Đào tạo

  Thứ ba, 08/12/2015 - 00:15:42

Thực tế tại Nha Trang - Đà Lạt: Chuyến hành trình ấn tượng của sinh viên Khoa Du lịch

Nằm trong chương trình đào tạo cử nhân Văn hóa du lịch, trong 4 ngày từ 21 đến 24/11/2015, được sự cho phép của Nhà trường, Khoa Du lịch đã tổ chức cho 40 sinh viên của lớp VH1601 và VHC1001 đi thực tế môn học Thực hành Quản trị kinh doanh lữ hành tại hai thành phố du lịch nổi tiếng xinh đẹp và tiêu biểu của cả nước - Nha Trang và Đà Lạt.

 

Đây là chuyến đi xa nhất từ trước đến nay mà các bạn sinh viên Khoa Du lịch được trải nghiệm, cũng là chuyến đi đầu tiên có sử dụng phương tiện vận chuyển hiện đại bằng máy bay nên ngay từ khi bắt đầu môn học, các bạn đã tỏ ra vô cùng háo hức và mong đợi. Toàn bộ khâu chuẩn bị, lên thiết kế chương trình tour, mua vé máy bay giá rẻ cho cả đoàn, liên hệ và đặt dịch vụ tới các nhà cung cấp… đều do các nhóm sinh viên phân công nhau thực hiện. Quá trình thực tế sau đó đã chứng minh, những công tác mà các bạn đã tiến hành đó đã đáp ứng tốt được yêu cầu môn học, và sau khi tốt nghiệp, các bạn hoàn toàn có đầy đủ kĩ năng để tổ chức một chương trình du lịch hoàn chỉnh.


Sinh viên thực hành làm thủ tục check-in tại Sân bay Nội Bài cho cả đoàn


Ngày đầu tiên của chuyến hành trình, đoàn thực tế đã xuất phát từ Khách sạn sinh viên trường Đại học Dân lập Hải Phòng bằng phương tiện ô tô để di chuyển đến sân bay Nội Bài. Sau khi làm thủ tục check in và kết thúc chuyến bay kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, đoàn đã có mặt tại sân bay Cam Ranh. Thành phố biển Nha Trang chào đón những người con vùng biển Hải Phòng bằng một cơn mưa phùn dịu nhẹ và không khí thoáng đãng, trong lành. Ngày đầu tiên cũng kết thúc bằng một buổi tối vui vẻ tự do khám phá chợ đêm, khám phá ẩm thực Nha Trang, khám phá phố Tây với hệ thống nhà hàng san sát của người ngoại quốc, đặc biệt là người Nga cũng như được dạo chơi và ngắm biển Nha Trang về đêm.


Ngày thứ hai, đoàn khởi hành đi thăm Viện Hải dương học. Tại đây, lần đầu tiên các bạn đã được chiêm ngưỡng những loài sinh vật biển tiêu biểu của Nha Trang cũng như của cả nước được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo; được nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu những kiến thức quí báu về đời sống và tập tính của chúng, đồng thời được ngắm một bộ sưu tập các tiêu bản của các loài cá, các loài san hô và rất nhiều sinh vật biển khác.


Sinh viên nghe giới thiệu về các loài sinh vật biển tại Viện Hải dương học


Rời Viện hải dương học, Đoàn tham quan Tháp Bà Ponagar - nơi thờ nữ thần Po Inu Nagar - Bà mẹ xứ sở của đồng bào Chăm. Đây là ngôi tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 12, chính vì vậy nơi đây còn lưu giữ được những giá trị to lớn về mặt kiến trúc, cũng như đời sống tâm linh và văn hóa nghệ thuật của người Chăm. Trong khuôn viên cổ kính của Tháp Bà, các bạn sinh viên cũng được chiêm ngưỡng những điệu múa Chăm uyển chuyển hòa trong tiếng trống Para nưng sôi động, cùng những tác phẩm gốm chăm và tranh cát do bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân dân gian tạo tác nên. Có một điều thú vị, đến với Nha Trang không thể bỏ qua một đặc sản du lịch của Nha Trang đó là tắm bùn. Và các bạn sinh viên đã hào hứng tham gia trải nghiệm loại hình dịch vụ này để tích lũy thêm kinh nghiệm cho nghề nghiệp hướng dẫn viên của mình sau này.


Chụp ảnh kỷ niệm


và chăm chú nghe giới thiệu thuyết minh tại Tháp Bà Ponagar


Cũng nổi tiếng như tắm bùn, đến Nha Trang không thể không ghé khu du lịch Hòn ngọc Việt - Vinpearn Land. Các bạn sinh viên quả thực đã có một ngày trải nghiệm tuyệt vời với cả hai khu vui chơi trong nhà và ngoài trời. Hầu hết các bạn đều cố gắng tham gia những trò chơi phù hợp với mình, trong đó không thiếu những trò chơi mạo hiểm và mang tính thử thách cao. Khu công viên nước cũng là một điểm vui chơi thỏa thích không thể bỏ qua với những bạn ưa cảm giác mạnh và yêu thích tắm biển.


Sinh viên háo hức khám phá với trò chơi tại Vinpearl Land


Ngày thứ ba đoàn rời Nha Trang để đến với thành phố ngàn hoa nằm trên cao nguyên Langbiang huyền thoại. Trên đường đi đoàn ghé thăm chùa Long Sơn - một thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang. Thật may mắn cho thầy trò chúng tôi, đồng hành trong toàn bộ chuyến tham quan tại Nha Trang lần này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của cô giáo Bùi Thị Hải Yến - một trong những cựu giảng viên vô cùng tâm huyết của Khoa Du lịch, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Cô Hải Yến cũng là một trong những giáo viên đã cất công lặn lội từ Hà Nội về để tham gia giảng dạy cho sinh viên ngành Văn hóa du lịch của trường ngay từ những khóa đầu tiên. Toàn bộ sinh viên từ khóa 5 đến khóa 12 của khoa Du lịch hiện nay đều vinh dự được cô giảng dạy và đều đã trưởng thành từ bàn tay dìu dắt của những người thầy, người cô tận tình như cô. Đến Nha Trang, chúng tôi đã được chào đón nồng hậu tại Khách sạn Glory Dragon do chính cô làm chủ, toàn bộ dịch vụ ăn, ở của đoàn đều được tiết kiệm hơn nhờ sự hỗ trợ của cô. Hơn tất cả, tại chùa Long Sơn, cô đã tình nguyện trở thành “hướng dẫn viên đặc biệt” của cả đoàn. Bằng sự hiểu biết của mình, cô Hải Yến đã không chỉ giới thiệu cho các bạn sinh viên biết về sự hình thành và phát triển của ngôi chùa, mà còn cung cấp cho các bạn rất nhiều thông tin bổ ích về Phật giáo ở Việt Nam và sự khác biệt trong kiến trúc thờ tự Phật giáo giữa ba miền. Chia tay cô, thầy trò chúng tôi đều lưu luyến và mang theo niềm biết ơn vô hạn. Và cũng hy vọng rằng: năm sau và những năm sau nữa chúng tôi lại có dịp quay trở lại mảnh đất Nha Trang hiếu khách và lại được gặp lại cô, lại được cô giúp đỡ và được nghe cô chia sẻ, dạy dỗ như ngày nào.


Cô giáo Bùi Thị Hải Yến giới thiệu cho cả đoàn về Chùa Long Sơn


Đà Lạt tháng 11 chào đón chúng tôi bằng màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ cũng như của trăm loài hoa đua nhau khoe sắc khác. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc say mê bất tận tại Vườn hoa trung tâm, tại Thung lũng tình yêu, được thả mình về giữa thiên nhiên tại Thác Datanla, hồ Xuân Hương, được ngắm những nét kiến trúc độc đáo của Ga Đà Lạt và Nhà thờ Con Gà,... Ai cũng đã lưu giữ lại cho mình những shot hình đẹp, những nụ cười sảng khoái bay bổng và một cảm nhận chân thực về Đà Lạt - quả thực là một nơi khiến người ta mê, ta say!


Đoàn thực tế chụp ảnh kỷ niệm trước Vườn hoa thành phố Đà Lạt


Thung lũng tình yêu


Ga Đà Lạt - Công trình kiến trúc độc đáo


Ghé thăm Dinh Bảo Đại - tận hưởng vẻ đẹp thơ mộng lãng mạn và khí hậu trong lành tuyệt vời, chúng tôi mới hiểu vì sao ngày xưa vua bảo Đại - vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta lại chọn nơi đây để xây dựng biệt điện và hầu hết thời gian, ông cùng gia đình đều sinh sống và làm việc tại đây, chứ không phải kinh đô Huế. Cùng với Dinh Bảo Đại, XQ sử quán - một không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo được những người nghệ nhân của nghề thêu truyền thống thổi hồn cũng là một điểm dừng chân vô cùng ấn tượng đối với du khách khi ghé thăm Đà Lạt. Đây là một điểm tham quan do một doanh nghiệptư nhân đầu tư để quảng bá nghề thêu, nhưng bằng bàn tay, khối óc của những người nghệ sĩ, đã góp phần lưu giữ cái cốt cách tinh hoa của người Đà Lạt nói riêng và người Việt nói chung.


Không gian của XQ - Đà Lạt sử quán


Từ sân bay Liên Khương, chúng tôi lên máy bay để trở về Hà Nội. Nha Trang nắng vàng và Đà Lạt mờ sương như níu giữ tâm hồn mỗi bạn trẻ. Chắc chắn rằng sau này nhiều người trong chúng tôi sẽ còn quay lại những nơi này, nhưng không phải với tư cách của những du khách như lần này mà là những hướng dẫn viên - những người đưa đường cho khách du lịch đến với những nẻo đường tươi đẹp của Tổ quốc. 

ThS. Phạm Hoàng Điệp



♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn