Bài trích Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 15 năm 2014

Nghiên cứu khoa học

Thứ bảy, 18/05/2024 - 19:34:48

Bài trích Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 15 năm 2014

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam số 15 năm 2014 tại Phòng Đọc tầng 5 nhà G - Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

1. Thực trạng và khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam/ Tạ Việt Dũng, Nguyễn Đức Hoàng// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 10-13
Qua khảo sát thực tiễn, nhóm tác giả thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ khoa học và công nghệ - KH&CN) nhận định rằng, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay (đặc biệt trong công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy) còn hạn chế, bất cập. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực này nhưng sản phẩm dừng ở mức đơn giản, độ chính xác không quá cao. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và tham gia thị trường toàn cầu, Việt Nam cần phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và sự quyết tâm của các doanh nghiệp. Bài báo đề cập đến các nội dung sau: Thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam; Ví dụ về hợp tác phát triển công nghiệp phụ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản; Công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, xe máy của Việt Nam và những vướng mắc về chính sách; Một số đề xuất tháo gỡ.
Từ khóa: Công nghiệp phụ trợ, Việt Nam, doanh nghiệp, thực trạng, phát triển.
 
2. Đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua chỉ số CSI tại một số doanh nghiệp Việt Nam/ Nguyễn Anh Tuấn// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 14-16
Bài báo trình bày 2 mô hình thí điểm áp dụng CSI trong các doanh nghiệp Việt Nam (1 sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa sản xuất và một sản phẩm thuộc danh mục dịch vụ) dựa trên các tiêu chí: sản phẩm có tốc độ tăng trưởng lớn; khách hàng trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ là cá nhân; sản phẩm có phổ khách hàng rộng; tần suất tiêu dung sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ cao; chất lượng sản phẩm đang được đặc biệt quan tâm. Đố là các sản phẩm sữa tươi và dịch vụ khám chữa bệnh.
Từ khóa: chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, chỉ số CSI, doanh nghiệp, Việt Nam, đánh giá.
 
3. CAS: Công nghệ bảo quản tế bào sống/ Minh Nguyệt// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 17-19
Thới gian gần đây, việc Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ CAS về Việt Nam đã tạo ra sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là của bà con nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nông hải sản. Vậy công nghệ CAS là gì? Nó có ưu điểm như thế nào đối với việc bảo quản nông, hải sản? Nội dung bài báo đề cập đến các nội dung: Khái quát về công nghệ CAS; ứng dụng CAS ở Việt Nam.
Từ khóa: Công nghệ, bảo quản, tế bào sống, CAS.
 
4. Du lịch Tây Nguyên – Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển/ Trương Quang Hải, Nguyễn Hiệu// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 27-31
Tây Nguyên có các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nhiều dân tộc sinh sống với những bản sắc văn hóa đặc trưng, tạo nên một hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các di sản có giá trị nổi bật như cụm thác nước Đray Nur và Đray Sáp trên sông Sêrêpốk; những thân cây gỗ Thủy tùng bị mã não hóa phát hiện trong núi Chư A Thai; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… đã tạo nên những nét độc đáo cho du lịch Tây Nguyên. Những năm gần đây, du lịch Tây Nguyên đã có những bước phát triển nhưng còn chậm so với cả nước (trừ thành phố Đà Lạt), chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Trên cơ sở đánh giá các nguồn tài nguyên, phân tích hiện trạng và dự báo xu thế phát triển du lịch, đề tài TN3/T18 thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 đã đề xuất một số định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch Tây Nguyên như: tạo dựng không gian du lịch; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các chương trình du lịch; đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù…
Từ khóa: Du lịch, Tây Nguyên, thực trạng, phát triển.
 
5. Cạn kiệt ở sông Hồng: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục/ Trương Đình Dụ, Trương Thu Hằng// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 37-40
Bài báo phân tích nguyên nhân gây cạn kiệt sông Hồng bằng cách so sánh mực nước và lưu lượng nhỏ nhất ở sông Hồng vào mùa khô qua các thời kỳ trước khi có các hồ chứa thượng nguồn và sau nhiều năm vận hành các công trình đó với việc xả nước tăng cường 3 đợt phục vụ đổ ải như hiện nay. Từ kết quả so sánh, phân tích, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân chính làm tụt mực nước hạ du sông Hồng (do đáy sông Hồng bị hạ thấp) và nêu một số giải pháp khắc phục.
Từ khóa: sông Hồng, nguyên nhân, giải pháp, cạn kiệt.
 
6. Siêu đối xứng – Một khủng hoảng trong vật lý?// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 41-43
Siêu đối xứng (Susy - Supersymmetry) khẳng định rằng, mỗi hạt có một siêu hạt tương ứng, và các nhà vật lý đang truy tìm các siêu hạt này. Susy được đánh giá cao vì giúp giải quyết nhiều vấn đề trong vật lý lượng tử, như vấn đề vật chất tối. Các nhà vật lý hi vọng tìm thấy các siêu hạt trên LHC (Large Hadron Collider). Song cho đến nay, mọi cố gắng đều trở nên vô vọng. Nếu trong thời gian tới đến LHC cũng bất lực thì Susy quả là rơi vào bế tắc. Điều này dẫn đến một tình trạng khủng hoảng vật lý các hạt cơ bản. Nội dung chính của bài viết gồm: Thế nào là siêu đối xứng; Những hướng lý thuyết mới sau Susy.
Từ khóa: Vật lý, siêu đối xứng, khủng hoảng.
 
7. Chế tạo silicone kháng khuẩn ứng dụng trong bệnh viện// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 44-46
Một vật liệu kháng khuẩn mới có khả năng giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện đã được phát triển bới các nhà khoa học đến từ Đại học London (Anh), bằng sự kết hợp hai phẩm nhuộm nhạy quang với các hạt nano vàng được phủ lên bề mặt silicone. Vật liệu này thể hiện khả năng kháng khuẩn hiệu quả ngay cả khi được chiếu ánh sáng với cường độ khiêm tốn trong nhà. Đặc biệt, lần đầu tiên trên thế giới, các phẩm nhuộm nhạy quan trong vật liệu này đã cho thấy hoạt động diệt khuẩn diễn ra trong bóng tối, mở ra những vấn đề khoa học rất thú vị.
Từ khóa: Y học, silicone, bệnh viện, kháng khuẩn.
 
8. Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đo lưu lượng dòng chảy ứng dụng công nghệ ADCP/ Trần Văn Tuấn, Hồ Anh Tuấn, Trần Mạnh Thắng// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 49-55
Bài báo giới thiệu nguyên lý làm việc, một số đặc điểm chính trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thực thi các tính toán lưu lượng trên cơ sở công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thiết bị và hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng thực tế tại các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, góp phần thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
Từ khóa: dòng chảy, lưu lượng, thiết bị đo, công nghệ ADCP.
 
9. Tổng hợp vật liệu mao quản trung bình SBA-16 ứng dụng làm chất hấp phụ/ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trương Thị Thảo// Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 53-55
Vật liệu SBA-16 được tổng hợp có thành phần mol của gel gồm 1 SiO­2 (TEOS): 0,035 P127: 0-2 BuOH: 0,9 HCl: 122 H2O. Vật liệu thu được được xác định các đặc trưng bằng nhiễu xạ tia X, hiển vi điện tử quét SEM. Kết quả cho thấy, SBA-16 có diện tích bề mặt cao và sắp xếp trật tự. Khả năng hấp phụ của vật liệu được khảo sát thông qua nghiên cứu sự hấp phụ khí n-hexan, toluene và dung dịch xanh methylen. Đặc trưng hấp phụ xanh methylen trong dung dịch xác định được là hấp phụ vật lý, tự phát, tuân theo mô hình Langmuir và Freundlich.
Từ khóa: hấp phụ, SBA-16, SiO­2, vật liệu, mao quản.
 
10. Đánh giá ảnh hưởng độ hao hụt khối lượng đến tải nhiệt của thực phẩm trong quá trình cấp đông/ Vũ Huy Khê//  Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam .- Số 15/2014 .- Tr. 61-64
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của độ hao hụt khối lượng đến tải nhiệt khi cấp đông của thực phẩm. Các thí nghiệm tiến hành trong nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, độ hao hụt khối lượng của cá thu  khi cấp đông nằm trong khoảng từ 0.91 đến 1,76%. Với việc sử dụng khái niệm nhiệt dung riêng hiệu dụng, nghiên cứu đã xây dựng phương pháp xác định gần đúng một số thông số nhiệt vật lý của thực phẩm trong quá trình cấp đông. Trên cơ sở đó, bài báo đã chứng minh rằng, sự ảnh hưởng của việc hao hụt khối lượng tới tải nhiệt khi cấp đông của thực phẩm tương đối nhỏ (từ 2,65 đến 5,19%) và có thể bỏ qua khi nghiên cứu bài toán trao đổi nhiệt bên trong thực phẩm cấp đông.
Từ khóa: Bảo quản, thực phẩm, cấp đông, tải nhiệt, khối lượng.
Truy cập: 10664 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.