏi trong ca dao nói riêng thể hiện khá rõ yếu tố này biểu hiện văn hóa ứng xử của người Việt.
Từ khóa: Việt Nam, ca dao, văn hóa ứng xử, giao tiếp.

 
Trung tâm Thông tin - Thư viện
Truy cập: 8948 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.