Góc trao đổi

  Thứ hai, 11/04/2016 - 09:53:04

Bệnh Quai bị

Bệnh quai bị đã được Hippocrates mô tả vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Quai bị là một bệnh nhiễm cấp tính do Paramyxovirus gây nên, làm viêm các tuyến nước bọt mang tai. Bệnh có trên toàn thế giới và chỉ xuất hiện ở người.

Bệnh thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ, trại lính.

1.     Lứa tuổi và giới dễ bị nhiễm quai bị

Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10 – 19. Quai bị gây miễn dịch bền vững dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.

2.     Sự lây truyền bệnh quai bị

Quai bị lây theo đường hô hấp qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Thời gian lây từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2- 3 tuần.

3.     Biểu hiện của quai bị

Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14- 24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, kém ăn, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đầy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi trùng. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc. bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.

Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượngcó khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau:

(1). Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn:

Có tỷ lệ 20 – 35% ở nguòi sau tuổi dậy thì. Biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7- 10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù  như một sợ dây thừng. Tình trạng viên và sốt kéo dài 3- 7 ngày, sau đó khoảng 1/2 trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

(2). Nhồi máu phổi:

Là tình trạng có vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến trứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

(3). Viêm buồng trứng:

Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh.

(4). Viêm tụy:

Có tỷ lệ 3%- 7% là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp.

(5). Các tổn thương thần kinh”

- Viêm não có tỷ lệ 0,5% . Bệnh nhân có các hiện tượng như: Thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy.

- Tổn thương thần kinh sọ não: Dẫn đến điếc, mù

- Viêm tủy sống cắt ngang.

- Viêm đa rễ thần kinh

(6). Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai:

- Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng.

- Bị quai bị trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

(7). Một số biến chứng khác:

Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời trong 10- 20 ngày), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Vì viêm tuyến mang tai còn có thể gây ra do các virus khác (Coxackie, Influenza), do vi trùng (Staphylococcus aureus), do tắc ống dẫn tuyến vì sỏi; và viêm tinh hoàn còn có thể do lao, Leptospirose, lậu nên trong một số trường hợp khó chẩn đoán, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm như:

-   Phân lập virus từ máu dịch họng, dịch tiết từ ống Stenon, nước tiểu hay dịch não tủy.

-   Các phản ứng huyết thanh học: Test ELISA, miễn dịch huỳnh quang, trung hòa bổ thể.

4.     Điều trị

-    Cho mọi bệnh nhân:

Cách ly bệnh nhân 2 tuẩn kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ nuốt, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấp vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol.

-    Trường hợp viêm tinh hoàn:

a.   Mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau.

b.   Dùng Corticid đúng liều, quan trọng nhất là liều dùnglớn khi khởi đầu (60mg Prednisolon), sau đó giảm dần trong 7- 10 ngày.

c.    Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều.

5.     Phòng bệnh

Phòng bệnh quai bị chủ động với vaccin, thường kết hợp với phòng sởi và Rubell (Trimovax, MMR). Không nên tiêm vaccin cho trẻ dưới 1 tuổi ( tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường tập thể, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi), phụ nữ có thai, người có dị ứng với thuốc chủng, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch (Corticid, thuốc điều trị ung thư), người đang điều trị với tia phóng xạ

Số lần tiêm:

-   Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng, lần 2 từ 4- 12 tuổi.

-   Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 từ 4- 12 tuổi.

-   Phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virus quai bị mà chưa được tiêm vaccin trước đó.

-  Bệnh quai bị đã được Hippocrates mô tả vào thế kỉ thứ V trước công nguyên. Quai bị là một bệnh nhiễm cấp tính do Paramyxovirus gây nên làm viêm các tuyến nước bọt mang tai. Bệnh có trên toàn thế giới và chỉ xuất hiện ở người.

Bệnh thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học, trại lính.                                                                       

Theo sách Hướng dẫn công tác y tế, giáo dục thể chất hoạt động thể thao và phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường – Nhà xuất bản Lao động năm 2015

 

 

 

 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn