Tài liệu

Thứ bảy, 18/05/2024 - 15:59:00

Bài trích Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ từ số 17 đến số 20 năm 2015

Trung tâm Thông tin thư viện trân trọng giới thiệu !
I. TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ SỐ 17 NĂM 2015
1. Một số vấn đề khi thực hiện tính vốn cho rủi ro thị trường theo Basel II/ Nguyễn Thị Quỳnh Liên// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 22
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Dự thảo thông tư Basel II: “Để xác định vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng quy định, quy trình nội bộ để xác định rõ trạng thái rủi ro trên sổ kinh doanh đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý rủi ro thị trường của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”
Từ khóa: Rủi ro, thị trường, vốn, Basel II.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất/ Trần Thị Kim Oanh// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 24
Những nhược điểm, vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng TTLT số 20: (i) Chưa có quy định chi tiết việc thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với một số tài sản đặc biệt như nhà ở, cây trồng lâu năm và một số tài sản khác gắn liền với đất. (ii) Chưa có hướng dẫn cụ thể về những giấy tờ phải nộp để chứng minh đối với đối tượng được miễn lệ phí theo chính sách khi họ có nhu cầu đăng ký thế chấp.
Từ khóa: quyền sử dụng đất, tài sản, thế chấp, quy định.
3. Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh cho lao động Việt Nam khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN/ Bùi Quý Thuấn// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 26
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối hợp tác kinh tế khu vực sẽ được thành lập từ cuối năm 2015. Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, di chuyển lao động... Trong đó, di chuyển tự do lao động có kỹ năng là một nội dung quan trọng mà dự kiến sẽ tạo nhiều cơ hội, thách thức cho tiến trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 quốc gia thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN trong thời gian tới. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích gắn với quan sát, đánh giá của tác giả đối với sự tham gia của Việt Nam vào AEC trong lĩnh vực tự do hóa lao động có kỹ năng thông qua phân tích thực trạng và đánh giá khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trong AEC, từ đó đưa ra một số giải pháp đối với nguồn lao động Việt Nam trước hội nhập AEC.
Từ khóa: lao động, Việt Nam, cạnh tranh, kinh tế Asean.
4. Giải pháp mở rộng vốn tín dụng ngân hàng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn/ Trịnh Thế Cường// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 31
Để tháo gỡ những khó khăn về đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp, NHNN đã tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối giữa NHTM và doanh nghiệp ở các địa phương để tìm tiếng nói chung, nhằm giải đáp những thắc mắc, khơi thông dòng vốn cho vay. Đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những vướng mắc về chính sách, cơ chế cho vay đã được tháo gỡ bằng quy định mới của Chính phủ. Theo đó, ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2015, thay thế Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 12/4/2010.
Từ khóa: Tín dụng, ngân hàng, nông nghiệp, nông thôn.
5. Phân tích động thái điều chỉnh tỷ giá VND/USD/  Nguyễn Tiến Công// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 34
Lần điều chỉnh tỷ giá này cũng cho thấy việc giữ ổn định tỷ giá của NHNN tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới: (i)Với chính sách ngoại hối và lộ trình quốc tế hóa đồng CNY(2) đây vẫn được xem là những bước đi đầu tiên, bước tiếp theo có thể mở rộng biên độ từ +/- 2% lên +/- 3% trong vài tháng tới. (ii) Diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới có chuyển biến, đặc biệt là tại cuộc họp FOMC tháng 9 và tháng 12 khi chốt thời điểm tăng lãi suất của FED đã đến. Việc điều chỉnh tăng lãi suất của FED chưa có gì là chắc chắn nên yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến đồng VND còn cần tiếp tục theo dõi.
Từ khóa: tỷ giá, ngoại tệ, điều chỉnh.
6. Tham vọng đằng sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ/ Trần Ngọc// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 35
Trung Quốc luôn có tham vọng quốc tế hóa đồng NDT và đưa đồng nội tệ này vào giỏ dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn cho rằng nên trì hoãn việc đưa đồng NDT của Trung Quốc vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế SDR - Quyền rút vốn đặc biệt. Theo IMF, còn rất nhiều vấn đề cần đánh giá trước khi ra quyết định cuối cùng về việc này, và thời hạn trì hoãn có thể kéo dài cho tới tháng 9/2016. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều dự đoán đến năm 2030 đồng Nhân dân tệ (NDT) có thể sánh ngang USD và trở thành một trong những đồng tiền thống trị thị trường thế giới. Bằng chứng là sức ảnh hưởng mạnh mẽ của đồng NDT đối với nền kinh tế toàn cầu sau đợt phá giá vừa qua…
Từ khóa: tiền tệ, Nhân dân tệ, phá giá, Trung Quốc.
7. Kinh nghiệm phân tích khả năng sinh lợi của một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam/ Nguyễn Thị Lệ Hằng// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 17 .- 9/2015 .- Tr. 37
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nào cũng là lợi nhuận. Vì vậy, việc phân tích khả năng sinh lợi đối với các doanh nghiệp là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, do có nhiều cách tiếp cận và quan điểm đánh giá khác nhau về khả năng sinh lợi nên nội dung và phương pháp phân tích về khả năng sinh lợi tại các doanh nghiệp cũng không giống nhau, tùy thuộc vào quan điểm của các nhà phân tích. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến kinh nghiệm phân tích khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp trên thế giới và bài học áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ khóa: khả năng sinh lợi, thế giới, Việt Nam, ngân hàng.
II. TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ SỐ 19 NĂM 2015
1. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử/ Đỗ Hoài Linh, Lê Thanh Tâm// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr.19
Từ cuối những năm 1980, khi Việt Nam chính thức vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường cùng với tiến trình thay đổi cơ cấu và tự do hoá hệ thống tài chính, việc nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là an toàn về vốn bắt đầu triển khai. Gần 30 năm, các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng lần lượt ra đời song hành với sự phát triển của hệ thống tài chính trong nước và các quy định quốc tế.
Từ khóa: vốn, ngân hàng, Việt Nam, lịch sử
2. Gia nhập cộng đồng kinh tế asean: ngân hàng Việt Nam cần chuẩn bị gì?/Nguyễn Thị Diễm Hiền// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr. 25
Theo cam kết của các nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN, ngành ngân hàng sẽ mở cửa vào năm 2015 và đến năm 2020 sẽ mở cửa toàn bộ thị trường, dỡ bỏ mọi rào cản bảo hộ cho ngân hàng trong nước. Trước thềm hội nhập AEC, các ngân hàng từ các quốc gia ASEAN khác như Malaysia, Thailand, Singapore... đang có những động thái tích cực cho việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Bài viết nhằm đánh giá vị thế của hệ thống NHTM Việt Nam trong mối tương quan so sánh với hệ thống ngân hàng của các quốc gia ASEAN qua một số chỉ tiêu liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Từ khóa: ngân hàng, Việt Nam, cộng đồng kinh tế Asean
3. Năng lực tài chính NHTM Việt Nam trước bối cảnh hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN/ Nguyễn Mạnh Hùng// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr. 29
Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community) sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Đối với Việt Nam khi trở thành thành viên của AEC sẽ mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Đặc biệt với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTMVN) sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, tiếp cận với các công nghệ quản trị tiên tiến, khai thác được một thị trường rộng lớn với hàng rào thuế quan và chính sách được khai thông. Bên cạnh những cơ hội mang lại, hệ thống NHTM cũng phải đối diện với nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với các tổ chức tài chính trong khu vực. Theo đánh giá của Brand Finance công ty đánh giá giá trị thương hiệu hàng đầu trên thế giới, năm 2015 Việt Nam chỉ có hai ngân hàng VietinBank và Vietcombank được lọt vào top 500 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất trên thế giới, trong khi đó Singapore có 3 ngân hàng, Malaysia có 7 ngân hàng, Indonesia có 6 ngân hàng, Thái Lan có 8 ngân hàng, Philippines có 4 ngân hàng.
Từ khóa: ngân hàng thương mại, Việt Nam, kinh tế, Asean, tài chính.
4. Kiểm soát lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2005 đến nay Những gợi ý chính sách cho giai đoạn 2016-2020/ Nguyễn Thị Hiền// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr. 33

Thực tế biến động kinh tế của Việt Nam trong vòng 20 năm qua là những bằng chứng tiêu biểu về tình trạng lạm phát cao cũng như những thành tựu đã đạt được trong quá trình nỗ lực chống và kiểm soát lạm phát thông qua các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Và mặc dù từ năm 2012 đến nay cơ bản lạm phát đã được kiềm chế ở dưới một con số tuy nhiên cho dù lạm phát ở mức thấp được duy trì nhưng không có sự cam kết nào của NHNN về ổn định giá cả thì những kỳ vọng về việc tăng giá luôn luôn tiềm ẩn và có thể quay trở lại gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.
Từ khóa: lạm phát, 2016, 2020, Việt Nam, ngân hàng
5. Giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn “tín dụng đen”/ Phạm Văn Hiếu// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr.37
Hoạt động tín dụng của các TCTD ở nước ta trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài các TCTD, hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân (TDND) tại các xã, quỹ hội cựu chiến binh, quỹ phụ nữ, tổ chức tài chính vi mô... cũng đã góp phần cung cấp những khoản tín dụng vừa và nhỏ giúp người dân có vốn sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, các TCTD, quỹ tín dụng, các quỹ hội... đã “phủ sóng” tất cả các tỉnh, thành phố, huyện, xã trên cả nước nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật, tâm lý ngần ngại khi thực hiện thủ tục vay vốn ngân hàng nên nhiều người dân vẫn phải tiếp cận “tín dụng đen” với lãi suất rất cao.
Từ khóa: Tín dụng, giải pháp, hạn chế, ngân hàng.
6. Khủng hoảng nợ công châu âu và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam/ Đào Duy Tiên, Nguyễn Phan Yến Phương// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 19 .- 10/2015 .- Tr. 40
Những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tới “sức khỏe” nền kinh tế thế giới trong thời gian qua cho thấy nợ công là một vấn đề mang tính toàn cầu, mà bất cứ một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo cũng có nguy cõ gặp phải. Vì thế, những bài học được rút ra từ các nền kinh tế đã và đang diễn ra khủng hoảng nợ công là kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia trong quá trình phát triển.
Từ khóa: nợ công, châu âu, Việt Nam, kinh nghiệm.
III. TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ SỐ 20 NĂM 2015
1. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Cầu nối quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức hội viên/  Phạm Hiếu// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 22
Trong những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ta có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng lẫn quy mô hoạt động, chất lượng hoạt động cũng ngày càng được nâng cao, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào kinh tế quốc tế. Bên cạnh sự phát triển của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) đã và đang đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ (CSTT), bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ các tổ chức hội viên cùng nhau phát triển, vượt qua khó khăn, hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Nhờ những đóng góp quan trọng này, HHNH đã được Chính phủ, NHNN cùng các Bộ, ngành, TCHV ghi nhận đánh giá cao.
Từ khóa: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tiền tệ, chính sách, ngân hàng nhà nước.
2.  Kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015/ Phạm Văn Hiếu// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 25
Sau hơn 3 năm triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các TCTD trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi như kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế thấp, thị trường bất động sản trầm lắng và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, khung khổ pháp lý chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập..., nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình. Những thành công này được thể hiện qua những diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất được kiểm soát, hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, tín dụng được đưa vào sản xuất và tăng trưởng hợp lý.
Từ khóa: Tín dụng, Việt Nam, tái cơ cấu, 2012, 2015.
3. Minh bạch và giữ được chữ “tín”, doanh nghiệp sẽ không khó tiếp cận vốn tín dụng/ Minh Phương//  Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 28
Trong những tháng cuối năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh hoạt động tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.
Từ khóa: tín dụng, doanh nghiệp, vốn.
4. Lãi suất USD giảm không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp/  Phương Linh// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 30
Theo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đối với khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai, thay vì găm giữ ngoại tệ và mất chi phí cơ hội lớn, khách hàng có thể bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua bán ngoại tệ lấy VND để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ kỳ hạn. Như vậy, thu nhập của khách hàng từ lãi VND không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho khách hàng.
Từ khóa: Lãi suất, ngoại tệ, doanh nghiệp, kinh tế.
5. Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn Việt Nam/ Nguyễn Thị Hạnh// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 32
Hiện dân số Việt Nam trên 90 triệu người, trong đó khoảng 70% dân cư sống tại vùng nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 90% của cả nước. Như vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống cho việc phát triển tài chính chính thức ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng hoạt động của các ngân hàng tại khu vực nông thôn và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân tại khu vực này, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho các ngân hàng tại khu vực nông thôn Việt Nam.
Từ khóa: ngân hàng, nông thôn, Việt Nam, dịch vụ.
6. Nhìn lại diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu quý III/2015/ Trung Lan// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 35
Trong quý III/2015, kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhẹ, với mức độ khác nhau giữa các khu vực. Nhờ vào thị trường lao động đang dần phục hồi, ngân sách ít bị thắt chặt hơn, giá cả hàng hóa hợp lý, và chi phí tài chính ở mức thấp, nhóm các nước thu nhập cao vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với Mỹ là quốc gia đầu tàu. Mặc dù vậy, sự phục hồi của khu vực đồng tiền chung châu Âu còn mong manh do ảnh hưởng từ những tàn dư của khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa được giải quyết triệt để (thất nghiệp cao, nợ công lớn) cũng như những bất ổn chính trị mới phát sinh (căng thẳng giữa Nga và Ukraina; khủng hoảng di cư châu Âu...).
Từ khóa: kinh tế vĩ mô, kinh tế, tài chính, toàn cầu, 2015
7. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng thương mại/ Nguyễn Hùng Tiến// Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ .- Số 20 .- 10/2015 .- Tr. 40
Để xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Chính phủ Nhật Bản còn tiến hành thành lập một số tổ chức trung gian tài chính khác chuyên về lĩnh vực này và hoàn thiện hệ thống pháp lý. Năm 1993, Chính phủ Nhật Bản thành lập Công ty mua nợ xấu của các hợp tác xã tín dụng và Công ty này hoàn tất việc mua nợ xấu vào tháng 3 năm 1998. Năm 1996, thành lập Công ty quản lý các khoản nợ xấu cho vay nhà ở, tiến hành thu hồi và tái cấu trúc các khoản nợ này. Năm 1998, ban hành Luật thu hồi nợ (Luật về các biện pháp đặc biệt liên quan tới công tác thu hồi và quản lý nợ). Năm 1999, thành lập Công ty mua và tái cấu trúc nợ xấu của các NHTM. Năm 2001, sửa đổi toàn bộ Luật phục hồi doanh nghiệp. Năm 2004, sửa đổi Luật phá sản: Cải cách hệ thống luật phá sản theo hướng hợp lý hóa, đơn giản hóa thủ tục nộp đơn yêu cầu, tăng cường quyền hạn của NHTM quản lý tài sản trong các vụ phá sản của người vay.
Từ khóa: Nợ xấu, tín dụng, ngân hàng thương mại, Nhật Bản, kinh nghiệm.
Trung tâm Thông tin Thư viện
 
 
Truy cập: 5208 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.