Thư viện

  Thứ hai, 03/04/2017 - 08:55:17

Thư mục Tạp chí Ngân hàng số 1 và 2 năm 2017

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Ngân hàng số 1+2 năm 2017
1. Tăng cường giám sát rủi ro hệ thống – Giải pháp cho những nguy cơ bất ổn tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế/ Đỗ Việt Hùng// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 12 – 17
Tóm tắt: Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu và hiệu quả thì việc thực hiện tự do hóa lĩnh vực tài chính và ngân hàng được xem là rất nhạy cảm vì sự phức tạp của nó cũng như trình độ thấp trong lĩnh vực dịch vụ này tại Việt Nam, đồng thời, nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, và do vậy, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động. Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc hội nhập tài chính nhằm ổn định tài chính và ngăn ngừa khủng hoảng, một trong các giải pháp quan trọng cần thực hiện là tăng cường giám sát rủi ro hệ thống, bởi vì, việc tham gia vào thị trường tài chính quốc tế bản thân nó không gây ra khủng hoảng tài chính nhưng việc thiếu vắng một cơ chế giám sát tài chính thích hợp và hiệu quả thì hội nhập tài chính có thể tạo ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Từ khóa: Rủi ro hệ thống; Hội nhập quốc tế; Tài chính; Kinh tế
 
2. Kinh tế Việt Nam năm 2016 đặt nền tảng cho công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020/ Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Đình Trung// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 18 – 22
Tóm tắt: Năm 2016 là năm bản lề cho giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó đánh dấu thời lỳ nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển đổi mạnh mẽ sang một mô hình tăng trưởng mới, cùng với đó là những bước tiến lớn trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Do vậy, ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách quan trọng định hướng đến năm 2020. Đây là tiền đề, cơ sở để các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai phối hợp đồng bộ, quyết liệt các giải pháp Chính phủ đã đề ra. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặt nền móng cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế trong những năm tới.
Từ khóa: Tái cơ cấu kinh tế; Tăng trưởng kinh tế; Chính sách; Kinh tế
 
3. Dân trí về tài chính với phát triển hệ thống ngân hàng bền vững – Một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam/ Ngô Chung, Lê Văn Hinh// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 24 – 29
Tóm tắt: Theo lý thuyết về tài chính ngân hàng, hệ thống tài chính nói chung và trong đó hệ thống ngân hàng (phía cung) là kênh (gián tiếp) chuyển vốn đến người sử dụng hiệu quả nhất qua việc phân tích đánh giá người sử dụng vốn và dịch vụ ngân hàng (phía cầu). Như vậy, có thể suy ra rằng, hệ thống tài chính có hiệu quả, bền vững hay không phụ thuộc đáng kể vào trình độ, năng lực của người sử dụng vốn, dịch vụ ngân hàng – hay còn gọi là trình độ dân trí về tài chính ngân hàng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dân trí về tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển bền vững hệ thống tài chính, ngân hàng và rộng hơn là nền kinh tế. Bài viết tổng hợp một số nghiên cứu nổi bật về “dân trí tài chính”; bài học từ một số quốc gia và có một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển hệ thống tài chính bền vững ở Việt Nam.
Từ khóa: Ngân hàng; Chính sách; Tài chính; Dân trí
 
4. Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam hướng tới phát triển bền vững/ Tô Ngọc Hưng// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 30 – 37
Tóm tắt: Bài viết khái quát các giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, tập trung vào các nhóm giải pháp chính là xử lý nợ xấu và bổ sung vốn chủ sở hữu, cơ cấu lại công tác quản trị ngân hàng theo hướng hiện đại. Những giải pháp này không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống NHTM trong giai đoạn khó khăn mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững hệ thống ngân hàng. Trước những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới, bài viết đề xuất ngành Ngân hàng cần triển khai một số giải pháp nhằm xử lý những tồn tại, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa và nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đổi mới hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Từ khóa: Tái cơ cấu ngân hàng; Ngân hàng; Nợ xấu
 
5. Chính sách quản lý ngoại hối về thu hút và sử dụng kiều hối tại Việt Nam/ Nguyễn Ngọc cảnh// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 38 – 40
Tóm tắt: Kiều hối được hiểu đơn giản là tiền do người Việt Nam sống và làm việc, lao động ở nước ngoài chuyển về nước giúp đỡ gia đình, thân nhân. Với hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nguồn kiều hối do kiều bào chuyển về nước đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thành công trong việc thu hút và sử dụng kiều hối tại Việt Nam là nhờ chính sách quản lý ngoại hối về kiều hối linh hoạt, thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước
Từ khóa: Chính sách; Kiều hối; Ngoại hối
 
6. Sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam sau khi ra đời thông tư 36/ Lê Văn Luyện, Khuất Duy Tuấn// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 92 – 96
Tóm tắt: Một trong những vấn đề đáng chú ý trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam thời gian vừa qua là vấn đề cấu trúc sở hữu, trong đó có sở hữu chéo. Đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào vốn tín dụng thì sở hữu chéo được coi là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động thanh tra, giám sát còn chưa phát triển, những tác động tiêu cực của sở hữu chéo có thể sẽ làm giảm hiệu quả của nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng. Ngoài vấn đề rủi ro đạo đức có thể tạo ra rủi ro tín dụng, sở hữu chéo có thể gây ra những hệ lụy tới sự an toàn của hệ thống. Bài nghiên cứu tập trung trình bày hiện trạng sở hữu chéo giữa các NHTM Việt Nam với nhau sau khi thông tư 36 ra đời, qua đó, đề xuất các biện pháp góp phần giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và một số khuyến nghị về việc kiểm soát và xử lý sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Từ khóa: Sở hữu chéo; Ngân hàng; Thông tư 36
 
7. Xử lý tài sản bảo đảm theo bộ luật dân sự 2015/ Bùi Đức Giang// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 97 – 99
Tóm tắt: Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 (Bộ luật dân sự) chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Phần quy định về giao dịch bảo đảm có khá nhiều quy định mới, so với khuôn khổ pháp lý hiện hành. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các thay đổi liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của văn bản mới này, đồng thời đánh giá các hạn chế và tác động tới ngân hàng là bên nhận bảo đảm.
Từ khóa: Tài sản; Tài sản bảo đảm; Bộ luật dân sự 
 
8. Phát triển thị trường tiền tệ - ngân hàng trong hội nhập kinh tế quốc tế và giải pháp đến năm 2020/ Lê Thị Thùy Vân// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 100 – 104
Tóm tắt: Bài viết nêu lên những kết quả đạt được, một số khó khăn, thách thức của thị trường tiền tệ - ngân hàng trong hội nhập kinh tế quốc tế và giải pháp đến năm 2020.
Từ khóa: Tiền tệ; Ngân hàng; Kinh tế quốc tế; Hội nhập kinh tế
 
9. Đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình nông thôn và một số khuyến nghị/ Lê Thị Tuấn Nghĩa, Phạm Đức Anh// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 110 – 117
Tóm tắt: Bài viết cung cấp một cái nhìn khách quan về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ gia đình nông thôn tại 8 tỉnh thành thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Kết quả thực nghiệm hàm hồi quy Logit chỉ ra rằng các đặc tính của hộ như trình độ học vấn, thu nhập, tình trạng sở hữu đất ở và đặc trưng vùng miền có tác động rõ nét tới khả năng tiếp cận tín dụng nông hộ. Các tính khảo sát được lựa chọn trên cơ sở đảm bảo phản ánh được thực trạng tín dụng hộ gia đình tại tất cả các vùng, miền trên cả nước với những đặc trưng, trình độ phát triển khu vực nông thông khác nhau.
Từ khóa: Tín dụng; Hộ gia đình; Nông hộ; Kinh tế
 
10. Phát triển hệ thống thanh toán trái phiếu chính phủ, kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam/ Phạm Bảo Lâm, Phạm Thị Minh Huệ, Nguyễn Đức Trường// Tạp chí Ngân hàng .- Số 1+2/2017 .- Tr. 123 – 128
Tóm tắt: Bài viết nêu lên thực trạng hệ thống thanh toán chứng khoán tại Việt Nam, so sánh với một số hệ thống thanh toán chứng khoán trên thế giới để hiểu rõ những ưu, nhược điểm của hệ thống thanh toán Trái phiếu Chính phủ, đồng thời đưa ra những định hướng đối với hệ thống thanh toán tiền giao dịch Trái phiếu Chính phủ của Việt Nam.
Từ khóa: Trái phiếu; Chứng khoán; Hệ thống thanh toán    
 
Trung tâm Thông tin Thư viện
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn