Hội nghị - Hội thảo

  Thứ sáu, 10/02/2017 - 11:09:06

Tham luận Triển khai thư viện số tại ĐH Dân lập Hải Phòng - Vấn đề và giải pháp

Trung tâm Thông tin - Thư viện trường vừa tham dự hội thảo khoa học với chủ đề "Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai, ngày 08/02/2017 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài tham luận của Thư viện trường được đăng trong cuốn Sách chuyên khảo của Đại học Quốc gia Hà Nội nhân kỉ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Xin giới thiệu với bạn đọc bản tham luận này.
 Cùng với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của mạng lưới truyền thông và công nghệ thông tin, thư viện số đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay. Thư viện số sẽ trở thành trung tâm thu thập và sản sinh ra nhiều tài nguyên thông tin khác nhau, là cầu nối cho sự trao đổi giữa các thủ thư và bạn đọc, là công cụ khám phá, tìm kiếm và truy xuất thông tin và là mô hình hiện đại nhằm cung cấp những dịch vụ thông tin chuyên biệt ở mức độ cao. Sự xuất hiện của thư viện số (TVS) không chỉ tạo ra một cơ hội mới cho sự phát triển thư viện, mà còn đặt ra những yêu cầu cao hơn trong việc cải tổ những thư viện truyền thống, đặc biệt là phát triển một thư viện theo “phong cách mới”.
Đến năm 2016, Internet đã trải qua quá trình phát triển 45 năm là nền tảng cho sự hình thành của TVS sau này. Hai dự án TVS đầu tiên của nhân loại, “Sáng kiến TVS” của Hoa Kỳ và Chương trình Thư viện điện tử của Anh đã chính thức đem lại hai khái niệm Digital Library - Thư viện số (TVS) và Electronic Library - Thư viện điện tử (TVĐT) cho thế giới. Cả hai khái niệm này được dùng đồng thời trên toàn thế giới trong hai thập kỷ qua và cùng một nội hàm.
1. Khái niệm Thư viện số
Nhiều khái niệm đã được công bố trong giới học giả toàn cầu về thư viện nhằm định nghĩa rõ ràng một thư viện số. Đây là một số khái niệm tiêu biểu về thư viện số:
Một số thành viên Hiệp hội Thư Viện Số Hoa kỳ (Digital Library Federation) đã đưa ra một khái niệm, “Thư viện số là các tổ chức cung cấp tài nguyên, gồm các nhân viên chuyên biệt giúp lựa chọn, tổ chức, cung cấp khả năng truy cập thông minh, chỉ dẫn, phân phối, bảo quản tính toàn vẹn và sự thống nhất của các bộ sưu tập số theo thời gian để đảm bảo làm sao chúng luôn sẵn có để truy xuất một cách dễ dàng và kinh tế nhất đối với một cộng đồng người dùng hoặc một nhóm cộng đồng người dùng” (Raitt, 1999).
Hai học giả người Nga là Sokolova và Liyabev cho rằng thư viện số là một hệ thống phân tán có khả năng lưu trữ và tận dụng hiệu quả các loại tài liệu điện tử khác nhau, mà giúp người dùng có thể truy cập và được chuyển giao thông tin dễ dàng qua mạng máy tính (Xiao, 2003).
Và theo Wikipedia, thư viện số hay thư viện trực tuyến là thư viện mà ở đó các bộ sưu tập được lưu trữ dưới dạng số (tương phản với các định dạng in, vi dạng, hoặc các phương tiện khác) và có thể truy cập bằng máy tính. Nội dung số có thể được lưu trữ cục bộ hoặc truy cập từ xa qua mạng máy tính. Thư viện số là một loại hệ thống truy hồi thông tin - Information Retrieval System. Các công nghệ hiện nay cho phép xử lý hiệu quả các nguồn lưu trữ thông tin dưới dạng kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi nguồn thông tin ở dạng tín hiệu tương tự (analog) đến dạng tín hiệu số (digital) được gọi là số hóa.
Thu vien dien tu DH Dan lap Hai Phong
Hình 1.1: Mô hình thư viện số
Mặc dù có sự khác nhau về lý giải trong nhiều khái niệm, nhưng những khái niệm này lại tương tự nhau về mặt bản chất cốt yếu. Vì vậy, từ những khái niệm trên chúng ta có thể rút ra những đặc điểm khác biệt của thư viện số bao gồm:
- Khả năng lưu trữ khối lượng lớn tài nguyên thông tin khác nhau;
- Khả năng lưu trữ và chuyển giao tài nguyên thông tin bằng nhiều phương tiện khác nhau;
- Khả năng chuyển giao tài nguyên thông tin qua mạng;
- Khả năng quản lý tài nguyên thông tin phân tán;
- Khả năng chia sẻ thông tin ở cấp độ chuyên biệt cao;
- Có công nghệ tìm kiếm và truy xuất thông minh; 
- Cung cấp dịch vụ thông tin không giới hạn thời gian và không gian.
Chính những ưu việt trên đã khiến cho thư viện số là một hướng phát triển bắt buộc của thư viện các trường đại học. Tuy vậy trong quá trình triển khai vào thực tế, mỗi thư viện lại có cách thức riêng, phương án riêng phù hợp với đặc điểm, điều kiện, quy mô cũng như nguồn lực từng trường. Thông qua bài tham luận này, Thư viện trường Đại học Dân lập Hải Phòng trình bày về các thực trạng cũng như một số vấn đề, khó khăn đã gặp trong việc xây dựng, triển khai thư viện số tại trường. Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được đề cập trong bài tham luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, góp phần trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để phát triển thư viện số nhanh, phù hợp, tiết kiệm với nguồn lực có hạn?”
2. Thực trạng và một số vấn đề về Thư viện số tại Đại học Dân lập Hải Phòng
Cách đây hơn 10 năm, khi mà những cụm từ như “số hóa”, “thư viện số”, “sách số”, “sách điện tử”,…còn khá xa lạ với độc giả của thư viện truyền thống, thì Trung tâm Thông tin thư viện trường Đại học dân lập Hải Phòng (ĐHDL HP) dưới sự hỗ trợ của nhà trường, đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai thư viện số.
Bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về mã nguồn mở, đầu năm 2008 các cán bộ quản trị mạng đã ứng dụng thành công phần mềm mã nguồn mở Dspace. Đến tháng 4 cùng năm đó, Thư viện điện tử HPU (Đại học Dân lập Hải Phòng) đã chính thức ra mắt bạn đọc trong và ngoài trường. Năm 2011, 2015 Thư viện số Dspace HPU phiên bản 3.0 và 5.5 lần lượt ra mắt trên cơ sở nâng cấp từ bản cũ với nhiều tính năng hơn, khả năng tương tác và chia sẻ dữ liệu cũng tốt hơn.
          Với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, tài liệu được số hóa, cập nhật thường xuyên với nhiều tài liệu giá trị, Thư viện số Dspace được bạn đọc đánh giá rất cao. Hàng năm Thư viện số Dspace HPU thu hút trên 220.000 lượt tìm kiếm và trên 156.000 lượt download. Tháng 2 năm 2016, Webometrics - một trang chuyên xếp hạng các học viện, trường đại học trên thế giới, trong đó có phân mục thư viện điện tử - đánh giá ở vị trí số 1 các thư viện điện tử của Việt Nam là niềm tự hào của trường ĐH Dân lập Hải Phòng, trong đó có các cán bộ thư viện. Trước đó, tháng 2/2015 Thư viện số HPU xếp thứ 2 Việt Nam và đã có bước tiến đáng kể 2 lần liên tiếp đứng vị trí thứ nhất Việt Nam kể từ tháng 7/2015 đến nay.
         Để đạt được những thành công đó, thư viện HPU cũng gặp không ít những khó khăn, và có 3 thách thức mà các thư viện nào cũng phải đối diện: a) Bản quyền tài liệu số, b) Sự thay đổi thói quen đọc và sự suy giảm văn hóa đọc, c) Nguồn lực có hạn.
         2.1 Bản quyền tài liệu số
        Trong thời đại kỹ thuật số, tài liệu dạng số (bao gồm các tài liệu dạng sách, bài báo - tạp chí, lời bài hát, cơ sở dữ liệu, chương trình máy tính, tác phẩm âm nhạc, bản vẽ kiến trúc, ảnh, chương trình phát thanh và truyền hình…) là đối tượng của luật bản quyền. Hoàn toàn không giống như một cuốn sách bạn có thể mua, sở hữu và cho phép bạn đọc tiếp cận, bản quyền tài liệu số tạo ra những rào cản nhất định đối với người đọc.   
        Bất kỳ một thư viện nào khi triển khai cơ sở dữ liệu điện tử và đưa lên mạng, cung cấp cho bạn đọc, câu hỏi đầu tiên được đặt ra bao giờ cũng là: Làm gì để không vi phạm bản quyền? Với mục đích phi lợi nhuận, Thư viện HPU chưa bao giờ có khái niệm triển khai thư viện số để thu lợi nhuận, mà với tôn chỉ là cung cấp tài liệu nghiên cứu tốt nhất cho cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Tuy vậy ngày 22/3/2013, Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã nhận được công văn số 04/CV-NXB TT của Nhà xuất bản Tri Thức thông báo rằng đã vi phạm bản quyền khi công khai các tài liệu liên quan đến vấn đề Tôn giáo. Cụ thể là bộ sưu tập 200 - Tôn giáo trong thư viện số Dspace, bạn đọc trong và ngoài trường không cần tài khoản cũng có thể download được tài liệu. Lỗi xảy ra khi HPU tiến hành quá trình chuyển đổi hệ thống tài khoản của toàn bộ sinh viên trong trường, tạo kẽ hở cho bạn đọc không nằm trong đối tượng phục vụ của Nhà trường cũng có thể download tài liệu của Nhà xuất bản Tri Thức.
       Ý thức được việc này, sau khi nhận được công văn trên, ngay lập tức thư viện đã tiến hành hủy bỏ khả năng download từ hệ thống của trường đối với các tài liệu của Nhà xuất bản Tri Thức và thư viện trường đã phải có thư giải thích và bày tỏ sự xin lỗi đến nhà xuất bản Tri thức.
       Đơn giản hơn, thư viện chỉ có thể cung cấp những tài liệu của thư viện. Vậy tài liệu nào là của thư viện? - Tài liệu nội sinh. Hiện nay, bạn đọc có thể thấy thư viện HPU chia sẻ toàn bộ các cơ sở dữ liệu nội sinh từ các bài báo khoa học, nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án tiến sỹ của sinh viên và giảng viên là bản quyền tài liệu của nhà trường. Hay nói 1 cách khác, vấn đề tài liệu số nội sinh lại đóng vai trò quyết định.
       Ngoài việc cung cấp tài liệu nội sinh thư viện cũng chuyển hướng đến các tài nguyên giáo dục mở (OER). Hiện nay, tài nguyên giáo dục mở đã được báo trước như là một cách cung cấp sự truy cập tới các tài nguyên giáo dục thích hợp. Việc xây dựng kho học liệu mở sẽ giúp ích cho việc đóng góp, chia sẻ và tái sử dụng các nội dung, tài liệu diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Thuận lợi của OER đó là không vướng mắc vấn đề bản quyền. Thư viện hy vọng rằng việc phát triển hệ thống “Học liệu mở” sẽ giúp cho trường hoàn thiện hơn việc áp dụng học chế tín chỉ, nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy để từ đó chất lượng giáo dục dần dần hoà nhập được với các tiêu chuẩn quốc tế.
        2.2 Văn hóa đọc
         Một khó khăn không thể không nhắc đến, đó là làm sao để thay đổi cách thức đọc của sinh viên và giảng viên trong trường. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng Internet và các phương tiện nghe, nhìn. Thời gian mà sinh viên hiện nay dành nhiều cho lướt facebook, hay truy cập zalo tán gẫu với bạn bè nhiều hơn thời gian đọc sách hay đi thư viện tìm kiếm tài liệu. Chính vì vậy, sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để tìm trong đó những kiến thức phục vụ cho việc tự học và nghiên cứu khoa học. Có thể nói sự thụ động trong văn hóa đọc đã và đang làm nghèo tri thức, tâm hồn và văn hóa của sinh viên, làm sinh viên ngày nay sống nhiều trong thế giới ảo, thiếu lí tưởng, ước mơ và hoài bão, xa rời cuộc sống thực tế. Hệ thống thư viện buộc phải thay đổi để phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ thông tin, thời kỳ của cách mạng số. Thư viện bây giờ, đóng vai trò bộ lọc nhiều hơn, nhưng phải là bộ lọc tích cực, trong đó ngăn chặn các thông tin “ảo”, bổ sung thêm thông tin, trích lựa thông tin giúp bạn đọc nhanh chóng tiếp cận được những thông tin hữu ích. Riêng phần này trong đề xuất giải pháp chúng tôi sẽ làm rõ thêm.  
       2.3 Giới hạn nguồn lực
       Xét về khía cạnh nguồn lực của thư viện có thể tạm chia thành 2 nhóm, con người và cơ sở vật chất. Nói đến cơ sở vật chất thì thư viện nào cũng mong muốn có được cơ sở vật chất tốt hơn, đầy đủ hơn. Ngay trong các quy định cũng không xác định tỷ lệ nguồn thu dành cho thư viện là bao nhiêu mà hay gói gọn trong chi phí hành chính. Điều này gây khó khăn cho quá trình tự chủ của các thư viện, dẫn tới cơ chế xin cho trong khối. Tuy nhiên vậy trong những năm gần đây nhiều thư viện đã được quan tâm, được đầu tư nhiều hơn, đơn cử như thư viện Tạ Quang Bửu, Thủy Lợi, trung tâm học liệu Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ...
        Tuy vậy, theo chúng tôi nguồn lực con người mới đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng của thư viện. Để đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, của thói quen, của văn hóa đọc, thì khó có thư viện nào có cơ sở vật chất đáp ứng ngay lập tức. Chỉ khi phát huy được tối đa nguồn lực con người, các thư viện mới có cơ hội phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu người đọc. Với những khó khăn nêu trên, trong phần 3 chúng tôi đề xuất 02 giải pháp nhằm phát triển thư viện số.
       3. Giải pháp
       Qua kinh nghiệm thực tiễn thư viện đã trải qua, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
       3.1 Liên kết các thư viện và chia sẻ nguồn lực
       Khi nguồn lực hạn chế, giải pháp khả dĩ nhất là sử dụng nguồn lực người khác. Trong kinh doanh có câu “tiền của người khác”, có lẽ thư viện cũng phải có câu “tài liệu của người khác”. Chính với sự phát triển của công nghệ, cơ hội này càng phát triển. Nếu giả thử các thư viện đều “Mở đối với nhau, nguồn lực của thư viện này được chia sẻ cho thư viện khác, bạn đọc của thư viện này cũng là bạn đọc của thư viện khác thì thư viện đâu thiếu nguồn lực, đâu thiếu tài liệu?

Bên cạnh đó việc trao đổi giữa các đơn vị, dưới sự lãnh đạo của hiệp hội sẽ giúp các đơn vị đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tránh được các bài học xương máu, các bước đi sai lầm đáng tiếc như của thư viện HPU đã gặp.

3.2 Sử dụng và tiết kiệm nội lực

Đến bây giờ thư viện HPU vẫn phải tiến hành biên mục sách, bài báo - một  công việc định kỳ, nhàm chán, buồn tẻ. Và chúng tôi cũng tin chắc rằng có rất nhiều cán bộ thư viện cũng đang làm đúng công việc như chúng tôi đang làm, đúng quyển sách, đúng bài báo chúng tôi đang biên mục. Đó là một sự phí phạm thực sự về nguồn lực. Nếu giả thử khi nhập tài liệu, mọi thư viện đều đã có sẵn phần biên mục, chỉ cần tiến hành xếp giá và đưa vào lưu thông, có phải sách, tài liệu sớm đến tay bạn đọc hơn không?

Vậy công việc của thư viện làm gì? Có lẽ nên định nghĩa lại thư viện là nơi trích lựa thông tin, bổ sung thông tin, tổ chức thông tin. Và đối tượng tài liệu mà chúng ta nên tập trung quan tâm nhiều nhất, đó là tài liệu nội sinh của chính thư viện đó, trường học đó. Phát triển tài liệu nội sinh, tôn trọng luật bản quyền, truy cập mở có lẽ là hướng đi chủ đạo của thư viện trong thời kỳ số hóa này. Còn hướng đi mua tài liệu, cung cấp cho bạn đọc, thu phí sử dụng - những công việc đó có lẽ giống khối thương mại nhiều hơn.   

3.3 Mở và phát triển học liệu mở

Chúng tôi hiểu rằng nói dễ, làm khó, có một số điểm mà chúng tôi nghĩ có thể làm ngay được như : Tiêu chuẩn hóa, sử dụng đồng bộ các giải pháp về phần mềm, cơ sở dữ liệu. Liên kết các thư viện để có ưu thế đàm phán với các nhà cung cấp, các “quỷ lùn sáng chế”. Bộ giáo dục và đào tạo có thể phát triển các kho dữ liệu dùng chung, mua bản quyền tài liệu sau đó chia sẻ cho các thư viện. Cuối cùng chúng tôi mong muốn các đơn vị có thể chia sẻ phần “của tôi” để có thể tăng thêm phần “ của chúng ta”, “của xã hội”, “của đất nước”.

Mong rằng chúng ta, mỗi con người có hai bàn tay nhỏ bé nhưng có một trái tim nhiệt huyết sẽ biến những công việc của nghề thư viện là một nghề đáng mơ ước - đúng như cái tên mà chúng ta vẫn nói “những con người gìn giữ và phát triển tri thức nhân loại”. Để sau này các con, cháu chắt chúng ta được hưởng một nền giáo dục và các thành tựu vượt bậc của cha ông chúng ta trên dải đất hình chữ S cũng như trên toàn thế giới ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Theo tạp chí The Electronic Library, Vol. 23 No. 4, 2005, pp. 433-441, ISSN: 0264-0473

2.      Phạm Thế Khang ( 2002 ). Tiếp tục đổi mới hoạt động nghiệp vụ thư viện nhằm phục vụ tốt hơn cho xã hội, cho bạn đọc. Tập san thư viện, số 4 tr 3-13. 

3.      TS. Nguyễn Hoàng Sơn. Thư viện số: Hai thập kỷ phát triển trên thế giới, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển cho Việt Nam

 

Trung tâm Thông tin - Thư viện

 

 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn