Hội nghị - Hội thảo

  Thứ tư, 26/07/2017 - 15:48:50

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS và đòi hỏi đổi mới chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán tại các trường ĐH-CĐ Việt Nam

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015, và khi Việt Nam chúng ta tham gia AEC, ký kết các hiệp định thương mại, đồng nghĩa với việc mở cửa dịch vụ kế toán.
Theo đó, kể từ năm 2017, với thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì kế toán là 1 trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong AEC. Sẽ có khoảng 100 tổ chức làm dịch vụ kế toán, với trên 10.000 lao động và 2.000 kế toán viên chuyên nghiệp phải đứng trước thách thức cạnh tranh, giữ thị phần trên sân nhà. Chuyên gia tư vấn ngân hàng Thế giới (WB) Hoàng Đức Hùng đã thẳng thắn chỉ ra: “Đội ngũ kế toán Việt Nam sẽ vấp phải cạnh tranh cao ngay trên sân nhà, vì khả năng ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, phương thức làm việc chuyên nghiệp... còn chưa ngang bằng với các nước”. Đứng ở góc độ người trong nghề, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam, PGS. TS Đặng Văn Thanh cho biết: “Tại nhiều quốc gia trong khu vực như: Indonesia, Philippines có hơn nửa số kế toán viên hành nghề ở nước ngoài. Họ được đào tạo bài bản về chuyên môn và hòa nhập nhanh vào kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của các nước khác. Vấn đề đặt ra là cần có chiến lược đào tạo phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Quá trình đào tạo ấy không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề”.
Số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán (KT-KT) được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo trong nước rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại số lượng kế toán viên, kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.[1]
Ngày 18 tháng 03 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Phát triển Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, với 5 mục tiêu lớn trong đó có mục tiêu - Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong KT-KT ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực về cả số lượng và chất lượng và tăng cường quan hệ hợp tác và thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực KT-KT với các tổ chức quốc tế về KT-KT trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó chiến lược cũng khẳng định Việt Nam quyết tâm áp dụng IFRS: Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017, đã bổ sung “nguyên tắc giá trị hợp lý”. Đây là những bước chuẩn bị chủ động, cần thiết, để tiến tới áp dụng rộng rãi IFRS tại Việt Nam.[2]
Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) (trước đây là IAS) đang nhanh chóng trở thành chuẩn mực phổ biến trên thế giới với hơn 100 quốc gia trên thế giới chấp nhận và áp dụng, cũng như có kế hoạch áp dụng, IFRS đang trở thành một tiêu chuẩn quen thuộc với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Qua khảo sát của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), 116/140 quốc gia được khảo sát đã yêu cầu các công ty niêm yết áp dụng IFRS. Hầu hết các nước còn lại đã cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế (FSB) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu. Hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng bên ngoài cam kết này. Các chuyên gia thừa nhận, muốn nói chung một ngôn ngữ kế toán với thế giới, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư…, Việt Nam cần thống nhất VAS và IFRS.[3]
 Bên cạnh đó, để có thể tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập BCTC theo IFRS đang trở thành nhu cầu ngày càng bức thiết và là xu hướng tất yếu của các tập đoàn, các công ty đại chúng.
Báo cáo “Việt Nam 2035” - “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, được thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra đề xuất rằng các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) nhằm phát triển các thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài. Việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng trong bối cảnh thị trường “phẳng” toàn cầu với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).[3]
Có thể nói rằng, chủ trương áp dụng hoàn toàn IFRS này đã mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của  BCTC và IFRS - được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch - sẽ “chắp thêm cánh”/tấm vé thông hành cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.[4]
            Tại Việt Nam, Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) bao gồm 26 chuẩn mực, được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) theo nguyên tắc phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và tình hình các doanh nghiệp tại Việt Nam, giữa VAS và IAS/IFRS vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. VAS còn nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo, như việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa có hướng dẫn cụ thể và sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống là nhiều khoản mục trên BCTC lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu, nhưng lập theo VAS được ghi theo giá gốc điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến trên thực tế của thị trường.[5]
Nhận thấy xu hướng tất yếu áp dụng IFRS, Bộ Tài Chính đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng cập nhật những thay đổi của chuẩn mực quốc tế, tức ban hành VAS/VFRS. Đến năm 2025, Bộ sẽ áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì thực hiện chế độ kế toán dành cho SME.[6] và Bộ cũng đã đồng tổ chức nhiều hội thảo về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS.
Và ngày 7/7/2017, tại Hà Nội, Bộ Tài Chính phối hợp cùng Học viện Ngân hàng, Hội Kế toán công chứng Australia, Hội Kế toán công chứng Anh ACCA và Viện Kế toán công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) đồng tổ chức hội thảo “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới”. Đây là chuỗi hội thảo được diễn ra tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tại Miền Trung và miền Nam hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/6/2017 và tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/6/2017. 
Đến dự hội thảo về phía Bộ Tài chính có sự tham gia của đầy đủ ban lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán – Kiểm toán, bao gồm TS. Vũ Đức Chính – Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, ông Trịnh Đức Vinh, Vụ phó Vụ Chế độ Kế toán – Kiểm toán, PGS.TS Lưu Đức Tuyên, Vụ phó Vụ Chế độ Kế toán – Kiểm toán; Về phía Học viện Ngân hàng có sự tham gia của PGS.TS Lê Văn Luyện – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, TS. Phan Thị Anh Đào – Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán và các thầy cô giáo của Khoa và đại diện các tập đoàn lớn như Bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup. Đây là cuộc hội thảo có quy mô lớn, tại Hà Nội với sự tham gia họp bàn của hơn 200 đại biểu đến từ ba bên: nhà hoạch định chính sách, các trường Đại học, Cao đẳng và các doanh nghiệp lớn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ Bộ Tài Chính, Ngân hàng Thế giới; đại diện các trường đại học có đào tạo về chuyên ngành kế toán – kiểm toán trên toàn miền Bắc như: ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại… và nhiều trường Đại học, Cao đẳng khác đến từ Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên…; cùng với sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup, Công ty Chứng khoán Maritime, Tập đoàn FIT, Deloitte Việt Nam, Tập đoàn Censtaf, Công ty TNHH TMF, Tập đoàn Bảo Việt…[7]
 
Giảng viên Bộ Description: Anchormôn kế toán kiểm toán - Khoa Quản trị kinh doanh tham dự hội thảo

Tài liệu tham khảo:
1.   Cơ hội và thách thức của các kế toán viên khi gia nhập AEC, www.misa.com.vn ngày 5/6/2016.
2.   Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 về việc Phê duyệt chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
3.   Hướng tới chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS, www.baomoi.com ngày 24/7/2016.
4.   Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam, tapchitaichinh.vn /nghiên cứu - trao đổi ngày 26/4/2016.
5.   Một số điểm khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS, hnx.vn /góc doanh nghiệp.
6.   Dọn đường cho chuẩn kế toán IFRS, smarttrain.edu.vn ngày 31/5/2017.
7. http://hvnh.edu.vn/hội-thảo-đổi-mới-phương-pháp-đào-tạo-cập-nhật-giáo-trình-kế-toán-phù-hợp-với-yêu-cầu-cải-cách-tại-các-trường-đại-học-cao-đẳng-.html 07/07/2017
ThS. Hòa Thị Thanh Hương - Khoa Quản trị kinh doanh
 
 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn