Nói về chúng tôi

  Thứ bảy, 22/11/2014 - 01:43:46

Một tình yêu thương đích thực

Từ “một tình yêu đích thực”, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị và Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Trần Thị Mai là những người có công đầu trong việc đưa trường Đại học Dân lập Hải Phòng trở thành một địa chỉ đào tạo tin cậy cho con em thành phố và cả nước. Nhà văn Vũ Hoàng Lâm - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng trong tập bút ký và truyện ngắn “Mùa xuân đến sớm” do NXB Hải Phòng vừa ấn hành quý 4 năm 2014 đã có bài viết về người thầy đáng kính - Giáo sư Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị với tựa đề “Một tình yêu thương đích thực”. Nhân tháng tôn vinh nghề dạy học và người dạy học, xin trân trọng giới thiệu bài viết này như một lời tri ân sâu sắc của các thế hệ hệ học trò tới những thầy của mình - những người đưa đò thầm lặng.

Ông bà GS.TS. NGƯT Trần Hữu Nghị - TS.NGƯT Trần Thị Mai, hai trí tuệ đẳng cấp cùng góp sức xây dựng nên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

Ông bà cùng Hội đồng Giáo dục đặt nhiệm vụ “tung cánh ước mơ” cho lớp lớp sinh viên

Giáo sư Trần Hữu Nghị nhận “Cúp Vàng thương hiệu Việt - Ứng dụng Khoa học và công nghệ năm 2011”

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa trường Đại học Dân lập Hải Phòng, trường Đại học Asiae University và trường Đại học kinh doanh quốc tế IBUS - Đan Mạch
 
Một tình yêu thương đích thực
Hội nghị Ban Chấp hành Hội khuyến học thành phố Hải Phòng họp tại trường Đại học Dân lập Hải Phòng, nhân dịp này tôi có dịp tiếp xúc với Giáo sư - Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị và Tiến sĩ Trần Thị Mai - vợ của Giáo sư. Trong không khí thân mật tôi nói:
-   Giáo sư ạ, có một thời kỳ Giáo sư là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng Hải, nhưng chức danh đó rồi cũng sẽ bị lãng quên. Các học hàm, học vị và danh hiệu Nhà giáo ưu tú của Giáo sư cũng sẽ lẫn trong hàng chục, hàng trăm người khác. Nhưng với chức danh người sáng lập, chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng, Giáo sư đã tổ chức cho hơn 8.000 sinh viên hàng năm học tập, với 93% số sinh viên ra trường đã có công ăn việc làm, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt, giám đốc của các công ty, thì hàng ngàn gia đình, hàng chục ngàn gia đình…biết ơn Giáo sư, thành phố Hải Phòng ghi công của Giáo sư, và trong Lịch sử Giáo dục Hải Phòng tên của Giáo sư sẽ được viết với những dòng trang trọng. Trên mảnh đất thuộc vùng trũng của xã Dư Hàng Kênh, nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Giáo sư đã xây dựng một trường Đại học mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã nhìn thấy tầm cao của ngôi trường đó.
Giáo sư Trần Hữu Nghị mỉm cười, giọng nhẹ nhàng:
-   Thời gian giảng dạy ở trường Đại học Hàng Hải, tôi thấy có nhiều sinh viên điểm đầu vào thấp, nhưng đến năm thứ hai trở đi, bỗng vượt hẳn lên. Thành phố Hải Phòng có biết bao học sinh có tư chất, có khát vọng học tập mà do hoàn cảnh chưa đi học được. Nếu có thêm một trường Đại học ở ngay Hải Phòng đón các em, chắc có nhiều tài năng được phát triển…
-   Và từ đó, một ý tưởng nhân hậu đã được hình thành.
Giáo sư tiếp lời:
-   Tôi bày tỏ ý tưởng thành lập trường Đại học Dân lập Hải Phòng với các đồng chí lãnh đạo thành phố. Các đồng chí đó đều bày tỏ sự nhiệt thành ủng hộ, và hứa tạo điều kiện để trường sớm được ra đời.
-   Tôi đã được đọc trong kỷ yếu 5 năm thành lập trường, Giáo sư đã thành lập Hội đồng sáng lập. Với uy tín của Giáo sư nên nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều người có uy tín về mặt khoa học, có khả năng lãnh đạo khoa học, các nhà hoạt động kinh tế đã tham gia Hội đồng sáng lập.
-   Và cũng phải kể đến sự hỗ trợ có hiệu quả của bạn bè từ Trung ương đến địa phương, đã giúp chúng tôi về mặt thủ tục, cho nên sự ra đời của trường Đại học đã tiến triển với tốc độ rất khẩn trương. Ngày 3 tháng 4 năm 1997, ý tưởng thành lập trường, ngày 24 tháng 9 năm 1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cho phép thành lập trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Tới ngày 29 tháng 9 năm 1997, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân đã ký quyết định về việc công nhận Giáo sư Trần Hữu Nghị là Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Và ngày 4 tháng 1 năm 1998 trường Đại học Dân lập Hải Phòng khai giảng khóa 1.
-   Như vậy là chỉ trong 9 tháng, ý tưởng thành lập ngôi trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã thành hiện thực. Từ đó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị đã dành tất cả kinh nghiệm, tâm huyết, trí tuệ của mình để đặt nền móng cho ngôi trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Và cũng từ đó, Giáo sư đã bộc lộ một tài năng lãnh đạo, tài năng chỉ đạo dạy, học và tài năng quản lý một ngôi trường Đại học thật tuyệt vời. Đã hai lần Giáo sư được tặng danh hiệu Nhà Quản lý giỏi.
Câu chuyện tạm dừng. Hội nghị đã bắt đầu. Sau lời khai mạc của ông Chủ tịch Hội khuyến học, Giáo sư - Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị đọc lời chào mừng và giới thiệu đôi nét về hoạt động của trường.
Kết thúc Hội nghị, Giáo sư - Hiệu trưởng thay mặt nhà trường mời các đại biểu ăn bữa cơm thân mật. Các đầu bếp của nhà trường đã thết đãi các đại biểu một bữa ngon. Trong không khí thân mật, tôi nói:
-   Thưa quý đại biểu, trong bữa ăn hôm nay, người ăn ngon nhất chính là Giáo sư - Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị.
Một người hưởng ứng:
-   Mười lăm năm xây dựng ngày một bền vững trường Đại học Dân lập Hải Phòng, trong lòng phấn khởi, Giáo sư ăn ngon là đúng.
Tôi tiếp lời:
-   Còn một lý do nữa mà chắc nhiều bạn ở đây không biết. Năm 1954 anh Trần Hữu Nghị, 16 tuổi, là một thanh niên từ Quảng Ngãi ra tập kết được bố trí tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa. Trong khi các công nhân khác gánh trên vai hai sọt đá, thì anh Nghị gánh 4 sọt. Ban ngày gánh đá công trường, tối về anh Nghị dạy bổ túc văn hóa cho anh em trong đội, và tranh thủ học thêm. Làm sao anh lại có sức khỏe và làm việc dẻo dai như vậy. Anh Nghị đã ăn thêm cà chua tươi. Đó cũng là một nguồn năng lượng giúp anh đủ sức khỏe để lao động năng suất cao trên công trường. Năm 1958, anh Nghị đỗ vào trường Trung cấp Giao thông. Đến năm 1960 anh được cử đi du học ở Liên Xô. Sau 5 năm, anh tốt nghiệp được chuyển tiếp làm luận án Tiến sĩ về “động lực tàu thủy”.
Một người nói thêm:
-   Chính vì Giáo sư đã qua những ngày gian khổ ấy mà ngày nay Giáo sư nghĩ nhiều đến những sinh viên nghèo.
Rồi mỗi người một chuyện. Họ kể về cô sinh viên Đồng Thị Nga, con của cựu chiến binh bị nhiễm chất độc màu da cam.
…Một ngày cuối năm 1998, thầy Hiệu trưởng nhận được một lá thư của một phụ huynh. Ông cũng tưởng lá thư bình thường như bao lá thư khác. Nhưng đọc thư rồi, ông bần thần đọc lại, tưởng mình không đọc hết được lá thư. Người cha của sinh viên năm thứ nhất tên là Nga – một của cựu chiến binh bị nhiễm chất độc màu da cam. Anh kể rằng con gái anh sinh ra trong nỗi bất hạnh của gia đình. Những lớp vảy sừng bao bọc làn da con gái, thường xuyên chảy nước và rỉ máu. Gia đình cho con đi học cũng không dám mơ có ngày con gái mình được đỗ vào trường đại học. Nay Nga đã vượt qua kỳ thi đỗ vào trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Bệnh tật, hoàn cảnh gia đình anh thật khó khăn, anh viết thư xin thầy Hiệu trưởng thương xót quan tâm giúp đỡ để con anh vượt qua mặc cảm, vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho con gái anh được học tập cho đến ngày tốt nghiệp…Lá thư không có địa chỉ, cũng không nói em sinh viên đó học ở khoa nào, tên đầy đủ là gì. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị đã tìm trong 5.000 sinh viên của mình cô sinh viên đó. Em tên Đồng Thị Nga, sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị kinh doanh…Các bạn biết không, cô sinh viên Đồng Thị Nga ấy đã được Giáo sư Trần Hữu Nghị miễn toàn bộ học phí trong 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, Đồng Thị Nga đựợc nhà trường tuyển làm giáo viên và được cấp tiếp một học bổng 70 triệu đồng góp phần đưa cô giáo Đồng Thị Nga sang du học lớp thạc sĩ tại Malaixia. Nay cô giảng viên đã lập gia đình và sinh một đứa con kháu khỉnh.
Một người khác nói về quỹ “Học bổng Hữu Nghị”. Hàng năm Giáo sư Trần Hữu Nghị cấp 20 suất học bổng cho học sinh Hải Phòng, cấp liên tục từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi năm một triệu hai trăm ngàn đồng, với điều kiện em học sinh đó liên tục giữ danh hiệu học sinh giỏi. Và ông cũng cấp 20 suất học bổng cho học sinh quê hương ông.
Lại một người nói về Khách sạn sinh viên. Năm 2006 sinh viên ăn ở Nhà ăn với hai nghìn đồng một bữa ăn, với cơm ăn đủ no, còn thức ăn chọn ba món trong số mười món của nhà ăn.
Nhưng ít ai biết rằng Giáo sư Trần Hữu Nghị là người con của xóm É, Cù Lao, Bình Chánh. Gia đình anh làm nghề chài lưới, hàng ngày anh phải ra bãi biển vác mái chèo, đội buồm từ biển về Cù Lao. Sức nặng cứ ngày này qua ngày khác đè trên đầu anh làm cho người anh không cao lên được. Song anh không coi đó là điều quan trọng. Anh nghĩ rằng điều quan trọng là mình có mang lại lợi ích cho người khác hay không. Mà điều đó ngay từ khi còn là học trò, anh đã được mọi người quý trọng vì tấm lòng của anh luôn dành cho những người trong hoàn cảnh khó khăn.
Trước khi chia tay, tôi gặp lại Giáo sư Trần Hữu Nghị .
-  Thưa Giáo sư, trong 15 năm gây dựng nên những thành công của trường Đại học Dân lập Hải Phòng, chắc Giáo sư đã phải giải quyết những khó khăn. Xin Giáo sư kể cho tôi nghe một trường hợp đáng nhớ nhất.
Trầm ngâm giây lát, Giáo sư Trần Hữu Nghị trả lời:
-   Khi nào có thời gian mời anh tới thăm trường tôi sẽ kể anh nghe nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Còn bây giờ tôi kể khó khăn thứ nhất trong công tác chỉ đạo của tôi. Đó là cuối năm học thứ nhất, Phòng Giáo vụ báo cho tôi có 600 sinh viên thuộc diện phải lưu ban, xin ý kiến của Hiệu trưởng.
Tôi nói nhỏ:
-   Vì năm đó khi trường ta tổ chức thi tuyển thì các học sinh khá đã được tuyển vào các trường đại học rồi.
Giáo sư vẫn tiếp tục:
-   Nếu 600 sinh viên này không trở lại trường, họ sẽ đi đâu? Đáng lẽ họ sẽ trở thành kỹ sư, cử nhân, nay không nghề nghiệp biết đâu chả có em sa ngã… Nhưng lòng nhân hậu không được phép hạ thấp phẩm giá con người, cho nên sau một đêm mất ngủ, tôi đã quyết định 600 sinh viên lưu ban. Quyết định rồi tôi thật là lo lắng về số phận của 600 con người. Đến ngày tập trung năm học mới, 590 em đã trở lại trường xin được lưu ban. Nhìn các em trở lại trường, tôi sung sướng như thấy con cháu mình từ nơi xa trở về.
-   Như vậy từ quyết định ban đầu đó, khẩu hiệu “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường” là một khẩu hiệu có sức mạnh thực hiện, và khẩu hiệu thứ hai “Học thật, thi thật để ra đời làm thật” có sức giáo dục học sinh.
Tôi nói thêm:
-   Dạy dỗ con người để khi bước vào đời, họ sẽ làm việc bằng chính khối óc của mình, làm việc bằng chính đôi tay yêu quý của mình, yêu quý cuộc đời bằng chính trái tim mình, trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã đem đến cho sinh viên của mình một tình yêu đích thực.
Ngày nay, con đường hẻo lánh của xóm 1 xã Dư Hàng Kênh xưa, nườm nượp người đi, mang tên mới ĐƯỜNG DÂN LẬP. Từ con đường này, hàng ngàn, rồi sẽ hàng trăm ngàn con người đi qua, sẽ đi qua vào giảng đường trường Đại học mà khi bước ra họ trở thành những con người có tầm vóc mới, có năng lực mới đủ sức làm chủ cuộc đời mình, đủ sức đóng góp vào sự phát triển của xã hội, họ sẽ biết ơn Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị đầy tình yêu thương con người đã mang lại cho họ một niềm tin, một hy vọng, một tình yêu thương đích thực. Con đường đó sẽ mang tên ĐƯỜNG TRẦN HỮU NGHỊ.
Hải Phòng, ngày 2 tháng 9 năm 2012
                                                                                                  Vũ Hoàng Lâm
 
 
♦ Ý kiến của bạn
Chia sẻ :

Địa chỉ: Số 36 - Đường Dân Lập - Phường Dư Hàng Kênh - Quận Lê Chân - TP Hải Phòng
Điện thoại: 0225 3740577 - 0225 3833802 -- Fax: 0225.3740476 Email: webmaster@hpu.edu.vn