Đội ngũ giảng viên

  Thứ ba, 26/11/2013 - 09:19:33

Vượt lên nỗi đau da cam

Đến thăm cô giáo Đồng Thị Nga, giảng viên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng tại nhà 28 ngõ 20 đường Tôn Đức Thắng nhân dịp kỷ niệm ngày toàn dân chăm sóc trẻ mồ côi và người tàn tật Viện Nam, được nghe kể về câu chuyện vượt lên nỗi đau da cam của cô giáo, ai cũng xúc động.


Bố Nga từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và nhiễm chất độc da cam khiến mẹ Nga 5 lần sinh nở mà 3 lần không thành, chỉ có Nga và anh trai là may mắn sống sót, song Nga lại mang trên mình di chứng chất độc da cam từ thuở lọt lòng khiến da dẻ sần sùi như da cóc. Không chịu đựng nổi nỗi đau, bố mẹ Nga ly hôn. Mình mẹ tần tảo nuôi Nga và người anh trai cũng bị khuyết tật nhẹ do ảnh hưởng chất độcda cam.

Nga kể lại:Tuổi thơ của Nga là những ngày dài đầy đau khổ, bị bạn bè xa lánh, người đời hắt hủi cộng với nỗi đau thể xác. Thương mẹ, Nga tự nhủ cố gắng học giỏi để bù đắp lại nỗi đau cho mẹ. Tuy nhiên, khi học hết cấp I, vì sợ bệnh tật của Nga ảnh hưởng đến các bạn nên có lần cô giáo hiệu trưởng đã yêu cầu Nga phải nghỉ học. Nga tâm sự: “Có lẽ trong cuộc đời, tôi không thể quên được hình ảnh người mẹ đứng khóc giữa sân trường để xin cho tôi được tiếp tục đi học”. Rất may, sau đó, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho Nga tiếp tục học. Nga miệt mài học tập và lúc nào cũng mong “được mọi người coi tôi như người bình thường”.

Tốt nghiệpTrường THPT Năng khiếu Trần Phú năm 1993, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Nga ước mơ được vào đại học. Chiều theo ước nguyện của con, mẹ Nga đưa con gái lên Hà Nội dự thi. Niềm vui vỡ òa khi Nga đỗ 2 trường đại học là Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Công đoàn, nhưng vì sức khỏe yếu, không thể tự lo cho bản thân, Nga đành chọn học tại Trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Sau một tháng nhập học, từ một bức thư nặc danh của một bạn sinh viên nói về cô bạn “da cóc”, Thầy Hiệu trưởng, GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị đã tìm Nga. Trong buổi chào cờ, thầy nói trước toàn trường: “Tôi lập ra trường này để đào tạo ra những cử nhân, nhưng trước hết sinh viên của tôi phải được đào tạo làm người. Bố bạn Nga đã vì Tổ quốc mà ra chiến trường, vì vậy bạn mang di chứng của chiến tranh, chúng ta cần phải chăm sóc bạn ấy.” Các bạn sinh viên và giảng viên nhà trường đã mở rộng vòng tay nhân ái đối với Nga. Suốt 4 năm học, Nga được nhà trường miễn giảm toàn bộ học phí. Cảm nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng, Nga tích cực phấn đấu học giỏi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, năm nào cũng được học bổng cao nhất. Nga lại mang học bổng của mình đi chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2002, Nga tốt nghiệp và được nhận ở lại trường làm giảng viên, được nhà trường cử đi học thạc sỹ tại Malaysia. Từ một cô bé đầy mặc cảm, Nga đã tự tin đứng trên bục giảng với sự yêu quý, trân trọng của các đồng nghiệp và các sinh viên.


 

Hạnh phúc đến với Nga khi gặp được người chồng yêu thương, giúp Nga vượt qua nỗi đau thể xác, đồng hành cùng Nga trong cuộc sống. Hạnh phúc nở hoa khi Nga sinh được2 cô con gái khỏe mạnh. Tôi hỏi và được biết chồng Nga là một chàng trai Hà Nội, được bạn bè giới thiệu, họ đã sẻ chia, yêu thương và cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Đó là câu chuyện “cổ tích” có hậu về lòng kiên trì, nghị lực vượt khó, tình yêu và lòng nhân ái.

TC

Theo Báo ANHP, số 2941, ngày 29/5/2013
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn