Tin tức

  Thứ năm, 28/11/2013 - 10:50:25

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhân dịp đầu năm (ngày 1/1/2009), Báo Hải Phòng; có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ, NGƯT Trần Hữu Nghị- Bí thư Đảng Ủy- Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Website của trường trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

Thưa GS, GS hiểu thế nào về nguồn nhân lực chất lượng cao?

-   Trước hết, nên làm rõ khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi nếu hiểu một cách đơn giản, chỉ thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS mới là nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Người công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ trung cấp hay kỹ sư, cử nhân nếu được sử dụng đúng ngành nghề đào tạo, thỏa mãn, đáp ứng yêu cầu tốt nhất công việc của cơ sở sản xuất, cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài nước, đó cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS nếu đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, đó cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, từ công nhân tới tiến sĩ nằm trong hệ thống đào tạo những người hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất, sáng tạo và hoàn hảo nhất- ta gọi đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nói một cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao không đồng nghĩa với học hàm, học vị cao.

- Thưa GS, những việc cần làm để có nguồn nhân lực chất lượng cao?

 -    Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết đòi hỏi lãnh đạo từ các trường công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng đến Đại học phải có định hướng, mục tiêu rõ ràng về sản phẩm của mình đào tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu gì cho xã hội hôm nay và để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Khi ấy cả hệ thống giáo dục- đào tạo cũng góp phần cung cấp nguồn nhân lực nhằm thỏa mãn nhu cầu xã hội và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Làm được điều đó đòi hỏi nhiều công sức, bên cạnh trách nhiệm của nhà lãnh đạo, cần xây dựng quy trình, quy chế, quy định để tất cả mọi người kế cả người được đào tạo, phải có trách nhiệm tham gia quá trình này. Mỗi học viên phái xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, thái độ học tập để tự giác học tập tránh gian dối trong thi cử, có ý thức tự học ở nhà, ở trường và ở mọi nơi. Học để thành nghề, đáp ứng không chỉ yêu cầu về chính trị chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức hành nghề mà cả kỹ năng giao tiếp (bằng ngoại ngữ), trình độ tin học văn phòng quốc tế và kỹ năng làm việc đồng đội.

Chỉ có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao khi có sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các thầy giáo, nhà lãnh đạo, CBCNV phục vụ trong nhà trường và học viên. Trong quá trình đào tạo này, người thầy là yếu tố quyết định. Người thầy không chỉ nhiệt tình, tận tâm mà phải không ngừng học tập, học suốt đời, dạy học theo phương pháp mới, lấy người học làm trung tâm, gợi mở giúp người học nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo một cách có hiệu quả để dạy cho học sinh cách học biết phân tích, biết tổng hợp, biết tự nghiên cứu và tạo cho sinh viên biết đam mê với nghề nghiệp. Mặt khác, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần có sự đầu tư tương xứng cho nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận thế giới bên ngoài.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi tầm nhìn chiến lược của các tập đoàn, các tổng công ty, các nhà máy sản xuất và các doanh nghiệp trung ương và thành phố với việc định hướng phát triển ngành nghề trong tương lai gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, có thể coi như cần có “đơn đặt hàng” cho các trường đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể với những tiêu chí cần thiết phải có của từng loại cán bộ để cung cấp cho sản xuất. Có như vậy, mới phát huy hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 - Xin cám ơn GS!.

(Phương Anh đưa tin từ Báo HP - số ra ngày 1-1-2009)

 

♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn