Haiphong Private University

TRƯỜNG ĐẠI HỌC DÂN LẬP HẢI PHÒNG
KHOA XÂY DỰNG

Bạn có biết?

Thứ hai, 20/05/2024 - 01:14:12

Thư mục Tạp chí Kiến trúc số 262 năm 2017

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Kiến trúc số 262, tháng 2 năm 2017.
 
1. KTS Toyo Ito – “Kiến trúc và Thiên nhiên”/ Nguyễn Hạnh Nguyên// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 15 – 19
Tóm tắt: Trong khuôn khổ Diễn đàn Kiến trúc Nhật Bản diễn ra trong 2 ngày (20-21/2/2017) tại GEM Center, TP HCM do Quỹ hỗ trợ hoạt động Kiến trúc Quốc tế (JSB), Hiệp hội KTS Nhật Bản (JIA), Viện Nghiên cứu Delphi và Hội KTS Việt Nam đồng tổ chức, KTS Toyo Ito đã có một bài nói chuyện rất ấn tượng với giới KTS Việt Nam. Bài trình bày được mong đợi nhất trong năm đã được mở đầu một cách rất chân thành: “Việt Nam đang trên con đường Hiện đại hóa, quá trình này sẽ phá hủy nhiều công trình cũ có giá trị. Việt Nam cũng như một số nước Châu Á hiện nay đang ảnh hưởng Kiến trúc Châu Âu quá nhiều. Ngay bây giờ chúng ta cần quay lại bản chất Châu Á – đó là “Chung sống với Thiên nhiên”. Kiến trúc tôi tạo ra chủ yếu với mong muốn cho con người thoải mái nhất trong không gian của họ”…
Từ khóa: Kiến trúc; Kiến trúc và thiên nhiên; Kiến trúc Nhật Bản
 
2. Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc – Xây dựng và những quy định mới”/ Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 20 – 22
Tóm tắt: Cuối năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 17/2016/TT-BXD nhằm thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn để cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng. Tuy nhiên, khi Thông tư có hiệu lực, giới KTS đã có nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong nội dung quy định của văn bản này.  Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc trích đăng một số ý kiến của các KTS trên khắp cả nước xung quanh việc cấp đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định mới của Bộ Xây dựng. Diễn đàn vẫn đang tiếp tục nhận ý kiến của giới nghề trên website tapchikientruc.com.vn. Đồng thời, những câu hỏi, thắc mắc của các KTS sẽ được chuyển đến các nhà quản lý – Bộ Xây dựng và được giải đáp trong các số tiếp theo. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Từ khóa: Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc – Xây dựng; Kiến trúc;  Xây dựng
 
3. Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch: Thuận lợi và bất cập/ Lê Việt Sơn// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 22 – 23
Tóm tắt: Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc ở ta đã có vài chục năm và thay đổi qua thời kỳ quản lý khác nhau trước khi Luật Xây dựng ra đời. Việc cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế cho các KTS có khi được phân hạng, lúc bỏ phân hạng và giờ lại phân hạng I, hạng II và hạng III.  Việc cấp chứng chỉ thiết kế kiến trúc, quy hoạch ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn, trong văn bản pháp luật dùng từ “sát hạch” để biểu lộ mức độ khắt khe của kỳ thi cấp chứng chỉ thiết kế. Hình thức thi trắc nghiệm giống như thi luật giao thông. Nội dung thi gồm phần chuyên môn và pháp luật liên quan.  Việc hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch khi không có chứng chỉ hành nghề cũng đồng nghĩa với việc không có tính chính danh trong hành nghề. Bài viết đưa ra những điểm thuận lợi và bất cập đối với Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch.
Từ khóa: Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch; Thiết kế kiến trúc; Quy hoạch
 
4. Bàn về Luật Kiến trúc/ Nguyễn Thúc Hoàng// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 26 – 29
Tóm tắt: Luật pháp cần thiết cho một thể chế, một xã hội, một cộng đồng – Vì là công cụ quản lý nhà nước nên có tính áp đặt cao. Tuy nhiên, khi động chạm đến nhiều khía cạnh, lợi ích, điều tiết hành vi nhiều đối tượng thì không tránh khỏi mâu thuẫn (mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn với nhà nước, mâu thuẫn giữa các bên liên quan với nhau).  Luật Kiến trúc do cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp chuyên ngành nghiên cứu, đề ra (trình quy hoạch phê duyệt ban hành), nếu không khách quan sẽ xảy ra tình trạng hoặc dễ dãi thiên vị, chiều theo một phía thì buông lỏng quản lý nhà nước; ngược lại, nếu xiết chặt luật pháp thì vô hình chung trói buộc chính quân mình. Có được sự đồng thuận tối đa từ nhiều phía. sẽ là yếu tố có tính quyết định cho giá trị và hiệu lực của luật khi vận hành vào thực tiễn…
Từ khóa: Luật Kiến trúc; Kiến trúc; Kiến trúc sư
 
5. Câu chuyện BIM ở Việt Nam/ Nguyễn Phước Thiện, Trần Qung Huy// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 30 – 31
Tóm tắt: BIM – Revit là một cặp “bài trùng” được biết đến bởi không chỉ những người đang hoạt động trong ngành xây dựng mà còn ngay cả khách hàng của họ. Đôi lúc lại nghe BIM – ArchiCAD, BIM -Tekla, BIM -Civil 3D và thi thoảng lại còn SketchUp – BIM. Nếu cắc cớ hỏi rằng “BIM là gì?” thì được nghe trả lời “BIM là một công nghệ”. Đã hết đâu! BIM lại xuất hiện trong Quyết Định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 Phê duyệt Đề án “Áp dụng Hệ thống thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.”
Từ khóa: BIM; Revit; Hệ thống thông tin công trình; Mô hình thông tin công trình
 
6. Thiết kế tích hợp trong kiến trúc: Xây dựng tương lai lớn từ những điều nhỏ bé/ Nguyễn Anh Tuấn// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 32 – 39
Tóm tắt: Thiết kế tích hợp (TKTH) là thuật ngữ dùng chung cho nhiều ngành, với ý nghĩa là cách tiếp cận trong thiết kế dưới hình thức tích hợp các chuyên môn khác nhau (vốn dĩ được coi là độc lập) trong quá trình thiết kế một cách đồng thời, trong khi bị ràng buộc ngân sách và kế hoạch. Dựa trên một đội ngũ đa ngành và hợp tác chặt chẽ, các thành viên thống nhất quyết định trên cơ sở một tầm nhìn chung và một sự hiểu biết toàn diện về dự án. Điều này sẽ đi theo việc thiết kế xuyên suốt toàn bộ vòng đời của dự án, từ giai đoạn tiền thiết kế cho đến khi đi vào hoạt động. Trong kiến trúc, TKTH (hay quá trình TKTH) được hiểu là một quá trình hợp tác lao động có sự tham gia của các chuyên môn kiến trúc, kỹ thuật kết cấu, HVAC, mô phỏng, kinh tế xây dựng… và vận hành trong toàn thể vòng đời của công trình với sự quan tâm đặc biệt đến người sử dụng. Đây là phương pháp nhằm thiết kế được các công trình có hiệu năng cao, góp phần vào sự bền vững của cộng đồng.
Từ khóa: Thiết kế tích hợp; Thiết kế công trình; Thiết kế
 
7. Thực tế ảo cuộc cách mạng cho trình diễn thiết kế kiến trúc tương lai?/ Đinh Anh Tuấn// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 40 – 41
Tóm tắt: Cách đây 10 năm, hình ảnh 3D và những thước phim mô phỏng dự án đã là mơ ước của các kiến trúc sư nhưng phương pháp trình diễn này đang dần bão hoa do góc nhìn đơn hướng, hàm lượng thông tin thể hiện không nhiều. Ngày nay, thực tế ảo (Virtual reality -VR) và thực tế tăng cường (Augmented reality-AR) đã mang những giấc mơ xa xôi tới gần ngay trước mắt, giúp kiến trúc sư có thể chạm vào và biến đổi thiết kế theo ý mình. Công nghệ VR và AR đang hướng tới kỷ nguyên mới về truyền đạt thông tin qua đôi mắt.Sự thay đổi về phương thức truyền đạt thông tin là xu thế tất yếu, với KTS thông tin bây giờ không chỉ còn là những bản vẽ kỹ thuật khô cứng trên giấy mà còn có cả dữ liệu số như những gì công nghệ thực tế ảo mang lại.
Từ khóa: Thực tế ảo; Thực tế tăng cường; Thiết kế kiến trúc
 
8. Khởi nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và sáng tạo: Phần II/ Phạm Đình Tuyển// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 50 – 55
Tóm tắt: Việt Nam đang chuyển mình thành Quốc gia khởi nghiệp, đương nhiên ngành Kiến trúc – một trong 12 nhóm ngành Công nghiệp văn hóa hay Công nghiệp sáng tạo không thể đứng ngoài cuộc. Đối với giới Kiến trúc, khởi dựng một sự nghiệp để sáng tạo ra các sản phẩm mới, từ đó tạo lập vị thế mới cho mình, cho tổ chức của mình và cộng đồng là một việc không hề đơn giản, song lại rất đáng để suy nghĩ và cũng đáng để hành động.
Từ khóa: Kiến trúc; Sáng tạo; Khởi nghiệp
 
9. Quy hoạch công trình hạ tầng xã hội – Cơ sở hình thành cấu trúc Đô thị bền vững/ Nguyễn Xuân Hinh// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 58 – 63
Tóm tắt: Cấu trúc đô thị là “Bộ khung” hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm cho chức năng hạ tầng xã hội (HTXH) đô thị hoạt động hiệu quả. Đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ, thực trạng của công tác quy hoạch hạ tầng xã hội (HTXH) đô thị, các cơ sở khoa học quy hoạch nhằm đề xuất được các giải pháp tốt trong quy hoạch hệ thống công trình HTXH phù hợp với các nhu cầu và các hoạt động đô thị là cốt lõi của một cấu trúc đô thị phát triển bền vững.
Từ khóa: Cấu trúc đô thị; Quy hoạch hạ tầng xã hội đô thị; Công trình hạ tầng xã hội đô thị
 
10. Một số quan điểm về quản lý cây xanh đô thị/ Phạm Anh Tuấn, Lê Khánh Ly// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 64 – 66
Tóm tắt: Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, “Cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị; “Quản lý cây xanh đô thị” bao gồm: Quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.  Quản lý cây xanh đô thị được gắn liền với thuật ngữ “Lâm nghiệp đô thị” hay “quản lý rừng đô thị”. Khái niệm Lâm nghiệp đô thị có nguồn gốc ở Bắc Mỹ trong những năm 1960, Jorgensen đã giới thiệu các khái niệm này bao gồm giải quyết các vấn đề cây trong thành phố, quản lý cả các cây đơn lẻ và trong toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bởi đô thị hoá; bao gồm cây xanh đường phố, cây xanh công viên, cây xanh tại các khu vực công cộng khác, cây xanh tại vườn nhà riêng và tất cả các mảng xanh tự nhiên còn sót lại trong khu vực này. Khái niệm này còn bao gồm việc lập kế hoạch và quản lý cây xanh, rừng và thảm thực vật liên quan trong cộng đồng đô thị để tạo ra và tăng thêm giá trị của cây xanh, và quản lý tổng thể tất cả các vấn đề về rừng đô thị kết hợp các vấn đề về trồng cây, kiến trúc cảnh quan, làm vườn, bệnh cây và lâm nghiệp.
Từ khóa: Cây xanh đô thị; Quản lý cây xanh đô thị; Lâm nghiệp đô thị
 
11. Các hình thái kiến trúc đặc trưng trong thiết kế của Zaha Hadid/ Hồ Phương Thành, Nguyễn Quốc Tuân// Tạp chí Kiến trúc .- Số 262 .- 2/2017 .- Tr. 86 – 93
Tóm tắt: Với cá tính đặc biệt của mình, mềm mỏng nhưng đầy quyết đoán, Zaha Hadid (Zaha) là một trong những KTS thành công nhất thế giới kiến trúc trong thế kỷ 21. Ở lãnh địa từ trước đến nay luôn bị áp đảo bởi những người đàn ông, trong suốt cuộc đời hành nghề của mình, bà đã thiết kế hơn 200 công trình và nhận được hơn 90 giải thưởng, trong đó, giải thưởng quan trong nhất là Pritzker năm 2014. Cho đến nay, bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được giải thưởng này. Sự thành công của Zaha được ghi nhận từ hình thái công trình. Với bà, hình thái chính là linh hồn của công trình, là hình ảnh tiên phong tác động đến với công chúng. Kiến trúc của Zaha luôn có hình thái và vẻ bề ngoài khác biệt, nổi bật khiến bất cứ ai khi chiêm ngưỡng cũng phải thốt lên rằng đây là tác phẩm của Zaha chứ không phải ai khác. Tuy nhiên, việc phân loại và hiểu được các hình thái kiến trúc khác nhau trong thiết kế kiến trúc của bà thực sự không đơn giản. Nghiên cứu hình thái là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để tìm hiểu và học hỏi tinh thần thiết kế của Zaha, đồng thời khám phá các giai đoạn hành nghề đầy thăng trầm của bà…
Từ khóa: Hình thái kiến trúc; Hình thái công trình; Thiết kế kiến trúc
 
 
Trung tâm Thông tin Thư viện
Truy cập: 5318 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.