Nghiên cứu khoa học

  Thứ ba, 29/09/2015 - 17:00:07

Đổi mới phương pháp dạy và học: Nhìn từ ba quan điểm khác nhau

Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập từ lâu đã được trao đổi thảo luận sôi nổi trên các hội thảo, diễn đàn xã hội với rất nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Dân lập Hải Phòngvề vấn đề này. Ba quan điểm về dạy và học trao đổi trong bài phỏng vấn có thể giúp chúng ta tự nhìn nhận và định hướng rõ hơn trong việc đổi mới dạy và học.
Hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 và công văn số 3333/BGDĐT-GDĐH ngày 2/7/2015. Cả 2 văn bản này đều nhấn mạnh đến yêu cầu giảng dạy và đánh giá kết quả học tập ở bậc đại học cần hướng đến các chuẩn đầu ra đã công bố. Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, ý kiến của Tiến sĩ về yêu cầu này thế nào?
TS. Nguyễn Tiến Thanh: Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo của BCH Trung ương. Bởi vì nếu các hoạt động giảng dạy và đánh giá kết quả học tập không hướng đến chuẩn đầu ra, không giúp sinh viên đạt được các năng lực đã công bố thì các chuẩn đầu ra đó vẫn đơn thuần chỉ là những “khẩu hiệu” của một ngành đào tạo, của một môn học nào đó thôi.
Hỏi: Vậy làm thế nào để đảm bảo việc giảng dạy và đánh giá kết quả học tập đều hướng đến các chuẩn đầu ra đã công bố?
TS. Nguyễn Tiến Thanh: Để đảm bảo điều đó thì rất nhiều việc phải làm vì nó liên quan đến toàn bộ quá trình đào tạo. Nhưng điểm quan trọng nhất là các nhà quản lý và các giảng viên cần tự đánh giá và thống nhất được quan điểm về mục đích của việc dạy và học. Giáo sư John Biggs một chuyên gia giáo dục hàng đầu của thế giới đã chia việc giảng dạy thành 3 quan điểm theo cấp độ từ thấp đến cao, tùy theo mục đích mà người giảng viên hướng tới trong quá trình dạy học.
Hỏi: Tiến sĩ có thể tóm lược những nét cơ bản về 3 cấp độ đó được không?
TS. Nguyễn Tiến Thanh.:Vâng, được chứ ạ!
Giảng viên ở cấp độ 1 cho rằng học tập là quá trình thu nhận thông tin “chuẩn mực” đã được đúc kết thành sách. Họ thường cho rằng trách nhiệm cơ bản của một giảng viên là biết rõ nội dung môn học và truyền đạt lại một cách chính xác. Giảng viên ở cấp độ này hay nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các sinh viên, nhấn mạnh đến việc sinh viên là người thế nào, so sánh giữa sinh viên này với sinh viên khác; họ thường phân chia sinh viên thành 2 nhóm là nhóm giỏi và nhóm kém. Họ cho rằng sinh viên phải có trách nhiệm chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ, đọc hết các tài liệu được giảng viên giao, ghi nhớ tất cả những gì đã nghe, đã đọc. Dưới quan điểm đó, họ tin rằng sự khác biệt về kết quả học tập giữa các sinh viên với nhau là do sự khác biệt giữa các cá nhân sinh viên; vì thế, nếu sinh viên không học được là do sinh viên thiếu ý thức, lười nhác, thiếu năng lực, có thái độ và động lực học tập kém vv... còn giảng viên không thể làm gì hơn. Theo quan điểm này thì “đổi mới” cơ bản nên là chỉnh sửa và bổ sung thêm nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình ở các cấp học.
Giảng viên ở cấp độ 2 cho rằng học tập là quá trình thu nhận sự hiểu biết từ giảng viên. Với quan niệm đó, người ta hay nhấn mạnh đến việc giảng viên làm gì trong khi giảng dạy để truyền đạt lại những hiểu biết của mình cho sinh viên; giảng viên là người chịu trách nhiệm chủ yếu về kết quả học tập của sinh viên. Mặc dù giảng dạy vẫn còn được coi như quá trình truyền đạt thông tin, nhưng giờ đây “thông tin” không còn mang tính “rời rạc” như ở cấp độ 1 nữa, mà là sự lý giải về những khái niệm, kiến thức hay nội dung cụ thể. Ở cấp độ này, các kỹ năng sư phạm như quản lý lớp học tốt, nói to và rõ ràng, sử dụng power point thành thạo, có kỹ năng giao tiếp tốt vv... được đặc biệt coi trọng và là mục tiêu cốt lõi của “đổi mới”. Giảng viên càng nắm chắc nội dung môn học và sử dụng hiệu quả kỹ năng sư phạm thì càng được đánh giá cao và thường được ví như một nhà hùng biện.
Giảng viên ở cấp độ 3 cho rằng học tập là quá trình tự kiến tạo kiến thức; vì thế họ rất quan tâm đến trải nghiệm của sinh viên trong quá trình học tập. Thông tin, các khái niệm, sự lý giải vv… về một chủ đề nào đó giờ đây được xem như là nguyên liệu để người học xây dựng nên những ý nghĩa thiết thực cho bản thân mình. Các kỹ năng sư phạm chỉ có nghĩa khi các kỹ năng đó giúp sinh viên phát triển các năng lực bản thân như đã công bố ở chuẩn đầu ra. Câu hỏi thường hay được đặt ra nhằm đánh giá sự “đổi mới” sẽ là “các hoạt động học tập của sinh viên hướng đến các chuẩn đầu ra của môn học, của ngành đào tạo được hỗ trợ ở mức độ tối đa hay chưa?”. Giảng viên ở cấp độ này sẽ không ca thán rằng “tôi đã dạy nhưng sinh viên không học”. Sinh viên làm gì trong quá trình học tập để đạt được những năng lực cần thiết luôn được quan tâm hàng đầu và được thể hiện trong việc xây dựng và triển khai đề cương chi tiết môn học. Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên giờ đây được coi là cơ hội để sinh viên học tập, hơn là chỉ để phân loại sinh viên. Trong quá trình học tập, sinh viên tự kiến tạo nên hiểu biết, năng lực và kỹ năng riêng cho mình dưới sự hỗ trợ của giảng viên, bạn học và những người khác. Giảng viên giỏi là người biết thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động dạy/học giúp người học phát triển và đạt được các năng lực cần thiết cho nghề nghiệp và cuộc sống của họ.John Biggs gọi cách thức tổ chức giảng dạy như vậy là Constructive Alignment, tạm dịch là đồng kiến tạo. 
Ba cấp độ giảng dạy trên được mô tả bằng một video clip có thuyết minh tiếng Việt và có thể xem trực tiếp dưới đây:

Hỏi: Đúng là mỗi cấp độ trên đều được hình thành bởi một triết lý giáo dục riêng. Với phân tích trên, trường Đại học Dân lập Hải Phòng đang theo đuổi quan điểm nào? Ở cương vị phụ trách công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường, Tiến sĩ có thể cho biết Nhà trường đã và đang làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học?
TS. Nguyễn Tiến Thanh:
Vâng, trước hết xin trân trọng cảm ơn Đại Sứ quán Australia, thông qua quỹ Small Grant Scheme đã hỗ trợ Nhà trường khởi động công cuộc đổi mới giảng dạy và học tập theo thuyết đồng kiến tạo của John Biggs. Đến nay Nhà trường đang xây dựng các đề cương chi tiết các môn học dựa trên quan điểm này và bắt đầu triển khai giảng dạy từ học kỳ I năm học 2015-2016. Vì đây là quá trình thay đổi về nhận thức và quan điểm giáo dục nên chặng đường phía trước chắc chắn là vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
 Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Trần Đức Nga
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn