Bài trích Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 16 năm 2014

Nghiên cứu khoa học

Thứ bảy, 18/05/2024 - 17:14:16

Bài trích Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 16 năm 2014

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 16 năm 2014 tại Phòng Đọc tầng 5 nhà G - Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

 


 

1. Methanol sẽ thay thế dầu mỏ và khí thiên nhiên trong tương lai?/ Hồ Sĩ Thoảng, Đặng Thanh Tùng// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 15-19
Những thách thức của hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng như sự suy giảm các nguồn dầu mỏ đã khiến loài người phải đi tìm các loại nhiên liệu bền vững hơn. Nhiên liệu sinh học (NLSH) đã được chứng minh rằng có thể thây thế một phần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, xét về dài hạn, NLSH khó có thể thay thế được  các sản phẩm từ dầu khí. Trước tình hình đó, methanol được kì vọng sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng thay thế dầu mỏ và khí thiên nhiên trong tương lai.
Từ khóa: Methanol, nhiên liệu sinh học, dầu khí.

2. Nhận dạng, đánh giá về xung đột môi trường ở Tây Nguyên/ Lê Ngọc Thanh, Mai Trọng Thông// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 26-29
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng và quản lý các tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng, khoáng sản) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở Tây Nguyên, các nhà khoa học đã nhận dạng được các xung đột môi trường (XĐMT) tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát nếu không kịp thời đề xuất và thực hiện các giải pháp giải quyết phù hợp. Bài viết giới thiệu kết quả nhận dạng các XĐMT chủ yếu và đánh giá ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển KT-XH ở Tây Nguyên trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay.
Từ khóa: Tây Nguyên, môi trường, nhận dạng, đánh giá.

3. Đề xuất áp dụng phương pháp đánh giá chi phí vòng đời ở Việt Nam/ Tạ Việt Dũng, Phạm Dũng Tiến// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 34-36
Phương pháp đánh giá chi phí vòng đời hiện nay đang được áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới. Nó giúp đánh giá được tổng thể quá trình từ giai đoạn nghiên cứu thiết kế đến mua sắm, vận hành, bảo trì bảo dưỡng thiết bị/ công nghệ hoặc trong giai đoạn quyết định lựa chọn dự án đầu tư… Qua nghiên cứu về phương pháp LCC, các tác giả đề xuất mô hình quản lý nhằm áp dụng hiệu quả phương pháp này tại Việt Nam.
Từ khóa: Việt Nam, chi phí, đánh giá, vòng đời, đề xuất.

4. Một số mô hình sàn giao dịch tài sản trí tuệ trên thế giới/ Phan Hoàng Lan// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 37-39
Qua cách tiếp cận, tìm hiểu một số mô hình sàn giao dịch tài sản trí tuệ trên thế giới, tác giả cho thấy có sự khác biệt cơ bản giữa mô hình sàn giao dịch công nghệ ở Việt Nam với các nước phát triển. Sự khác biệt này không chỉ có ý nghĩa tham khảo, học tập mà trong tương lai không xa để phát triển kinh tế dựa trên tri thức, Việt Nam không thể thiếu các mô hình sàn này. Như vậy, trình độ của nguồn nhân lực để vận hành các sàn mới là điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm.
Từ khóa: Sàn giao dịch, tài sản, trí tuệ, thế giới, mô hình.

5. Xây dựng bản đồ phân bố mưa cho khu vực Việt Nam/ Trần Thục, Nguyễn Văn Thắng, Mai Văn Khiêm// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 43-47
Với bộ số liệu quan trắc lượng mưa được cập nhật đến năm 2010 tại khoảng 150 trạm trên quy mô cả nước, kết hợp với phương pháp chuyên gia trong xây dựng bản đồ, nhóm tác giả đã xây dựng thành công bộ bản đồ phân bố lượng mưa tháng, mùa và năm cho Việt Nam. Trong khuôn khổ bài báo, các bản đồ cho tháng chính của các mùa, 2 mùa chính (mùa khô và mùa mưa) và năm sẽ được trình bày. Nhìn chung, các bản đồ đã phản ánh rõ ràng phân bố của lượng mưa trên quy mô cả nước, đặc biệt là các tâm mưa lớn và các vùng mưa ít. Các khu vực có tổng lượng mưa năm lớn đáng chú ý là Lai Châu, Lào Cai - Yên Bái, Hà Giang, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, nam Tây Nguyên và một phần cực nam của Nam Bộ. Đây là một phần kết quả của đề tài “ Nghiên cứu xây dựng Atlas khí hậu và biến đổi khí hậu Việt Nam”, mã số BĐKH-17, thuộc Chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (KHCN-BĐKH/11-15)
Từ khóa: bản đồ, mưa, Việt Nam.

6. Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng lãnh thổ phục vụ xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp ở miền Trung/ Lê Văn Thăng, Nguyễn Huy Anh// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 48-51
Xây dựng bản đồ phân vùng lãnh thổ nhằm phục vụ cho việc đề xuất xây dựng các mô hình sinh kế ở các tỉnh miền Trung là nhiệm vụ quan trọng và hết sức phức tạp. Với phương pháp phân tích tổng hợp các yếu tố: điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật, tác động của các yếu tố thời tiết khắc nghiệt và đặc điểm các loại thiên tai chính có khả năng xảy ra trên đơn vị lãnh thổ đó, nghiên cứu đã phân chia miền Trung thành 2 á miền, 4 vùng và 14 tiểu vùng. Trong đó có 2 tiểu vùng cồn cát ven biển, 4 tiểu vùng đồng bằng duyên hải, 4 tiểu vùng gò đồi, 4 tiểu vùng núi. Kết quả nghiên cứu này là một phần của đề tài “ Luận cứ khoa học cho việc lựa chọn và hoàn thiện các mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở miền trung và đề xuất nhân rộng”, mã số BĐKH-18, thuộc chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (KHCN-BĐKH/11-15).
Từ khóa: phân vùng, lãnh thổ, miền trung, mô hình sinh kế, bản đồ.

7. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long/ Trần Hồng Thái, Lương Hữu Dũng// Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam .- Số 16/ 2014 .- Tr. 52-55
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất phì nhiêu với sông nước, kênh rạch chằng chịt chứa đựng nhiều tiềm năng cho sự phát triển kinh tế cả về nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái. Là vùng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam (đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản của cả nước), bao gồm phần đất thuộc 13 tỉnh, thành phố: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, và Cần Thơ với diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người. Ở ĐBSCL, hàng năm trong mùa lũ, lũ lụt làm ngập khoảng 1,9 triệu ha, thường kéo dài khoảng 3-5 tháng, gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của cư dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nắm được diễn biến ngập lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu là hữu ích và cần thiết phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng. Bài báo trình bày kết quả tính toán, đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến ngập lụt ở ĐBSCL.
Từ khóa: Đồng bằng sông Cửu Long, kịch bản, bản đồ ngập, mô hình ISIS.

8. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải ở Việt Nam/ Nguyễn Văn Tài, Chu Ngọc Kiên, Nguyễn Hoàng Minh, Trần Thị Thu Huế.
Ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tăng trưởng theo hướng phát thải cacbon thấp được xem là một bộ phận hữu cơ của chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, những nghiên cứu định lượng về phát triển cacbon thấp nảy sinh như một nhu cầu tất yếu nhằm cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý ra quyết định về mục tiêu, lộ trình và các giải pháp hợp lý nhằm hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế theo hướng giảm dần mức phát thải KNK. Tại Việt Nam, nghiên cứu xây dựng lộ trình và xác định các nội dung chuyển đổi của nền kinh tế để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính hiện còn là một vấn đề mới, chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, đặc biệt là việc áp dụng các phương pháp mô hình hóa để tính toán, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định cũng cón rất thiếu. Do đó, trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng định hướng và các phương án giảm phát thải KNK trên cơ sở đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, mã số BĐKH-12 thuộc Chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (KHCN-BĐKH/11-15), việc nghiên cứu, áp dụng mô hình tính toán lượng phát thải KNK trong xây dựng và đánh giá các kịch bản phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải ở Việt Nam đã được tiến hành. Kết quả cho thấy, trong kịch bản BAU (giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện các biện pháp can thiệp) lượng KNK phát thải cho các năm 2020, 2030 và 2050 lần lượt là 40,6; 72,3 và 165,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong khi đó, các kịch bản CM1, CM2 và CM3, với sự can thiệp của các biện pháp/ giải pháp quản lý và xử lý chất thải khác nhau, cho thấy lượng phát thải KNK giảm đi rõ rệt so với kịch bản BAU.
Từ khóa: chất thải, khí nhà kính, mô hình ExSS Waste.
Trung tâm Thông tin Thư viện
 
 
 
 
Truy cập: 9122 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.