Đội ngũ giảng viên

  Thứ ba, 26/11/2013 - 09:50:45

“Vị thuyền trưởng” nổi danh đất Cảng

Vất vả, nhọc nhằn từ thuở hoa niên đến khi mái đầu ngả bạc, người thầy giáo – nhà quản lý giáo dục tài ba đất Cảng vẫn mang trong mình trăn trở: Có thể làm gì cho những học trò nghèo, làm gì để chắp cánh ước mơ tương lai cho thế hệ trẻ Việt Nam? Suy tư đó đã theo suốt cuộc hành trình “trồng người” của GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng.
Góc làm việc giản dị của Thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị

Tâm sáng, tài cao, tình nặng!

Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam là dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử. Vai trò của người thầy trong mọi xã hội luôn luôn được coi trọng. Người thầy không chỉ có tri thức uyên thâm mà cần hơn nữa là tâm huyết và đức độ để thu phục lòng người. Ở đó, học trò không chỉ nhận được kiến thức văn hóa mà còn lĩnh hội được đạo đức, tác phong, cách sống ở đời. Có một người thầy đã đạt được cả hai chữ Tài và Đức ấy, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những thế hệ sinh viên Trường Đại học dân lập Hải Phòng: “Tôi vẫn nhớ hình ảnh người Hiệu trưởng đứng suốt 3 tiếng đồng hồ để trao tấm thẻ sinh viên cho từng sinh viên một”; “Tôi vẫn nhớ dáng thầy vất vả lội dưới sân trường ngập nước sau cơn mưa để kiểm tra xem phòng học có bị nước tạt, bảng đen giảng đường có bị ướt?” – Đó là những dòng tri ân về thầy hiệu trưởng Trần Hữu Nghị mà bao thế hệ học sinh để lại trong cuốn sổ lưu niệm của trường.

Dưới sự chèo lái của thầy - người đã đứng ra thành lập, xây dựng trường là Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Bí thư Đảng Ủy và hiện là Hiệu trưởng kiêm thành viên HĐQT, Trường Đại học dân lập Hải Phòng đã trở thành một trong những trường đại học nổi tiếng trong “làng” Đại học Dân lập của nước ta hiện nay.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi trong một gia đình nghèo khó, nhưng sự học với thầy luôn được đặt lên hàng đầu. Từng kinh qua những năm tháng gian khổ nên hơn ai hết thầy là người hiểu và rất đồng cảm với học trò nghèo. Có lẽ bởi thế nên ngôi trường mà thầy xây dựng, là trường không vì lợi nhuận mà vì giáo dục, do dân, vì dân, phục vụ dân cho nên cánh cửa trường luôn mở rộng đón những sinh viên nghèo với sự hỗ trợ tốt nhất để các em có thể theo đuổi con đường học vấn, có cơ hội thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Hải Phòng không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng là quê hương thứ hai, nơi thầy đã gắn bó máu thịt và dốc hết tâm huyết cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nghiêm túc, quyết đoán trong quản lý và thực hiện quy chế, song thầy luôn gần gũi, thân thiện và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của sinh viên. Với mỗi sinh viên, thầy không chỉ là người thầy đáng kính, mà còn gần gũi như người cha, người ông của mình.

Trải qua gần 45 năm tuổi nghề ở những cương vị khác nhau: Chủ nhiệm bộ môn, chủ nhiệm khoa, rồi Phó Hiệu trưởng tại Trường Đại học Hàng Hải liên tục 20 năm và tiếp đến là hơn 15 năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng. Thầy đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Tổng số đề tài cấp trường, cấp Bộ và cấp Nhà nước do thầy làm chủ nhiệm và tham gia lên đến 60 công trình khoa học và 42 bài báo được đăng trên tạp chí trong và nước ngoài. Thầy đã dịch, biên soạn và chủ biên các sách làm giáo trình và làm tài liệu phục vụ cho giảng dạy và học tập của sinh viên. Số sách đã in và phát hành là 17 đầu sách trong đó 4 đầu sách viết chung cùng giáo sư Phômin - Liên Xô.

Mỗi chuyến đò qua sông thành công đem theo biết bao nhọc nhằn, gian khó của người chèo lái. Cùng với năm tháng, lớp lớp các thế hệ sinh viên trên những con đò tri thức đó vẫn tiếp tục cập bến. Nhiều người đã trưởng thành, không ít người đã trở thành cán bộ chủ chốt trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công ty vận tải, nhà máy đóng tàu. Thâm chí, có những người đã trở thành cán bộ tỉnh, bí thư, chủ tịch tỉnh, ủy viên TW, Hiệu trưởng, PGS, GS, anh hùng lao động.... Có những người chưa kịp thành danh nhưng tất cả họ vẫn nghĩ đến thầy, vẫn nhắc lại những kỷ niệm về thầy với tất cả sự kính trọng và quý mến. Và niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy chính là nhìn thấy lớp lớp sinh viên đều phương trưởng, thành đạt, chung tay cùng xã hội, cùng cộng đồng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Người tạo nên khác biệt

Với một tân sinh viên đại học, việc gặp được thầy hiệu trưởng thường hết sức khó khăn. Vậy nhưng, đến trường ĐH dân lập Hải Phòng, tất cả các tân sinh viên không ai là không biết đến thầy hiệu trưởng. Hình ảnh thầy đã ăn sâu vào tâm trí họ ngay từ lần gặp đầu tiên bởi dáng vẻ giản dị, thân quen, gần gũi. Qua những cuộc tiếp xúc, thầy không đọc diễn văn, diễn thuyết trên bục cao mà lại gần lắng nghe, thấu hiểu học trò của mình.

Những băn khoăn, hoài nghi, thậm chí là “mặc cảm” về một môi trường giáo dục ngoài quốc lập hoàn toàn bị xóa bỏ khi các bạn sinh viên đến đây. Họ có niềm tự hào về một ngôi trường được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, với những giảng đường khang trang được trang bị máy chiếu, micro cầm tay, camera, điều hòa và các thiết bị giảng dạy tiên tiến. Họ được tiếp xúc với công nghệ mới, với thư viện điện tử đứng thứ 5 của thư viện toàn quốc, với phần mềm quản lý thư viện điện tử LIBOL với hàng nghìn đầu sách. Họ cũng được cập nhật chương trình giảng dạy cải tiến giữa việc kết hợp đào tạo kiến thức chuyên môn với việc phát triển kỹ năng giao tiếp và lối sống đạo đức…. Sinh viên đến đây hoàn toàn có thể tự hào bởi ngôi trường của họ là một trong những ngôi trường đầu tiên trên cả nước áp dụng tin học văn phòng theo tiêu chuẩn ICDL, tiếng anh Giao tiếp quốc tế theo chuẩn TOEIC và đưa kĩ năng mềm vào chương trình giảng dạy. Trường luôn hoạt động với khẩu hiệu “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường” và giáo dục cho sinh viên tính trung thực khi học tập ở nhà trường và trong lập nghiệp ngày mai với khẩu hiệu “Học thật, thi thật để ra đời làm thật”.

 
Một góc khuôn viên Trường ĐH Dân lập Hải Phòng

Nhìn cơ ngơi khang trang, hiện đại của trường Đại học dân lập Hải Phòng ngày hôm nay, những ai biết đến thầy Nghị đều cảm phục. Những lớp sinh viên, những thầy cô giáo đã từng học tập và làm việc tại trường trước đây tự hào và ngạc nhiên bởi sự thay đổi nhanh chóng của trường mà vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Những căn nhà cấp bốn lụp xụp của công ty dệt bị phá sản 15 năm trước, giờ đây đã trở thành “khách sạn 5 sao của sinh viên”. Với tổng vốn đầu tư lên tới 75 tỷ đồng vào thời điểm những năm 1997 - 2000, Đại học Dân lập Hải Phòng đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho dạy và học: khu giảng đường với hơn 140 phòng học hầu hết được trang bị camera, projector với hàng chục phòng thí nghiệm, hội thảo; hơn 695 máy tính nối mạng Internet, wifi miễn phí; khu khách sạn sinh viên gồm 5 hạng mục công trình: khu nhà ở sinh viên có 1.500 giường cho sinh viên; nhà tập đa năng sức chứa 2.500 người; sân vận động; bể bơi thông minh; nhà ăn sinh viên hiện đại 500 chỗ/ca…

Vấn đề là ở chỗ, chỉ với số vốn ít ỏi ban đầu (chưa đầy 1 tỷ đồng), GS Trần Hữu Nghị, với niềm tin đưa thương hiệu trường dân lập ngang tầm quốc gia, đã ấp ủ quyết tâm xây dựng một cơ ngơi bề thế, xứng tầm một trường đại học hiện đại, bằng nhiều giải pháp khác nhau và bằng sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, GS đã biến giấc mơ thành sự thật và sự thật cho đến nay Đại học Dân lập Hải Phòng đã có cơ sở vật chất khang trang hiện đại.

Song song với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thầy Nghị còn luôn trăn trở tìm ra phương pháp đào tạo nhằm mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho sinh viên. Sau nhiều đêm thao thức trăn trở, thầy đã đưa ra các sáng kiến, giải pháp và áp dụng thành công mang lại hiệu quả cao cho trường. Chẳng hạn như: giải pháp chống tiêu cực trong thi cử; thực hiện dân chủ, phản hồi của sinh viên về thầy giáo; thực hiện bình đẳng công bằng trong đơn vị đối với cán bộ giảng viên và sinh viên; thu hút học sinh khá giỏi về trường bằng các chương trình học bổng hấp dẫn, đưa quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000 và hiện nay là ISO 9001:2008 vào trường… Với hơn 25 giải pháp, sáng kiến, thầy đã mang lại những tác động tích cực đóng góp vào sự đi lên của trường. Thầy luôn mong muốn xây dựng cơ sở vật chất khang trang hiện đại với điệu kiện tốt nhất có thể, giá học phí rẻ, hợp lý, thấp nhất có thể để con nhà nghèo cũng có thể đến trường được, chất lượng đào tạo cao nhất có thể. Trong những năm qua chất lượng đào tạo của trường không ngừng được nâng lên, đưa trường vào tốp những trường đại học có tiếng của cả nước. Theo điều tra của dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Dân lập Hải Phòng là 1 trong 25 trường ĐH dẫn đầu cả nước về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao (chiếm 93,46%). Năm 2006 - 2007, Đại học Dân lập Hải Phòng là một trong 12 trường Đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn đánh giá, kiểm định chất lượng và năm 2009 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là 1 trong 20 trường Đại học đạt chuẩn giáo dục. Được mạng lưới Thương Hiệu Việt bình chọn là một trong 10 trường đạt “chất lượng đào tạo Đại học” và được nhận giải thưởng “100 thương hiệu Việt phát triển bền vững năm 2012”; Tháng 2/2013, trang website hpu.edu.vn đã vượt qua rất nhiều trang web của các trường Đại học danh tiếng tại Việt Nam để đứng vào vị trí 8 trong bảng xếp hạng Webometric (Tây Ban Nha).

Thắp sáng một niềm tin

15 năm trên cương vị lãnh đạo của trường Đại học Dân lập Hải Phòng lắm thăng trầm và không ít buồn vui, thầy Nghị bảo rằng, cuộc đời giống như một dòng sông cứ cuốn thầy chảy mãi, chảy mãi mà không có một phút giây ngơi nghỉ.

 
    GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị trong Lễ vinh danh Doanh nhân ưu tú & Nhân ái 2012

Để giáo dục tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội cho sinh viên, và cũng là trách nhiệm của trường với xã hội, nhiều hoạt động nhân đạo xã hội đã được thầy Nghị chủ động cho triển khai trong các năm qua. Đó là các chương trình như “quà tết vì người nghèo”, “mùa xuân yêu thương”, “vòng tay yêu thương”, “ủng hộ người nghèo”...., chương trình tặng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với đất nước, tặng hàng chục máy tính cho một số trường phổ thông tại địa bàn Hải Phòng, quyên góp từ thiện cho hàng trăm đối tượng chính sách xã hội...vv. Mỗi năm có khoảng 350 sinh viên của trường tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo, trường được coi là ngân hàng máu sống của Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Hoạt động sinh viên tình nguyện vì cộng đồng đóng góp khoảng 2.000 ngày công/năm.

Không chỉ vậy, mỗi năm nhà trường dành một số tiền lớn để chi cho các hoạt động công tác xã hội từ thiện, số tiền chi mỗi năm cho hoạt động này ngày một tăng. Mỗi năm, trung bình nhà trường chi khoảng 1 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, xã hội, nhân đạo và học bổng cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên học giỏi. Những năm đầu sau khi thành lập, sinh viên của các trường ngoài công lập chưa được hưởng các chính sách xã hội của Nhà nước, nhà trường đã tự trợ cấp cho sinh viên diện chính sách xã hội tới 1,6 tỷ đồng. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được trường hỗ trợ, giới thiệu việc làm thêm; mỗi năm trung bình có hơn 200 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường tặng quà Tết. Hàng năm trường còn trao học bổng cho sinh viên học giỏi, xuất sắc với tổng giá trị 500 triệu đồng/năm, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm trên dưới 300 triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo Quảng Ngãi. Phương trưởng và thành danh như ngày hôm nay trên đất Cảng Hải Phòng nhưng thầy không khi nào lãng quên nguồn cội. Lòng thầy quặn thắt mỗi khi nghe tin quê nhà đang gồng mình chống chọi với thiên tai, bão lụt. Để chia sẻ những khó khăn với đồng bào thiên tai, thầy luôn là người đi đầu trong các phong trào quyên góp ủng hộ. Năm 2009, chỉ 2 ngày sau khi nghe tin sau cơn bão số 9 hoành hành tại Quảng Ngãi, gia đình thầy đã gửi 3,2 tấn gạo về quê hương Bình Sơn nơi rốn bão. Tiếp đó, cán bộ công nhân viên, sinh viên trong trường đã quyên góp trên 100 triệu đồng cùng nhiều quần áo, chăn màn… chuyển tới đồng bào Bình Sơn – Quảng Ngãi.

Vinh dự góp mặt trong 1000 Doanh nhân tiêu biểu cả nước, GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị là một trong số ít doanh nhân thành đạt trong “Sự nghiệp trồng người”. Bản lĩnh và tài năng, đó là cảm nhận đầu tiên của mỗi người khi nghĩ về thầy. Bởi đầu tư về giáo dục trong kinh doanh là một sự lựa chọn rất đáng nể trọng ở mọi thời điểm vì nó đòi hỏi một doanh nhân vừa phải có kiến thức về chuyên môn, vừa có kiến thức về quản lý, kiến thức về kinh tế, quản trị kinh doanh…

Đối với một người thầy chân chính thì những phần thưởng hay danh hiệu không có ý nghĩa nhiều bằng sự thành đạt, nên người của những thế thế hệ học sinh - sinh viên mà mình từng giảng dạy. Tuy nhiên, sự ghi nhận cũng chính là liều thuốc tinh thần cho sự hăng say đóng góp càng được cổ vũ. Gần 45 năm gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, nỗ lực và tâm huyết của GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị đã được ghi nhận và biểu dương bằng nhiều phần thưởng cao quý. Giáo sư đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các hội và các tổ chức xã hội... Những phần thưởng xứng đáng đó là minh chứng cho những đóng góp của vị thuyền trưởng dành cả cuộc đời hiện thực hóa những ước mơ. Bao thế hệ học trò ra đời từ trường Đại học dân lập Hải Phòng đã rạng danh, ghi tên mình vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Bài tham dự cuộc thi viết và lễ tôn vinh “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”

Theo vanhien.vn, ngày 23/4/2013
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn