Tài liệu

Chủ nhật, 19/05/2024 - 08:41:24

Bài trích trong Tạp chí Ngôn ngữ số 4 năm 2013

Kính mời độc giả tìm đọc tại Phòng đọc NCKH - Trung tâm Thông tin - Thư viện - Trường Đại học Dân lập Hải Phòng

 


Tạp chí Ngôn ngữ số 4 năm 2013 gồm những nội dung chính sau:

1. Tiếp xúc ngôn ngữ và vấn đề song ngữ ở Việt Nam hiện nay/ Bùi Khánh Thế// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 3 - 10
    Ngay từ giai đoạn hình thành, theo sự ghi nhận của giới sử học dựa vào các cứ liệu khảo cổ và lịch sử, "trên đất nước ta đã có nhiều bộ lạc cư trú.... Do điều kiện sinh thái khác nhau, hoạt động kinh tế của các bộ lạc đó cũng có phần không giống nhau... Sự khác nhau giữa văn hóa vùng núi và vùng biển không những biểu hiện sự khác nhau về hoạt động kinh tế mà có thể còn biểu hiện sự khác biệt về mặt tộc người". Tiếp cận tình hình trên từ góc nhìn ngôn ngữ học có thể qua bối cảnh lịch sử đó rút ra hai hệ luận: 1) Vì ngôn ngữ là đặc trưng quan trọng nhất của tộc người, nên trong "sự khác biệt về tộc người" ắt có sự khác biệt về tiếng nói. 2) Các tộc người cùng sinh sống, cùng chung sức để tạo lập nên một đất nước chung, ắt phải giao tiếp lẫn nhau, và "ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao tiếp giữa người với người".
Từ khóa: Ngôn ngữ, song ngữ, Việt Nam, tiếp xúc ngôn ngữ.

2. Đặc điểm ngữ nghĩa của từ chỉ sản vật địa phương trong phương ngữ Huế/ Trương Thị Nhàn// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 11 - 18
    Đã có nhiều tác giả đề cập đặc điểm phương ngữ Huế, nhưng chủ yếu trong nghiên cứu chung về phương ngữ tiếng Việt; hay về phương ngữ Bắc miền Trung, hẹp hơn là phương ngữ Bình Trị Thiên... Mặt khác, các công trình chủ yếu miêu tả đặc điểm ngữ âm và vốn từ vựng địa phương, đối chiếu với vốn từ toàn dân, ít đi sâu phân tích đặc điểm ngữ nghĩa của các từ, các nhóm từ địa phương được nói tới. Bài viết này là một cố gắng nhằm bước đầu làm sáng tỏ đặc điểm ngữ nghĩa của một nhóm từ vựng địa phương: các từ chỉ sản vật địa phương trong phương ngữ Huế, qua đó góp thêm cứ liệu cho việc nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa và vị trí của phương ngữ Huế trong phân vùng phương ngữ tiếng Việt hiện đại.
Từ khóa: Ngôn ngữ, phương ngữ Huế, sản vật, đặc điểm ngữ nghĩa.

3. Có ... đâu ! và Không ... đâu !/ Nguyễn Văn Phổ// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 19 - 26
Về câu phủ định tiếng Việt, đã có nhiều công trình khảo sát rất công phu, đặc biệt là những công trình khảo sát từ góc độ lôgic. Đối với người Việt, sự khác biệt giữa 3 câu sau đây rất rõ ràng, dù hiển ngôn nó không phải là điều đơn giản: Tôi không uống cà phê - Tôi không uống cà phê đâu! - Tôi có uống cà phê đâu! Trong bài viết này, tác giả đề cập đến một vấn đề, đó là phân biệt có ... đâu và không ... đâu dưới góc độ thực hành tiếng.
Từ khóa: Ngôn ngữ, tiếng Việt, ngữ pháp.

4. Sự biến đổi từ âm Hán Trung cổ sang Hán Việt và Hán Hàn
/ Park Ji Hoon// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 27 - 37
Vấn đề xác định xuất phát điểm của Hán Việt và Đông âm không đơn giản vì lịch sử hình thành cách đọc chữ Hán ở hai nơi này đã đi theo một con đường khá quanh co bởi những lí do đặc thù về lịch sử, địa lí từng nước. Việt Nam và Hàn Quốc tiếp thu và chịu ảnh hưởng văn hóa Hán khá sớm. Trong quá trình tiếp xúc này, tiếng Việt và tiếng Hán đều vay mượn chữ Hán và dùng từ Hán để lấp sự thiếu hụt trong tiếng nói của mình. Ở tiếng Việt, những đặc điểm trong quá trình du nhập được thể hiện bằng 3 yếu tố như Tiền Hán Việt, Hán Việt, và Hậu Hán Việt. Nhưng ở Hán Hàn, ít để lại những dấu vết trước khi hình thành Hán Hàn. Bài báo so sánh sự biến đổi từ âm Hán Trung cổ sang Hán Việt và Hán Hàn.
Từ khóa: Ngôn ngữ, Hán Việt, Hán Trung cổ, Hán Hàn, so sánh.

5. Các khuynh hướng nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ trên thế giới/
 Lý Tùng Hiếu, Nguyễn Văn Huệ// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 38 - 51
Từ khi hình thành, ngôn gữ đã luôn gắn với văn hóa của nhân loại, văn hóa của những cộng đồng người cụ thể. Để nghiên cứu văn hóa, thường người ta phải nghiên cứu cả ngôn ngữ của nền văn hóa đó. Ngược lại, trừ một số chuyên ngành của ngôn ngữ học ngày nay chuyên nghiên cứu về cấu âm, cấu trúc..., nghiên cứu ngôn ngữ thường là nhịp cầu dẫn sang địa hạt văn hóa, đem lại những phát hiện về nội tâm văn hóa được chuyển tải qua ngôn ngữ. Chính vì vậy mà không phải đến khi các chuyên ngành nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa được khai sinh thì mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa  và việc tìm hiểu văn hóa thông qua ngôn ngữ mới bắt đầu. Trên thế giới, những công trình nghiên cứu như vậy đã được tiến hành từ rất lâu trước khi người ta nghĩ ra những danh xưng, những chuyên ngành khoa học để định danh, phân loại chúng. Vì vậy, bất cứ công trình tổng thuật nào về lịch sử nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa cũng cần phải nhắc đến sự đóng góp của các tác phẩm đó, cho dù chúng có được quy vào chuyên ngành nào đó hay không.
Từ khóa: Văn hóa, ngôn ngữ, thế giới, nghiên cứu.

6. Về thành ngữ, điển cố Chém rắn đuổi hươu/ Nguyễn Khắc Phi// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 52 - 56
Chém rắn đuổi hươu là một thành ngữ được sử dụng khá nhiều trong văn học cổ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải trong mọi văn cảnh, nó đều được dùng với một ý nghĩa xác định như nhau và nhất là mang một sắc thái biểu cảm giống nhau; đó là một trong những nguyên nhân làm cho các cách chú thích, giải thích thành ngữ này thường có chỗ vênh nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Nguyên nhân cơ bản hơn, có tính chất chủ quan, là do người chú thích, giải thích có khi chưa nắm thật chắc xuất xứ của các điển cố. Nhân năm Qúy Tỵ, bài báo đề cập đến chuyện này cũng là điều thú vị.
Từ khóa: Thành ngữ, điển cố, Việt Nam.

7. Khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm/ Lê Thị Hương// Tạp chí Ngôn ngữ .- Số 4 .- 4/2013 .- Tr. 57 - 63
Khẩu ngữ là những lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, nói chung nó ít được đưa vào thơ, đặc biệt là thơ có tính chất bác học, vì nếu sử dụng khẩu ngữ dễ làm cho câu thơ trở nên nôm na. Tuy nhiên, khi dùng tiếng mẹ đẻ, để bài thơ của mình trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn với người dân lao động, các nhà thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức đều đã đưa khẩu ngữ vào thơ với những mức độ khác nhau. Việc dùng khẩu ngữ đã làm cho  những câu thơ bớt đi sự sáo mòn, khô cứng, hơn nữa nó còn có khả năng cụ thể hóa hình ảnh thơ làm cho hình ảnh thơ trở nên sống động, đồng thời bộc lộ rõ thái độ của nhà thơ trước những vấn đề được nói đến. Khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm được sử dụng khá đa dạng và chọn lọc. Với lớp từ này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra những câu thơ mộc mạc mang hồn cốt dân gian, kéo thơ ông gần gũi hơn với cuộc đời.
Từ khóa: Thơ Nôm, khẩu ngữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, văn học


 
Trung tâm Thông tin - Thư viện
Truy cập: 5016 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.