Các hoạt động

  Thứ bảy, 14/04/2018 - 21:25:26

Chuyến thực tế miền Trung của sinh viên khóa 19 và 20 Khoa Du lịch

Chuyến thực tế miền Trung kéo dài 6 ngày 5 đêm của sinh viên khóa 19, 20 Khoa Du lịch chúng tôi đã kết thúc được hơn ba tuần, vậy mà dư âm và cảm xúc vẫn dường như còn nguyên vẹn trong tất cả chúng tôi. Và chúng tôi tin đó sẽ là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời của chúng tôi sau này.


Thực tế miền Trung là một nội dung của môn học “Thực tập chuyên đề” trong chương trình đào tạo, là chuyến đi định kỳ, dài ngày nhất và luôn được mong đợi của sinh viên ngành Khoa Du lịch chúng tôi. Được sự cho phép của Ban giám hiệu Nhà trường, Khoa đã tổ chức cho chúng tôi chuyến đi thực tế miền Trung từ ngày 23/3 - 28/3/2018.


Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng ngày 23/3, trong thời tiết se lạnh của miền Bắc. Đi cùng với chúng tôi có cô Nguyễn Thị Phương Thảo (GV Khoa Du lịch) và thầy Lê Trường Sơn (CB phòng Đào tạoĐH&SĐH). Tuy phải dậy từ rất sớm, nhưng ai nấy đều rất tươi cười và háo hức bởi đa phần chúng tôi đều chưa ai từng đặt chân tới miền Trung - mảnh đất thân thương đầy nắng gió. Chuyến đi cũng là một cơ hội tốt giúp chúng tôi được trải nghiệm, được áp dụng những kiến thức, nghiệp vụ đã học trên giảng đường vào thực tế công việc. Chúng tôi được trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị xây dựng lịch trình cho chuyến đi, liên hệ dịch vụ, trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ của một hướng dẫn viên như thuyết minh trên xe, tại điểm du lịch, bố trí sắp xếp các dịch vụ lưu trú ăn uống cho đoàn khách, tổ chức các trò chơi hoạt náo trên xe và hoạt động giao lưu, kết nối các thành viên. 


Ngày đầu tiên, sau cuộc hành trình kéo dài 12 tiếng cả đoàn đã có mặt ở Quảng Bình để chuẩn bị cho chuyến tham quan đầu tiên - Động Phong Nha vào ngày hôm sau. Buổi tối hôm ấy chúng tôi có thời gian lòng vòng bằng xe điện quanh thành phố Đồng Hới, viếng tượng đài mẹ Suốt, ngắm Quảng Bình Quan, biển Nhật Lệ,... Hướng dẫn viên của chúng tôi chính là bác tài xế xe điện, nghe bác nói chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thân thiện xen lẫn niềm tự hào của người dân mảnh đất nghèo khó này khi bác say sưa kể với chúng tôi về những thành tựu của quê nhà. Dải đất hình chữ S này, dù ở bất cứ nơi nào cũng đáng để chúng ta tới tham quan, tìm hiểu, du lịch cùng với những người dân nhiệt tình, thân thiện.



Đoàn thực tế chụp ảnh tại Động Phong Nha


Ngày thứ hai của chuyến hành trình, cả đoàn chúng tôi tới điểm thăm quan đầu tiên, đó là Động Phong Nha nằm trong hệ thống Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.Tất cả chúng tôi đều thực sự ngỡ ngàng trước sự ban tặng của tạo hóa để Việt Nam có một “Kỳ quan đệ nhất động”. Bữa trưa ở đây mang hương vị cay nồng, càng vào sâu miền Trung, chúng tôi càng thấy khẩu vị các món ăn thay đổi dần. Ăn trưa xong, cả đoàn khởi hành đi Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là “đáng sống nhất Việt Nam”.


Qua hầm Hải Vân - công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, cả đoàn đã có mặt tại Đà Nẵng. Khung cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tất cả là một thành phố trẻ trung bên bờ biển khiến ai nấy cũng đều háo hức. Với giới trẻ chúng tôi, Đà Nẵng mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ: lung linh bởi ánh đèn, những công trình hiện đại, những cây cầu đã trở thành biểu tượng của thành phố, hay sự sôi động của những trung tâm du lịch về đêm và hơn hết vẫn là cảm nhận: “Sao người dân miền Trung lại thân thiện đến thế?”. Tất cả điều đó đã tạo nên một thành phố với chất lượng dịch vụ 5 sao, một điểm du lịch vô cùng hấp dẫn và thu hút.



Đoàn thực tế chụp ảnh tại Cầu quay Sông hàn (Đà Nẵng)


Sang ngày thứ ba, chúng tôi đi tham quan chùa Linh Ứng - ngôi chùa có tượng Phật bà cao nhất Việt Nam. Vãn cảnh chùa, thắp một nén hương thành tâm, cả đoàn lại lại tiếp tục đến điểm tham quan tiếp theo: Hội An - thành phố cổ kính bên cửa sông Thu Bồn. Tham quan chùa Cầu, Hội quán, những ngôi nhà cổ, chứng kiến cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ, lắng nghe chị hướng dẫn viên thuyết minh, chúng tôi mới thấy hết những giá trị của một đô thị cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.



Đoàn thực tế chụp ảnh tại Chùa Cầu (Phố cổ Hội An)


Tạm biệt Đà Nẵng, tạm biệt Hội An, chúng tôi trở ra Huế. Khác với vẻ ồn ào, sôi động của thành phố trẻ Đà Nẵng, Huế khoác lên mình một vẻ đẹp “dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”. Giọng Huế ngọt ngào của chị hướng dẫn viên trong tà áo dài tím mộng mơ, khiến chúng tôi như say vào câu chuyện lịch sử ngàn đời về các vị vua triều Nguyễn. Các công trình lăng tẩm, kinh thành, chùa chiền ở Huế đã cho chúng tôi nhận thức sâu hơn về sự tinh tế, bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ Việt - khiến chúng tôi thêm yêu và tự hào về một quần thể di tích cố đô - nơi đã được vinh danh di sản văn hóa thế giới.


Người ta thường nói rằng, Hà Nội có 36 phố phường, thì Huế có 36 thứ chè, với hương vị hoàn toàn khác nhau. Ngày hôm đó, sau những trải nghiệm và bài học bổ ích, chúng tôi có thời gian dừng chân ở Chè Hẻm - quán chè số một của xứ này, để thưởng thức hương vị mát lạnh và “độ ngọt” thấm lòng như lời người ta khảo nhau về ẩm thực nơi đây!



Đoàn thực tế chụp ảnh tại Lằng Khải Định (Huế)


Trên đường về Nghệ An, cả đoàn chúng tôi đến dâng hương tại thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị). “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Dưới sông còn đó bạn tôi nằm”. Nghe những lời thơ và câu chuyện kể về sự chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, chúng tôi đã không kìm được cảm xúc. Qua Quảng Bình chúng tôi được viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong 11 vị tướng tài năng nhất của thế giới. Thêm một lần nữa chúng tôi lại cảm thấy thật tự hào về Tổ quốc mình, về ý chí và lòng yêu nước của con người Việt Nam và tự cảm thấy mình phải sống và học tập sao cho xứng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.


Tối hôm đó chúng tôi dừng chân tại Cửa Lò, cả đoàn đã có một buổi giao lưu văn nghệ đầy ấn tượng. Chúng tôi cùng các thầy cô cùng chuẩn bị, cùng trang trí và cùng ca những bài ca, cùng chơi những trò chơi thú vị. Có lẽ đó không phải chỉ là vui chơi, quan trọng hơn là mọi người được làm việc cùng nhau, được chia sẻ tình cảm, được cười những nụ cười hạnh phúc nhất của thời sinh viên.


Ngày 28/03 là ngày cuối cùng của cuộc hành trình. Chúng tôi đã tới Quê Bác (Nam Đàn – Nghệ An). Đứng dưới mái nhà tranh đơn sơ, đi giữa một vùng quê thanh bình, nghe lời thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi đã hiểu thêm về những năm tháng ấu thơ của Bác, về những lần Bác trở về thăm quê. Cả đoàn thành kính dâng hương, thầm cảm ơn quê hương Nghệ An đã sinh ra một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới mà chúng ta vẫn gọi giản dị là Bác Hồ.



Đoàn thực tế chụp ảnh tại Quê Bác


Mới đó đã 6 ngày, thời gian tưởng dài mà lại trôi nhanh quá, chúng tôi trở về thành phố Hoa phượng đỏ thân yêu. Cả đoàn chúng tôi đã có những trải nghiệm thật thú vị, bổ ích, được thực hành, thực tế và làm quen với công việc của những người làm du lịch. Chuyến đi còn là dịp để các thành viên gắn kết với nhau hơn trong hoạt động chung. Những bài học từ thực tế ấy sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn, tạo nền tảng vững chắc cho chúng tôi trong quá trình tác nghiệp sau này.


Giang Huy (DL1901)



♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn