Thành tích nổi bật

  Thứ tư, 18/11/2015 - 08:41:51

Đổi mới giáo dục đại học: Những người tiên phong ở Đại học Dân lập Hải Phòng

Gần 200.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam chưa có việc làm là con số đang làm cho cả xã hội lo lắng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đã được nhiều chuyên gia phân tích. Nhưng ai sẽ là những người tiên phong có thể làm cho con số này giảm xuống?
Con số gần 200.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đang làm cho cả xã hội phân vân về ý nghĩa của một tấm bằng đại học hay thạc sĩ. Hiếm có học sinh nào khi lựa chọn một trường đại học mà không tự hỏi: Tốt nghiệp trường này liệu mình có rơi vào số 200.000 người thất nghiệp đó hay không?
Để sinh viên tốt nghiệp không thất nghiệp thì chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với thực tế nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp; quan trọng hơn nữa là từng chuẩn đầu ra đó đều phải được cụ thể hóa thành các hoạt động dạy và học ở mỗi lớp môn học. Cả hai việc này đều vô cùng quan trọng, nhưng lại vô cùng khó khăn đối với các trường đại học, như đã được tổng kết tại cuộc Tọa đàm về Chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 6/11/2015 vừa qua.
Trong bối cảnh đó, Đại học Dân lập Hải Phòng của chúng ta đã có định hướng đúng, khởi động sớm và có được những kết quả bước đầu khả quan. 44 Đề cương chi tiết (ĐCCT) môn học theo chuẩn AUN-QA đã được nghiệm thu giai đoạn 1, trong số đó có 11 ĐCCT đã được tổ chức giảng dạy ở học kỳ I này. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về đổi mới phương pháp giảng dạy theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trong công cuộc đổi mới này, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều Thầy Cô giáo không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đương đầu với thử thách, dám bỏ lối mòn cũ để chuyển sang khai phá một con đường mới.
Người tiên phong trong việc xây dựng ĐCCT môn học theo các chuẩn đầu ra là cô Nguyễn Thị Thanh Thoan, khoa Công nghệ thông tin. ĐCCT môn Phân tích thiết kế hệ thống thông tin quản lý của Cô đã được các khoa, bộ môn trong toàn trường lấy làm tài liệu tham khảo để xây dựng ĐCCT môn học khác. Đang phải giảng dạy tới 3 môn, cho 7 lớp ở học kỳ này, sức khỏe lại có phần hạn chế nhưng Cô vẫn bố trí thời gian để tư vấn đóng góp ý kiến giúp nhiều giảng viên khác hoàn thiện ĐCCT môn học của mình. Phản biện cho 24 ĐCCT môn học của các ngành khác là một việc chịu rất nhiều áp lực, nhưng những ý kiến đóng góp xây dựng của Cô luôn được Hội đồng nghiệm thu Nhà trường và nhiều giảng viên đánh giá cao.
Cũng là một người tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Vũ Thị Thanh Hương, khoa Du lịch đã sớm hoàn thành ĐCCT môn học Lịch sử tôn giáo theo chuẩn AUN-QA. Những nét văn hóa, giáo lý của các tôn giáo, tín ngưỡng của con người được sinh viên tìm hiểu, phân tích thông qua trải nghiệm thực tế tại các nhà chùa, nhà thờ chắc chắn sẽ giúp các em tự tin hơn nhiều khi tổ chức các hoạt động cho du khách tham gia các chuyến du lịch tín ngưỡng sau này. Giảng dạy 4 môn cho 5 lớp ở học kỳ I là một khối lượng không nhỏ, nhưng Cô vẫn quyết tâm triển khai thực hiện ĐCCT mới ngay từ đầu năm học.
Không phải là người giảng dạy các môn chuyên môn của một ngành nào đó, nhưng thầy Ngô Quốc Hưng, Bộ môn Giáo dục Thể chất, là một trong số các giảng viên đã xây dựng và triển khai giảng dạy thành công ĐCCT môn Bóng đá cho 5 lớp ở học kỳ vừa qua. Cách thức giảng dạy mới, có tính khoa học cao và hướng đến sinh viên nhiều hơn đã giúp sinh viên rất hào hứng trong học tập và tập luyện các động tác kỹ thuật đá bóng. Không khí thật là thân thiện và gần gũi giữa thầy và trò trong giờ thi, sự tham gia của chính học trò vào cương vị giám khảo và cũng là tư vấn cho các bạn khác trong khi thi đã mang đến không khí cực kỳ khác biệt. Chính điều đó đã giúp giờ kiểm tra của Thầy nhận được nhiều lời khen của các thầy cô giáo trong bộ môn và Lãnh đạo các phòng ban chức năng của Nhà trường khi đến dự giờ.
Một người vẫn thường nhận được nhiều sự tin cậy của đồng nghiệp và sinh viên là cô Phạm Thị Hoàng Điệp, giảng viên khoa Du lịch. Mặc dù đảm nhiệm 8 lớp với 4 môn học khác nhau, đang phải xây lại nhà ở, nhưng Cô vẫn quyết tâm sớm hoàn thành ĐCCT môn học Phong tục, tập quán và lễ hội Việt Nam theo chuẩn AUN-QA và triển khai giảng dạy ngay ở học kỳ I vừa qua. Có tham dự giờ giảng, giờ thi của lớp Cô đảm nhiệm mới thấy được sự hào hứng, sôi nổi, sáng tạo của sinh viên khi thực hiện bài thi theo cách thức mới. Tranh nhau đóng ý kiến, tranh nhau phản biện về giải pháp giúp Lễ Hội Hoa phượng đỏ của Hải Phòng hấp dẫn hơn với du khách dưới nhiều góc độ khác nhau, từ các Nhà quản lý du lịch đến các công ty và người hướng dẫn viên du lịch, với hàng chục cánh tay giơ lên làm cho không khí trong giờ thi trở nên cực kỳ sôi động mà lại rất thân thiện. Những sản phẩm văn hóa khá tinh tế có thể bán hoặc tặng cho du khách khi đến tham dự Lễ hội do chính tay sinh viên làm giúp cho phần trình bày của các em có sức cuốn hút không ngờ. Nhờ có các tiêu chí đánh giá rõ ràng mà cả Cô và các trò đều khá thống nhất với nhau về điểm chấm cho từng nhóm và từng cá nhân sinh viên. Kết thúc dự giờ của Cô, ai cũng thầm nghĩ: Cô rất xứng đáng là người đã từng đoạt giải nhất Hội thi giảng viên giỏi toàn trường.
Vâng, không quản ngại khó khăn và thách thức, chính các Thầy Cô cùng với nhiều giảng viên khác của Nhà trường đã và đang cố gắng nỗ lực không mệt mỏi để làm cho mỗi người chúng ta thêm tự hào về nghề nghiệp đã chọn; làm cho mỗi sinh viên thêm tin tưởng và tự hào hơn về ngôi trường này; làm cho cả xã hội tin rằng nơi đây đáng là nơi gửi gắm con em của mình.
Tự hào về các Thầy Cô - Những con người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục đại học!
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc các Thầy Cô luôn mạnh khỏe!
                       TS. Nguyễn Tiến Thanh
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn