Tài liệu học tập

Thứ bảy, 11/05/2024 - 22:27:45

Một số bệnh thường gặp trong hoạt động TDTT

Abstract Common diseases in sport practice are due to our body reactions to physical exercises, leading to physiological dysfunction of our body. Thus, the main causes of sicknesses and diseases in sport practice include unreasonable schedule of exercises wrong training methods leading to the consumption of too much energy, exceeding the physiological limits of our body durability.
 1. Đột tử trong thể thao
Trong tập luyện và thi đấu thể thao có khi xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tập vận động viên chết đột ngột. Chết đột tử thường gặp nhất là các môn sức mạnh, sức bền. Chết đột tử là một chấn thương tâm lý rất mạnh làm ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển thể thao.
- Nguyên nhân: theo nghiên cứu của các nhà khoa học (rơlê) người pháp khi khám nghiệm trên 22 tử thi tập luyện và thi đấu thể thao thì phát hiện nguyên nhân chính gây chết đột tử là do bệnh lý của bệnh tim mạch. (7 trường hợp liên quan đến mạch, 6 trường hợp do tật tim bẩm sinh, 4 trường hợp tắc động mạch vành, 5 trường hợp nhồi máu cơ tim) từ kết quả trên các nhà khoa học cho rằng các môn sức mạnh, sức bền do yêu cầu cơ thể phải hoạt động quá căng thẳng, vượt giới hạn cho phép mà cơ thể cũng như các cơ quan chức năng không thể đáp ứng được mà vẫn đột tử. Ngoài ra một số nhà khoa học Mỹ, Đức, Nam Triều Tiên cũng có kết luận sau khi nghiên cứu tử thi chết đột tử là do các nguyên nhân sau:
+ Chế độ ăn uống.
+ Căng thẳng quá độ.
+ Cao huyết áp.
- Phương pháp đề phòng: luôn thực hiện nguyên tắc vệ sinh tập luyện, không tập luyện với khối lượng quá lớn và căng thẳng vượt quá sức chịu đựng của vận động viên. Không được thi đấu nhiều môn trong một thời gian ngắn, nhất là các môn sức bền, sức mạnh. Trong  tập luyện cần phải thực hiện tốt các chế độ sinh hoạt, không hút thuốc lá và uống rượu bia. Tăng cường công tác kiểm tra y học thường xuyên trong tập luyện và sớm phát hiện những bệnh lý về tim mạch để phòng ngừa và điều trị sớm.
2. Căng thẳng quá mức
Là hiện tượng bệnh lý phát sinh đột ngột, thường xảy ra trong và sau khi tập luyện – thi đấu do tập luyện – thi đấu với lượng vận động quá lớn hoặc do chức năng tim mạch kém không đáp ứng nhu cầu tập luyện – thi đấu và cũng có thể do tình trạng sức khỏe, trạng thái chức năng của vận động viên bị giảm sút sau một thời gian nghỉ ngơi. Phân loại: triệu chứng lâm sàng của căng thẳng quá mức rất phức tạp, đa dạng và được chia làm các loại sau:
- Căng thẳng cấp tính (bệnh vận động cấp tính).
- Căng thẳng mãn tính (suy tim cấp tính).
- Co thắt mạch máu não.
+ Căng thẳng cấp tính: Bệnh này thường gặp ở những vận động viên hoạt động với cường độ cao cực đại và dưới cực đại của các môn sức mạnh và bền. Bệnh xảy ra sau khi kết thúc bài tập hoặc thi đấu. Vận động viên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, mặt tái, đi không vững, trí giác giảm….
- Sơ cứu: Đưa ngay nạn nhân vào nơi thoáng mát, tránh gió lùa, yên tĩnh và nằm ngửa, đầu thấp hơn chân cho máu trở về não tốt hơn, hít thở sâu. Sau một vài giờ nghỉ nạn nhân trở lại trạng thái tỉnh táo nhưng vẫn còn cảm giác mệt mỏi. Cần phải nghỉ ngơi từ 2 – 3 ngày mới tham gia tập luyện và có nguyên tắc đối xử cá biệt.
+ Suy tim cấp tính: Trong tập luyện hoặc thi đấu thể thao, đột nhiên vận động viên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, khó thở, mặt tím tái và đi không vững. Kiểm tra mạch, thấy mạch nhanh và yếu, có thể loạn nhịp, huyết áp giảm, có khi xuất hiện hôn mê hoặc bán hôn mê, nếu nặng nạn nhân mặt tím tái, đau nhói ở vùng tim.
- Sơ cứu: Đưa nạn nhân đến bệnh viện gấp, nếu có điều kiện dùng thuốc trợ tim kèm theo.
+ Co thắt mạch máu não:Bệnh này thường gặp nhất ở các môn chạy, trong khi đang chạy vận động viên tự nhiên quỵ ngã, tri giác giảm hoặc mất, thường kèm theo buồn nôn mửa, nhức đầu, thậm chí có thể liệt nửa người.
- Sơ cứu: Đưa ngay nạn nhân vào nơi thoáng mát, nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, nếu có điều kiện cho nhạn nhân dùng thuốc an thần, tiêm tĩnh mạch 40ml dung dịch glucoza ưu trương và đưa đến bệnh viện.
3. Choáng trọng lực (shock)
Choáng trọng lực là một loại bệnh cấp tính xảy ra sau khi vận động viên chạy xong ngã xuống và mất tri giác.
- Nguyên nhân: Sau khi vận động viên chạy về tới đích, tự nhiên giảm tốc độ đột ngột hoặc dừng lại làm cho máu tĩnh mạch mất đi tác dụng đè ép khi cơ co duỗi cộng với tác dụng trọng lực của máu làm cho máu dồn xuống chi dưới quá nhiều, máu trở về tim khó khăn, làm cho cung tim giảm đột ngột, quá trình đó làm cho não thiếu máu và oxy đột ngột làm cho vận động viên choáng.
- Triệu chứng: Vận động viên mất tri giác và ngã xuống, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, tay chân lạnh, người mệt, tim đập chậm, yếu, đồng tử co lại. Triệu chứng này chỉ xuất hiện thời gian ngắn cơ thể sẽ hồi phục lại.
- Xử trí: Đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nằm đầu thấp hơn chân, nới lỏng quần áo, bấm huyệt nhân trung, nếu có ngừng thở dùng phương pháp hà hơi thổi nhạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cho vận động viên uống nước trà đường nóng.
-  Cách đề phòng: Chạy về đích không nên dừng đột ngột, tiếp tục chạy và giảm tốc độ, hít thở sâu, không nên ngồi sau khi chạy xong. Nếu có vận động viên có biểu hiện choáng, nên sốc hai vai vận động viên đi tiếp, hít thở sâu, sau đó cho nằm nghỉ, để đầu thấp hơn chân cho máu trở về não.
4. Hội chứng đau bụng trong tập luyện và thi đấu
Các vận động viên tập luyện và thi đấu sức bền như các môn chạy dài, đi bộ, xe đạp… thường xuất hiện hiện tượng đau bụng (đau khu sườn phải hoặc bụng trên). Dạng đau này xuất hiện trước, trong hoặc sau tập luyện và thi đấu, khi đau nặng phải ngừng tập luyện.
- Cơ chế của hội chứng đau bụng trong tập luyện, thi đấu do các nguyên nhân sau:
- Trình độ huấn luyện kém: Khi tiến hành vận động với cường độ cao do công năng tim kém, không tống máu ra ngoài được hết, máu ở tĩnh mạch lớn về tim khó khăn, tập trung nhiều ở gan, tụy làm cho màng gan và tụy căng lên dẫn đến đau bụng.
- Phương pháp thở không đúng: Phá rối nhịp thở làm quan hệ của máu và tuần hoàn hô hấp rối loạn, máu tụ lại nhiều ở tĩnh mạch mà dẫn đến đau bụng, hơn nữa do thở quá gấp hoạt động của cơ hoành rối loạn, cơ hoành thiếu oxy tạo rút cơ tại cơ hoành gây nên đau bụng.
- Chuẩn bị hoạt động không tốt: Bắt đầu chạy quá nhanh công năng của hệ thống tiêu hóa không thích nghi với hoạt động làm cho một số thức ăn tụ lại ở một đoạn nào đó làm căng lên dẫn đến đau bụng, ngoài ra màng ruột căng lên cũng dẫn đến đau bụng.
­-  Xử trí:
- Nếu xuất hiện đau bụng nhẹ dùng tay ấn vào chỗ đau, giảm tốc độ chạy, dùng sức hít – thở sâu và đều.
- Nếu nặng quá, dừng vận động và cần có bác sĩ khám để chẩn đoán và phân biệt bệnh để điều trị.
- Cách đề phòng:
- Tăng cường huấn luyện toàn diện về các tố chất vận động, chủ yếu là sức mạnh và sức bền.
- Chú ý tập trung hít thở sâu và có phương pháp.
- Chuẩn bị hoạt động chu đáo, biết phân sức trong tập luyện và thi đấu, nhất là ở những môn sức bền.
- Tuân thủ nguyên tắc và chế độ huấn luyện.
5. Cảm nắng
Tập luyện và thi đấu vào mùa hè, vận động viên thường dễ bị cảm nắng do khí hậu oi bức, đứng ngoài nắng lâu, những vận động viên có trình độ thấp dễ bị mắc phải do chưa thích nghi và chức năng cơ thể chưa đáp ứng kịp, cảm nắng thuộc loại bệnh cấp tính, phát sinh bởi khí hậu oi bức.
- Nguyên nhân: Do cơ chế điều hoà thân nhiệt, sự điều tiết này bởi sự chỉ đạo của hệ thần kinh trung ương qua hệ thống thần kinh thực vật và một loại phản xạ khác sự sản sinh và tiêu hao luôn luôn tương ứng. Nếu nhiệt độ ở cơ thể con người quá cao sẽ được điều tiết và đưa ra ngoài cơ thể. Tán nhiệt của cơ thể xảy ra theo 3 phương thức: chuyển nhiệt bức xạ và bốc hơi (chuyển nhiệt 30%; bức xạ 45%, bốc hơi 25%). Khi khí hậu trên 300 do chuyển nhiệt, bức xạ, bốc hơi khó khăn, do đó sự tán nhiệt của cơ thể bị cản trở. Sự tán nhiệt của cơ thể nhanh chậm có quan hệ đến độ ẩm thấp, nhiệt độ và tốc độ gió. Khi tập luyện dưới khí  hậu oi bức với khối lượng nặng, mật độ cao, cơ thể sản sinh ra nhiệt, nhiệt tích luỹ ở trong cơ thể cao, có khi lên 40 – 420  làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của các chức năng và cơ cho sinh lý cơ thể, kết hợp mất nước và muối trong cơ thể dẫn đến sự cảm nắng.
-  Triệu chứng: Tuỳ bệnh nặng hay nhẹ mà có triệu chứng khác nhau:
+ Nhẹ: Người mệt mỏi, suy nhược do mất nhiều muối và nước.
+ Nặng: Nhiệt độ cơ thể bị sốt cao khoảng 40 – 410, mạch và tần số hô hấp tăng, cơ thể mất nhiều nước và muối. Choáng, buồn nôn, sợ ánh sáng, nạn nhân có thể bị ngất hoặc hôn mê.
- Xử trí: Đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nới rộng quần áo, nằm đầu cao để giảm xung huyết não, chườm lạnh lên đầu và lau ướt khắp cơ thể để giảm sốt, uống trà nóng đặc có đường hoặc nước chanh pha đường, không nên cho nạn nhân uống nước lạnh, nước đá vì nó sẽ làm ngăn cản quá trình hấp thụ nước và muối, nếu cần thiết nên dùng thuốc hạ sốt, nặng chuyển đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
6. Chuột rút
Chuột rút là một loại bệnh thường gặp tập luyện và thi đấu thể thao, do cơ co lại quá độ, không duỗi ra được gây nên, thường gặp nhất là cơ sau cẳng chân, cơ co duỗi bàn chân, cơ bụng.
-  Nguyên nhân:
- Do khí hậu lạnh: Tập luyện và thi đấu trong mùa rét cùng với sự khởi động không kỹ, cơ bị kích thích dẫn đến chuột rút.
- Do khí hậu oi bức, nóng nực, tập luyện với lượng vận động lớn, thời gian dài, cường độ cao, sản lượng nước và muối khoáng trong cơ thể mất nhiều dẫn đến chuột rút.
- Trong tình trạng cơ thể quá mệt mỏi, khi hoạt động cơ co duỗi quá nhanh, cơ không thay nhau co duỗi được cũng gây nên chuột rút.
- Xử trí:
- Xác định cơ bị chuột rút và kéo căng cơ chuột rút khoảng 30 – 40 giây. Ví dụ: chuột rút ở cơ sau cẳng chân, dùng tay kéo ngược bàn chân đó lên trên ép vào mặt trước cẳng chân làm căng cơ sau cẳng chân, sau đó xoa bóp cơ bị chuột rút, nếu không khỏi nên bấm huyệt, châm cứu huyệt thừa sơn, uỷ trung.
- Nếu chuột rút ở gan bàn chân, châm cứu huyệt dũng truyền.
- Nếu chuột rút ở cổ chân thì châm cứu hai đầu mắt cá.
- Cách đề phòng
- Chuẩn bị thể lực tốt.
- Khởi động kỹ, nhất là mùa đông.
- Nếu bơi vào mùa đông, phải lau người bằng nước lạnh trước khi xuống hồ bơi.
- Bổ sung muối và nước trong khẩu phần ăn.
7. Hạ đường huyết
Vận động viên hoạt động với lượng vận động lớn trong một thời gian dài thì lượng đường trong cơ thể vận động viên tiêu hao nhiều do quá trình chuyển hoá năng lượng cho cơ hoạt động, nồng độ glucozo trong máu giảm mạnh làm hạ đường huyết. Hạ đường huyết thường xảy ra với các vận động viên sức bền như: chạy cự ly dài, đua xe đạp… và xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Theo Jamahob cho rằng, cơ chế điều tiết trao đổi chất đường của vỏ não bị rối loạn và chất insulin tăng cũng thúc đẩy triệu chứng giảm đường trong máu. Do đó khi cảm bị kích động, trạng thái trước thi đấu… cũng là nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết.
- Triệu chứng: Theo nghiên cứu của fobrykank 1943, khi cơ hoạt động mạnh trong một thời gian dài, hàm lượng đường trong máu giảm xuống rõ rệt, khi hàm lượng đường trong máu giảm 50%mg, cơ thể xuất hiện mệt mỏi, bụng đói, ngồi đứng không yên, chóng mặt, ra mồ hôi lạnh, cảm giác vô lực, nếu giảm dưới 50%mg, cơ thể vận động viên suy sụp, mất trí và có thể hôn mê. Kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý: mạch nhanh, yếu, đường trong máu giảm xuống dưới 40 – 50mg.
-  Xử trí: cho nạn nhân nghỉ ngơi, uống nước chè pha đặc đường, nếu được cho ăn một ít thức ăn như bánh ngọt… nếu bị sốc do hạ đường huyết, truyền tĩnh mạch dung dịch glucoza 50%.
8. Chết đuối và cấp cứu
Chết đuối là một dạng chết ngạt dưới nước do nước tràn vào phổi ngăn cản đường hô hấp làm nạn nhân suy hô hấp và chết. Nạn nhân  bị chết đuối (nếu sớm) có các triệu chứng sau:
- Bị ngạt do nước tràn vào miệng, mũi và phổi.
- Nạn nhân lơ mơ, thân người tím tái.
- Thở yếu, tim còn đập nhưng rất yếu hoặc có thể ngưng thở, ngừng tim. Việc cứu sống nạn nhân phụ thuộc vào thời gian cứu vớt nạn nhân lên bờ và phương pháp cấp cứu tại chỗ.
- Cấp cứu: Khi vớt nạn nhân lên bờ, người cứu vác nạn nhân lên vai, bụng nạn nhân úp vào vai, đầu dốc ngược xuống và chạy khoảng 15 – 20 m để nước trong dạ dày, phổi của nạn nhân thoát ra ngoài bằng miệng, mũi. Sau đó đặt nạn nhân nằm xuống, lấy khăn lau sạch các dịch tràn từ miệng, mũi và móc các dị vật trong miệng, mũi để làm thông đường hô hấp. Ngay lập tức tiến hành phương pháp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải luôn kiên trì cấp cứu từ 15 đến 30 phút bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực liên tục (4 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực thì thực hiện 1 lần hà hơi thổi ngạt). Nếu cơ thể nạn nhân ấm, thở được, tim đập trở lại, nhanh chóng chuyển bệnh viện để điều trị.
+ Phương pháp hà hơi thổi ngạt
Phương pháp hà hơi thổi ngạt là phương pháp cấp cứu đơn giản nhưng mang hiệu quả rất cao trong các trường hợp ngừng thở hoặc thở rất yếu, tim còn đập (chết đuối, điện giật, chấn thương sọ não…) thao tác:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa, người cấp cứu quỳ một bên đầu nạn nhân.
- Làm sạch đường hô hấp của nạn nhân (miệng, mũi và lấy các dị vật trong miệng).
- Ngửa cổ nạn nhân ra phía sau để thông đường hô hấp.
- Một tay bịt mũi nạn nhân và dùng hơi hít thật sâu áp miệng của mình vào miệng của nạn nhân rồi thổi một hơi thật mạnh, thực hiện xong thả tay bịt mũi, tiếp tục thực hiện lần sau như trên sao cho 15 – 20 lần/ phút. Khi thực hiện luôn nhớ miệng, mũi của nạn nhân phải sạch để thông đường hô hấp.
+ Phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực
Trong trường hợp nạn nhân ngừng thở, tim đập yếu hoặc ngừng đập, không bắt mạch được, không nghe thấy tiếng tim, phải tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực ngay. Thao tác:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa nơi thoáng.
- Người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân, đặt bàn tay phải lên ngực trái (ngay núm vú) và bàn tay trái đặt chồng trên bàn tay phải, dùng sức mạnh vừa đủ để cả hai tay ấn mạnh vào ngực trái (không dùng lực quá mạnh làm gãy xương sườn nạn nhân) và thả ra ngay, tiếp tục thực hiện liên tục như thế, sao cho nhịp nhàng và số lần từ 60 – 80 lần / phút, vì nhịp tim người sống là 60 – 80 lần / phút.
- Thực hiện phải kiên trì từ 20 – 30 phút, nếu nhịp tim đã trở lại, phải tiếp tục thực hiện và theo dõi nhịp tim, nhiều trường hợp tim ngừng đập trở lại. Dấu hiệu của tim đã hồi phục sau khi xoa bóp tim ngoài lồng ngực:
- Mỗi lần ép tim, thất động mạch ở bẹn đập.
- Sắc mặt nạn nhân bớt tím tái.
- Đồng tử giãn to
Ghi chú: Nếu hai người cấp cứu thì một người hà hơi thổi ngạt với 16 – 20 lần / phút và một người xoa bóp tim ngoài lồng ngực với 60 – 80 lần / phút, đối với trẻ em số lần tăng lên khoảng 5 – 10 lần. Chống chỉ định: không dùng phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực đối với những trường hợp sau: chấn thương vùng ngực, ứ máu, chảy máu ngoài màng phổi, tràn dịch màng phổi, khí thủng phổi.
Tài liệu tham khảo
1.Y  học thể dục thể thao( Sách giáo khoa dùng cho sinh viên các trường đại học thể dục thể thao) - Ủy ban TDTT, Trường Đại học TDTT I - Lưu hành nội bộ - NXB TDTT Hà Nội 2000.
2.Trần Quốc Diệu, Chấn thương thể thao, NXB TDTT, H, 2001.
3. Dương Xuân Đạm, Thể dục phục hồi chức năng, NXB TDTT, H, 1978.        
4.ThS.Lưu Quỳnh Loan - Giáo trình giáo dục thể chất 2, 3( Dùng cho sinh viên không chuyên các trường đại học) - Trường Đại học Hải phòng, khoa TDTT - Hải Phòng 2011.

ThS. Nguyễn Thị Nhung & ThS. Vũ Thị Thùy Linh
Bộ môn Giáo dục thể chất
Truy cập: 30452 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.