Tài liệu học tập

Thứ năm, 09/05/2024 - 23:01:00

Bài trích Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 14 năm 2014

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Tạp chí Khoa học và công nghệ số 14 năm 2014 tại Phòng Đọc tầng 5 nhà G - Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

 


 

1. Định hướng áp dụng quản trị tinh gọn tại các doanh nghiệp/ Nguyễn Đăng Minh, Nguyễn Đăng Toản// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 11-14
Quản trị tinh gọn (QTTG) là tư duy quản trị tạo ra lợi nhuận/ giá trị gia tăng cho doanh nghiệp (DN) bằng cách dùng trí tuệ của con người cắt giảm tối đa chi phí lãng phí. Việc áp dụng QTTG sẽ đem lại những lợi ích như tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát việc áp dụng QTTG tại 52 DN nhỏ và vừa (NVV) tại Việt Nam cho thấy, QTTG chưa phát huy hết hiệu quả. Bài viết nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng QTTG tại các DNNVV ở Việt Nam.
Từ khóa: Quản trị tinh gọn, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam, hiệu quả.

2. Ứng dụng công nghệ sinh học nhận diện cá thể người phục vụ công tác an ninh/ Phạm Công Hoạt, Nguyễn Văn Liễu// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 15-17
Ngày 22.7.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4.3.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình hành động của Chính phủ chỉ rõ mục tiêu đến 2010: “Tạo ra, tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ, rộng khắp và có hiệu quả các công nghệ này vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng”. Như vậy, an ninh quốc phòng là một trong những lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm mà công nghệ sinh học cần phải hướng đến. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được là làm thế nào quản lý được các đối tượng hình sự một cách hệ thống, truy cập nhanh và phát hiện chính xác các nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn, nổ… Trong 10 năm qua, đã có nhiều sản phẩm, thiết bị là kết quả của các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước phục vụ đắc lực cho công tác an ninh như: KIT phát hiện nhanh ma túy, que chẩn đoán nhanh vi khuẩn nhiệt than, xác định gen cá thể người…, đặc biệt, công nghệ xác định gen cá thể người đang được áp dụng để trả lại tên cho các liệt sỹ vô danh, xác định danh tính cá thể trong các vụ tai nạn do cháy nổ… Trong bài viết này, các tác giả đề cập đến việc ứng dụng công nghệ gen để xác định cá thể người.
Từ khóa: Công nghệ sinh học, cá thể người, giám định gen, công tác an ninh, ứng dụng.

3. Chế tạo máy ghi điện não sử dụng trong y tế/ Đoàn Phạm Thắng, Chử Qúy Dương, Nguyễn Quốc Phong// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 18-20
Thông qua thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp bộ, Công ty cổ phần công nghệ AMEC đã xây dựng được quy trình công nghệ thiết kế, chế tạo máy ghi điện não với tỷ lệ nội địa hóa cao. Những kết quả này là tiền đề để tiến tới sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu và cung cấp kịp thời cho nhu cầu của cộng đồng. Bài báo đề cập đến 3 nội dung chính như sau: Các dạng tín hiệu điện não; Sơ đồ khối máy ghi điện não; Lọc tín hiệu trong máy ghi điện não.
Từ khóa: Y tế, máy ghi điện não, chế tạo.

4. Nghiên cứu hoạt động địa động lực hiện đại khu vực Tây Nguyên phục vụ dự báo các dạng tai biến địa chất ở các vùng đập, hồ chứa/ Phan Trọng Trịnh, Ngô Văn Liêm, Nguyễn Văn Hướng// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 22-24
Bài báo trình bày những kết quả bước đầu sau hai năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoạt động địa động lực hiện đại khu vực Tây Nguyên phục vụ dự báo các dạng tai biến địa chất ở các vùng đập, hồ chứa  và đề xuất các giải pháp phòng tránh”, mã số TN3/T06. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn Pliocene, toàn Tây Nguyên là một vùng kiến tạo bình ổn với sự hiện diện của bề mặt san bằng rộng khắp cả vùng. Đến cuối Pliocene, cùng với quá trình phun trào bazan rộng khắp Tây Nguyên là quá trình nâng lên mạnh. Hoạt động đứt gãy chỉ hạn chế ở một số đới mà chủ yếu là dọc đới đứt gãy Sông Ba. Chuyển động kiến tạo hiện đại thể hiện tốc độ chuyển dịch trung bình về phía đông khoảng 23 mm/năm và về phía nam khoảng 6-7 mm/năm. Tốc độ biến dạng nhỏ hơn 100x10­-9 m. Các hoạt động địa chấn hầu như yếu ớt, chỉ có phần ven rìa phía bắc Tây Nguyên có khả năng phát sinh động đất kích thích. Khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ về phun trào của núi lửa. Tai biến trượt lở đất trong khu vực hầu như không liên quan với hoạt động kiến tạo hiện đại mà liên quan tới các yếu tố trọng lực, cơ lý đất, nước ngầm tạm thời và các hoạt động của con người. Vùng hồ chứa bùn đỏ Tân Rai và Nhân Cơ nằm trong khu vực bình ổn về kiến tạo, không thấy dấu vết của chuyển động phân dị trong giai đoạn Đệ Tứ. Đới đứt gãy Sông Ba có biểu hiện hoạt động trong giai đoạn Đệ Tứ nhưng kích thước đứt gãy hạn chế.
Từ khóa: Hoạt động địa động lực hiện đại, Tây Nguyên, tai biến địa chất, vùng đập, hố chứa.

5. Ứng dụng mô hình 7S của McKinsey trong xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường đại học/ Đào Minh Quân// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 25-28
Mô hình nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học hiện nay đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đặc biệt của nó trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứ khoa học. Trong thực tế, tổ chức và hoạt động của các NNC ở các trường đại học là rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các NNC đều phải tuân theo những tiêu chí nhất định để phát triển nhóm của mình… Bài viết tới đây đề cập tới 7 nhân tố quan trọng từ mô hình 7S của McKinsey, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các NNC ở các trường đại học.
Từ khóa: mô hình 7S, McKinsey, nhóm nghiên cứu mạnh, trường đại học.

6. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, II dưới góc nhìn ổn định hệ thống điện/ Nguyễn Mạnh Cường// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 7/2014 .- Tr. 29-33
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận I và II đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư từ năm 2009 với quy mô công suất của 2 nhà máy ĐHN là 4000 MW. Cùng với các nhà máy thủy điện và nhiệt điện chạy than, khu vực Nam Trung Bộ sẽ trở thành trung tâm nguồn lớn nhất cả nước. Khoảng cách truyền tải 250-300 km về miền Đông Nam Bộ sẽ là một thách thức lớn đối với sự vận hành an toàn, tin cậy của các nhà máy. Để đưa nhà máy ĐHN vận hành an toàn trong lưới điện, cần rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Bài viết phân tích, đánh giá khả năng truyền tải cũng như khả năng hấp thụ tổ máy ĐHN cỡ 1000 MW của lưới điện trên quan điểm ổn định hệ thống điện. Các giới hạn ổn định cũng được tính toán nhằm đánh giá mức độ ổn định khi truyền tải cao. Nghiên cứu này sẽ phần nào bổ sung thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình thiết kế, đầu tư, xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam.
Từ khóa: Nhà máy điện hạt nhân, Ninh Thuận, ổn định hệ thống điện.

7. Vật liệu Nano kháng khuẩn mới dựa trên Polymer chứa nhóm Acrylic/ Shoichi Shirotake// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 2014.- Tr. 39-41
Bài báo giới thiệu vật liệu Nano kháng khuẩn mới, dựa trên khả năng bám dính của nhóm acrylic trong cấu trúc nano polymer vào vi khuẩn kháng thuốc và gây ra sự tự phân hủy của vi khuẩn này, được nghiên cứu bởi nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp Yokohama (Nhật Bản). Công nghệ kháng khuẩn dựa trên hạt nano-polymer này sẽ dễ dàng tiêu diệt các vi khuẩn kháng thuốc.
Từ khóa: Vật liệu nano kháng khuẩn, polymer, acrylic, vi khuẩn kháng thuốc, thuốc kháng sinh, y học.

8. Giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Nhật Bản và một số gợi mở đối với Việt Nam/ Đỗ Thị Minh Thủy// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 2014.- Tr. 42-44
Trong số các nước phát triển, Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia có hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả cao và đáng tin cậy. Từ thực tiễn trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT, bài viết giới thiệu một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai nước trong vấn đề này, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền SHTT của chúng ta trong thời gian tới.
Từ khóa: Quyền sở hữu trí tuệ, Nhật Bản, Việt Nam, kinh nghiệm.

9. Đa dạng di truyền của một số giống sở (Camellia sp) ở Việt Nam/ Khuất Hữu Trung, Kiều Thị Dung, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Kim Trung// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 2014.- Tr. 47-51
38 mẫu giống Sở được thu thập tại các vùng sinh thái khác nhau ở Việt Nam đều có các điểm đặc trưng riêng về hình thái. Sử dụng 50 mồi RAPD để phân tích đa dạng di truyền của các mẫu giống Sở thu được 24 mồi và cho kết quả đa hình. Kết quả phân tích PCR nhân lên được tổng số 4.092 băng thuộc 164 loại băng , trong đó có 108 băng cho đa hình (chiếm 65.85%) và 56 băng đơn hình (chiếm 34,15%). Số băng nhân lên trung bình cho cả 24 mồi là 170,5 băng/ mồi. Hệ số tương đồng di truyền của các mẫu giống Sở dao động từ 0,58 đến 0,94. Dựa vào tương đồng di truyền có thể chia 38 mẫu giống nghiên cứu thành 7 nhóm lớn. Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được 3 băng cá biệt xuất hiện ở 3 mồi có thể sử dụng làm marker nhận dạng chính xác 3 nguồn gen khác nhau. Mồi OPO5, UBC708 và S208 có thể nhận biết được 3 mẫu giống tương ứng là ND12, ND35, và HT3. Các kết quả thu được rất hữu ích phục vụ công tác phân loại, nhận dạng chính xác một số nguồn gen phục vụ công tác bảo tồn và lai tạo giống.
Từ khóa: Camellia, đa dạng di truyền, chỉ thị RAPD, Việt Nam.

10. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm chè Shan mới cho vùng miền núi phía Bắc/ Nguyễn Hữu La, Nguyễn Văn Toàn, Cao Ngọc Phú// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 2014.- Tr. 52-59
Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ phát triển 2 giống chè Shan mới PH12, PH14 cho thấy: thời gian nuôi hom từ 105 ngày trở lên cho năng suất hom cao nhất (đạt 2 triệu hom/ ha), từ 95 ngày trở lên cho tỷ lệ hom loại A trên 70%. Sau khi cắm hom 3 tháng cần tiến hành mở 25% giàn che sau đó tăng dần 35%, 45%, 60%, và 100% sau 4, 5, 6 và 8 tháng tiếp theo sẽ cho tốc độ tăng trưởng tối ưu về chiều cao cây chè con. Sử dụng lượng phân khoáng N:P:K trong vườn ươm theo các tỷ lệ: sau 90 ngày (10:5:10), sau 120 ngày (13:5:10), sau 150 ngày (15:10:15), sau 180 ngày (17:10:15), sau 210 ngày (20:10:15), sau 240 ngày (20:10:20) cho tỷ lệ xuất vườn > 85%. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh ở mức 4 tấn/ha cho năng suất chè cao nhất, đạt 17,60 tấn/ha (tăng 17,33% so với đối chứng). Đốn, hái chè bằng máy thì các chỉ tiêu sinh trưởng như: chiều cao cây, rộng tán, độ dày tán đều tốt hơn so với đốn bằng máy + hái bằng tay; mật độ búp đạt 401,6 búp/m2, năng suất chè đạt 16,9 tấn/ha; chất lượng nguyên liệu búp tốt. Trong quá trình ủ đống chè Vàng, nhiệt độ khối chè tăng lên từ 1,1 – 1,4oC, độ ẩm giữa các công thức khác nhau không đáng kể và giảm 5,0-7,2% so với trước khi ủ; lá chè chuyển từ màu xanh thành xanh vàng, vàng xanh và màu vàng. Ủ đống chè Vàng ở độ dày 30 cm là tốt nhất. Hai giống chè mới thích hợp cho chế biến chè Phổ nhĩ (Pu-erh tea) khi ủ với lượng nước bằng 30% khối lượng chè ủ, khối lượng ủ 500 kg chè khô cho chất lượng chè tốt nhất, đạt tổng điểm cảm quan là 85 điểm.
Từ khóa: giống chè Shan mới PH12, PH14; nhân giống, thâm canh, chế biến, chè Vàng, chè Phổ nhĩ.

11. Ảnh hưởng của liều lượng bón phân khoáng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng của nương chè hái bằng máy/ Lê Tất Khương, Đặng Ngọc Vượng, Chu Huy Tưởng// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 14 .- 2014.- Tr. 60-64
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng bón phân khoáng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng nguyên liệu của nương chè hái bằng máy tại Thái Nguyên cho thấy: khi tăng 20-80% lượng phân NPK so với quy trình hiện hành (áp dụng cho nương chè hái tay) đã rút ngắn thời gian từ khi đốn đến hái máy lần đầu từ 2 đến 8 ngày, rút ngắn thời gian giữa hai lần hái máy từ 1 đến 4,5 ngày; đã làm tăng năng suất chè từ 20 đến 44,8% và tăng nhanh khi tăng lượng phân bón từ 20 đến 40% so với đối chứng; nếu tiếp tục tăng lượng phân bón lên từ 60 đến 80% thì năng suất chè vẫn tăng nhưng tăng chậm. Hạch toán về hiệu quả kinh tế cho thấy, việc tăng lượng phân bón lên 40% so với quy trình hiện hành cho lợi nhuận cao nhất.
Từ khóa: liều lượng, phân khoáng, hái chè, hiệu quả, sản xuất, cây chè.
Trung tâm Thông tin Thư viện
 
 
 
Truy cập: 13329 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.