Cựu sinh viên tiêu biểu

  Thứ năm, 28/11/2013 - 08:02:36

Vượt lên nỗi đau da cam

Trong Hội nghị biểu dương, tôn vinh những người khuyết tật toàn quốc diễn ra ngày 12-14/4 vừa qua tại Hà Nội, cô giáo Đồng Thị Nga, cựu sinh viên Đại học Dân lập Hải Phòng, nay là Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh đã có một báo cáo làm rung động trái tim tất cả những người tham dự, bởi vì đó là sự thật, nhưng lại như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Xin giới thiệu với bạn đọc bản báo cáo của Cô Nga

Cô Đồng Thị Nga tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mô côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 4/2013 tại Hà Nội

       Tuổi thơ tôi và những ngày dài đau khổ

Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của nó vẫn còn chưa hề chấm dứt. Bao gia đình đã và đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Và tôi chính là một trong những nạn nhân

Sau chiến tranh, Cha tôi đã trở về lành lặn, tưởng niềm vui đoàn tụ sẽ đến với gia đình để bù đắp những tháng ngày cách xa mong đợi. Nhưng không ai biết rằng Cha, người chiến sỹ  trên chiến trường Đông Nam ấy, đã bị nhiễm chất độc màu da cam.

Mẹ tôi mang thai.

 Nhưng rồi người con thứ nhất sinh ra không trọn vẹn, rôi người con thứ 2 không phải là người và mất ngay sau đó. Người con thứ 3 cũng chỉ sống được 2 tháng,  Hai người chỉ là những hình hài không toàn vẹn và nhanh chóng ra đi.

Vào những năm 1975-1980, không ai biết về nỗi đau da cam. Vì vậy bố mẹ tôi đều hy vọng và mong muốn ở việc sinh tiếp những đứa con lành lặn.

Nhưng đến khi tôi ra đời, thì sự chịu đựng của Cha tôi đã hết, Cha không biết vì sao con mình như vậy, rồi sự châm chọc của hàng xóm láng giềng, cha không chấp nhận được thực tế những đứa con mình sinh ra không lành lặn, vì vậy gia đình tôi phải chia ly.

Tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày dài đầy đau khổ. Tôi bị bạn bè xa lánh, bị người đời hắt hủi cộng với nỗi đau thể xác ngày đêm tôi phải gánh chịu. Tất cả những điều đó không thấm gì so với nỗi đau tinh thần khi gia đình tôi phải chia ly. Mẹ tôi một mình nuôi anh em tôi khôn lớn trong sự thiếu thôn cả về vật chất lẫn tinh thần, sự dằn vặt về tinh thần khi chứng kiến nỗi đau đớn bệnh tật của con cái, sự ghẻ lạnh của gia đình chồng và xã hội. Cảm nhận được nỗi đau và nhọc nhằn của mẹ, tôi đã tự hứa với mẹ “mẹ ơi tuy con sinh ra không được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng con sẽ làm tất cả để mẹ được vui vì mẹ đã sinh ra con”. Và tôi đã lao vào học. Học vì mẹ, học vì chính bản thân mình. Nhưng tôi đâu có được yên để học.

Khi tôi học cấp 1, vì sợ bệnh tật của tôi ảnh hưởng đến các bạn nên cô Hiệu trưởng đã yêu cầu tôi nghỉ học. Có lẽ trong cuộc đời này tôi không thể quên được hình ảnh người mẹ đứng khóc giữa sân trường để xin cho tôi được tiếp tục theo học. May mắn, nhờ sự bao dung của cô giáo chủ nhiệm, tôi vẫn được theo học. Tôi sống lặng lẽ như một cái bóng giữa sự ghê sợ và xa lánh của bạn bè.

Nhưng được đi học với tôi đã là một niềm vui mà tôi phải tận dụng. Những kiến thức, những bài học cho tôi thêm niềm tin và ước mong. Tôi chỉ mong làm cho mẹ vui. Những khi được điểm tốt, khoe với mẹ, tôi luôn nhìn thấy nụ cười hòa lẫn với dòng nước mắt tràn đầy nơi mắt mẹ.

Rời mái trường cấp 3 năng khiếu Trần Phú Hải Phòng, tôi cũng như bao sỹ tử khác ước mơ được vào đại học. Chiều theo ước nguyện của con, mẹ tôi đã cho tôi lên Hà Nội để  thi. Đó là những ngày hè nắng nóng oi ả và bệnh tôi càng nặng thêm. Toàn thân chảy máu và nứt nẻ, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc. Tôi muốn biến ước mơ của đời mình thành sự thật. Muốn được là niềm tự hào của mẹ. Muốn được một lần nhìn thấy nụ cười thật sự của mẹ sau bao đau khổ và nhọc nhằn mà mẹ đã phải trải qua khi sinh ra những đứa con tật nguyền.

Niềm vui vỡ òa khi tôi đỗ 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Công đoàn. Nhưng vì sức khỏe quá yếu, không thể sống xa mẹ, tôi lựa chọn học tại Hải Phòng để được mẹ chăm sóc. Và tôi may mắn được nhận vào học tại trường Đại học Dân lập Hải Phòng.

       Cuộc đời tôi bước sang một trang mới

Cuộc đời của tôi thay đổi từ đây.

Đến lúc này, tôi có thể nói rằng, tôi là một người tật nguyền may mắn.

Chỉ sau một tháng vào học tại ĐHDL Hải Phòng. Từ một bức thư nặc danh của một bạn sinh viên gửi thầy Hiệu trưởng về một bạn “Da cóc” rất kinh khủng trong lớp, Thầy Hiệu trưởng đã tìm ra tôi. Khi biết về gia đình tôi, trong buổi chào cờ đầu tháng, thầy đã gọi tôi lên trước cờ và nói với tất cả sinh viên: Bố bạn Nga đã vì Tổ quốc mà ra chiến trường, vì vậy bạn bị mang di tích của chiến tranh. Chúng ta, những người được sống trong hòa bình, cần phải chăm sóc bạn ấy. Và Thầy công bố sẽ miễn toàn bộ học phí 4 năm học cho tôi.

Ngay sau buổi chào cờ ấy tôi như người khác hẳn. Đâu đâu tôi cũng bắt gặp những cái nhìn trìu mến, cảm thông, gần gũi. Bạn bè không xa lánh nữa mà ngồi gần tôi, chuyện trò với tôi, cầm tay tôi, vuốt tóc tôi. Có lẽ với những người bình thường, không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của tôi khi có được những sự giao lưu ấy. Tôi khóc trong niềm hạnh phúc, trong sự sung sướng mà tưởng rằng trong đời mình không bao giờ có được.Từ một đứa trẻ bị người đời ra ghẻ lạnh, tôi đã được sống và học tập trong tình yêu thương của bạn bè và thầy cô nơi đây.

Và tôi, tôi cũng luôn nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh khác và cố gắng chia sẻ để giúp họ có thêm niềm vui. Trong dịp nhà trường quyên góp giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt, tôi đã góp cả tháng học bổng của tôi là 300.000,0đ. Đó không phải là số tiền lớn nhưng với tôi nó là cả một sự phấn đầu và nỗ lực của tôi trong học tập. Tôi thực sự muốn chia sẽ và làm một điều gì đó cho những mảnh đời bất hạnh.

Kết thúc quãng đời sinh viên năm 2002 với kết quả loại giỏi, tôi được nhà trường tuyển dụng, rồi cử sang Malaysia để học thạc sỹ với sự tài trợ chủ yếu của nhà trường. Trở lại mái trường xưa năm 2005 với cương vị là một thạc sĩ và trở thành giảng viên của trường. Tôi rất cố gắng học hỏi thêm và chỉ muốn đem hết sức mình để truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên. Tôi mong các em hãy tự tin, bản lĩnh, vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ hoài bão của mình.

Có được tất cả những điều này ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi phải cảm ơn người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi. Người thầy đã nhóm lên cho tôi ước mơ và hi vọng. Người thầy đã thắp sáng ngọn lửa nhân ái cho bao người. Đó chính là người thầy đã sáng lập ra trường Đại học Dân lập Hải Phòng để giờ đây tôi không những được là một người học trò mà còn vinh dự nối tiếp sự nghiệp trồng người của thầy.

       Lời tri ân cuối cùng

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi biết mình phải cố giắng nhiều hơn nữa.Tôi muốn làm một điều gì đó để vơi đi nỗi đau cho những số phận không may mắn như tôi. Nhân đây tôi cũng muốn gửi tới mọi người lời nhắn nhủ: Chiến tranh đã qua, nhưng những dư âm của nó vẫn còn tồn tại. Những số phận không may mắn như chúng tôi cần lắm những tấm lòng nhân ái. Và tôi chính là minh chứng cho điều đó. Nếu không được sống trong sự yêu thương vô bờ bến của mẹ và lòng nhân ái của thầy cô và bạn bè thì chưa chắc tôi đã có ngày hôm nay.

 Nhân đây, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn và gửi đến người thầy đã thắp sáng niềm tin và hi vọng cho tôi lòng biết ơn vô hạn, người thầy đó chính là GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị, người sáng lập và là Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng suốt 15 năm qua.

Đồng Thi Nga




♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn