Đội ngũ giảng viên

  Thứ tư, 20/11/2013 - 16:12:21

Hai mươi sáu năm

Tháng Mười Một. Tháng của những nhà giáo. Tháng của tình thầy trò. Tháng của những ký ức đong đầy trên những trang nhật ký của Thầy – Cô.

10h00 ngày 5 tháng 3 năm 2013

- Thưa cô, cô có khách!

Vừa nghe một chị trong phòng nói, nhìn ra tôi đã thấy 2 người chừng 40 tuổi, ôm hoa đang ngập ngừng tiến vào.

- Em chào cô!

- Chào các em, các em ngồi xuống đi!

- Hôm nay, sắp đến ngày Phụ nữ Việt nam 8/3, chúng em chúc cô khoẻ mạnh, có nhiều thế hệ học sinh trưởng thành…..

- Cảm ơn các em,…, các em là…

Cả hai nhìn nhau, rồi nhìn tôi, một lúc sau mới nói:

- Cô không nhận ra chúng em?...

- Cô trông em rất quen, nhưng cô không nhận ra.

Một thoáng bối rối, cậu thanh niên nói:

- Em cười, chắc cô sẽ nhận ra.

Nói rồi cậu ta cười rất tươi. Nhìn cái cười gần gũi lạ, nhưng tôi vẫn không thể nhận ra.

- Quả thật, cô thấy cái cười rất thân quen, nhưng cô không nhận ra. Cô già rồi.

Lặng im một lát, cậu thanh niên chỉ người bạn đi cùng và nói.

- Thưa cô, bạn này là Mơ, còn em là Hải, Ngọc Hải, học sinh lớp 10B do cô làm chủ nhiệm.

Vừa nghe những lời nói đó, tôi thấy như có luồng điện chạy qua người. Tôi bật dậy, nắm chặt lấy hai tay Hải như muốn tìm lại những gì đã mất cách đây 25-26 năm.

Rồi những ký ức của những ngày rất xa ấy ào ạt tràn về…

*

*           *

Những năm 1987 - 1988, là giảng viên trường Đại học Hàng Hải, tôi tham gia dậy một số lớp ở trường PT Dân lập Hàng Hải, trường Phổ thông Dân Lập đầu tiên của thành phố Hải Phòng, và được mời làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10B. Cái lớp 10B ấy với biết bao sự kiện. Những cô cậu học sinh mới qua tuổi trẻ con, nhưng chưa thành người lớn ấy, nghịch ngợm, quậy phá, lười học, vô kỷ luật, thôi thì đủ cả.

Có cô bé đi học võ, rồi yêu một bạn cùng lớp ấy, bị gia đình ngăn cấm, đánh chửi, thả xuống giếng, rồi trói vào cột nhà, nhưng vẫn quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu. Bị bố mẹ từ chối và đuổi đi. Đến khi sinh con, mới biết “ tình yêu đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọt, mà cuộc đời còn lắm nỗi chông gai… ’, ôm con đến nhà cô giáo.

Cô giáo chủ nhiệm lớp chăm sóc cả hai mẹ con rồi khuyên nhủ phải về tạ lỗi với bố mẹ, cầu mong bố mẹ tha thứ. Cô giáo chủ nhiệm cũng đến nhà các bậc sinh thành của em, để xin các vị hãy dang rộng vòng tay, tha thứ cho lỗi lầm của con trẻ. Mấy hôm sau, mẹ em đã đến đón 2 mẹ con em về. Nghe giọng nói, thấy các vị còn giận lắm, nhưng nhìn ánh mắt ngắm đứa cháu đang ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ nó, tôi biết các vị đã tha thứ và mẹ con em sẽ được sống trong sự bao dung của gia đình.

Có cậu học sinh, bố mất, mẹ làm ở nhà ăn của một cơ quan, ngoài giờ đi học, hàng ngày cậu đi bật bông thuê phụ giúp cho mẹ. Đến kỳ đóng học phí, quẫn trí, lấy luôn một cái xe đạp cà tàng của bạn đem đi bán. Bị bắt, bị thi hành kỷ luật. Cô giáo chủ nhiệm đã đưa tiền cho một bạn khác đi chuộc lại cái xe về để trả, rồi xin cho em được học tiếp và bí mật giúp em học phí cho đến khi em học hết cấp 3. Tốt nghiệp phổ thông cậu ta vào học cao đẳng hàng hải và trở thành sĩ quan máy tàu…

*

*           *

- Em bây giờ làm gì?

- Thưa cô, em nấu bếp.

- A! Vua đầu bếp, to quá rồi!

- Thưa cô, nhỏ thôi ạ, em chỉ làm thuê thôi.

- Thế em làm ở đâu?

Một giây ngập ngừng

- Thưa cô, ở bên Đức ạ.

- ...thế em…?

- …Thưa cô, em rất nhớ hôm cô đưa cho em quyết định đuổi học, cô đã khóc…, cô khóc vì em biết cô đã xin cho em nhưng không được.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ là chính em lại nói ra điều này, mặc dù tôi biết là em nhớ và tôi, tôi cũng nhớ. Hôm đó, khi đưa cái quyết định đuổi học cho em, tôi chỉ nói được 2 câu, dặn em phải tu tỉnh, phải kiếm một việc làm lương thiện để sống. Nói không hết câu, tôi đã phải quay đi, quay đi để dấu sự bất lực của mình. Thế rồi, tôi bặt tin em ngay sau đó. Vài năm sau tôi được tin em đã vượt biên.

Sáng ngày 14/3/2013, Tôi đang đi công tác ở trường Hồng Bàng thì nhận được tin nhắn của Hải:

- Thưa cô, ngày 16 em đi rồi, tối nay, chúng em muốn mời cô đến với chúng em cho vui.

Bắt tay từng người, cô cậu nào cũng hỏi tôi: Cô có nhớ em không? Làm sao mà tôi nhớ hết được, 25-26 năm rồi. Một cậu thanh niên nữa lại đến. Tôi tự tin hỏi em ngay:

- Em là Bình có phải không?

- Cô quên em rồi, em là Chiến, hiếu Chiến chứ cô?

- Đó là ngày xưa  thôi, còn bây giờ là hoà bình rồi.

Chúng tôi cùng cười. Những cái tên Oanh, Thu, Bích Hạnh, Đức Hạnh, Thành, Hoà, Hiếu, Hoàng Anh... dần dần đã được tôi gắn lại với nét mặt của từng người với dáng dấp của ngày xưa.

Các em đến tiếp. Qua câu chuyện tôi mới biết, nhiều em, hôm nay cũng là lần đầu tiên mới  gặp lại nhau.

Câu chuyện của những người bạn cũ gặp lại nhau, hầu như chỉ xoay quanh những kỷ niệm của một thời nghịch ngợm, phá phách, những năm còn ngồi trên ghế ngôi trường Phổ thông Dân lập ấy. Mỗi em một câu, mỗi người nhớ lại một chuyện, tranh nhau nói rồi cười. Ôi kỷ niệm của một thời học sinh.

- Hôm ấy, vừa hết  giờ cô chủ nhiệm, mấy đứa ở ngoài xóm vào trêu cái Chi, thế là, alôsô, bọn con trai trong lớp hùa nhau vào, tẩn cho bọn kia một mẻ, cố chạy thoát thân…

- Mà hồi ấy, thằng Hải là hăng lắm cơ, chả có vụ nào là không tham gia.

- Nó là lớp trưởng mà.

- Không, thằng Hải chỉ làm lớp phó thôi, cái Đức Hạnh mới là lớp trưởng.

- Cứ gì thằng Hải, đứa nào trong chúng mình chả đánh nhau…

... Cả buổi tối hôm đó, gần 4 tiếng đồng hồ, tôi ngồi với các em ở nhà hàng Gia Viên, nghe các em nói chuyện, nói về công việc, về chuyện vợ chồng, con cái, nhà cửa… nhưng sôi nổi nhất vẫn là những câu chuyện về cái thời dở trẻ con, dở người lớn, gắn với hai tiếng học sinh, đặc biệt là những câu chuyện về những trò quậy phá, mà nhiều vụ dính với kỷ luật của nhà trường. Giữa lúc ầm ỹ ấy, cậu Thành, trông còn rất nghịch ngợm, nói to:

- Nhưng thưa cô, cô phải tự hào về bọn em, vì lớp cô làm chủ nhiệm ngày ấy, không ai mắc tệ nạn xã hội, cho nên 42 đứa chúng em không mất đứa nào cả.

Cậu ta không chỉ nói một lần mà nói đi nói lại 3 lần với giọng của một người đã uống vài cốc bia, như muốn khẳng định với tôi rằng: Chúng em đã phải vật lộn thật sự để có cuộc sống bình an ngày hôm nay. Cậu Hùng, trông chững chạc hơn cả, cầm ly rượi đến gần tôi:

- Thưa cô, chúng em, không phải ai cũng thành đạt, ai cũng giầu có, nhưng tất cả chúng em đều là những công dân tốt, chúng em sống bằng chính sức lao động của mình. Nhưng hồi trước, cô vất vả vì chúng em quá.

Suốt buổi tối hôm đó, trong những cuộc điện thoại gọi cho các bạn không đến được, em nào cũng ngạc nhiên:

- Có cả cô M. nữa à ? Và câu trả lời : Chứ sao nữa, lúc nào cô cũng là cô giáo chủ nhiệm của bọn mình, rồi cao hứng hơn các em hò nhau nâng cốc và hô to: “Lúc nào cô cũng là cô giáo của chúng em!”.

Dư âm của những lời nói đó cứ theo tôi mãi, và tôi cảm ơn các em, những học sinh ngỗ nghịch nhưng đầy tình cảm và trách nhiệm ấy.

*

*           *

Trước khi bay, Hải gửi cho tôi một tin nhắn:” ... Em luôn nhớ tới cô!”.

Còn tôi tôi cũng luôn nhớ tới các em. Những học sinh phá cách ấy đã làm cho tôi hiểu hơn, yêu hơn, tự hào hơn về nghề thầy giáo, một nghề mà tôi đã gắn bó cả cuộc đời.

 
TS.NGƯT. Trần Thị Mai
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn