Cựu sinh viên tiêu biểu

  Thứ hai, 25/11/2013 - 14:53:43

Lời thề trước chân dung Bác

“Tôi…..Xin thề………………………”

 

       Nhìn những bước đi thập thững của anh khi bước chân lên bục, dưới cờ Đảng, dưới chân dung Bác Hồ để đọc lời tuyên thệ, lòng tôi trào lên những cảm xúc khó tả.

       Sinh ra cũng bình thương như bao đứa trẻ khác, cha mẹ tưởng những ngày vui vẻ, hạnh phúc cứ kéo dài cùng tuổi ấu thơ của anh. Nhưng một cơn bạo bệnh đã cướp đi niềm vui, niềm hạnh phúc của căn nhà nhỏ và thay vào đó  là sự vất vả, lo lắng mà trên hết là nỗi buồn kéo dài vô tận. Nhiều lúc mẹ anh đã tưởng không giữ được con mình ở trên đời. Nhưng rồi anh vẫn sống, sống trong sự thương yêu, sống trong hy vọng mong manh của bố mẹ, của ông bà. Cũng chính vì vậy bố mẹ anh đã không làm khai sinh cho anh, bởi vì biết có giữ được anh không?, biết đâu……?

      Chính vì vậy, mà theo giấy khai sinh của anh, thì anh và người em trai kém anh hai tuổi sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm.

      Căn bệnh qua đi, nhưng anh không đi lại được như các bạn cùng trang lứa. Có lẽ nghị lực trong anh đã có từ những ngày chống trả với bệnh tật ấy. Một  chân bị liệt, nhưng anh cũng lăn xuống ao tập bơi. Bao nhiêu lần mẹ anh đã phải hoảng hồn vì con mình. Nhưng rồi anh biết bơi và còn bơi giỏi nữa, để đến khi trường Đại học Dân lập Hải phòng tổ chức thi bơi trong cán bộ giảng viên, anh đã giành giải nhất trong sự yêu quý và mến phục của mọi người.

      Đến tuổi các trẻ khác cắp sách đến trường. Còn anh?…..Anh cũng đòi bố mẹ đưa anh đến lớp, nhưng chỉ để nép vào  một bên cửa sổ nhìn vào, chỉ để giương đôi mắt thèm khát nhìn từng con chữ cô giáo viết lên bảng, nhìn các bạn đồng thanh đọc theo cô. Có những lúc, nhìn thấy anh đứng ở bên ngoài, các trẻ lại ré lên cười, có  bạn còn bắt trước kiểu đi của anh để trêu chọc. Các bé có biết đâu, những tiếng cười trẻ thơ vô tư đó, những điệu bộ bắt chước ngộ nghĩnh đó đã làm nhói đau tâm hồn một con người.

      Khi em trai của anh bắt đầu đi học, cũng là lúc anh nhất định đòi được đi cùng, được đi học. Chiều anh, bố mẹ  cũng phải cho  anh đi học.  Bố mẹ chỉ mong con học được hết cấp 1, cấp 2 để biết chữ. “Bố muốn con học hết cấp 2 rồi đi học nghề may để có một công việc tự kiếm sống cho mình”. Nhưng học hết cấp 2  anh lại thuyết phục bố mẹ cho đi học cấp 3, rồi thi đại học. Trong thâm tâm anh không muốn mình sẽ là gánh nặng đối với gia đình. Vì anh nghĩ, còn rất nhiều người khó khăn hơn mình, mình vẫn còn may mắn khi trí não và đôi tay vẫn lành lặn. Đó cũng là lý do mà anh không bao giờ bi quan và mặc cảm than thân trách phận mình. Anh luôn tự động viên mình là “ Để làm được một việc mình sẽ phải vất vả hơn một chút so với người bình thường thôi”.

      Năm tháng qua đi, anh tốt nghiệp phổ thông rồi thi vào đại học. Anh nói rằng anh đã may mắn trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin trường Đại học Dân lập Hải phòng, rồi lại trở thành cán bộ Trung tâm thông tin thư viện của trường. Nơi dã giúp anh đứng vững và tự tin.

      Thông thường với những người khuyết tật, dễ nhìn đời bằng con mắt không thân thiện, nhìn bạn bè cùng trang lứa với con mắt ganh tỵ vì nỗi đau mình phải chịu. Nhưng ở anh thì không. Nét đầu tiên khi gặp anh là nụ cười hiền lành dễ mến, sự thân thiện và ấm cúng. Anh làm việc miệt mài như con ong thợ, suốt ngày lặn lội trong vùng dữ liệu của những phần mềm để giải quyết các bài toán quản lý. Anh không ngần ngại học hỏi và cũng không ngần ngại chia sẻ với đồng nghiệp.

 



      “Tôi, Đỗ Văn Tuyên, trước quốc kỳ, Đảng kỳ,  trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xin thề……”. Giọng của anh không vang, không mạch lạc mà ngập ngừng trong nỗi xúc động. Chúng tôi, những người dự lễ kết nạp anh cũng ngập tràn cảm xúc, bởi vì ai cũng hiểu rằng, với một người như anh, việc chiến đấu để sống, để đi học, để hoà nhập, để cống hiến là một cố gắng phi thường. Và, với sự phấn đấu bền bỉ, đúng một năm sau ngày được kết nạp, ngày 28.7.2010, anh đã trở thành Đảng viên chính thức.

      Anh xứng đáng là một Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt nam.



Khánh Minh

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn