Thành tích nổi bật

  Thứ năm, 21/11/2013 - 08:42:49

Thực tiễn thực hiện tự chủ tại Đại học Dân lập Hải Phòng

Trong những năm gần đây, vấn đề trao quyền tự chủ, cho các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là khối giáo dục đại học được nhắc đến ngày càng nhiều. Từ năm 2006, 2007 đã có những đề án về việc trao quyền tự chủ cho các trường Đại học nếu các trường thỏa mãn 5 tiêu chí về đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, kiểm toán thường xuyên, công bố mức học phí, chương trình đào tạo và phù hợp với quy hoạch. Vậy tự chủ đem lại lợi ích cho trường đại học như thế nào?

Tự chủ ĐH (university autonomy) được định nghĩa là sự tự do của một cơ sở GD ĐH trong việc điều hành các công việc của nó mà không có sự chỉ đạo hoặc tác động từ bất cứ cấp chính quyền nào (Anderson and Johnson, 1998).

Tự chủ ĐH là việc cho phép một tổ chức GD ĐH điều hành hoạt động của tổ chức mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Tự chủ của cơ sở GD ĐH hoàn toàn không có nghĩa là nó nằm ngoài sự chi phối của luật pháp. Nó là tự chủ có điều kiện và các điều kiện này được xác định bởi mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và cơ sở GDĐH.

Sau Nghị quyết 2 của ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8, từ chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, giáo dục đào tạo nước nhà đã có sự phát triển không ngừng. Năm 1997 cả nước có 110 trường ĐH và CĐ, trong đó số  trường Đại học ngoài công lập là 13, đến nay sau 12 năm tổng số trường đại học cao đẳng toàn quốc là 376, trường ngoài công lập khoảng 80 trường. Với tốc độ  phát triển thiên lý mã như vậy đã thỏa mãn nhu cầu học tập của xã hội, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Một lần nữa, vấn đề tự chủ trong giáo dục lại được đặt ra.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trình bày những  kinh nghiệm thực tiễn tại trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Từ con số không ban đầu, đến nay trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã có những dấu ấn nhất định được ghi nhận trong xã hội nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng. Thành quả ngày hôm nay chúng tôi có được gắn liền với cụm từ: tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm.

1.      Tự chủ trong xây dựng cơ sở vật chất

Từ bài học kinh nghiệm của các trường đi trước, điểm yếu nhất của hệ thống dân lập là không có cơ sở vật chất (CSVC), trường ĐHDL HP xác định mục tiêu đầu tiên là phải có một ngôi trường khang trang của riêng mình. Nhưng lấy tiền ở đâu ra để xây dựng CSVC? Vốn sẽ được huy động như thế nào? Với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chúng tôi – những người đã sáng lập nên ngôi trường – đã trăn trở suy nghĩ, học hỏi để sáng tạo ra những giải pháp cho riêng mình. Thông thường những giải pháp trong trường hợp này là kêu gọi góp vốn hoặc vay ngân hàng. Nhưng với chúng tôi, cả hai giải pháp đều khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Vay ngân hàng? Trường mới thành lập, lấy gì để thế chấp?. Góp vốn, ai góp? kêu gọi ai?. Hơn nữa  nếu kêu gọi góp vốn, chắc chắn phải chịu sức ép của đồng vốn, phải chịu sức ép của tiền lãi, dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút.

Vận dụng chính sách “Phát huy nội lực” và “dựa vào dân” như Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”,  chúng tôi đã huy động cán bộ giảng viên công nhân viên, cơ hữu, thỉnh giảng và các nhà khoa học, nhà giáo có tâm huyết với giáo dục cho vay vốn xây dựng chứ không kêu gọi góp vốn. Sau khi xây dựng xong CSVC chúng tôi sẽ tiến tới việc cổ phần hóa để tất cả những người đã góp công sức cùng ban lãnh đạo nhà trường trở thành những người chủ nhân thực sự của ngôi trường. 

Với sự chủ động và những hình thức huy động vốn đa dạng, hiện nay ĐHDLHP đã có một cơ ngơi khang trang hiện đại với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng. Nhà trường đã xây dựng trên 4ha  khu giảng đường có đủ phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, học tập cho 7000 sinh viên, có trung tâm thông tin thư viện 900 m2, khu hiệu bộ, một khu Liên hợp thể dục thể thao khách sạn sinh viên với các hạng mục công trình: Nhà tập đa chức năng, Bể bơi thông minh, sân vận động, phục vụ cho học tập, vui chơi, giải trí, rèn luyện, không thua kém các trường đại học công lập. Cùng lúc đó, chúng tôi đầu tư thích đáng vào trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hệ thống mạng, hệ thống wifi cả 2 khu giảng đường và khách sạn sinh viên hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên học tập.

Trên nền tảng CSVC đầy đủ, đáp ứng đòi hỏi của giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường mới có thể tự chủ trong hoạt động.

1.      Tự chủ trong xây dựng đội ngũ

Sự phát triển của một đơn vị được nhìn thấy ở 2 điểm: Sự xây dựng cơ sở vật chất đủ mạnh và phát triển đội ngũ. Đội ngũ phải đông về số lượng, khỏe về chất lượng. Có như vậy nhà trường mới tự chủ được. Với trường ngoài công lập, được tự chủ trong xây dựng đội ngũ, nhưng việc đó lại mâu thuẫn với hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng đội ngũ phải có chính sách, có chế độ động viên, khuyến khích, tạo điều kiện, mà trước tiên là phải bỏ tiền ra để mua chất xám. “ Bỏ tiền ra mua chất xám”, đó không phải là việc ai cũng muón làm. Trong mấy năm qua, Đại học dân lập HP đã bỏ ra 7,5 tỷ cho việc bồi dưỡng giảng viên.

Trong nền kinh tế tri thức, cơ sở vật chất thôi chưa đủ làm nên uy tín của một tổ chức, nhất là đối với một trường đại học. Nhận thức như vậy nên từ ngày đầu thành lập chúng tôi xác định: “Phải có một đội ngũ mạnh”- đủ về số lượng, khỏe về chất lượng. Có như vậy, nhà trường mới tự chủ được. Chủ trương của nhà trường trong xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên là: tận dụng tối đa trình độ chuyên môn cao của những giảng viên có trình độ, có học hàm học vị đang công tác tại các trường; đồng thời nhanh chóng tuyển dụng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu trẻ. Tuy nhiên, chủ trương này lúc đó không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của một số lãnh đạo. Bởi vì, nếu xây dựng đội ngũ sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập thực tế. Với tầm nhìn chiến lược, Ban lãnh đạo nhà trường khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và cần được triển khai với những bước đi cụ thể. Làm được như vậy sẽ vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo, lại vừa nhanh chóng có được thế chủ động trong thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao danh tiếng của nhà trường.

Nhờ định hướng đúng đắn đó, từ 1GS, 2 Ths. khi mới thành lập trường, hiện nay đã có 152 thạc sĩ, 6 tiến sĩ, 2 giáo sư, đảm bảo được 73% khối lượng giảng dạy, tạo điều kiện thực thi kế  hoạch, tiến độ, nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy tỷ lệ trên sau đại học của Đại học Dân lập HP là 81,6%. Nhà trường đang triển khai dự án đào tạo Tiến sĩ với kinh phí dự kiến là 22 tỷ đồng. Mười bảy cán bộ giảng viên đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong và ngoài nước.

Để tuyển dụng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ và gắn bó với trường, chúng tôi đã tổ chức tuyển dụng công khai, minh bạch, có quy trình rõ ràng và không để những mối quan hệ cá nhân lấn lướt làm mất đi tính chính xác của kết quả tuyển chọn.Với trên 1000 lượt người dự tuyển, trong 12 năm qua đã tuyển chọn được 222 giảng viên. Ngay sau khi được tuyển dụng chúng tôi tổ chức bồi dưỡng phương pháp sư phạm và đồng loạt cho đi đào tạo thạc sĩ. Nhà trường cấp 100 % kinh phí cho giảng viên đi học cao học. Để giảng viên yên tâm đi học, Nhà trường hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, học phí, và cấp thêm 5 triệu đồng để mua tài liệu cho mỗi người. Trong khi đi học giảng viên chỉ phải tham gia 25% định mức công việc vẫn được xét các danh hiệu thi đua, được nhận thưởng cuối năm như mọi người khác.

2.      Tự chủ trong công tác quản lý

Để có thể tự chủ trong công tác quản lý, phải có công cụ hữu hiệu, đắc dụng, phù hợp nhằm tạo được sự thống nhất, đồng bộ và nhất quán trong toàn bộ hệ thống. Với một hệ thống quản lý thống nhất, việc phát hiện những lỗ hổng, những khiếm khuyết cần bổ sung trở nên dễ dàng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về các công cụ quản lý, năm 2002, nhà trường đã quyết định chọn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Tại thời điểm đó, chưa có một trường đại học, hoặc các sơ sở quản lý giáo dục nào áp dụng ISO; thậm chí rất nhiều người còn cho rằng ISO chỉ áp dụng cho sản xuất. Vậy đào tạo có cần chất lượng không, có cần cam kết với xã hội là đào tạo có chất lượng không? Tại sao không? Từ đó, lãnh đạo Nhà trường nhận thức đây chính là công cụ quản lý mà Nhà trường đang tìm kiếm vì nó phù hợp phương châm đào tạo của nhà trường: “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường”.

Bộ tài liệu ISO của nhà trường dày 417 trang với 13 văn bản quy định, 15 văn bản hướng dẫn thực hiện đã công khai hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho sinh viên và cán bộ giảng viênnâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân và đơn vị trong các hoạt động;công tác tổ chức và quản lý của nhà trường từng bước được hoàn thiện, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả cao. Toàn bộ công tác quản lý đào tạo, quản lý học tập theo tín chỉ, tuyển sinh, quản lý giảng dạy, quản lý điểm thi, tổ chức thi học kỳ, quản lý học phí và các khoản thu chi khác vv… đều được quản lý nghiêm túc, phân quyền chặt chẽ nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý chuyên dụng. Từ năm 2002 đến nay bộ tài liệu này đã có nhiều chỉnh sửa cho phù hợp với sự thay đổi các văn bản nhà nước, các quy định mới và kiến nghị của cá đơn vị, cá nhân qua quá trình thực hiện. Ngày 20.1.2009 trường được tái chứng nhận ISO với phiên bản mới nhất ISO 9001:2008. Việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO đã đưa mọi hoạt động của nhà trường vào nề nếp, nhất quán.

Muốn nhìn nhận rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và thời cơ trong quá trình phát triển của trường, ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương thí điểm kiểm định các trường đại học nhà trường đã đăng ký ngay và được chấp thuận là một trong 12 trường đại học trong cả nước được đón đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Bộ. Việc nhà trường là 1/20 trường trong cả nước được đoàn đánh giá ngoài công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và đang đề nghị Bộ công nhận đạt chất lượng kiểm định càng làm cho sinh viên, cán bộ giảng viên của trường náo nức, tự hào.

3.      Tự chủ dựa trên sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở:

Ngày 9/8/2002, BCHTW Đảng đã có cuộc hội thảo về tai trò lãnh đạo của Đảng trong  các trường ngoài công lập tại trường ĐHDL Hải Phòng, tại đó, một số đại biểu đặt vấn đề: Có cần không, một tổ chức cơ sở Đảng tại các trường ngoài công lập. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng rằng ở đâu vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao, ở đó đường lối của Đảng được thực hiện và ở đó có sự phát triển vững chắc. Điều đó, đã được chứng minh qua quá trình xây dựng và phát triển trường. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, ĐHDL Hải phòng đã vượt qua những khó khăn, trở ngại để đứng vững, và phát triển.

Ngay từ ngày đầu thành lập trường, chúng tôi đã tổ chức sinh hoạt Đảng cho các đảng viên. Chúng tôi đã làm cho Đảng viên thấy được vinh dự cũng như trách nhiệm vô cùng nặng nề của mình khi ở một cơ sở giáo dục ngoài công lập. Xuất phát từ quan điểm: Đối với GV, bên cạnh yếu tố vật chất, họ cần được quan tâm về tư tưởng, về chính trị và chúng tôi cũng đặt vấn đề phải đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, không chỉ trong CBCNV, GV mà cả trong SV bởi đây chính là nền tảng cho việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Từ 13 đảng viên khi chi bộ được thành lập, đến nay đã kết nạp được 100 đảng viên. Đây là những nhân tố mới, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác giảng dạy và học tập, góp phần đem lại những thành công của nhà trường.

4.       Tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên tự chủ trong lao động đóng góp xây dựng trường

Tự chủ không phải chỉ thể hiện ở tầm vĩ mô, trong đó nhà trường tự chủ trong xã hội mà thể hiện cả ở tầm vi mô, ở đó mỗi cá nhân đều phải được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ của mình. Như vậy, tự chủ phải đi đôi với dân chủ và làm chủ. Chính những việc làm công khai minh bặch tạo điều kiện tốt cho mọi người hiểu rõ mục đích hoạt động của nhà trường, hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, hiểu sự thành bại của nhà trường cũng là thành bại của cá nhân, uy tín của nhà trường cũng là uy tín của cá nhân, từ đó có thái độ đúng đắn trong việc đặt lợi ích của cá nhân trong lợi ích chung của nhà trường. Từ nhận thức đúng đắn về vai trò trách nhiệm của từng người, mọi người đều làm chủ và tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.

Cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng với lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường vào thứ hai hàng tuần và với toàn thể cán bộ giảng viên, nhân viên cơ hữu hàng tháng đã trở thành thông lệ, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban, giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh, công khai các chủ trương, hoạt động của trường, huy động ý kiến đóng góp từ phía cán bộ giảng viên,

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tổ chức Đoàn thể không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường công tác thân thiện, đảm bảo quyền lợi chính trị và tinh thần cho cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường. Các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc tổ chức ăn trưa, tổ chức các chuyến tham quan du lịch kết hợp học hỏi kinh nghiệm quản lý cho cán bộ, giảng viên, nhân viên đến một số trường của Singapore và Trung Quốc đã làm cho mọi người ngày càng gắn bó tự hào về trường.

Kết luận:

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nếu không có sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và dám  chịu trách nhiệm trước xã hội, trước sinh viên, vì sự nghiệp xã hội hóa giáo dục chắc chắn trường ĐHDLHP không có được một vị thế như hôm nay. Trường đã đặt lợi ích của sinh viên, của đông đảo cán bộ giảng viên lên trên, và coi đó là trách nhiệm của nhà trường với cộng đồng. Nhà trường hoạt động không vì mục đích thương mại hóa, không vụ lợi, mọi hoạt động của trường đều hướng tới việc tạo một cơ hội tốt nhất cho người học có được kiến thức thật sự để có cuộc sống tốt đẹp, để phục vụ xã hội.

Nhà trường cam kết thực hiện Sứ mạng:

 “Coi trọng sự năng động và sáng tạo, kiến thức và trí tuệ, tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội, Đại học Dân lập Hải Phòng luôn nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp cơ hội học tập có chất lượng tốt nhất giúp sinh viên phát triển toàn diện trí lực, thể lực và nhân cách. Sinh viên tốt nghiệp của trường là người hiểu rõ bản thân, làm chủ và sử dụng sáng tạo kiến thức phục vụ cộng đồng và xã hội”.

GS. TS.Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng

TS.Trần Thị Mai, TP Đào tạo, Đại học dân lập Hải Phòng

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn