Thư viện

  Thứ sáu, 09/12/2016 - 08:10:47

Thư mục Tạp chí Kinh tế và phát triển số 232 năm 2016

Trung tâm Thông tin Thư viện trân trọng giới thiệu Thư mục Tạp chí Kinh tế và phát triển số 232 năm 2016
1.Phân tích tác động của ODA và FDI lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam/ Nguyễn Hoàng Thụy Bích Trâm, Quách Doanh Nghiệp// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.2-10
Tóm tắt: Bài nghiên cứu áp dụng phương pháp kiểm định giới hạn phân phối trễ tự hồi quy (ARDL) để ước lượng tác động dài hạn và ngắn hạn của viện trợ nước ngoài (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2015. Kết quả hồi quy cho thấy ODA đem lại tác động âm lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nhưng mang lại tác động dương trong dài hạn. Bài nghiên cứu cũng tìm thấy khi ODA tăng 1% thì tăng trưởng kinh tế sẽ là 0.4%. Đồng thời, không tìm thấy bằng chứng thực nghiệm cho thấy tác động của FDI lên tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì chúng thể hiện tác động dương và có ý nghĩa thống kê.
Từ khóa: FDI; ODA; Tăng trưởng kinh tế; Việt Nam
2.Mô hình định giá tài sản với nhân tố rủi ro thông tin tại Việt Nam/ Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Lan// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.11-18
Tóm tắt: Trên cơ sở các nghiên cứu trước đây về tác động của bất cân xứng thông tin đến lợi suất kỳ vọng, bài viết xây dựng và kiểm định một mô hình định giá tài sản với nhân tố rủi ro thông tin cho các cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình được xây dựng theo cách tiếp cận danh mục mô phỏng nhân tố (Factor Mimicking Portfolio) của Fama & French (1992, 1993). Nhân tố rủi ro thông tin được xác định dựa trên đo lường trực tiếp mức độ bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và thị trường theo phương pháp của Botosan (1997). Kết quả cho thấy nhân tố rủi ro thông tin được đưa vào mô hình giải thích được biến động của lợi suất cổ phiếu phù hợp với lý thuyết. Bài viết cũng nêu bật hàm ý của kết quả này đối với các thành phần liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ khóa: Bất cân xứng thông tin; Lợi suất cổ phiếu; Mô hình đa nhân tố
3.Sử dụng hồi quy số liệu mảng đa bậc nghiên cứu vai trò của xuất khẩu và đào tạo lao động trong chuyển dịch cơ cấu lao động nội ngành tại Việt Nam/ Nguyễn Thị Minh, Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Thảo, Đỗ Phương Lan// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.19-27
Tóm tắt: Bài viết này sử dụng cách tiếp cận mới, trong đó sử dụng mô hình số liệu mảng đa bậc để nghiên cứu vai trò của một số yếu tố lên sự dịch chuyển lao động nội ngành, được đo bằng chỉ số Lilien. Sau khi tính toán chỉ số Lilien cho các ngành cấp 1 và theo 64 tỉnh, chúng tôi đã xây dựng mô hình số liệu mảng đa bậc nhằm đánh giá tác động của các yếu tố lên sự dịch chuyển lao động nội ngành trong giai đoạn 2010-2014. Kết quả cho thấy trong giai đoạn này, dịch chuyển lao động nội ngành diễn ra rất khác nhau giữa các ngành cũng như giữa các địa phương. Và xuất khẩu cũng như đào tạo lao động có những đóng góp đáng kể cho quá trình dịch chuyển nội ngành này.
Từ khóa: Dịch chuyển cơ cấu lao động nội ngành; Mô hình số liệu mảng đa bậc; Đào tạo lao động
4.Mô hình cân đối liên ngành mở rộng- Ứng dụng trong phân tích thu nhập và việc làm của nền kinh tế/ Nguyễn Mạnh Toàn, Ông Nguyên Chương// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.28-38
Tóm tắt: Bài viết giới thiệu cơ sở lý thuyết của mô hình cân đối liên ngành mở rộng và ứng dụng vào đo lường, phân tích sự tác động của việc thay đổi tiêu dùng cuối cùng về sản phẩm của một ngành kinh tế đến thu nhập của người lao động, số lượng việc làm trong ngành đó cũng như ảnh hưởng của nó đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế. Sử dụng bảng I/O năm 2012 của Việt Nam (vừa được Tổng cục Thống kê công bố năm 2015) và các số liệu liên quan khác để xác định các nhân tử sản lượng, thu nhập và việc làm của 14 ngành kinh tế. Kết quả cho thấy ngành Xây dựng và ngành Thủy sản có khả năng tạo ra sự thay đổi lớn nhất đối với sản lượng, đồng thời cũng tác động lớn đến sự gia tăng thu nhập của hộ gia đình và tạo việc làm cho nền kinh tế. Từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Mô hình cân đối; Nhân tử sản lượng; Nhân tử thu nhập; Nhân tử việc làm; Việt Nam
5.Ước lượng tác động của Hiệp định TPP đến một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội ngành ô tô Việt Nam giai đoạn 2016- 2028/ Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Khắc Minh// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.39-48
Tóm tắt: Nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội trong ngành ô tô là: thiệt hại doanh thu của chính phủ, mất của người sản xuất, tình trạng thất nghiệp của công nhân, lợi ích của người tiêu dùng và phúc lợi xã hội. Chúng tôi sử dụng mô hình cân bằng riêng để phân tích hành vi của người sản xuất và tiêu dùng ô tô trong nước và ước lượng tác động của Hiệp định TPP dựa trên lộ trình giảm thuế quan từ 2016 - 2028 đến 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Kết quả ước lượng chỉ ratác động tích cực và tiêu cực của TPP đến người tiêu dùng nội địa và doanh nghiệp ô tô trong nước. Sau khi TPP ký kết, thiệt hại của chính phủ từ thuế và nhà sản xuất tăng hơn 10 lần. Xã hội cũng phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng. Người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất và phúc lợi xã hội tăng gần 60.000 tỷ VND từ năm 2016 đến năm 2028.
Từ khóa: TPP; Mô hình cân bằng riêng; Độ co giãn thay thế; Độ co giãn riêng và chéo; Độ co giãn của cung; Ngành ô tô
6.Tác động của chính sách cổ tức tiền mặt đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam/ Đinh Bảo Ngọc, Nguyễn Chí Cường// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.49-59
Tóm tắt: Nghiên cứu tập trung xác định tác động của chính sách cổ tức tiền mặt đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu bảng dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 95 công ty niêm yết trong giai đoạn 2008-2013 (bao gồm 554 quan sát). Ứng dụng mô hình ảnh hưởng cố định (FEM) và mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM), nghiên cứu đã chỉ ra tác động thuận chiều của cổ tức chi trả trên mỗi cổ phần (DPS) và tác động nghịch chiều của tỷ suất cổ tức (DY) đến giá cổ phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng xác định được một số nhân tố nội sinh doanh nghiệp như khả năng sinh lợi (ROA), quy mô, cơ hội tăng trưởng và cấu trúc vốn có tác động đến giá cổ phiếu doanh nghiệp.
Từ khóa: Chính sách cổ tức tiền mặt; Giá cổ phiếu; Dữ liệu bảng; Mô hình ảnh hưởng cố định; Mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên
7.Nghiên cứu về ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu nhà nước tới hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp xây dựng niêm yết/ Lê Đức Hoàng, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Phùng Châu, Nguyễn Hoàng Anh// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.60-68
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về mối quan hệ giữa sở hữu của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trong giai đoạn từ năm 2008-2013. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sở hữu Nhà nước tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết và sở hữu Nhà nước đạt mức tối ưu tại mức 30,3%. Kết quả của nghiên cứu là căn cứ để lập kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Từ khóa: Hiệu quả hoạt động; Sở hữu nhà nước; Sở hữu nhà nước tối ưu
8.Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin liên quan đến rủi ro của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam/ Nguyễn Thị Phương Hồng, Lê Hoàng Trung// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.69-76
Tóm tắt: Nghiên cứu này được đặt ra để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin liên quan đến rủi ro trong báo cáo thường niên của 199 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết tại Việt Nam năm 2013. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 9 nhân tố được khảo sát, có 7 nhân tố: Tính độc lập của hội đồng quản trị, cỡ hội đồng quản trị, loại công ty kiểm toán, tỉ số nợ, ngành nghề, nơi niêm yết, quy mô doanh nghiệp và khả năng thanh khoản có tác động đến mức độ công bố thông tin liên quan đến rủi ro. Ngoài ra, bài viết gợi ý chính sách cụ thể hóa nội dung thông tin liên quan đến rủi ro trong báo cáo thường niên nhằm nâng cao mức độ công bố thông tin phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay, góp phần đảm bảo tính trung thực và hợp lí cho người sử dụng thông tin của doanh nghiệp.
Từ khóa: Thông tin; Nhân tố ảnh hưởng; Rủi ro
9.Tổng quan về quản lý rủi ro trong nông nghiệp: Vận dụng cho nuôi tôm ven biển/ Nguyễn Thị Minh Thu, Trần Đình Thao// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.77-84
Tóm tắt: Quản lý rủi ro trong nông nghiệp trên thế giới hướng tới giảm thiểu rủi ro thông qua giảm tần suất xuất hiện và giảm nhẹ tác động của rủi ro được đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh và suy thoái môi trường,… quản lý rủi ro nuôi tôm ven biển của Việt Nam nên quan tâm tới: Kiểm soát đầu vào, đổi mới kỹ thuật nuôi, cải thiện môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh, hình thành nhóm nuôi cộng đồng, khuyến ngư, cảnh báo rủi ro, phát triển bảo hiểm, hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất–tiêu thụ… hướng tới sản phẩm an toàn và tính bền vững trong nuôi tôm.
Từ khóa: Rủi ro; Quản lý rủi ro; Nông nghiệp; Nuôi tôm
10.Quản lý môi trường của các khu vực làng nghề thủ công tre nứa ghép xuất khẩu: Hiện trạng và giải pháp/ Trương Đình Đức, Nguyễn Trung Tuấn, Đoàn Minh Khoa// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.85-92
Tóm tắt: Quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế của nước ta đã thúc đẩy quá trình giao thương hàng hóa với thế giới bên ngoài. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh và tất yếu dẫn đến sự tác động mạnh đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên. Để đảm bảo quá trình phát triển bền vững, cần thiết phải có sự đánh giá hiện trạng môi trường đã và đang bị tác động như thế nào, hiện trạng của công tác quản lý môi trường ở địa phương, nhằm giúp cho các lãnh đạo có cơ sở ra quyết định. Các thông tin về trạng thái môi trường và diễn dịch chúng thành dạng dễ hiểu là những thông tin rất cần thiết cho các cán bộ quản lý ra quyết định. Trong bài viết này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá hiện trạng quản lý môi trường của các khu vực làng nghề thủ công tre nứa ghép xuất khẩu trên địa bàn xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Dựa trên các thông tin thu thập được, chúng tôi đã sử dụng mô hình DPSIR để đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường của địa phương, nhằm hỗ trợ các nhà quản lý trong quá trình ra quyết định.
Từ khóa: Bảo vệ môi trường; làng nghề tre nứa ghép; phát triển bền vững; mô hình DPSIR
11.Thiết lập mô hình hàm cầu về nước tưới cho cây trồng và tính toán thử nghiệm cho cây lúa vùng đồng bằng sông Hồng/ Nguyễn Thế Chinh, Nguyễn Thị Yến// Tạp chí Kinh tế và Phát triển .- Số 232 .- 10/2016 .- Tr.93-100
Tóm tắt: Nước tưới có vai trò đặc biệt quan trọng trong nông nghiệp của hầu hết các quốc gia. Ở các quốc gia khô hạn, giá trị của nước tưới được tính theo từng đơn vị nước nhỏ nhất. Việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước cho cây trồng là điều cần thiết để đạt năng suất lúa tối đa. Do các hoạt động sử dụng nước ngày càng nhiều, nước sử dụng cho tưới có chi phí cơ hội lớn và các hoạt động cạnh tranh tăng lên. Nếu nước tưới được áp giá thì cầu về nước tưới trong nông nghiệp sẽ giảm xuống. Nghiên cứu này nhằm xây dựng hàm cầu kinh tế của nước tưới dựa vào mối liên hệ của nước và năng suất cây trồng với ràng buộc giữa lượng cầu và giá nước và giá cả nông sản. Vấn đề này đã được phát triển bởi các nghiên cứu trên thế giới, nhưng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện ở Việt Nam. Mô hình lý thuyết cũng được thí nghiệm với cây lúa ở đồng bằng sông Hồng để kiểm chứng sự phù hợp của mô hình.
Từ khóa: Cầu nước; Nước tưới; Lúa; Mô hình; Nước; Cây trồng
Trung tâm Thông tin Thư viện
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn